Trong trận mở đầu chiến dịch, 240 khẩu pháo của ta bắn liên tiếp trong vòng 1 giờ; sau 15 phút khai hoả, hoả lực của ta đã gần như áp đảo.
Trận Điện Biên Phủ năm 1954 là trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta với thực dân Pháp xâm lược. Đây cũng là trận đương đầu, đọ sức, đấu trí quyết liệt của lực lượng pháo binh hai bên.
Trong Chiến dịch này, chúng ta đã huy động 100% lựu pháo, hơn 70% sơn pháo 75mm và 80% cối 120 của toàn quân. Trong từng trận đánh cụ thể, chúng ta đã tập trung ưu thế pháo binh gấp từ 2-4 lần pháo binh địch. Vì vậy, người Pháp được coi là bậc thầy về phản pháo, cũng đã phải khuất phục trước những khẩu pháo thô sơ, bé nhỏ của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ngày 13/3/1954, pháo binh của ta đồng loạt khai hoả, dồn dập bắn vào cứ điểm Him Lam. Chiến dịch Điên Phủ chính thức bắt đầu. Trong suốt chiến dịch, nhiệm vụ của bộ đội pháo binh là chế áp và tiêu diệt pháo binh địch, khống chế sân bay, bắn quấy rối và phá hoại sở chỉ huy, kho tàng của địch, chi viện cho bộ binh tiến công.
Trong trận đánh mở màn đợt 2 chiến dịch, ba đại đội lựu pháo của ta đánh đòn tập kích hoả lực mãnh liệt vào hai trận địa pháo của địch, khiến cho cả hai trận địa này tê liệt.
Dù pháo binh của Pháp có nhiều lợi thế nhưng do chủ quan và kiêu ngạo, pháo binh của Pháp đã hoàn toàn bị thất thủ trước những đòn tiến côn dồn dập, bất ngờ của pháo binh Việt Nam.
Đại tá Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự phân tích: “Pháo binh là niềm tự hào của Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Về số lượng thì pháo binh của ta lớn hơn. Chúng ta có 261 khẩu pháo. Trong đó quân Pháp chỉ có 126 khẩu.
Nhưng rõ ràng hầu hết pháo của người Pháp đều là pháo lớn, chiếm lĩnh công sự vững chắc ở trên cao. Cho nên họ có nhiều lợi thế. Vì thế mà viên chỉ huy pháo binh của Pháp ở Điện Biên Phủ là Trung tá Pirot đã ngạo mạn tuyên bố sẽ làm cho pháo binh Việt Minh “câm họng””.
Thực tế những gì diễn ra trên chiến trường đã trở thành nỗi kinh hoàng với người Pháp. Trong trận mở đầu chiến dịch, 240 khẩu pháo của ta bắn liên tiếp trong vòng 1 giờ. Sau 15 phút khai hoả, hoả lực của ta đã gần như áp đảo.
Sác lơ – Pi rốt, viên chỉ huy phó tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, phụ trách pháo binh đã tự sát ngay sau trận mở màn với lời trăng trối cuối cùng “Không có cách nào làm im lặng những khẩu pháo của Việt Minh”.
Theo Trung tá Công Phương Khương, Viện Lịch sử quân sự, trong suốt chiến dịch và trong từng trận đánh, chúng ta đã tập trung pháo binh tạo nên ưu thế về lực lượng, chi viện cho bộ binh đánh chắc thắng, tiêu diệt từng cứ điểm từ ngoài vào trong, tiến tới tiêu diệt toàn bộ cứ điểm.
“Trong trận đánh đồi Độc Lập, pháo binh của ta so với địch là gấp 4,5 lần pháo binh địch. Nói chung là trong suốt quá trình chiến dịch mà bắn chế áp pháo binh địch thì pháo binh ta gấp khoảng 10 lần. Điều đó cho thấy là pháo binh của ta đã phát huy được ưu thế mạnh mẽ trên chiến trường Điện Biên Phủ”- Trung tá Công Khương Phương nói.
Một trong những thành công nổi bật về nghệ thuật bố trí đội hình chiến đấu pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là các trận địa được bố trí phân tán, giãn rộng, giãn cách giữa các đại đội là từ 3 – 5km nhưng tập trung được hoả lực vào hướng chủ yếu, mục tiêu chủ yếu.
Trung đoàn 45 lựu pháo 105mmm được bố trí tạo thành một vòng cung hơn 30km bao quan tập đoàn cứ điểm. Cự ly các trận địa pháo đến Trung tâm Mường Thanh từ 6 – 8km, nằm gọn trong tầm bắn hiệu quả của pháo binh ta. Cùng với đó, nghệ thuật ngụy trang, nghi binh cũng được sử dụng triệt để, chính vì vậy, mà người Pháp hoàn toàn bất lực trong việc phản pháo.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phong, Tư lệnh Binh chủng Pháo binh phân tích: “Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, pháo của ta được đưa lên cao, bắn vào trận địa pháo binh của Pháp. Pháo binh của ta cũng ngụy trang, nghi binh rất khéo, những trận địa giả được dựng nên, khi pháo ta bắn, các trận địa giả cũng tiến hành đánh thuốc nổ, tạo chớp lửa đầu nòng, khiến cho pháo binh Pháp không thể tìm ra được trận địa pháo của ta. Đó là một minh chứng cho thấy tinh thần dũng cảm, sáng tạo của bộ đội pháo binh Việt Nam”.
Từ những đơn vị đầu tiên với những khẩu pháo thu được của địch, lực lượng pháo binh non trẻ của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, vừa chiến đấu, vừa trưởng thành và góp phần làm nên chiến thắng vang dội Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Kế thừa và phát huy kinh nghiệm về nghệ thuật sử dụng pháo binh trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, bộ đội pháo binh tiếp tục vận dụng phát triển nghệ thuật quân sự sử dụng pháo binh sáng tạo, trong tình hình mới, trước mắt là tập trung xây dựng lực lượng pháo binh, tên lửa mặt đất tinh, gọn, mạnh.
“Hiện nay, chúng ta đã xây dựng lực lượng pháo binh rộng khắp ba thứ quân, đó là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Các đơn vị pháo binh, tên lửa mặt đất là thành phần lực lượng chiến đấu quan trọng trong các loại hình tác chiến chiến lược, chiến dịch, chiến thuật và có khả năng chi viện hỏa lực hiệu quả trong các phương thức tiến hành chiến tranh.
Tổ chức thực hiện việc xây dựng lực lượng pháo binh tên lửa tinh gọn, mạnh, phù hợp với từng cấp, với nội dung cơ bản, đó là xây dựng tổ chức biên chế thích hợp, từng bước hiện đại hóa vũ khí, trang bị và tổ chức huấn luyện tốt” – Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phong, Tư lệnh Binh chủng Pháo binh cho biết.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đối với các đơn vị pháo binh dự bị chiến lược, cần có lộ trình từng bước trang bị các loại pháo tự hành, pháo phản lực có tầm bắn xa hơn.
Đối với lực lượng pháo binh cấp chiến thuật, từng bước nghiên cứu, cải tiến tích hợp các trang bị trên xe pháo, để nâng cao khả năng cơ động, uy lực sát thương, tiến hành nghiên cứu thiết bị công nghệ mới, từng bước tự động hóa chỉ huy chiến đấu của pháo binh, để đáp ứng với yêu cầu tác chiến khẩn trương phức tạp trong chiến tranh hiện đại.
T.P