Thursday, May 2, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhải chăng năm 2023, TQ đứng ngoài những tiêu cực và đối...

Phải chăng năm 2023, TQ đứng ngoài những tiêu cực và đối đầu căng thẳng ở Biển Đông?                             

Đầu năm 2024, khi trả lời phỏng vấn của báo Tân Kinh (Trung Quốc) về tình hình Biển Đông năm 2023, ông Ngô Sỹ Tồn – Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu hải dương Hoa Dương, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông), Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc Đông Nam Á, cho rằng, tình hình Biển Đông năm 2023 nhìn chung vẫn ổn định và có thể kiểm soát, tuy nhiên cũng xuất hiện một số thay đổi đáng lo ngại.

Đó là: Việc một số nước, nhất là Mỹ quân sự hóa Biển Đông đã trở thành yếu tố tiêu cực lớn nhất ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định của vùng biển này; các cơ chế an ninh “đa phương hẹp” liên tục xuất hiện ở Biển Đông, đều lấy Trung Quốc là kẻ thù giả tưởng; hành động đơn phương trên biển của các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như bồi đắp các đảo/đá, khai thác dầu khí ở vùng biển đang tranh chấp… đã làm gia tăng mâu thuẫn giữa các nước có tranh chấp; sự đối đầu ngày càng tăng xoay quanh bãi cạn Scarborough và Cỏ Mây là do Philippines tìm cách dựa vào sự ủng hộ của Mỹ để phá vỡ nguyên trạng, củng cố và mở rộng lợi ích của mình; một số nước có yêu sách ở Biển Đông cũng tìm cách củng cố lợi ích thông qua các hành động đơn phương. Từ đó, ông Ngô quy chụp rằng, có ba nguyên nhân chính khiến tranh chấp ở Biển Đông bị mở rộng và quốc tế hóa: 1/ Mỹ thực hiện chính sách đối với Biển Đông theo lối thiên vị và dung túng cho một số nước có yêu sách muốn thay đổi nguyên trạng. 2/ Một số nước có yêu sách thực hiện các hành động đơn phương, lấy việc tối đa hóa và củng cố các lợi ích của mình làm mục tiêu. 3/ Vai trò của các cơ chế kiểm soát khủng hoảng và hợp tác trên biển bị suy yếu do một số nước thiếu mong muốn chính trị và tin tưởng lẫn nhau. Soi mãi trong những phát biểu của ông Ngô, không thấy “mặt mũi” Trung Quốc ở đâu, cứ như nước này chả liên quan gì đến những gì đang diễn ra ở Biển Đông vậy.

Đối với sự kiện các tàu Hải cảnh Trung Quốc gia tăng các vụ va chạm với tàu thuyền của Philippines ở bãi cạn Scarborough và Cỏ Mây, ông Ngô lại “tố” rằng, Mỹ là yếu tố đóng vai trò tuyệt đối trong vấn đề này, còn chính quyền tổng thống Marcos Jr của Philippines cũng không đáng tin cậy. Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 1/2023, ông Marcos Jr đã ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác và đưa ra một số cam kết với Trung Quốc, nhưng sau khi về nước lại trở mặt. Tháng 2/2023, ông thăm Nhật Bản và ký Thỏa thuận cứu trợ nhân đạo với nước này, đồng thời dựa theo mô hình hợp tác Mỹ – Philippines để tiến tới ký kết Hiệp định các lực lượng thăm viếng nhau Philippines – Nhật Bản. Nếu hiệp định này được ký thì Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có thể dễ dàng tiến vào Philippines. Tháng 5/2023, ông lại đến thăm Mỹ và ký kết Hướng dẫn phòng thủ song phương, hai bên đã đưa ra các biện pháp mới xoay quanh việc chia sẻ thông tin tình báo, xây dựng năng lực và tác chiến chung. Đặc biệt, tháng 4/2023, Mỹ tuyên bố thiết lập 4 căn cứ quân sự mới ở Philippines và đang tận dụng thời gian ông Marcos Jr cầm quyền để khẩn trương hoàn thành những việc nước này muốn làm ở Philippines, nhất là xây dựng hệ thống căn cứ quân sự. Vì thế, Mỹ muốn tạo ra “tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh” cho Philippines, tức là làm cho Philippines bị Trung Quốc “đe dọa” và “bắt nạt” ở Scarborough, Cỏ Mây, từ đó Mỹ có lý do để ép Philippines đẩy nhanh việc xây dựng căn cứ quân sự của Mỹ. Trong khi một bộ phận quan chức Quân đội Philippines là do Mỹ đào tạo và bồi dưỡng. Những yếu tố này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc hiện nay.

Về câu hỏi liệu việc đàm phán COC sẽ được đẩy nhanh và đạt kết quả thực chất hơn không, ông Ngô cho rằng, thúc đẩy đàm phán COC là việc làm đúng đắn về mặt chính trị. Tuy nhiên, các nước như Philippines và Việt Nam có thể chưa muốn sớm đạt được COC, có lẽ do những nước này muốn càng muộn càng có lợi cho mình?

Trước tình hình an ninh quốc tế ngày càng phức tạp, xung đột Nga -Ukraine vẫn tiếp diễn, xung đột Palestine – Israel ngày càng gay gắt, có người lo ngại rằng nếu vấn đề Biển Đông không được kiểm soát tốt, va chạm có thể leo thang hơn nữa, ông Ngô nhận định rằng, sẽ không có xung đột lớn giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông, bởi vì qua nhiều năm đọ sức và thăm dò, Trung Quốc và Mỹ đã hình thành bộ quy tắc quản lý và kiểm soát khủng hoảng. Đồng thời, cuộc đọ sức giữa hai bên ở Biển Đông vẫn đang trong giai đoạn thăm dò điểm giới hạn của mỗi bên, tức là tìm ra điều gì hai bên không thể chạm tới, bởi một khi Trung Quốc và Mỹ xảy ra xung đột thì đó sẽ là bi kịch đối với cả hai bên, khu vực và quốc tế. Mặc dù Trung Quốc và Mỹ đều đang cố gắng tránh xung đột nhưng một số nước ở khu vực Biển Đông được Mỹ hậu thuẫn, có thể có những hành động mạo hiểm xuất phát từ lợi ích của mình.

Vậy là, cứ theo như giọng điệu trả lời phỏng vấn trên đây của ông Ngô Sỹ Tồn, thì mọi diễn biến phức tạp xảy ra trên Biển Đông trong năm 2023 chủ yếu là do Mỹ và các đồng minh, đối tác của Mỹ gây ra, còn Trung Quốc thì vô can, không dính dáng gì. Trong khi, thực tế thì lại khác hẳn nếu không nói là trái ngược, điều này cần được chỉ ra với những bằng chứng rất cụ thể sau đây:

Thứ nhất, trên thực địa: (1) Trung Quốc gia tăng triển khai các hoạt động “chiến thuật vùng xám”.Đó là huy động tàu Cảnh sát biển nhiều lần đụng độ nghiêm trọng với tàu Philippines ở gần bãi Cỏ Mây thông qua các hành động như chiếu tia laser cấp độ quân sự, tạt ngang mũi tàu, “bắn” vòi rồng, thậm chí va chạm nguy hiểm. Đồng thời, nhiều lần chặn đầu tàu Cảnh sát biển của Việt Nam ngay trong vùng biển của Việt Nam. (2) Trung Quốc tăng cường tàu khảo sát, nghiên cứu hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của các nước ven Biển Đông, đưa cả tàu dân quân biển và tàu cảnh sát biển tháp tùng. Điển hình như: Tàu Gia Canh xâm phạm EEZ của Philippines vào tháng 3-4/2023, quay lại vào tháng 5/2023; tàu Hải Dương địa chất 4 vào tháng 3/2023 và Hướng Dương Hồng 10 vào tháng 5/2023 xâm phạm EEZ của Việt Nam; tàu Hải Dương 8 vào tháng 6/2023 xâm phạm bãi cạn Luconia thuộc thềm lục địa của Malaysia, có lúc tiến sát giàn khoan Malaysia đang vận hành buộc nước này phải điều tàu hải quân ra giám sát. (3) Trung Quốc gia tăng đột ngột số lượng tàu cá hoạt động gần một số thực thể tại Trường Sa. Theo đó: Tại bãi cạn Iroquois (phía Nam bãi Cỏ Rong) tăng từ 10 tàu (tháng 2/2023) lên 48 tàu (cuối tháng 6/2023); từ ngày 9/8 – 11/9/2023, tại Đá Khúc Giác và Đá Sa Bin thuộc Philippines, có lần lượt 33 tàu cá và 15 tàu khác hiện diện. Tại phía Nam Biển Đông, cũng thường xuyên có số lượng lớn tàu cá (tháng 2/2023), không trở về cảng trong thời gian cấm đánh bắt cá, nhiều tàu còn không có quốc kỳ và hoạt động dài ngày sát bờ biển Việt Nam.

Bên cạnh đó, các hoạt động quân sự mang tính răn đe cũng tăng kèm. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến tháng 11/2023, Trung Quốc đã tiến hành ít nhất 86 cuộc tập trận trên Biển Đông, so với năm 2022 là 96 cuộc và năm 2021 là 58 cuộc. Trong đó có tập trận của tàu sân bay Sơn Đông vào tháng 9/2023; tập trận  chống ngầm với hơn 12 máy bay tuần tra Y-8 vào tháng 10/2023; rồi có đến 6 – 7 cuộc diễn tập thực chiến, trinh sát và đối kháng trên không với sự tham gia của tàu khu trục Type 055 và máy bay tiêm kích J-10…

Lẽ đương nhiên, do Trung Quốc có những hoạt động như vậy nên cả Mỹ lẫn các nước trong khu vực “có cho kẹo” cũng chẳng dám ngồi yên. Về phía Mỹ, nước này tiến hành 5 cuộc hoạt động tự do hàng hải (FONOP) công khai, bằng với năm 2021 và 2022 nhưng ít hơn năm 2020 (10 cuộc). Song không vì thế mà năng lực răn đe của Mỹ giảm đi, do: (1) Số cuộc tập trận của Mỹ với đồng minh, đối tác trên Biển Đông và toàn khu vực gia tăng đáng kể, với ít nhất 129 cuộc, tăng hơn 49 cuộc so với năm 2022; (2) Mỹ đã có quyền tiếp cận căn cứ quân sự trên đảo Balabac của Philippines ở sát Trường Sa, theo thỏa thuận EDCA mới với Philippines; (3) Lực lượng Cảnh sát biển Mỹ bắt đầu hiện diện tại khu vực thông qua diễn tập với Cảnh sát biển Philippines và Nhật Bản, diễn tập CARAT với Brunei và tuần tra chung với Philippines tại Biển Đông.

Về phía các nước ASEAN và các nước tầm trung khác ở khu vực, nước nào cũng lo thúc đẩy những hoạt động tương tự tại Biển Đông hoặc trong vùng biển lân cận Biển Đông. ASEAN lần đầu tiên tiến hành tập trận quân sự với Ấn Độ (02 – 08/5/2023) và tập trận riêng giữa các nước thành viên với nhau (19 – 23/9/2023), tất cả đều tại Biển Đông; Nhật Bản cũng lần đầu làm quan sát viên tập trận “Salanib” giữa Mỹ và Philippines (06/3/2023); các nước tầm trung khác tham gia ít nhất 10 cuộc tập trận tại Biển Đông trong 6 tháng cuối năm, bao gồm tập trận Trident của Australia – Nhật Bản (24 – 25/6/2023), tập trận Alon 2023 của Australia – Philippines (21/8/2023) hay Noble Caribou của Mỹ – Australia – Canada – New Zealand (23/10/2023)…

Thứ hai, trên lĩnh vực pháp lý, Trung Quốc tiếp tục đưa ra nhiều “nội luật” để gia tăng hiện diện và quyền kiểm soát tại Biển Đông. Tháng 02/2023, Bộ Tài nguyên Môi trường Trung Quốc ban hành văn bản về Quy phạm khi vẽ bản đồ, quy định mọi bản đồ công khai phải vẽ cực Nam lãnh thổ kéo dài đến bãi Tăng Mẫu ở Trường Sa, dùng ký hiệu đường biên giới trên đất liền để vẽ đường đứt đoạn và vẽ đầy đủ các đảo ở Biển Đông. Tháng 3/2023, Trung Quốc công bố danh sách 33 tuyến khảo sát – nghiên cứu khoa học trên biển, trong đó có một số tuyến cắt qua EEZ của các quốc gia ven Biển Đông và biển Hoa Đông. Tháng 8/2023, Trung Quốc công bố “bản đồ tiêu chuẩn” năm 2023, trong đó lặp lại yêu sách chủ quyền tại Biển Đông, nâng cấp “đường chín khúc” thành “đường mười khúc”…

Thứ ba, trên lĩnh vực truyền thông, Trung Quốc cũng ra sức “đẩy nóng” tình hình Biển Đông lên trong “cuộc chiến dư luận” với các nước nhằm “hơn thua”Cụ thể:

Sau khi bị giới phóng viên báo chí quốc tế, khu vực và nhất là truyền thông Philippines công khai phanh phui, tố cáo bằng chứng về những hành động gây sự, bắt nạt và đe dọa hung hăng xung quanh các vụ va chạm với lực lượng tàu thuyền của Philippines tại bãi Cỏ Mây, Scarborough, Trường Sa… phía Trung Quốc lập tức huy động phóng viên, báo chí của họ tìm mọi cách và ra sức bác bỏ các thông tin từ phía truyền thông quốc tế, khu vực và Philippines. Họ cũng đưa ra các hình ảnh làm bằng chứng để khẳng định chủ quyền của mình đối với các khu vực trên, khiến cho báo chí, truyền thông trở thành mặt trận cạnh tranh mới và “nóng bỏng” giữa Trung Quốc với các nước liên quan đến Biển Đông.

Không chỉ có Philippines, Mỹ cũng có xu hướng công khai các vụ đụng độ của Trung Quốc. Cuối tháng 02/2023, một số phóng viên các tờ báo lớn của Mỹ thường trú tại châu Á đã được mời lên máy bay của Mỹ cùng bay trên Biển Đông để “thực mục sở thị” cảnh máy bay Trung Quốc tiếp cận ở cự ly gần. Ngày 17/10/2023, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hàng chục hình ảnh và video về các hành vi “nguy hiểm” của máy bay Trung Quốc với máy bay Mỹ và đồng minh, đối tác tại Biển Đông và biển Hoa Đông trong năm 2022 và 2023, cho biết số lượng vụ việc lên tới gần 300. Bộ Quốc phòng Mỹ còn ra Báo cáo phát triển an ninh và quân sự Trung Quốc năm 2023, trong đó khẳng định, Trung Quốc thực hiện 180 vụ ngăn chặn Mỹ trên không “đầy rủi ro” trong 2 năm qua. Đáp trả lại Mỹ, Bắc Kinh cũng thường xuyên tung lên truyền thông các tin tức và hình ảnh theo hướng đổ cho căng thẳng trên Biển Đông là do hành vi khiêu khích của Mỹ.

Trước thực trạng tình hình như trên, đối với những chuyên gia, học giả nghiên cứu công tâm thì dĩ nhiên phải rút ra nhận xét rằng: Mọi diễn biến phức tạp trên Biển Đông trong năm 2023 là có liên quan đến nhiều bên và đều xuất phát từ lợi ích và tính toán của mỗi bên. Trong đó, nhân tố có giá trị và tác động, ảnh hưởng lớn nhất đến tình hình Biển Đông phải là các nước lớn là Mỹ và Trung Quốc, không ai khác vì đây là hai nước có tiềm lực, năng lực và vị thế lớn nhất, cũng có tham vọng, ý đồ lớn nhất tại khu vực. Mỹ thì ở xa, Trung Quốc lại ở gần nên khách quan mà nói, Trung Quốc mới là nhân tố khuấy động chính, là “kẻ gây rối” chứ không thể vô can và đứng ngoài cuộc trong các diễn biến trên như những phát biểu và đánh giá của ông Ngô. Chính vì thế, nhiều chuyên gia, học giả quốc tế và khu vực dự báo, trong năm 2024, Trung Quốc vẫn là nhân tố chính quyết định mức độ “nóng, lạnh” của tình hình Biển Đông, trong đó:

Về diễn biến trên thực địa, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ hành xử cứng rắn hơn ở các khu vực như bãi Cỏ Mây, Tư Chính, Luconia…; thúc đẩy sử dụng các hoạt động theo “chiến thuật vùng xám” đa dạng hơn như khảo sát địa chấn, nghiên cứu khoa học, rải cáp ngầm, thử nghiệm ứng dụng các công nghệ biển mới… Trung Quốc cũng có thể gia tăng hơn vai trò của lực lượng dân quân biển, hướng tới các thực thể chưa có người chiếm đóng ở Biển Đông. Về phạm vi, Trung Quốc sẽ mở rộng sự hiện diện của họ ở trên biển, dưới biển và trên không. Do đó, các “sự cố” tương tự như đã xảy ra tại bãi Cỏ Mây năm 2023 vẫn có khả năng sẽ xảy ra. Song, Trung Quốc vẫn sẽ kiềm chế hoạt động can dự của lực lượng hải quân, ưu tiên sử dụng lực lượng cảnh sát biển trong hành động để giữ động lực đàm phán COC, không tạo cớ để Mỹ can dự sâu hơn vào Biển Đông và duy trì môi trường ổn định cho chính Trung Quốc phát triển.

Về chính trị – ngoại giao, pháp lý, Trung Quốc sẽ tiếp tục phản đối hiện diện của Mỹ và đồng minh tại Biển Đông, đẩy mạnh ngoại giao láng giềng với ASEAN, theo đuổi các đề xuất khai thác chung nhưng có thể tạo sức ép với ASEAN để thúc đẩy hoàn tất COC theo hướng có lợi cho mình. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai các “nội luật” đã công bố hai năm qua, chuẩn bị cho khả năng xuất hiện vụ kiện mới từ phía Philippines, theo đuổi các yêu sách theo “quyền lịch sử” hay các tập quán với các đảo xa bờ. Với Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ), Bắc Kinh sẽ tiếp tục thúc đẩy để các Khu vực Bảo tồn biển (MPA) không được thiết lập tại Biển Đông, nhất là trong “đường mười khúc”, qua đó phủ nhận vùng biển cả tồn tại ở đây.

Về truyền thông tuyên truyền, Trung Quốc có thể sẽ có cách tiếp cận truyền thông chủ động hơn, đa dạng hơn và cũng tinh vi hơn. Họ cũng sẽ “bắt chước” theo chiến thuật của Mỹ, Philippines. Đó là sẵn sàng đưa ra các thông tin là hình ảnh, video thực địa hay dùng dữ liệu vệ tinh và nguồn tin mở để phản bác các luận điểm trái chiều với Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhiều khả năng họ sẽ tiếp tục nâng cao năng lực kênh 1.5 và kênh 2 để thúc đẩy yêu sách trên trường quốc tế, định hướng dư luận theo hướng Mỹ và đồng minh mới là các bên gây bất ổn tại Biển Đông.

Được biết, sau vụ trả lời phỏng vấn báo Tân Kinh, trong một bài viết mới đăng trên thời báo Hoàn Cầu ngày 06/02/2024, ông Ngô Sỹ Tồn tiếp tục cho rằng, tình hình Biển Đông trong năm 2024 và các năm tiếp theo có thể xuất hiện các đặc điểm mới chưa từng có và đáng lo ngại mà nguyên nhân theo ông ta vẫn là do Mỹ và các nước khác gây ra. Ông ta còn đề xuất chính quyền Trung Quốc cần phải nhẫn nại, vừa xây dựng lực lượng, vừa ứng phó với các thách thức bằng tư duy và phương thức mới, vừa phải “dũng cảm” phô trương vũ khí đối với những hành động vi phạm DOC và phá hoại tiến trình đàm phán COC. Rõ ràng, trước sau gì thì Ngô Sỹ Tồn vẫn lộ rõ là nhân vật đại diện cho phong cách và tư duy của những kẻ “vừa ăn cướp, vừa la làng”, chỉ vì lợi ích quốc gia ích kỷ và thiển cận mà giẫm đạp lên những gì mà chính họ rêu rao là “Cộng đồng chung vận mệnh”; “Phát triển toàn cầu”; “Văn minh toàn cầu”…

RELATED ARTICLES

Tin mới