Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐiểm sáng từ những mối quan hệ đối tác chiến lược Việt...

Điểm sáng từ những mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Australia, New Zealand

Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Australia vào tháng 3 năm 2024. Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân đã được tổ chức với nghi thức long trọng nhất với 19 phát đại bác chào mừng. Sự trọng thị này đánh dấu cột mốc phát triển quan trọng trong mối quan hệ song phương hơn nửa thế kỷ qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese trao đổi tuyên bố về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện, tháng 3/2024.

Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 26/2/1973 và lập Đại sứ quán tại mỗi nước ngay sau đó. Australia là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao 51 năm trước, Việt Nam và Australia đã liên tục có những bước đi nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ, trên nhiều lĩnh vực hợp tác.

Hai bên xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2009, Đối tác Toàn diện tăng cường năm 2015 và nâng cấp lên Đối tác Chiến lược ba năm sau đó. Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, mới đây là chuyến thăm Australia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tháng 12 năm 2022 và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Anthony Albanese tháng 6 năm 2023.

Có thể điểm lại những con số và điểm nhấn ấn tượng trong các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước gần đây.

Thứ nhất, kinh tế vẫn là điểm sáng nhất trong quan hệ song phương. Kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng liên tục qua các năm. Australia là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác lớn thứ 10 của Australia. Thương mại song phương năm 2022 đạt 25,7 tỷ AUD, tăng 75% so với năm 2020. Đặc biệt, thương mại nông sản, hải sản giữa hai nước rất ấn tượng. Australia đã mở cửa cho vải, xoài, thanh long, nhãn, tôm đông lạnh của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đã mở cửa cho Australia đối với 6 loại quả gồm cam, quýt, cherry, nho, đào và xuân đào. Về mặt đầu tư, tính đến cuối tháng 2, Australia có 631 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD vào Việt Nam, đứng thứ 20/145 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tập trung ở các lĩnh vực chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú, y tế, trợ giúp xã hội và nông, lâm, thủy sản. Việt Nam có 92 dự án đầu tư sang Australia với tổng vốn đầu tư là 552,7 triệu USD, đứng thứ 11/80, chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, bán buôn bán lẻ, chế biến chế tạo.

Thứ hai, trong lĩnh vực giáo dục, Australia là một trong những nước cấp nhiều học bổng Chính phủ cho Việt Nam nhất với khoảng 70 suất mỗi năm. Nước này cũng tài trợ hơn 50 triệu AUD (32,5 triệu USD) cho chương trình phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Australia giai đoạn 2021-2025. Các đại học của Australia hiện tiếp nhận gần 31.000 du học sinh Việt Nam. Việt Nam có cộng đồng sinh viên đông thứ sáu tại Australia.

Thứ ba, về viện trợ và hỗ trợ song phương, Australia là một trong những đối tác song phương cung cấp ODA không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam với tổng giá trị 3 tỷ AUD. Australia đã hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, tài trợ cho Việt Nam 26,4 triệu liều vaccine.

Thứ tư, về an ninh quốc phòng, trong những năm qua, Việt Nam và Australia đã hợp tác tốt trong các lĩnh vực như phòng chống tội phạm, quản lý xuất nhập cảnh, chống di cư bất hợp pháp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo tiếng Anh. Không quân Hoàng gia Australia 5 lần hỗ trợ vận chuyển bệnh viện dã chiến của Việt Nam tới Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan.

Thứ năm, trong lĩnh vực du lịch, số lượng khách du lịch Australia đến Việt Nam tăng đều qua các năm, chỉ tạm ngừng do tình hình đại dịch Covid-19 và đã được nối trở lại từ tháng 3 năm 2022. Số khách du lịch Việt Nam đến Australia cũng tăng đều, đứng thứ 18 trong số 57 thị trường có khách du lịch đến Australia.

Thứ sáu, trong lĩnh vực di dân và định cư, cộng đồng người Việt tại Australia rất lớn, khoảng 350.000 người, đứng thứ 5 trong số các cộng đồng sắc tộc gốc nước ngoài ở nước này. Hai nước cũng đã thống nhất các thỏa thuận tạo điều kiện cho 1.000 lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lấp đầy thiếu hụt lao động ở vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa của Úc. Như vậy, sự gắn bó giữa hai nước xét từ góc độ cộng đồng dân cư sống trên lãnh thổ của nhau là rất lớn.

Với nền tảng như vậy trong hơn nửa thế kỷ hợp tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính và người đồng cấp Australia đã thông báo nâng cấp quan hệ Việt Nam – Australia lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Hai bên tuyên bố sẽ phát triển mối quan hệ theo 6 phương hướng chủ đạo.

Một là, tin cậy chính trị, ngoại giao cao hơn, chiến lược hơn, nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, hợp tác giữa các địa phương.

Hai là, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bao trùm, thực chất, hiệu quả hơn, nhấn mạnh việc mở cửa thị trường đối với các mặt hàng nông sản của nhau, hướng tới mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho hai nước.

Ba là, thúc đẩy hợp tác khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn, Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ Australia hợp tác với các trung tâm đổi mới sáng tạo, công viên phần mềm, sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam.

Bốn là, hợp tác văn hóa, giáo dục – đào tạo, môi trường, thống nhất tăng số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tập tại Australia; mở thêm chi nhánh các trường đại học lớn của Australia tại Việt Nam.

Năm là, giao lưu nhân dân, kết nối giữa các thế hệ rộng mở và chân thành hơn, phấn đấu đưa hai nước lọt vào nhóm các thị trường du lịch hàng đầu của nhau.

Sáu là, hiểu biết, thông cảm và chia sẻ nhiều hơn về hợp tác an ninh quốc phòng, đặc biệt trong các lĩnh vực đào tạo, huấn luyện, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm giữa các quân, binh chủng, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng dữ liệu quốc gia.

Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có chuyến thăm chính thức New Zealand. Thủ tướng Christopher Luxon cũng đã chủ trì lễ đón Thủ tướng Việt Nam với 19 phát đại bác chào mừng.

Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 19/6/1975, nâng lên quan hệ Đối tác Toàn diện tháng 9/2009, và xác lập quan hệ lên Đối tác Chiến lược tháng 7/2020.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14, nhà xuất khẩu thứ 13 và nhập khẩu đứng thứ 17 của New Zealand. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều qua các năm, từ 300 triệu USD năm 2009 lên 1,3 tỷ USD năm 2023.

Tính đến tháng 11/2023, New Zealand có 52 dự án đầu tư với tổng số vốn 208,35 triệu USD, đứng thứ 39/143 quốc gia và lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Các lĩnh vực gồm bất động sản, giáo dục và đào tạo, công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; xây dựng. Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand có khoảng 11.000 người, chủ yếu sinh sống ở Auckland, Christchurch và Wellington.

Trong chuyến thăm này, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận toàn diện về các lĩnh vực hợp tác và đề ra ba phương hướng để đưa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – New Zealand tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Thứ nhất, hai nước sẽ ổn định và củng cố tin cậy chính trị, lòng tin chiến lược, hợp tác chính trị, ngoại giao thông qua trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao, các cấp, tạo nền tảng vững chắc hơn cho quan hệ song phương.

Thứ hai, Việt Nam và New Zealand sẽ tăng cường và mở rộng hợp tác trên tất cả các trụ cột quan trọng, gồm kinh tế – thương mại – đầu tư, an ninh quốc phòng, nông nghiệp và giao lưu nhân dân. Hai nước phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2 tỷ USD trong năm 2024 và sớm tăng gấp đôi đầu tư hai chiều thông qua mở cửa thị trường và giảm rào cản thương mại. Hai nước cũng thống nhất mở rộng hợp tác quốc phòng – an ninh, ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang ngày càng gia tăng tại khu vực như tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh.

Hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, an ninh hàng hải, trao đổi thông tin tình báo… Việt Nam mong muốn New Zealand tăng học bổng cho sinh viên Việt Nam và các trường đại học của hai nước tăng cường liên kết, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam. Việc sớm mở lại đường bay thẳng sẽ là động lực quan trọng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực này.

Thứ ba, Việt Nam – New Zealand sẽ tăng tốc trong hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường, giảm phát thải, phát triển nông nghiệp, các ngành công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), chip bán dẫn. Các lĩnh vực bứt phá gồm hợp tác kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển, nhất là về chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng chính sách, chuyển giao công nghệ; hợp tác lao động, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho lao động của Việt Nam sang làm việc tại New Zealand.

Việt Nam và New Zealand cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Hai chuyến thăm chính thức tới Australia và New Zealand của Thủ tướng Việt Nam đã thành công rực rỡ, một lần nữa khẳng định vị thế lớn của Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh thế giới đang bị lôi kéo vào các cuộc chiến tranh ở châu Âu và Trung Đông, các quốc gia lớn nhỏ vẫn đang tìm tới Việt Nam như một đối tác hợp tác hướng tới hoà bình và phát triển. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước, trong đó có các Đối tác Chiến lược Toàn diện là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Australia. Việc nâng cấp quan hệ với Australia khẳng định một lần nữa rằng các quốc gia mạnh trên trường quốc tế đều thừa nhận Việt Nam là đối tác quan trọng về cả địa chính trị và kinh tế tại châu Á hiện nay.

Đối tác Chiến lược Toàn diện với Australia và đối tác chiến lược với New Zealand đóng vai trò quan trọng góp phần bảo vệ an ninh tại châu Á Thái Bình Dương, khi hai nước này đều tuyên bố ủng hộ giải quyết mọi xung đột bằng biện pháp hoà bình, tôn trọng luật pháp quốc tế. Hai nước đều có chung nhận thức chính trị với Việt Nam về trách nhiệm của mình đối với hoà bình, xoá bỏ mọi rào cản ý thức hệ chính trị, nhận thức quyền lợi chung là hoà bình và thịnh vượng, ủng hộ tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nhau.

Quan hệ với Australia và New Zealand cũng mở ra nhiều cơ hội thương mại, đầu tư cho doanh nghiệp hai nước. Việt Nam có thể tận dụng những mối quan hệ này để mở ra một thị trường quan trọng. Đặc biệt, lĩnh vực giáo dục của Australia và New Zealand đang có sức thu hút lớn với du học sinh Việt Nam, mở ra cơ hội đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Cộng đồng người Việt tại Úc và New Zealand cũng đang ngày một lớn, mang đến sự gắn kết sâu sắc hơn trong tương lai. Hợp tác an ninh quốc phòng cũng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Australia và New Zealand là bước vào thời kỳ mới thân thiện hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và hai nước, tạo ra môi trường sống và điều kiện giao lưu nhân dân, cải thiện cuộc sống người Việt ở các quốc gia này, khi tính hợp pháp, quyền lao động, học hành của người dân được củng cố và tôn trọng.

Hình thức đón tiếp Thủ tướng Việt Nam cũng như tuyên bố nâng cấp quan hệ lên mức cao đã thể hiện Australia và New Zealand đã dành thiện chí đặc biệt cho Việt Nam, với tâm thế cởi mở, hữu nghị, tin tưởng lẫn nhau. Hợp tác chiến lược không phải là ký kết mang tính hình thức mà đã trở thành thực tế. Việt Nam, một lần nữa, qua việc công bố hợp tác chiến lược toàn diện với một quốc gia mạnh, đã thể hiện là nước có vị thế địa chính trị đặc biệt và sức mạnh kinh tế đang lên, ngày càng được coi trọng trên trường quốc tế. Sự kiện này cũng nói lên đường lối ngoại giao đúng đắn của Việt Nam “làm bạn với các nước”. Điều này sẽ tích cực củng cố an ninh và đảm bảo hòa bình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy vậy, mọi ký kết trên cần được hiện thực hoá bằng nỗ lực của cả hệ thống. Chính phủ, các doanh nghiệp và người dân cùng chung tay tận dụng cơ hội này, coi những mối quan hệ đối tác chiến lược như một cơ hội để phát triển đất nước, để Việt Nam nhanh chóng trở thành nước phát triển vào năm 2024.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới