Saturday, April 27, 2024
Trang chủBiển nóngThông tin Biển ĐôngNhững động thái hợp tác biển đáng chú ý giữa các nước...

Những động thái hợp tác biển đáng chú ý giữa các nước nhỏ ven Biển Đông

Trong nỗ lực tìm kiếm hòa bình trong khu vực, việc hiện thực hóa Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông thể hiện khao khát chung về sự hòa hợp giữa Trung Quốc và các đối tác ASEAN. Việc điều chỉnh lại chiến lược đang diễn ra ở Biển Đông đánh dấu một bước ngoặt, trong đó xu hướng của Philippines hướng tới hợp tác với các thành viên ASEAN như Indonesia hay Việt Nam. Giới chuyên gia nhận định trong quan hệ giữa các nước ASEAN thì Trung Quốc luôn là một yếu tố quan trọng.

Trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược Mỹ – Trung ngày càng gay gắt thì sự hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN với nhau, trước mắt giữa các nước ven Biển Đông sẽ là những đóng góp quan trọng vào việc duy trì hòa bình ổn định khu vực và bảo vệ lợi ích hợp pháp riêng của mỗi nước. Nhấn mạnh tinh thần hợp tác này, trong chuyến thăm Philippines đầu tháng 1/2024, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi bày tỏ sự mong muốn của nước ông trong việc hợp tác hoàn tất COC ở Biển Đông một cách nhanh chóng. Những quan điểm được bày tỏ trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo ở Manila cộng hưởng với cam kết về sức mạnh ngoại giao tổng hợp.

Với tư cách là nước đóng vai trò quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay của ASEAN, năm 2023 với tư cách Chủ tịch của ASEAN, Indonesia đã đi đầu trong việc hiện thực hóa COC, song chưa đạt được kết quả. Bước vào năm 2024, tuy đã kết thúc vai trò Chủ tịch ASEAN, nhưng Indonesia tiếp tục nỗ lực thúc đẩy đàm phán về COC. Phát biểu tại Manila sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Philippines Enrique A. Manalo tại hôm 9/1, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết Jakarta sẵn sàng làm việc cùng các quốc gia Đông Nam Á khác để hoàn tất Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC). Tuyên bố của Marsudi phản ánh mong muốn chung trong ASEAN về việc nhanh chóng thiết lập một Bộ quy tắc ứng xử, được tất cả các quốc gia trong khu vực chấp nhận thông qua các cuộc đàm phán ngoại giao.

Trong chuyến thăm chính thức Philippines của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, ngày 10/1/2024, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã tiến hành hội đàm với người đồng cấp Indonesia Joko Widodo thảo luận về một loạt vấn đề khu vực, bao gồm những diễn biến ở Biển Đông và sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Cuộc trao đổi đã diễn ra một cách thẳng thắn và có kết quả.

Chia sẻ trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, Tổng thống Philippines Marcos cho biết: “Tổng thống Widodo và tôi đã có một cuộc thảo luận hiệu quả và trung thực về các sự kiện khu vực cùng có lợi, chẳng hạn như những diễn biến ở Biển Đông cũng như các sáng kiến và sự hợp tác của ASEAN”. Trong khi đó, Tổng thống Widodo cho hay hai nước đã nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng và đẩy nhanh việc sửa đổi các thỏa thuận hiện có về hợp tác biên giới. Ông Widodo nêu rõ: “Chúng tôi nhất trí… đẩy nhanh quá trình khôi phục hoạt động tuần tra chung và thỏa thuận đi lại qua biên giới, đồng thời tăng cường hợp tác quốc phòng, bao gồm cả trên phương diện khí tài quân sự”.

Ngoài ra, Philippines và Indonésia đã đạt được nhất trí về tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư song phương; ký thỏa thuận về thúc đẩy hợp tác nhằm khắc phục những khó khăn trong giai đoạn nguồn cung các loại nhiên liệu quan trọng như than đá và khí hóa lỏng tự nhiên có những căng thẳng nhất định. Kết quả chuyến thăm Manila của Tổng thống Widodo thể hiện rõ chính sách tăng cường quan hệ với các nước trong ASEAN của chính quyền Tổng thống Marcos Jr., đông thời cho thấy vai trò quan trọng của Indonesia trong các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có Biển Đông.

Sau khi thăm Việt Nam, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Hà Nội. Ngày 12/1/2024, Tổng thống Widodo đã có các cuộc làm việc với các nhà lãnh đạo Việt Nam, thảo luận về hợp tác kinh tế thương mại, hợp tác quốc phòng song phương và vấn đề an ninh ở Biển Đông cũng như cách thức để thúc đẩy tiến trình đàm phán về COC. Jakarta và Hà Nội vốn có quan hệ mật thiết lâu nay. Năm 2022, hai nước đồng ý công nhận ranh giới Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nhau ở Biển Đông, một động thái được coi là đòn giáng mạnh vào Trung Quốc, quốc gia yêu sách tới 90% diện tích Biển Đông. Indonesia cũng đã có kế hoạch xuất khẩu khí đốt sang Việt Nam từ các mỏ khí đốt ở Biển Đông.

Tiếp đó, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày 29-30/01/2024. Trong các cuộc trao đổi với lãnh đạo Việt Nam, một nội dung quan trọng được ông Marcos Jr. đề cập là vấn đề an ninh biển và hợp tác hàng hải song phương. Phát biểu trước khi lên đường sang Hà Nội, Tổng thống Philippines nhấn mạnh “tăng cường hợp tác hàng hải (với Việt Nam) để cổ vũ cho hòa bình và ổn định trong khu vực”. Trong thời gian chuyến thăm hai bên ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác giữa lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Tuần duyên Philippines. Chuẩn đô đốc Armando Balilo, Phát ngôn viên của Lực lượng Tuần duyên Philippines, cho biết: “Bản ghi nhớ nhằm mục đích tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược giữa Tuần duyên Philippines và Cảnh sát biển Việt Nam, thúc đẩy, duy trì và bảo vệ lợi ích chung ở khu vực Đông Nam Á”.

Đô đốc Chỉ huy Lực lượng Tuần duyên Philippines Ronnie Gil Gavan, người tháp tùng ông Marcos trong chuyến thăm Hà Nội, nhận xét rằng Bản ghi nhớ này sẽ tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược giữa cảnh sát biển hai nước nhằm tăng cường “sự hiểu biết, tin cậy và tin cậy lẫn nhau” giữa cảnh sát biển hai nước thông qua thảo luận về các vấn đề và lợi ích chung cũng như thiết lập đường dây nóng. Giới chuyên gia nhận định Thỏa thuận mới này giữa Manila và Hà Nội mang ý nghĩa quan trọng để giảm bớt các vụ va chạm giữa tầu đánh cá hai nước, cũng như giảm căng thẳng về tranh chấp chủ quyền tại các vùng biển chồng lấn. Năm 2021, Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác tuần duyên với Indonesia. Chắc chắn điều này sẽ khiến Bắc Kinh không hài lòng.  

Ngay sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Marcos, Lực lượng Tuần duyên Philippines đã mời Cảnh sát biển Việt Nam tham gia diễn tập về ô nhiễm môi trường biển ba bên (Marpolex) vào tháng 6/2024. Hôm 05/2/2023, Phó Đô đốc Armand Balilo, Người phát ngôn của Lực lượng Tuần duyên Philippines, nói rằng cuộc diễn tập Marpolex kéo dài 5 ngày sẽ được tổ chức tại thành phố Bacolod, tỉnh Negros Occidental, Philippines, trong tuần thứ ba của tháng 6/2024 với sự tham gia của với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Indonesia và Nhật Bản. Ngoài ra, Lực lượng Tuần duyên Mỹ và Hàn Quốc cũng sẽ được mời tham gia hoặc quan sát.

Giới phân tích nhận định những hoạt động dồn dập giữa Philippines-Indonesia-Việt Nam trong những ngày đầu năm 2024 cho thấy dường như đang có sự tăng cường hợp tác và phối hợp với nhau trên các vấn đề ở Biển Đông giữa các nước ven Biển Đông trong bối cảng Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng và đàm phán về COC giữa Trung Quốc và ASEAN đang rơi vào bế tắc. Giữa lúc Trung Quốc đang chĩa mũi nhọn gây hấn vào Philippines những sự trao đổi thực chất giữa các lãnh đạo và những kết quả cụ thể giữa Philippines-Indonesia-Việt Nam trong các vấn đề hợp tác trên biển là động thái quan trọng để thể hiện sự ủng hộ đối với Philippines trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh.

Trong bối cảnh một số quốc gia trong khu vực chịu sức ép và sự chi phối của Bắc Kinh khiến ASEAN chưa có được sự đồng thuận cao trên vấn đề Biển Đông thì việc tăng cường hợp tác, phối hợp giữa Philippines-Indonesia-Việt Nam là rất quan trọng. Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn về sự thiếu vắng của Malaysia trong khuôn khổ cơ chế hợp tác giữa các nước ven Biển Đông bởi Malaysia là một nước trong tranh chấp Biển Đông và cũng đã từng nhiều lần gặp phải sự quấy rối của lực lượng hải cảnh, dân quân biển Trung Quốc trong các hoạt động kinh tế hợp pháp của mình.

Đặc biệt, một số nhà quan sát rất bất ngờ trước phát biểu của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim bên lề Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Australia tại Melbourne từ ngày 4-6/3. Tại một cuộc họp báo sau hội nghị với Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim bày tỏ sự khó chịu khi bị Mỹ và các đồng minh “quấy rầy” về vấn đề chọn phe. Ông cho rằng “virus bài Trung” đã và đang hoành hành, gây ra không ít vấn đề. Thậm chí, ông Anwar Ibrahim còn cho rằng rủi ro xung đột ở Biển Đông đã bị phóng đại đúng như giọng điệu của Bắc Kinh.

Giới chuyên gia cho rằng do đang phụ thuộc quá lớn vào kinh tế Trung Quốc nên Malaysia đã không muốn làm mất lòng Bắc Kinh. Tuy nhiên, Malaysia là một bên tranh chấp ở Biển Đông và cũng đang là nạn nhân bị xâm lấn của Bắc Kinh nên cho dù Trung Quốc có là nhà đầu tư và thương mại hàng đầu của Malaysia thì người đứng đầu chính quyền Malaysia cũng không nên có những phát biểu như trên bởi phát biểu của người trong cuộc như ông sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cục diện Biển Đông. Trong bối cảnh, Trung Quốc tìm mọi cách phân hóa, chia rẽ ASEAN trên hồ sơ Biển Đông. Tuy nhiên, Malaysia vẫn kiên quyết triển khai các dự án dầu khí trong thềm lục địa của mình bất chấp sự ngăn cản của Trung Quốc.

Với việc tăng cường phối hợp và hợp tác giữa Philippines-Indonesia- Việt Nam trong các vấn đề trên biển, một số phân tích từ các chuyên gia quốc tế cho rằng có khả năng các nước nước trong ASEAN có thể thảo luận với nhau về COC trước khi thảo luận với Trung Quốc do những bất đồng chưa thể giải quyết giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Một cơ chế “tiểu ASEAN” bao gồm các nước liên quan trực tiếp tới tranh chấp Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia- nước không liên quan trực tiếp tới tranh chấp Biển Đông, song cũng phải hứng chịu sự quấy phá hung hăng của các tàu Trung Quốc ở vùng biển xung quanh quần đảo Natuna có thể giúp ASEAN tăng cường sự thống nhất trên vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, với phát biểu mới nhất của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim có thể khiến ý tưởng về một cơ chế “tiểu ASEAN” không thể thành hiện thực để tạo thêm sức mạnh trong đàm phán với Trung Quốc về COC. Do vậy, các cuộc đàm phán về COC sẽ còn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức.

Năm 2024, Lào-một nước không có biển, không liên quan trực tiếp tới Biển Đông làm Chủ tịch ASEAN, dư luận mong đợi các nước ven Biển Đông sẽ có sự phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ Lào trong việc tạo sự đồng thuận trên vấn đề Biển Đông tại các hội nghị của ASEAN, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh đang gây sức ép lớn với Viên Chăn phá hoại sự đoàn kết của ASEAN. Giới phân tích nhận định động thái mới của Malaysia với phát biểu của Thủ tướng Anwar Ibrahim tại Melbourne đang “dội gáo nước lạnh” vào sự nỗ lực thúc đẩy hợp tác của 3 nước Philippines, Indonesia và Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới