Ông Hun Sen là nhân vật chính trị quan trọng trên chính trường Campuchia. Chỉ nay mai thôi, nhân vật từng ngự trên ghế Thủ tướng tới 38 năm này sẽ chính thức thành Chủ tịch Thượng viện xứ Chùa Tháp.
Chiến thắng vang dội, áp đảo 18 chính đảng tham gia cuộc bầu cử quốc hội khóa 7, hồi tháng 7/2023, nâng cao đáng kể vị thế của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) tại quốc gia được mệnh danh là “xứ chùa tháp”. Sau cuộc bầu cử đó, ông Hun Sen – người đàn ông quyền lực nhất Campuchia – yên tâm bàn giao vị trí cho “lớp trẻ”. “Lớp trẻ” là ai? Câu hỏi đó, người dân Campuchia biết lâu rồi, chính là cậu con trai được ông chăm bẵm kỹ càng từ nhỏ – ông Hun Manet.
Nếu không định kiến về cái gọi là “con ông cháu cha”, ông Manet là người đáp ứng đủ điều kiện, thậm chí, có thể nói là sáng giá. Thật thế, “thái tử” Manet là một trí thức “Tây học”. Ông tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point, Mỹ (người Campuchia đầu tiên tốt nghiệp học viện quân sự danh giá này), có bằng thạc sĩ kinh tế tại Đại học New York và bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bristol (Anh)…
Không còn là người đứng đầu Chính phủ Hoàng gia, ông Hun Sen vẫn còn là Chủ tịch của của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP). Tuy nhiên, với các nhà phân tích quốc tế, cái chức “đầu đảng” dù to thật; có quyền chỉ đạo, định hướng chủ trương, đường lối, quan điểm, nhiệm vụ chính trị…, nhưng cũng chẳng thể quan trọng bằng việc ông Hun Sen là bố đương kim thủ tướng Manet. Bố bảo, con dễ không nghe lời chắc? Theo dõi truyền thông, có thể thấy, hẳn là hàm ý nhiều nhiều rằng, nghỉ chức Thủ tướng, nhưng ông Hun Sen còn lâu mới “lão giả an tri” để ngay lập tức làm một ông già an phận, nên ngay khi ông Manet chính thức thành Thủ tướng, không ít tờ báo, trang mạng đăng những tấm ảnh cho thấy, ông Manet, xưa cũng như nay, là một người con ngoan ngoãn, lễ độ với bề cha như thế nào.
Đây mới chỉ là căn cứ trên chuyện gia đình mà phân tích. Còn thì là, ngay thời điểm chuẩn bị bàn giao quyền lực 3 tuần sau bầu cử, ông Hun Sen chứ ai, vừa là an ủi các đảng viên đang mủi lòng và tiếc nuối trước sự kiện ông tuyên bố không nắm thêm chức vụ Thủ tướng một nhiệm kỳ nữa, vừa để dư luận và người dân Campuchia biết, đã cho biết: thời gian tới, ngoài việc nắm vị trí Chủ tịch Hội đồng Tối cao của Quốc vương, ông sẽ tham gia tham gia ứng cử thượng nghị sĩ và trở thành Chủ tịch Thượng viện Campuchia vào tháng 2/2024…
Cái chức Chủ tịch Hội đồng Tối cao của Quốc vương khó với muôn người, nhưng với một công thần, có thế, có lực như ông Hun Sen, thì không. Thủ tục, chỉ là Quốc vương bổ nhiệm thôi mà. Có điều, mục tiêu trở thành Chủ tịch Thượng viện Campuchia vào tháng 2/2024, thì… đừng có đùa. Đừng, bởi nó không thể là chuyện đơn giản. Thế nên, dù tràn đầy lạc quan trước thắng lợi của CPP trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa diễn, nhưng ngay những người ủng hộ cựu thủ tướng Hun Sen nhất, cũng đôi khi dè dặt khi nghĩ về cuộc bầu cử Thượng viện sẽ diễn ra vào nửa năm sau. Đó là chưa kể, trong bối cảnh chính trị đa dạng của Campuchia thời điểm năm 2024, ai dám chắc, các phe phái sẽ không có động thái này nọ, để tác động, chi phối, dẫn đến sự phân tán trong gần 12 nghìn cử tri tham gia bầu Thượng viện…
Hồi hộp tới mấy rồi câu chuyện cũng đi tới kết quả. Một lần nữa, CPP lại được gọi tên trong kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử Thượng viện – một cuộc bầu cử được cho là diễn ra tự do và công bằng – diễn ra ngày 25/2: giành được đa số phiếu bầu nhất 50 trong số 58 ghế, tương đương hơn 80% tổng số phiếu.
Tới ngày 5/3, kết quả chính thức còn lạc quan hơn trong thông tin từ Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia: CPP đã giành được 55/58 ghế ở Thượng viện, trong đó, tất nhiên bao gồm 1 ghế của ông Hun Sen. So với lần bầu Thượng viện khóa 4 năm 2018 cả 58 ghế đều về tay CPP, kết quả lần này không được đầy đặn bằng, nhưng vẫn là một thành công lớn của Đảng cầm quyền tiếp theo chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7/2023.
Với kết quả đó, coi như mục tiêu chính trị chặng sau này của ông Hun Sen: thành Chủ tịch Thượng viện trong Quốc hội Campuchia – thành hiện thực. Ngày 1/4, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội Campuchia (Hạ viện) khóa 7, ông Hun Sen đã nói lời chia tay Quốc hội, để chuẩn bị cho sự kiện nhậm chức Chủ tịch Thượng viện Campuchia vài ngày tới. Nên nhớ, chức này tuy không mấy thực quyền, nhưng vị trí của nó trong hệ thống chính trị “xứ Chùa Tháp” to lắm. To tới mức, theo quy định của Hiến pháp, vị trí này sẽ giữ quyền nguyên thủ quốc gia khi Quốc vương Campuchia ở nước ngoài.
Với kết quả trên, nếu gác qua những khó khăn của trong thời gian đóng vai trò là “đồng thủ tướng”, sự nghiệp chính trị 39 năm của ông Hun Sen có thể nói là hanh thông, suôn sẻ.
Với ông đã đành, cái hanh thông, suôn sẻ còn may mắn đến với cả gia đình ông khi cậu con cả là đương kim Thủ tướng; cậu con thứ Hun Many, 41 tuổi, người “đóng” chức Bộ trưởng Bộ Dịch vụ Công dân – cũng đã được Quốc hội Campuchia bầu làm Phó Thủ tướng trong phiên họp ngày 21/2/2024.
Rất có thể, sau vài thế hệ nữa, nếu các con cháu ông Hun Sen gặt hái được thành công, ghi được những dấu ấn cụ thể trong việc làm cho quốc gia này cất cánh, lịch sử Campuchia sẽ ghi danh gia đình ông Hun Sen như một gia tộc chính trị đáng nể ở Đông Nam Á vậy.
T.V