Wednesday, January 8, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiXây dựng 2 đập dâng trên sông Hồng: Có giúp hồi sinh...

Xây dựng 2 đập dâng trên sông Hồng: Có giúp hồi sinh các dòng sông “chết”?

Những năm gần đây, lòng sông Hồng bị xói mòn. Việc hạ thấp lòng dẫn vùng hạ du sông Hồng đang tác động rất lớn đến khả năng lấy nước của tất cả các hệ thống thủy lợi.

Giáo sư Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề xuất xây dựng trước hai đập dâng trên sông Hồng tại khu vực Xuân Quan (Văn Giang – Hưng Yên) và tại khu vực cống Long Tửu (Đông Anh – Hà Nội), dự kiến khởi công vào giai đoạn 2026-2030 để phục vụ thủy lợi, kế hoạch phát triển đô thị ven sông và hồi sinh các sông chết.

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xung quanh nội dung này:

PV: Thưa Giáo sư, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang đề xuất xây dựng trước hai đập dâng trên sông Hồng. Điều này có giúp thành phố Hà Nội hồi sinh các dòng sông “chết”?

GS Vũ Trọng Hồng: Trước đây, Viện Khoa học Thủy lợi cũng đã đưa ra phương án xây dựng một đập dâng trên sông Hồng trước Xuân Quan, nhưng hiện tại đề xuất thêm một đâp dâng nữa.

Các dòng sông bị ô nhiễm không liên quan gì đến việc xây dựng đập dâng. Bởi vì mục đích của đập dâng, chủ yếu là tăng lượng nước về phía thượng lưu của đập, chứ không phải toàn dòng sông, nó giống như là một cái hồ chứa nước vì nó chỉ nằm ở khu vực đó. Còn ô nhiễm sông thường xảy ra ở phía hạ lưu. Nếu như chúng ta ngăn ở trên lại, dòng nước xuống dưới ít thì lại càng ô nhiễm cho hạ lưu, chất thải đổ ra không được dòng nước rửa trôi.

Tôi cho rằng, việc xây dựng đập dâng có tác động ngược lại chứ không thể làm sống lại những dòng sông “chết” của Hà Nội, trừ khi trên thượng nguồn luôn luôn có một nguồn nước xả xuống dòng sông và chảy, không làm đập dâng, thì dòng sông không chết được. Tôi nghĩ rằng cái việc này là tác dụng ngược lại, chứ không thể phục hồi được.

PV: Việc xây dựng các đạp dâng lớn trên sông Hồng có thể tác động đến dòng chảy, hệ sinh thái khu vực đồng bằng sông Hồng như thế nào, thưa ông?

GS Vũ Trọng Hồng: Chúng ta nên nhớ rằng, sông Hồng không chỉ cung cấp nguồn nước để tưới ruộng, cấp nước sinh hoạt hoặc là nguồn phát điện mà sông Hồng còn phải đảm bảo lượng phù sa để bồi đắp cho đồng bằng sông Hồng. Nếu như mất lượng phù sa này thì đồng bằng sông Hồng dần dần bị sạt lở, tạo cho nguồn nước mặn về phía biển sẽ dâng cao hơn, đã có thời điểm nước mặn đã từng dâng lên đến Thường Tín. Sông Hồng là dòng chính để xả nước xuống nếu bây giờ bị ngăn lại, chắc chắn sẽ khiến nước mặn dâng lên. Điều đó đầu tiên là dòng chảy đó bị ảnh hưởng.

Thứ hai, hệ sinh thái, nhiệm vụ chính của sông Hồng là phải đảm bảo cho đồng bằng sông Hồng được bồi đắp. Bây giờ chúng ta ngăn lại, chắc chắn đồng bằng sông Hồng sẽ tiếp tục sạt lở. Kinh nghiệm của đồng bằng sông Cửu Long cũng đã xảy ra, khi ngăn sông Mê Kông đã gây xói lở và nước biển dâng cao.

PV: Thưa ông, Hà Nội dự kiến phát triển đô thị 2 bên bờ sông, việc xây dựng 2 đập có ảnh hưởng gì đến mục tiêu phát triển đô thị?

GS Vũ Trọng Hồng: Tôi được biết, trước đây đã có chuyên gia Hàn Quốc sang nghiên cứu để giúp Hà Nội phát triển đô vị một bên sông Hồng.

Người ta nghiên cứu rất lâu nhưng sau đó không đưa ra được, không thể tiếp tục dự án. Vì sao dự án không thực hiện được đấy là điều quan trọng.

Tôi cho rằng cái phát triển đô thị 2 bên sông, tức là phải lấn ra 2 bên ven sông, có thêm các nhà hàng, đường đi. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ, sông Hồng hiện nay nguồn thoát lũ chủ yếu của đồng bằng Bắc Bộ (còn gọi là đường thoát lũ). Theo nguyên tắc, Chính phủ phải xác định đường thoát lũ chính là đâu và 2 bên bờ sẽ không được xây dựng, không được đụng chạm. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ chưa xác định rõ đâu là đường thoát lũ chính

Bài học kinh nghiệm của sông Đồng Nai là một ví dụ. Trước đây, người ta đổ đất lấn ra hai bên bờ sông Đồng Nai và dòng thoát lũ không thể thoát được. Và như vậy sẽ khiến thu hẹp lại hai bên bờ, tức là khi chúng ta làm cái đập dâng, thì phía thượng lưu được bồi lại nhưng phía hạ lưu hai bên bờ bị xói mòn.

Nếu chúng ta làm đập dâng ở Xuân Quang, phía hạ lưu của Xuân Quan là sẽ dần dần bị xói mòn. Vì thế, theo tôi là muốn làm đô thị ven sông Hồng và chúng ta nếu định làm công trình dập dâng thì cần phải khảo sát, xem các hình ảnh vệ tinh, qua trực tiếp đo xem dòng sông có ổn định hay không, nếu không ổn định sẽ rất nguy hiểm. Đây là một điểm Hà Nội cần phải quan tâm đến việc này.

PV: Ông nghĩ sao về tính khả thi của việc xây dựng đập dâng? Và nếu được xây dựng, Hà Nội cần phải chuẩn bị gì?

GS Vũ Trọng Hồng: Trước tiên, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần xác định đây là đập cố định hay là tạm thời. Bởi nếu xây dựng đập dâng cố định, vốn rất lớn, còn nếu xây dựng tạm thời thì nguồn vốn sẽ giảm đi. Do vậy, tính chất của đập dâng sẽ quyết định tính khả thi hay không. Việc xây dựng đập dâng không chỉ ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến giao thông, cấp nước, thoát nước…

Do vậy, đề xuất xây dựng đập dâng này cần phải xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét là dòng sông Hồng mục tiêu của nó sẽ làm gì.

Thứ hai là phải xin ý kiến các bộ, như vấn đề cấp nước sinh hoạt thì phải được Bộ Xây dựng, hỏi ý kiến dân cư. Bởi vì thuyền bè tàu người ta như qua lại lâu nay để thông thương giữa thượng lưu hạ lưu, bây giờ có đập dâng, đi qua sẽ phải đóng thuế…

Nếu như được phép xây dựng. Nếu như được phép thì phải đưa chắc chắn phải đưa ra Quốc hội xin ý kiến về tất cả các tỉnh hạ du, xem người ta có đồng ý hay không.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới