Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhông thể giải quyết mâu thuẫn bằng các cuộc tấn công khủng...

Không thể giải quyết mâu thuẫn bằng các cuộc tấn công khủng bố!

Vụ tấn công khủng bố tại Nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô thủ đô Moskva của Nga xảy ra vào tối 22/3 vừa qua đã khiến cho 143 người chết, 187 người bị thương (tính đến chiều ngày 24/3).

Các nhân chứng tại hiện trường còn chưa hết hoảng loạn. Họ cho biết, các tay súng xông vào từ sảnh chính tòa nhà và bắn nhiều người ở khoảng cách gần. Nhóm nghi phạm cũng ném các chai xăng, gây cháy một phần tòa nhà trước khi bỏ trốn trên ôtô màu trắng. Đám cháy bùng phát tại nhà hát đã được khống chế.

Ngay sau đó, nhiều nước trên thế giới đã đồng loạt lên án cuộc khủng bố đẫm máu này. Tại Mỹ, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho rằng: “Những hình ảnh của cuộc xả súng thật sự khủng khiếp. Tâm trí của chúng tôi hướng về những nạn nhân của vụ tấn công tồi tệ này”. Ông Kirby nói Mỹ đang thu thập thông tin về sự việc và cho biết chưa có dấu hiệu cho thấy chính phủ Ukraine và công dân Ukraine liên quan tới vụ khủng bố.

Tại Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã viết thư chia buồn gửi tới Tổng thống Nga Putin. Bức thư có đoạn: “Trung Quốc phản đối mọi hình thức khủng bố, lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố vào Nga và kiên quyết ủng hộ nỗ lực của chính quyền Nga để duy trì an ninh quốc gia”.

Nói về sự vô can của mình, Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tuyên bố: Kiev không liên quan tới vụ tấn công. “Chúng tôi có cuộc xung đột toàn diện, tổng lực với quân đội chính quy Nga và Liên bang Nga. Dù vậy, mọi thứ sẽ được quyết định trên chiến trường”.

Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc lên án mạnh mẽ vụ tấn công “hèn nhát và tàn ác” của bọn khủng bố: “Các thành viên của HĐBA nhấn mạnh cần buộc các thủ phạm, những người tổ chức, cung cấp tài chính và hỗ trợ cho vụ khủng bố chịu trách nhiệm và bị đưa ra trước công lý”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng cực lực lên án vụ tấn công khủng bố: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố tàn khốc ở Moscow. Ấn Độ cầu nguyện và đồng cảm với các nạn nhân và thân nhân của họ. Chúng tôi đoàn kết với chính phủ và người dân Nga trong giờ phút đau buồn này”.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định: “Liên quan đến vụ nổ súng khiến nhiều người thương vong, Nhật Bản cực lực lên án các cuộc tấn công như vậy nhằm vào dân thường. Nhật Bản gửi lời chia buồn chân thành tới gia đình các nạn nhân thiệt mạng và bị thương”.

Cuba, Venezuela, Đức, Pháp, Italy… cũng chỉ trích mạnh mẽ cuộc tấn công và chia buồn với các nạn nhân và gia đình.

Còn trên đất nước Nga, nơi xảy ra vụ giết người thảm khốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova nói rằng, cộng đồng quốc tế “có nghĩa vụ lên án tội ác khủng khiếp này”. Lúc này giới chức Nga đang dồn lực cứu người. “Có một câu hỏi lớn là Mỹ dựa vào đâu để đưa ra kết luận rằng ai đó không liên quan đến thảm kịch giữa lúc nó đang diễn ra”, bà Zakharova nói.

Mối nghi ngờ chính quyền Kiev đứng đằng sau vụ khủng bố man rợ này đã được giải tỏa phần nào khi IS đã nhận trách nhiệm của mình. Cụ thể là Nhóm khủng bố Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan (ISKP), một nhánh của Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Afghanistan đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Như quý vị đã biết, IS được coi là tổ chức của nhóm phiến quân cuồng tín được hình thành từ năm 1999 với thủ lĩnh là Abu Musab al Zarqawi, người Jordan. Khi tổ chức Hồi giáo cực đoan này bành trướng sang đất nước Iraq và Syria thì nó mang một tên mới là ISIS (the Islamic State of Iraq and Syria- Nhà nước Hồi giáo của Iraq và Syria).

Câu hỏi đặt ra là, vì sao IS tấn công Nga? Điều đầu tiên theo các nhà nghiên cứu là, vì chính sách đối ngoại của Nga là cái gai đối với IS, trong đó điều khiến cho IS điên đầu nhất là mối quan hệ chặt chẽ của Nga với chính phủ Syria, Iran. Thêm nữa là các chiến dịch quân sự mà Nga đã tiến hành chống lại các chiến binh IS ở Syria và ở các vùng của châu Phi (thông qua lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner).

Vô hình trung Moscow đã trở thành tâm điểm trong “cuộc chiến tuyên truyền rộng rãi” của IS. Sự tham gia của Nga vào cuộc chiến toàn cầu chống lại IS và các chi nhánh của nó, nhất là thông qua các hoạt động quân sự ở Syria và nỗ lực thiết lập mối liên hệ với Taliban Afghanistan – đối thủ của IS – đã khiến cho Nga trở thành đối thủ chính.

Nhóm ISKP tiến hành xả xúng ở Moscow với hy vọng giành được sự ủng hộ và thúc đẩy “mục tiêu phát triển thành một tổ chức khủng bố có ảnh hưởng toàn cầu” khi chúng chứng minh rằng: có thể tiến hành các cuộc tấn công trong lãnh thổ Nga. Những cuộc tấn công khủng bố sẽ “tăng thêm uy tín” của các nhóm vũ trang, sau đó “tăng phạm vi tài trợ, tuyển mộ và tuyên truyền của chúng”.

Thật là nguy hiểm khi động cơ xả súng, gây hỗn loạn an ninh lại hướng tới việc chăm bẵm cho một tổ chức giết người.

Không chỉ có đứa con bất trị ISKP tấn công Nga, mà từ lâu nước này đã trở thành mục tiêu của IS. Bởi, từ năm 2022, khi ISKP tấn công đại sứ quán Nga ở Kabul và trong một thời gian dài, các cơ quan an ninh Nga đã tăng cường trấn áp các hệ sinh thái ủng hộ IS ở cả Nga và chung quanh biên giới nước này, đặc biệt là khu vực Trung Á.

Nhưng có lẽ nguyên nhân trực tiếp nhất là yếu tố Taliban. Taliban là đối thủ không đội trời chung của IS, còn IS coi Nga là bạn của Taliban.

Trong khi làm rõ thêm nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân sâu xa, chúng ta khẩn thiết kêu gọi, Nga cũng như các bên liên quan cần khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc chấn động thế giới này. Bốn tay súng và hàng chục kẻ tham gia đã đã bị bắt. Một trong bốn tên này nghi khai, đã được hứa trả gần 11.000 USD để thực hiện vụ tấn công.

Rồi chúng sẽ khai ra kẻ chủ mưu, những kẻ lấy máu người làm động cơ tồn tại, gây mất an ninh, trật tự, đe dọa hòa bình, ổn định trên thế giới.

Mọi sự bất đồng quan điểm, mâu thuẫn không thể giải quyết bằng các cuộc tấn công khủng bố, xung đột vũ trang. Chủ nghĩa khủng bố – dưới mọi hình thức – là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với hòa bình và an ninh thế giới.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới