Saturday, November 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiĐiều gì xảy ra nếu tòa tuyên trái phiếu Tân Hoàng Minh...

Điều gì xảy ra nếu tòa tuyên trái phiếu Tân Hoàng Minh vô hiệu?

Đại diện Viện KSND TP.Hà Nội nhận định việc phát hành 9 lô trái phiếu Tân Hoàng Minh là trái pháp luật, đề nghị giải quyết theo quy định về giao dịch vô hiệu. Vậy điều gì sẽ xảy ra với quyền lợi của các nhà đầu tư?

Các bị cáo trong vụ án liên quan Tập đoàn Tân Hoàng Minh


TAND TP.Hà Nội đang nghị án kéo dài, sẽ đưa ra phán quyết đối với 15 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (gọi tắt Tập đoàn Tân Hoàng Minh). Ngoài trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh, và đồng phạm, một vấn đề được rất nhiều người quan tâm, đó là quyền lợi của nhà đầu tư sẽ được giải quyết như thế nào?

Hoàn trả cho nhau những gì đã nhận
Tại phần tranh luận, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội (VKS) nhận định việc phát hành 9 lô trái phiếu rồi bán cho nhà đầu tư của Tập đoàn Tân Hoàng Minh là trái quy định pháp luật, nên phải thu hồi và tiêu hủy. Do đó, hợp đồng mua bán giữa nhà đầu tư với Tập đoàn Tân Hoàng Minh là vô hiệu, cần giải quyết theo quy định về giao dịch vô hiệu.

Hiện cơ quan tố tụng đang tạm giữ hơn 8.600 tỉ đồng, gồm: gần 3.000 tỉ đồng thu hồi trong quá trình điều tra và hơn 5.600 tỉ đồng do bị cáo Dũng cùng gia đình tự nguyện nộp. Số tiền này đủ để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Căn cứ khoản 2 điều 47 và khoản 1 điều 48 bộ luật Hình sự (về việc trả lại tài sản đã bị chiếm đoạt cho chủ sở hữu), đại diện VKS đề nghị xử lý để bồi thường cho các bị hại.

Luật sư (LS) Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng LS Kết Nối, Đoàn LS TP.Hà Nội, dẫn quy định tại điều 30 bộ luật Tố tụng hình sự: việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự; trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Đối chiếu với vụ án Tân Hoàng Minh, hiện hành vi phạm tội của các bị cáo đã được làm rõ, số lượng bị hại và thiệt hại của họ cũng khá rõ ràng, vì thế nhiều khả năng khi ra bản án, hội đồng xét xử sẽ quyết định cả phần trách nhiệm bồi thường của các bị cáo. Tuy nhiên, còn một khả năng nữa dù khả năng xảy ra ít hơn, bởi trong số hàng ngàn bị hại đang có nhiều quan điểm khác nhau (người chỉ cần trả tiền gốc, người đòi cả tiền lãi phát sinh), tòa sẽ dành quyền khởi kiện cho bị hại trong một vụ án dân sự khác.

Đồng quan điểm, LS Nguyễn Thị Kim Vinh (Đoàn LS TP.HCM), nguyên thẩm phán TAND tối cao, cho rằng hợp đồng mua bán trái phiếu giữa các nhà đầu tư và Tập đoàn Tân Hoàng Minh nhằm “che đậy” cho chuỗi hành vi trái pháp luật mà các bị cáo gây ra. Đến nay, cơ quan tố tụng chứng minh được, các bị cáo cũng thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vì thế ngay trong vụ án hình sự này, tòa có thể tuyên các bị cáo bồi thường số tiền mà các bị hại đã bỏ ra để mua trúng những lô trái phiếu tạo dựng không đúng quy định.

Quay trở lại đề nghị của VKS về việc giải quyết các hợp đồng mua bán trái phiếu theo quy định về giao dịch vô hiệu, nếu tòa chấp nhận quan điểm này thì điều gì sẽ xảy ra?

LS Nguyễn Ngọc Hùng cho biết khoản 2 điều 131 bộ luật Dân sự quy định: khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả. Như vậy, nếu tòa án xác định giao dịch trái phiếu giữa nhà đầu tư và Tân Hoàng Minh là vô hiệu, các bị cáo sẽ phải hoàn trả số tiền (gốc) mà các nhà đầu tư (được xác định là bị hại) đã bỏ ra để mua trái phiếu. Các lô trái phiếu vì được tạo dựng trái pháp luật nên đương nhiên sẽ bị hủy.

Cũng vì “hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”, các nhà đầu tư sẽ không thể yêu cầu phía Tân Hoàng Minh phải trả tiền lãi trái phiếu theo như hợp đồng đã ký kết, bởi hợp đồng là vô hiệu. Thay vào đó, họ có thể yêu cầu được bồi thường lãi suất chậm trả (theo lãi suất ngân hàng) để cơ quan tố tụng đánh giá, cân nhắc.

Nhà đầu tư có phải trả lại tiền lãi?
Hồ sơ vụ án cho thấy từ tháng 6.2021, các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bắt đầu phát hành các lô trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tháng 4.2022, phát hiện dấu hiệu tội phạm, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và đồng phạm. Cùng thời điểm, Ủy ban Chứng khoán nhà nước ban hành văn bản hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu liên quan đến Tân Hoàng Minh.

Kể từ thời điểm phát hành trái phiếu đến khi hành vi phạm tội bị phát hiện, một số nhà đầu tư đã được phía Tân Hoàng Minh trả lãi theo đúng hợp đồng. Số khác thì chưa kịp đến hạn thanh toán, thậm chí vừa mua trái phiếu hôm trước thì hôm sau lãnh đạo tập đoàn này bị bắt, nên “chưa nhận được đồng nào”. Cũng tại phiên tòa, bị cáo Đỗ Anh Dũng còn hứa sẽ trả lãi với những hợp đồng đến kỳ hạn tính đến thời điểm trước khi mình bị bắt tạm giam.

Câu hỏi được nhiều người quan tâm: nếu hợp đồng mua bán trái phiếu bị xác định là vô hiệu, vậy những nhà đầu tư từng được trả lãi theo hợp đồng có phải hoàn trả cho Tân Hoàng Minh?

LS Nguyễn Ngọc Hùng dẫn lại quy định tại khoản 2 điều 131 bộ luật Dân sự về giải quyết giao dịch dân sự vô hiệu, cho rằng các bên sẽ phải thực hiện theo đúng nguyên tắc “hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”. Trong đó, các bị cáo tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh sẽ phải bồi thường số tiền hơn 8.600 tỉ đồng đã chiếm đoạt của nhà đầu tư, nhà đầu tư nào đã nhận lại theo các hợp đồng mua bán trái phiếu thì phải hoàn trả cho tập đoàn này.

“Trường hợp tòa án xác định các bị cáo có tội và phải bồi thường như đã nêu, số tiền lãi mà bị hại đã nhận sẽ được cấn trừ vào nghĩa vụ bồi thường của các bị cáo”, LS Hùng nhận định.

Ngược lại, LS Nguyễn Thị Kim Vinh cho hay các nhà đầu tư sẽ không phải cấn trừ số tiền lãi mà mình đã được nhận. Bởi lẽ, trước thời điểm hành vi phạm tội bị phát hiện, hợp đồng mua bán trái phiếu giữa nhà đầu tư và Tập đoàn Tân Hoàng Minh chưa bị coi là trái pháp luật, hai bên vẫn thực hiện nghĩa vụ với nhau như bình thường. Điều này đồng nghĩa, nhà đầu tư sẽ được hưởng số lãi đó, các bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền gốc mà bị hại đã bỏ ra để mua trái phiếu. Đương nhiên, những nhà đầu tư chưa nhận được lãi sau thời điểm hành vi phạm tội bị phát hiện sẽ không có quyền yêu cầu trả lãi, vì hợp đồng giao dịch là trái pháp luật.

Câu trả lời cho vấn đề trên sẽ được hội đồng xét xử quyết định trong bản án tuyên vào chiều 27.3 tới đây.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới