Căng thẳng thương mại giữa châu Âu và Bắc Kinh có nguy cơ leo thang do Trung Quốc ngày càng sản xuất được nhiều mặt hàng rẻ hơn trong các ngành chiến lược, theo ông Jens Eskelund, chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc.
“Châu Âu không thể chấp nhận rằng các ngành công nghiệp có tính chiến lược cấu thành cơ sở công nghiệp châu Âu đang bị định giá ngoài thị trường. Đó là lúc thương mại trở thành một vấn đề an ninh và tôi nghĩ điều đó có lẽ chưa được đánh giá đầy đủ ở Trung Quốc”, ông Eskelund cho hay.
Chính quyền Trung Quốc đã thúc đẩy khả năng tự cung cấp công nghệ và giúp nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào bất động sản để tăng trưởng. Đầu tư và hỗ trợ tài chính của nhà nước cho sản xuất đã tăng lên, trong khi đó đối với bất động sản lại giảm xuống.
Sự chú trọng của Bắc Kinh vào sản xuất đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng dư thừa khi Trung Quốc sản xuất nhiều hàng hóa hơn mức mà quốc gia này hoặc các quốc gia khác có thể hấp thụ. Điều đó có thể dẫn đến cuộc chiến giá cả.
Ông Eskelund cho biết cơ quan này đang nhận thấy “sự dư thừa công suất trên diện rộng”, cho dù là về hóa chất, kim loại hay xe điện.
“Tôi đã gặp rất ít công ty không phải đối mặt với vấn đề này”, ông Eskelund cho biết thêm.
Ông Chetan Sehgal, giám đốc danh mục đầu tư của Templeton Emerging Markets Investment Trust, một quỹ đầu tư ở Anh, cho hay: “Trung Quốc sẽ xuất khẩu giảm phát sang phần còn lại của thế giới và bạn sẽ thấy nhiều nước đối mặt với thực tế là Trung Quốc đang dư thừa công suất”.
Rất ít nhà kinh tế kỳ vọng các nền kinh tế phát triển sẽ ghi nhận mức giảm giá cả tiêu dùng tương tự ở Trung Quốc.
Vị quan chức châu Âu cho biết cần phải có một cuộc trò chuyện thực chất giữa châu Âu và Trung Quốc về ý nghĩa của điều này, đồng thời lưu ý rằng cả hai bên cần tìm cách đảm bảo hầu hết các dòng chảy thương mại không bị gián đoạn.
Ông nói: “Tôi khó có thể tưởng tượng rằng châu Âu sẽ chỉ ngồi yên và lặng lẽ chứng kiến quá trình phi công nghiệp hóa ngày càng nhanh, do nhu cầu nội địa thấp ở Trung Quốc khiến nhiều hàng hoá bị đẩy ra bên ngoài”.
Sản xuất chiếm gần 1/5 số việc làm ở EU đồng thời có đóng góp lớn nhất cho cái mà khối gọi là “giá trị gia tăng của nền kinh tế kinh doanh”, với tỷ trọng gần 1/4.
EU là đối tác thương mại khu vực lớn nhất của Trung Quốc cho đến khi Đông Nam Á vượt lên thời gian gần đây. Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc xét trên cơ sở một quốc gia.
Giao dịch mất cân bằng
Theo báo cáo của công ty tư vấn China Macro Group và Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, các hành động của Mỹ và phản ứng của Bắc Kinh đã khiến hoạt động ở Trung Quốc trở nên khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp châu Âu.
Mặc dù không trực tiếp nằm trong tâm điểm căng thẳng Mỹ-Trung, nhưng các doanh nghiệp châu Âu cũng bị ảnh hưởng.
Báo cáo dẫn lời một giám đốc điều hành giấu tên trong ngành sản xuất tiên tiến cho biết thị phần của công ty họ ở Trung Quốc đã giảm từ mức 35% xuống mức 0 trong suốt 10 năm.
“Chúng tôi vẫn phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc nhưng chúng tôi không thể bán ra thị trường”, vị giám đốc điều hành cho biết trong báo cáo. “Chúng tôi đang đầu tư vào nơi khác để đa dạng hóa, nhưng trên thực tế, việc này sẽ mất nhiều thời gian, có thể hơn 10 năm”, người này chia sẻ.
“Thách thức chính là cơ chế định giá ở châu Âu quá khắt khe đến mức nếu chúng tôi loại bỏ các đối tác Trung Quốc ngay hôm nay, chúng tôi sẽ không thể bán tại các cuộc đấu giá ở châu Âu do chúng tôi không thể cạnh tranh với giá của các công ty Trung Quốc”, vị giám đốc điều hành cho biết thêm.
Các doanh nghiệp ở châu Âu và nhiều nước ngày càng mua nhiều hơn từ các công ty Trung Quốc.
Ông Eskelund cho biết, Trung Quốc đang ngày càng gửi nhiều hàng hóa đến châu Âu thông qua tàu container hơn so với chiều ngược lại, ghi nhận sự gia tăng đáng kể kể từ trước đại dịch. “Xuất khẩu của Trung Quốc đạt tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu cao nhất từ trước đến nay”, ông nói.
T.P