Nếu thực sự tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là thủ phạm vụ tấn công nhà hát Crocus City Hall khiến 137 người chết, mọi việc có lẽ sẽ bớt phức tạp đi.
Nhưng nếu đó là Ukraine, phương Tây hay thậm chí là Nga như các nghi ngờ của cả hai bên, xung đột tăng cấp và trừng phạt sẽ là những viễn cảnh có thể dự đoán được.
Kịch bản IS là thủ phạm
Thông qua kênh Telegram, ngày 23-3 IS đã tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công vào phòng hòa nhạc trong trung tâm thương mại Crocus ở Krasnogorsk, vùng Matxcơva.
Tuy nhiên, tuyên bố ban đầu không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy chính IS đã thực hiện vụ việc.
Không lâu sau đó, cũng qua Telegram, nhóm này công bố hình ảnh của 4 nghi phạm và một đoạn clip dài khoảng 1 phút rưỡi cho thấy cận cảnh một trong những tay súng nổ súng vào các nạn nhân.
Những tên khác cũng xuất hiện trong đoạn clip với khuôn mặt mờ và giọng nói không nghe rõ, trên tay lăm lăm súng trường và dao.
Bộ Nội vụ Nga cho biết cả 4 nghi phạm (hiện đã bị bắt) đều là người nước ngoài. Các kênh Telegram của Nga, bao gồm cả những kênh có liên kết với các cơ quan an ninh, tiết lộ nhóm nghi phạm đến từ Tajikistan – quốc gia giáp Afghanistan và là nơi IS đang hoạt động.
Câu hỏi đặt ra là vì sao IS lại nhắm vào Nga mà không phải quốc gia nào khác ở châu Âu? Có ý kiến cho rằng IS muốn trả thù Nga sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự ở Syria năm 2015, nhằm hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad chống lại phe nổi dậy và IS.
Sự can thiệp của Nga đã làm thay đổi cục diện chiến trường ở Syria.
Trong tuyên bố ngày 23-3, IS gọi vụ khủng bố ở Nga là một phần của cuộc chiến với “các quốc gia chống lại Hồi giáo”.
Điều này phù hợp với tiết lộ từ một quan chức Mỹ rằng có thông tin tình báo xác nhận IS chịu trách nhiệm chính. Quan chức giấu tên này cũng khẳng định Washington đã cảnh báo Matxcơva trong những tuần gần đây về khả năng xảy ra một cuộc tấn công.
Nhà Trắng cùng Phó tổng thống Kamala Harris kế đó khẳng định IS là thủ phạm duy nhất, là “kẻ thù chung phải bị đánh bại ở bất kỳ đâu”.
Cơ sở lập luận của Mỹ có lẽ dựa trên một sự việc cách đây hai tuần. Khi đó, Đại sứ quán Mỹ tại Nga đã cảnh báo về âm mưu khủng bố tại Matxcơva của “những kẻ cực đoan”.
Thông báo này lại được đưa ra vài giờ sau khi Tổng cục An ninh liên bang Nga (FSB) tuyên bố đã ngăn chặn một cuộc tấn công vào giáo đường Do Thái ở Matxcơva bởi một nhánh của IS tại Afghanistan hay còn được gọi là ISIS-K.
Nếu IS thực sự là thủ phạm, nó sẽ phù hợp với những gì Mỹ đưa ra ở trên cũng như các phản ứng của họ sau vụ khủng bố. Nhiều quốc gia phương Tây đã lên án vụ tấn công và bày tỏ sự cảm thông với những người dân Nga bị ảnh hưởng.
Thông điệp “IS là kẻ thù chung” mà Mỹ đưa ra cũng đáng chú ý, với những người lạc quan tin rằng điều này sẽ mở ra một cơ hội hợp tác với Nga vì lợi ích chung là tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố.
Hồi hộp chờ thông tin từ Nga
Trong lúc đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và FSB vẫn chưa đưa ra bất kỳ cáo buộc nào đối với IS. Nhà lãnh đạo Nga chỉ xác định chung chung kẻ thù là “khủng bố quốc tế” và cảnh báo tất cả thủ phạm, những người tổ chức và ra lệnh thực hiện sẽ bị trừng trị.
Ông cáo buộc các nghi phạm bỏ chạy về hướng Ukraine, nơi Kiev đã “mở sẵn một cánh cửa” để chúng tẩu thoát.
Người đứng đầu Đài Russia Today của Nga, bà Margarita Simonyan, cũng đã đăng hai đoạn video thẩm vấn hai nghi phạm bị còng tay. Cả hai đều thừa nhận đã nhận tiền để thực hiện vụ tấn công nhưng không cho biết ai đã tổ chức.
Đó là một điều lạ, bởi nếu IS thực sự tổ chức tấn công, những tay súng của nhóm này thường sẽ không ngần ngại xưng danh. Nói cách khác, hai đoạn video này đã làm lung lay tuyên bố nhận trách nhiệm của IS.
Thêm vào đó, trong tuyên bố ngày 24-3, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov khẳng định Washington đã không chia sẻ điều gì với đại sứ quán trước vụ việc.
“Không có thông tin cụ thể, không có bất kỳ cái gì được cung cấp cho chúng tôi”, ông Antonov nói với Hãng thông tấn TASS và khẳng định cũng chẳng có liên lạc nào giữa Washington với Matxcơva sau thảm kịch.
Đến đây, thông tin của ông Antonov khiến người ta quay ngược lại đặt câu hỏi về những gì Mỹ đã tuyên bố trước đó.
Một số quan chức khác trong chính quyền Nga thì đưa ra những phát ngôn nhắm vào Ukraine, cho rằng nếu Kiev đứng sau vụ việc, họ sẽ phải gánh hậu quả trên chiến trường.
Tâm lý này là dễ hiểu ở hai quốc gia đang đối đầu nhau trong một cuộc chiến, nhưng nó tạo ra sự lo lắng ở thế giới phương Tây rằng Nga sẽ tranh thủ vụ khủng bố để “kích động” tinh thần chống Ukraine tại Nga, tạo cớ leo thang xung đột và huy động thêm binh sĩ.
Sự lo ngại đó đã dẫn đến việc Mỹ và đồng minh có sự vội vàng trong việc khẳng định IS là thủ phạm, đồng thời nhấn mạnh Ukraine không liên quan.
Có lẽ phương Tây cần công bố thêm các bằng chứng tình báo để chứng minh cho điều này nếu muốn lập luận đó đứng vững. Hoặc có lẽ là không, nếu đó chỉ là một diễn ngôn chính trị nhằm bảo vệ Kiev trong bối cảnh nước này đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung vũ khí từ phương Tây.
Với Nga, nước này có lẽ không có gì để phải vội vàng trong việc công bố ai là thủ phạm, bởi bất kỳ thông tin nào chỉ ra sự liên quan của Ukraine vào lúc này đều sẽ bị phương Tây xem là cái cớ được Nga dựng lên để tăng cường “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.
Đồng thời, giới chức Nga cũng muốn người dân cảm nhận vụ việc đã được điều tra một cách toàn diện và kỹ lưỡng, qua đó dập tắt những thông tin cho rằng chính Matxcơva đã “đạo diễn” vụ việc.
Chưa ai biết Matxcơva sẽ đưa ra câu trả lời khi nào và nó sẽ ra sao, nhưng sẽ rất đáng để theo dõi tính thời điểm của việc công bố cùng những thông tin được hé lộ trong vài ngày tới.
Trong thời gian chờ đợi đó, quan điểm của Nga được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova truyền tải ngày 24-3 là bất kỳ tuyên bố nào từ chính quyền Mỹ nhằm biện minh cho Kiev trước khi kết thúc cuộc điều tra “sẽ được coi là bằng chứng”.
Quốc tang ở Nga
Không khí u buồn lan khắp nước Nga, đặc biệt tại thủ đô Matxcơva, khi nước này trải qua ngày quốc tang 24-3. Trên khắp Matxcơva, các biển quảng cáo được thay sang hình một ngọn nến, ngày xảy ra vụ tấn công và dòng chữ “Chúng tôi thương tiếc”.
Tại thành phố Voronezh phía tây nam, người dân đến đặt hoa và thắp nến cho các nạn nhân vụ xả súng tại đài tưởng niệm trẻ em thiệt mạng trong vụ đánh bom Thế chiến II.
Ở Naryan-Mar, người dân đặt hoa tại trung tâm văn hóa Arktika, bất chấp sương giá và gió rét. Còn tại Petrozavodsk, nến được thắp sáng trên bờ hồ Onega.
Một số địa phương khác còn tổ chức tưởng niệm sớm hơn và dài hơn cả nước, chẳng hạn như vùng Kuzbass dành 3 ngày để tưởng niệm.
T.P