Friday, December 27, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiThiếu máy bay toàn cầu, vé sẽ hiếm và tăng giá?

Thiếu máy bay toàn cầu, vé sẽ hiếm và tăng giá?

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh câu chuyện thiếu máy bay của các hãng hàng không ở Việt Nam khiến hành khách, người dân, doanh nghiệp du lịch lo lắng tăng giá vé máy bay, khó khăn cho việc đi lại.

Hành khách bay chuyến TP.HCM – Lâm Đồng xuống máy bay tại sân bay Liên Khương

Mở đầu cuộc trò chuyện, ông Đinh Việt Thắng giải thích vì sao các hãng hàng không thiếu máy bay:

“Thời điểm hiện tại, đội máy bay của các hãng hàng không Việt Nam là 213 chiếc, giảm 18 chiếc máy bay so với năm 2023.

Trong đó, số lượng máy bay đang khai thác thực tế dao động từ 165 – 170 chiếc, giảm khoảng 40 – 50 máy bay so với bình quân năm 2023.

Các nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm số lượng máy bay của các hãng hàng không Việt Nam gồm:

Thứ nhất, nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney đã thông báo về việc triệu hồi động cơ PW 1100 để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất (ước tính có thể ảnh hưởng đến 600 – 700 động cơ PW 1100 đang khai thác trên các đội bay toàn thế giới).

Tại Việt Nam, các động cơ này đang được sử dụng trên 42 máy bay Airbus A321 NEO khai thác bởi Vietnam Airlines và VietJet Air.

Việc triệu hồi động cơ để kiểm tra, sửa chữa đã làm 50% số máy bay Airbus A321 NEO phải dừng khai thác từ tháng 1-2024.

Số máy bay còn lại tiếp tục tạm dừng khai thác trong năm 2024 và năm 2025 khi đến kỳ kiểm tra động cơ.

Thứ hai, các hãng hàng không Pacific Airlines và Bamboo Airways thực hiện việc tái cơ cấu đội máy bay nhằm tối ưu công tác quản trị, tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, ổn định hoạt động khai thác trong giai đoạn này và chờ thị trường khôi phục, phát triển trở lại trong giai đoạn tới đây.

Ngoài ra, việc các hãng hàng không Việt Nam tiến hành bảo dưỡng định kỳ máy bay sau phục vụ giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2024 và chuẩn bị tiếp theo trong công tác phục vụ cao điểm hè năm 2024 cũng là nguyên nhân cho sụt giảm đội máy bay thời điểm hiện tại”.

Tăng giá vé phù hợp với quy luật cung cầu

  • Việc giảm số lượng máy bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ tác động trực tiếp các đường bay nội địa, quốc tế trong năm 2024 và 2025 như thế nào?
  • Sự biến động đội máy bay của các hãng trong năm 2024 sẽ làm sụt giảm nhất định tải cung ứng trên các đường bay nội địa, quốc tế trong các năm 2024 và 2025 của các hãng hàng không Việt Nam.

Cục Hàng không Việt Nam đã có những giải pháp và chỉ đạo các hãng hàng không xây dựng, thực hiện các phương án bảo đảm, duy trì tối đa lực lượng đội máy bay và triển khai bổ sung thuê mua số lượng máy bay phù hợp;

Đồng thời tăng cường bay vào các khung giờ đêm tại các sân bay để bù đắp tải cung ứng sụt giảm;

Phục vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường và hạn chế những tác động tiêu cực do biến động sụt giảm của đội máy bay.

  • Cùng với sự thiếu hụt máy bay, các hãng Bamboo Airways, Pacific Airlines thực hiện tái cơ cấu, dừng khai thác nhiều đường bay.

Vậy khả năng khan hiếm vé, giá vé luôn duy trì ở mức cao, nhất là trong dịp cao điểm hè, Tết 2025 có xảy ra?

  • Việc có sự biến động về giá (tăng giá) trên một số chặng bay trong giai đoạn Tết và cao điểm hè so với ngày thường là phù hợp với quy luật cung cầu, đặc biệt là trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán khi các hãng phải bù đắp chi phí khai thác các chuyến bay chuyển sân hoặc chuyến bay có hệ số sử dụng ghế thấp ở chiều ngược lại.

Theo thống kê của các hãng hàng không Việt Nam, giá vé trung bình trên chặng bay TP.HCM – Hà Nội dịp Tết Nguyên đán 2024 giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2023.

Để đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách trong giai đoạn cao điểm hè năm 2024 và Tết Nguyên đán năm 2025, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo các hãng hàng không Việt Nam khẩn trương thực hiện bổ sung máy bay thuê ướt (thuê máy bay và cả tổ bay), thuê khô (chỉ thuê máy bay) và thực hiện các hợp đồng mua máy bay để bổ sung cho các máy bay bị thiếu hụt, duy trì ổn định lực lượng vận tải hàng không cũng như cung cấp các giá vé máy bay ở mức hợp lý với nhu cầu của hành khách.

Phí, phụ thu có đúng quy định?

  • Thời gian qua, Cục Hàng không Việt Nam luôn khẳng định các hãng hàng không Việt Nam bán giá vé máy bay nội địa không vượt trần nhưng người dân vẫn cho rằng giá vé cao.

Có ý kiến cho rằng chi phí khai thác của vận tải hàng không trung bình khoảng 9,5 cent/hành khách/km. Đường bay Hà Nội – TP.HCM cự ly hơn 1.000km, chi phí hơn 100 USD/vé mới đủ hòa vốn. Vậy chi phí cấu thành giá vé máy bay thế nào?

  • Về tổng thể, chi phí vé máy bay được cấu thành từ toàn bộ các chi phí bảo đảm vận hành hoạt động vận chuyển bằng đường hàng không của một hãng hàng không bao gồm: chi phí khai thác trực tiếp, chi phí khai thác mặt đất, chi phí vận hành hệ thống, quản trị doanh nghiệp.

Theo thống kê của webiste Statista (một trang thống kê của Đức), chi phí cho mỗi ghế – km cung ứng (CASK – Cost Availble Seat km) của các hãng hàng không Mỹ trong giai đoạn từ năm 2014 – 2021 là khoảng 12 cent. Tại khu vực châu Á, theo ước tính năm 2022, CASK của Singapore Airlines là khoảng 11,3 cent; của China Southern Airlines là khoảng 10,4 cent.

Tại Việt Nam, theo quy định, mức giá vé tối đa vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa cho chặng bay có cự ly từ 1.000 – 1.280km là 3,4 triệu đồng. Với chặng bay Hà Nội – TP.HCM có cự ly là 1.150km, với mức giá trần theo quy định là 3,4 triệu đồng thì doanh thu tương đương 0,118 USD (11,8 cent) trên hành khách – km.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới