Wednesday, December 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiBốn ngân hàng ngoại không cho bà Trương Mỹ Lan bán toà...

Bốn ngân hàng ngoại không cho bà Trương Mỹ Lan bán toà Capital Place 1 tỷ USD

Tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm, các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã trình bày quan điểm tại tòa.

Ngân hàng không cho bán tòa nhà Capital Place 1 tỷ USD liên quan đến bị cáo Trương Mỹ Lan

Ngân hàng không cho bán tòa nhà Capital Place

Liên quan đến tòa nhà Capital Place 29 Liễu Giai (TP. Hà Nội), đại diện Ngân hàng HSBC cho rằng, Trương Mỹ Lan không có quyền bán, không có quyền định đoạt đối với tòa nhà này vì tài sản này đã thế chấp cho các ngân hàng.

Đại diện Ngân hàng HSBC (Tập đoàn Ngân hàng Hong Kong và Thượng Hải) đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét bảo đảm quyền lợi của ngân hàng là bên nhận thế chấp cho vay liên quan đến tòa nhà Capital Place đang được thế chấp để đảm bảo khoản vay 200 triệu USD tại đây.

Ngân hàng cho rằng, Trương Mỹ Lan không có quyền bán 1 tỷ USD, không có quyền định đoạt đối với tòa nhà này vì tài sản này đã thế chấp cho các ngân hàng.

Ngân hàng HSBC và Ngân hàng OCBC Bank Singapore đề nghị Hội đồng Xét xử cho phép 2 ngân hàng được ưu tiên giải quyết khoản nợ bao gồm tiền gốc lẫn lãi.

Hiện tòa nhà Capital Place đã được thế chấp cho khoản vay của Công ty Twin-Peaks. Khoản vay chưa được tất toán hoàn toàn, thời điểm đáo hạn trả nợ là ngày 30/4 sắp đến.

Tại tòa, trước đó, Trương Mỹ Lan nhắc nhiều lần đến tòa nhà này. Tòa nhà này đang được thế chấp tại ngân hàng để bảo đảm cho khoản vay 200 triệu USD ở 4 ngân hàng nước ngoài. Nhưng chủ sở hữu đã ủy quyền cho Chu Duyệt Phấn (con bà Trương Mỹ Lan) rao bán giá 1 tỷ USD.

Cũng tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan nói tòa nhà Capital Place có giá thấp nhất hơn 400 triệu USD nhưng phải bán cho nhà đầu tư nước ngoài và không liên quan đến vụ án. Bị cáo Lan cam kết sau khi bán được tòa nhà sẽ tự nguyện dùng phần còn lại sau khi trả nợ để khắc phục hậu quả vụ án.

SCB được toàn quyền khai thác, sử dụng, quản lý các tài sản

Bảo vệ quyền lợi cho SCB, luật sư Nguyễn Minh Tâm đưa ra nhiều đề nghị liên quan tới thiệt hại trong vụ án. Theo đó, luật sư Tâm đề nghị xác định Trương Mỹ Lan và các bị cáo phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho SCB số tiền thiệt hại tính đến ngày 5/3 (xử sơ thẩm) là hơn 760.000 tỷ đồng.

Đối với 1.166 mã tài sản đảm bảo cho các khoản vay của nhóm bà Lan và các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, luật sư đề nghị SCB được toàn quyền khai thác, sử dụng quản lý mà không phụ thuộc vào việc có hay không đầy đủ pháp lý.

Với tài sản là vật chứng bị kê biên trong vụ án, có nguồn gốc từ việc các bị cáo phạm tội, rút từ SCB mà có, luật sư đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên trả lại cho SCB. SCB cũng đề nghị giao bất động sản 117 Pasteur cho SCB quản lý, khai thác.

Về số tiền 5,2 triệu USD bị cáo Trương Mỹ Lan hối lộ, luật sư cho rằng đây là số tiền có nguồn gốc từ SCB và bị chiếm đoạt. Luật sư Tâm đề nghị không tuyên tịch thu sung công quỹ Nhà nước vì không phải tài sản riêng của bị cáo Trương Mỹ Lan, đề nghị tuyên trả lại cho SCB để khắc phục hậu quả vụ án.

Phía SCB cũng đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét giao cho SCB 65 tài sản liên quan để khắc phục hậu quả. Theo luật sư, 65 tài sản này dù không bảo đảm cho bất kỳ nghĩa vụ nào tại ngân hàng nhưng các tài sản này có liên quan đến dòng tiền giải ngân từ SCB cho nhóm Vạn Thịnh Phát.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới