Saturday, April 27, 2024
Trang chủBiển nóngThông tin Biển Đông“Minh bạch hóa” thông tin về Biển Đông, một hướng đấu tranh...

“Minh bạch hóa” thông tin về Biển Đông, một hướng đấu tranh bảo vệ chủ quyền được quan tâm                

Từ cuối năm 2022 đến nay, trên các phương tiện truyền thông thế giới, khu vực xuất hiện ngày càng nhiều những thông tin phản ánh các vụ việc liên quan đến Biển Đông do các nước, các bên có liên quan đăng tải, nhằm “minh bạch hóa” các sự kiện diễn ra trên thực địa ở vùng biển này, đặc biệt là thông tin về các động thái, hành động của đối phương.

Cách làm này phần nào đã giúp cộng đồng quốc tế được cập nhật thông tin, hiểu rõ hơn về những gì thực sự đang xảy ra trên Biển Đông, nhưng cũng có thể đây là “chiến thuật”, cách thức để các nước giành lợi thế trên mặt trận thông tin tuyên truyền, đấu tranh dư luận, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Ở góc độ nào đó, có thể nói việc “minh bạch hóa” thông tin như trên gần như là một công cụ, cách tiếp cận mới phục vụ cho “cuộc chiến thông tin” trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa các nước, các bên có liên quan. 

Nhìn lại cách thức phản ứng của một số nước trong khu vực đối với các hoạt động gây rối của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian trước năm 2022

Mặc dù Tòa Trọng tài về Biển Đông đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách “quyền lịch sử” về “đường chín đoạn” và các đòi hỏi vô lý khác của Trung Quốc vào năm 2016, nhưng kể từ thời điểm đó, Bắc Kinh chẳng những không kiềm chế tham vọng về lãnh thổ như kỳ vọng của các nước, mà ngược lại, còn tăng cường các hành động thực thi yêu sách ở Biển Đông trên mọi phương diện, từ tuyên truyền đến ngoại giao, hành động trên thực địa… Nhất là trên thực địa, tàu thuyền quân sự, dân sự của Trung Quốc thường xuyên xâm nhập trái phép vào vùng biển của các nước Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam, có các hành vi quấy nhiễu, gây hấn, cản trở các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí hay đánh bắt thủy, hải sản của những nước này.

Thực chất, đây là hành động “bá quyền” của một nước lớn có sức mạnh vượt trội về mọi mặt so với các nước trong khu vực, với tham vọng “độc chiếm” Biển Đông rất lớn. Trong khi đó, các nước ven Biển Đông có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc đều là những nước nhỏ, thực lực yếu, lại có nhiều mối quan hệ ràng buộc với Bắc Kinh, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, nên đứng trước những hành động “bắt nạt” phi pháp từ phía Trung Quốc, phần nhiều không thể “đương đầu” với họ trên thực địa, nhưng ngay cả trên mặt trận ngoại giao, truyền thông, phản ứng của các nước cũng chỉ giới hạn ở mức độ nhất định. Đơn cử trường hợp ứng xử của hai nước sau đây làm dẫn chứng:

Đối với Malaysia: Thực tế mấy năm trước diễn ra cho thấy, việc tàu, thuyền của Trung Quốc xâm phạm trái phép vào vùng biển thuộc chủ quyền của Malaysia là chuyện xảy ra “như cơm bữa”.

Mặc dù, Malaysia rất kiên quyết và nhất quán trong nguyên tắc bảo vệ chủ quyền cũng như hoạt động trên biển trong vùng biển của mình, tiếp tục thực hiện các hoạt động dầu khí, thậm chí còn có kế hoạch đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động này; chỉ đạo lực lượng hải quân và chấp pháp trên biển sẵn sàng đối đầu với các tàu Trung Quốc để bảo vệ các hoạt động dầu khí đang được tiến hành… nhưng nhìn chung, phản ứng của nước này trước các hành động của phía Trung Quốc cơ bản là “thầm lặng và nhẹ nhàng”. Kuala Lumpur không chủ động và thường xuyên công khai các sự vụ tàu Trung Quốc quấy nhiễu hoạt động dầu khí của mình, trừ những vụ việc nghiêm trọng, hơn thế trong các phát biểu công khai trước truyền thông, các quan chức Malaysia thường tìm cách làm giảm nhẹ tình hình.

Đối với Philippines: Dưới thời cựu Tổng thống Duterte, do theo đuổi quan hệ “gần gũi” hơn với Trung Quốc, thậm chí coi Bắc Kinh là một “người bạn tốt”, là “ân nhân” để đổi lấy những khoản đầu tư, viện trợ và cho vay hàng tỷ USD, nên hầu như các vụ việc hoạt động, gây hấn của Trung Quốc liên quan đến vi phạm chủ quyền của Manila trên Biển Đông đều không được nước này công khai, trừ phi giới truyền thông tự phát hiện và đưa tin. Ví dụ, từ ngày 7/3 – 7/5/2021, có gần 300 tàu cá Trung Quốc neo đậu trái phép tại khu vực bãi Ba Đầu, khiến cho nhiều quan chức chính quyền và người dân rất bất bình, lên tiếng phản đối. Song vào thời điểm đó, Tổng thống Duterte đã yêu cầu nội các chính phủ không được công khai bàn về tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh: “Đây là mệnh lệnh… tất cả các thành viên chính phủ không được thảo luận về Biển Đông với bất cứ ai. Nếu có bàn về vấn đề này, chúng ta sẽ chỉ thảo luận nội bộ”. Và cứ như thế, suốt thời kỳ tại nhiệm trên cương vị tổng thống của ông Duterte, quốc đảo này hầu như “ém nhẹm” những sự vụ phức tạp diễn ra trên vùng biển thuộc chủ quyền của nước này do Trung Quốc gây ra. Người dân Philippines như “ếch ngồi đáy giếng”, không biết tường tận về chủ quyền quốc gia được bảo vệ ra sao.

Đáng quan tâm là, trong khi Malaysia, Philippines và một vài nước khác rất hạn chế việc cung cấp thông tin về các hoạt động trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, thì phía Bắc Kinh lại không ngừng gia tăng tuyên truyền về “đường chín đoạn” theo hướng “nói một lần không tin, nói nhiều lần sẽ tin” và những hành động triển khai trên thực địa vào vùng biển của các nước ven Biển Đông được xem như một bước tiến mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa yêu sách trên biển của Bắc Kinh. Đồng thời, Trung Quốc cũng mở rộng các hoạt động khác nhau ở các vùng biển có tranh chấp với các nước khác theo chiến thuật “vùng xám” với ý đồ, nếu các nước không có phản ứng thì coi như đã thừa nhận vùng biển đó là thuộc “chủ quyền” của Trung Quốc.

Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2022 đến nay, mọi sự bắt đầu có sự thay đổi. Các nước và các bên có liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông bắt đầu có xu hướng gia tăng “minh bạch hóa” thông tin về các sự kiện diễn ra trên thực địa ở Biển Đông, đặc biệt là các động thái của Trung Quốc.

Những kênh thông tin được các nước sử dụng để “minh bạch hóa” thông tin về Biển Đông gần đây

Thứ nhất, sử dụng các kênh thông tin chính thức của quân đội, cảnh sát biển hay Bộ Ngoại giao, Chính phủ khi muốn công bố thông tin về các diễn biến trên thực địa ở Biển Đông. 

Như đã nêu ở trên, Philippines dưới thời cựu Tổng thống Duterte là quốc gia rất ít khi công khai công bố các vụ “va chạm” với Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng gần đây lại là nước đi đầu trong việc tận dụng tổng hòa các kênh thông tin chính thức của nhà nước bao gồm cả dân sự lẫn quân sự để “minh bạch hóa” thông tin. Ví dụ, ngay sau khi tàu Hải cảnh của Trung Quốc chiếu laser “cấp độ quân sự” vào tàu tiếp tế của Philippines ở khu vực bãi Cỏ Mây ngày 13/2/2023, Người phát ngôn Lực lượng Cảnh sát biển Philippines Jay Tarriela đã ra tuyên bố và công khai vụ việc này, đồng thời đưa ảnh chụp các tàu chiến, tàu Hải cảnh và tàu dân quân biển Trung Quốc hoạt động phi pháp ở vùng biển Trường Sa và khu vực bãi cạn Scarborough trên nhiều phương tiện truyền thông.

Tương tự, phía Malaysia gần đây cũng đã bỏ qua sự im lặng, “nín nhịn” thường có mà bắt đầu lên tiếng công khai phản đối hay bác bỏ. Thậm chí đối với cả những vụ việc không có tính nghiêm trọng hay những sự kiện xảy ra dù không phải là trên thực địa, nhưng nước này cũng đã “tỏ thái độ”. Đó là, khi Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc công bố cái gọi là “Bản đồ tiêu chuẩn năm 2023” có chứa “đường chín đoạn” phi pháp vào ngày 28/8/2023, thì ngày 31/8/2023, Bộ Ngoại giao Malaysia đã ra tuyên bố khẳng định: “Malaysia không công nhận các tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông theo Bản đồ tiêu chuẩn năm 2023”, đồng thời nhấn mạnh, “tấm bản đồ này không có hiệu lực ràng buộc đối với Malaysia”.

Một nước ngoài khu vực nhưng có lợi ích liên quan đến Biển Đông là Mỹ, thì lại thường sử dụng “chiến thuật” kết hợp tuyên bố chính thức với các bằng chứng thực địa là các video mà Mỹ đã ghi hình để tố cáo Bắc Kinh. Ví dụ, ngày 21/12/2022, Quân đội Mỹ công bố một video cáo buộc máy bay J-11 của Hải quân Trung Quốc có hành vi “không an toàn” với máy bay trinh sát RC-135 của Không quân Mỹ ở Biển Đông, khoảng cách giữa hai máy bay có lúc chưa đầy 20 foot (khoảng 6m) tính từ mũi máy bay, khiến máy bay Mỹ phải cơ động để tránh va chạm. Ngày 26/5/2023, Mỹ tiếp tục ra tuyên bố, một chiến đấu cơ J-16 của Trung Quốc đã bay cắt ngang ngay trước mũi một máy bay trinh sát RC-135 Rivet Joint của Mỹ trong không phận quốc tế trên Biển Đông. Vụ việc nguy hiểm đến mức buồng lái của máy bay trinh sát RC-135 Rivet Joint rung lắc mạnh do nhiễu động từ vụ áp sát. Ngoài ra, Quân đội Mỹ còn công khai các cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOP), các cuộc tập trận và các lần nhóm tàu sân bay đến Biển Đông để bác bỏ lập trường từ phía Trung Quốc rằng “Trung Quốc đã đuổi tàu Mỹ ra khỏi Biển Đông”.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc lại ít khi chủ động công bố các động thái của đối phương ở Biển Đông trên các kênh truyền thông chính thức, nhưng thường lên tiếng để đáp trả mỗi khi các bên khác công bố thông tin trước hay có các động thái mà Trung Quốc cho là “xâm phạm” chủ quyền của nước này. Ví dụ, sau khi Mỹ tung video về vụ đụng độ trên không tháng 12/2022, Trung Quốc cũng công bố một video quay từ máy bay của nước này và cáo buộc Mỹ mới là bên có hành vi “không an toàn”. Trong một số ít trường hợp, thông tin từ phía Trung Quốc còn nhanh hơn, kỹ hơn thông tin của Mỹ. Như ngày 23/3/2023, Trung Quốc đã ra thông báo công bố tàu Mỹ “xâm phạm lãnh hải Trung Quốc ở Hoàng Sa”, trong khi đó phải đến ngày hôm sau, Mỹ mới tuyên bố đây là hoạt động FONOP bình thường của họ ở Biển Đông. Sau khi tàu tuần dương USS Chancellorsville của Mỹ thực hiện FONOP gần đá Chữ Thập ngày 29/11/2022, Trung Quốc cũng đã công bố bản đồ đường đi chi tiết của con tàu này, trong khi Mỹ lại không nói rõ thực tế tình hình.

Thứ hai, tận dụng sức mạnh truyền thông báo chí để tuyên truyền nhằm vào đối phương. 

Sự quan sát, theo dõi trực tiếp trên thực địa của giới phóng viên báo chí và thông tin được phản ánh từ họ được coi là những thông tin nhanh, chính xác và đáng tin cậy nhất. Những thông tin đó có tác động rất lớn đến dư luận xã hội trên phạm vi quốc gia, khu vực hay thế giới. Vì thế, nhiều nước thường tận dụng sức mạnh của giới báo chí để đưa tin, “minh bạch hóa” thông tin. Ví dụ: Ngày 24/2/2023, Mỹ mời phóng viên của một số tờ báo lớn như CNN, Wall Street Journal và NBC tham gia chuyến bay trinh sát qua vùng trời quần đảo Hoàng Sa để ghi lại cảnh máy bay này bị máy bay Trung Quốc áp sát ở cự ly gần. Hai tháng sau, ngày 23/4/2023, Philippines cũng mời đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí quốc tế như AP, BBC, AFP, CNA… lên một tàu cảnh sát biển của nước này đi tuần tra trên Biển Đông để chứng kiến tàu nước này và tàu Trung Quốc áp sát nhau, “đấu khẩu” với nhau trên Biển Đông. Sau hành động này, dư luận quốc tế đã phản ứng khá có lợi cho Philippines, một số nước như Mỹ, Anh, Australia, Canada, Pháp, Nhật Bản… đều lên tiếng ủng hộ các hoạt động của Manila trên Biển Đông. Có thể thấy, Mỹ và Philippines sẵn sàng mời các kênh truyền thông quốc tế có uy tín và phóng viên ra thực địa hơn so với Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc chủ yếu sử dụng đội ngũ báo chí trong nước. Các cơ quan thông tấn và báo chí của Trung Quốc thường xuyên đăng tải các hình ảnh hoạt động quân sự và dân sự của nước này, nhưng mang đậm màu sắc đối nội, không đẩy quá mạnh truyền thông ra dư luận quốc tế.

Thứ ba, sử dụng kênh học giả và mạng xã hội để “minh bạch hóa” các hoạt động của đối phương. 

Tại Trung Quốc, tổ chức Sáng kiến Thăm dò tình hình chiến lược ở Biển Đông (SCSPI), thuộc Trường Đại học Bắc Kinh là nơi thường ra báo cáo hàng tháng và hàng năm về hoạt động của Mỹ ở Biển Đông; công bố thông tin vị trí các tàu của Mỹ hoạt động trên vùng biển này. SCSPI cũng thường xuyên theo dõi và công bố thông tin về hoạt động của các tàu cá Việt Nam trên biển. Trong khi đó tại Mỹ, tổ chức AMTI cũng thường xuyên có các báo cáo về hoạt động của các nước trên Biển Đông, đặc biệt là hoạt động của Trung Quốc. Học giả Philippines và Mỹ cũng thường xuyên dùng các tài khoản mạng xã hội để chia sẻ thông tin thực địa trên Biển Đông thu được từ ảnh vệ tinh và AIS.

Việc các nước, các bên sử dụng các kênh thông tin khác nhau để “minh bạch hóa” thông tin về Biển Đông cho thấy, cùng với việc xây dựng lòng tin chiến lược lẫn nhau, “minh bạch hóa” thông tin là điều rất cần thiết trong quan hệ quốc tế. Cách làm này bước đầu cho thấy:

Một là, “minh bạch hóa” thông tin có thể giúp quản lý tranh chấp tốt hơn, nhưng cũng có thể là chiến thuật để các bên tiến hành “chiến tranh thông tin” trên Biển Đông, bởi vì: 1/ Các nước có thể ngụy tạo hoặc diễn giải sai dữ liệu về hoạt động của các quốc gia khác nhằm phục vụ cho mục đích tuyên truyền, thu hút sự ủng hộ của dư luận. Điển hình như, SCSPI từng cáo buộc tàu cá của Việt Nam xâm phạm trái phép vùng biển của tỉnh Hải Nam/Trung Quốc, nhưng báo cáo này là sai sự thật, bị coi là “vô lý và vô căn cứ”. 2/ Các nước có xu hướng chỉ tập trung “minh bạch hóa” thông tin về hoạt động của đối phương, tránh đưa chi tiết hoạt động của bản thân. Dẫn chứng về hoạt động FONOP của Mỹ kể trên cho thấy, Mỹ chỉ công khai hoạt động của họ tại Biển Đông một cách tương đối. Đa số các động thái “minh bạch hóa” thông tin diễn ra trong năm 2023 của Trung Quốc chủ yếu là nhằm vào hoạt động của Mỹ chứ không phải các quốc gia khác có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể do Trung Quốc muốn thúc đẩy lập luận rằng, Mỹ mới là nhân tố chủ yếu khiến tình hình khu vực Biển Đông bất ổn – điều mà Trung Quốc thường xuyên đưa ra mỗi khi đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) gặp khó khăn. 3/ Mỗi quốc gia cũng có các mục tiêu khác nhau khi “minh bạch hóa” thông tin, tùy theo mục đích và đối tượng mà họ hướng đến. Trong đó bao gồm: Để phục vụ trấn an dư luận trong nước như Philippines thường làm, vì dư luận người dân nước này đòi hỏi chính phủ phải “cứng rắn” hơn với Trung Quốc trên Biển Đông; để xây dựng hình ảnh của một quốc gia tôn trọng và sẵn sàng bảo vệ luật pháp quốc tế như Mỹ, tuy chưa phê chuẩn UNCLOS 1982 nhưng khẳng định mình tuân thủ UNCLOS 1982; để phô trương sức mạnh quốc gia như Trung Quốc, muốn khẳng định lực lượng hải quân của mình đủ năng lực đối phó với hoạt động của Mỹ ở Biển Đông… Tuy nhiên, không phải bất cứ cái gì, vấn đề gì cũng có thể “minh bạch hóa” và lúc nào cũng có thể “minh bạch hóa” được. Thậm chí, nếu không tính toán kỹ, việc “minh bạch hóa” thông tin có lúc lại gây phản ứng ngược.

Hai là, hoạt động “minh bạch hóa” thông tin của mỗi nước được lựa chọn ở từng thời điểm khác nhau và mức độ “minh bạch hóa” về đối phương còn tùy thuộc vào quan hệ của chủ thể “minh bạch hóa” với nước đối phương có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của mình. Điển hình là trường hợp Malaysia. Bất chấp việc Trung Quốc thường xuyên điều các tàu Hải cảnh hoạt động gần dự án khí Kasawari của Malaysia, hay điều tàu Hải dương địa chất 8 hoạt động trong EEZ của Malaysia từ tháng 6/2023, thế nhưng Malaysia dường như vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi chính sách “ngoại giao thầm lặng”, mức độ chủ động cung cấp thông tin vẫn còn rất hạn chế. Có thể nói, trong thời đại phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay, cuộc chiến thông tin thực sự trở thành một mặt trận thu hút sự tham gia tích cực của tất cả các quốc gia, chủ thể trong quan hệ quốc tế. Trong vấn đề Biển Đông, việc “minh bạch hóa” thông tin về những diễn biến trên thực địa cũng như chủ trương, chính sách của các nước liên quan được dư luận quốc tế, khu vực đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, các nước có tranh chấp và lợi ích ở trong và ngoài khu vực đã ít nhiều chú trọng, đẩy mạnh, nhằm phục vụ mục tiêu đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích chính đáng của mình ở Biển Đông. Đây sẽ tiếp tục là xu thế phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới