Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLý do Triều Tiên từ chối mọi cuộc thương lượng với Nhật...

Lý do Triều Tiên từ chối mọi cuộc thương lượng với Nhật Bản

Quan chức cấp cao Triều Tiên tuyên bố nước này sẽ từ chối mọi cuộc thương lượng và liên hệ với Nhật Bản trong tương lai, và giải thích lý do cho quyết định này.

Bà Kim Yo-jong, Phó chủ nhiệm Ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên, ngày 26/3 tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ từ chối “bất kỳ liên hệ hoặc cuộc thương lượng nào” với Nhật Bản.

Phát biểu của bà Kim được đưa ra chỉ một ngày sau khi bà cho biết Thủ tướng Tokyo Fumio Kishida đã đề nghị tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, anh trai bà Kim.

Mối quan hệ giữa hai nước vốn căng thẳng trong nhiều năm qua nhưng ông Kishida gần đây đã bày tỏ mong muốn cải thiện mối quan hệ, điều mà Bình Nhưỡng từng ám chỉ rằng họ không phản đối.

Trước đó, ông Kishida nói rằng ông sẵn sàng gặp ông Kim mà không cần điều kiện gì, nhấn mạnh Tokyo sẵn sàng giải quyết mọi vấn đề, bao gồm cả vụ điệp viên Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản trong những năm 1970 và 1980, vốn vẫn là một vấn đề vẫn được dư luận Nhật Bản quan tâm.

Tuy nhiên, bà Kim ngày 26/3 cáo buộc Tokyo thiếu “can đảm” để hướng tới mối quan hệ “mới” giữa Triều Tiên và Nhật Bản, liên quan tới lập trường của nước này về vấn đề bắt cóc và các chương trình quân sự của Bình Nhưỡng.

Vì vậy, bà Kim cho biết Triều Tiên sẽ từ chối mọi liên hệ với Nhật Bản.

“Chính phủ Triều Tiên một lần nữa hiểu rõ thái độ của Nhật Bản và kết luận là chúng tôi sẽ từ chối mọi liên hệ hoặc đàm phán với phía Nhật Bản. Chúng tôi không quan tâm đến cuộc gặp thượng đỉnh Triều Tiên – Nhật Bản”, bà tuyên bố.

Triều Tiên năm 2002 thừa nhận từng phái đặc vụ bắt cóc 13 người Nhật Bản trong những năm 1970 và 1980, buộc họ phải đào tạo điệp viên về ngôn ngữ và phong tục Nhật Bản. Dù vậy, ở Nhật Bản vẫn còn tồn tại nghi ngờ cho rằng số công dân bị bắt cóc nhiều hơn con số chính thức.

Ông Kishida hôm 25/3 nhấn mạnh: “Đối với quan hệ Nhật Bản – Triều Tiên, các cuộc đàm phán cấp cao rất quan trọng để giải quyết các vấn đề như vấn đề bắt cóc”.

Bà Kim Yo-jong trước đó đã cảnh báo nếu Nhật Bản tiếp tục “mắc kẹt với vấn đề bắt cóc mà không có giải pháp nào thêm”, thì hy vọng cải thiện quan hệ của chính quyền ông Kishida với Triều Tiên sẽ không thành hiện thực.

RELATED ARTICLES

Tin mới