Sunday, November 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiGiải pháp cho vấn nạn tin giả do AI ở Đông Nam...

Giải pháp cho vấn nạn tin giả do AI ở Đông Nam Á

Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và Google mới đây cho thấy sự gia tăng của các thông tin sai lệch ở Đông Nam Á diễn ra song song với xu hướng ngày càng phát triển của công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo ( AI). Trong bối cảnh đó, các quốc gia cần có “cách tiếp cận đa diện” để giải quyết vấn nạn này trong khu vực.

Đông Nam Á đang phải đối mặt với vấn nạn tin giả do sự phát triển của công nghệ.

Báo cáo có tiêu đề “Phản ứng khu vực và xuyên biên giới đối với thông tin sai lệch ở Đông Nam Á” đã đưa ra nhiều ví dụ khác nhau về các chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch ở Indonesia và các nước láng giềng trong những năm gần đây.

Theo báo cáo, phương tiện truyền thông xã hội đóng một vai trò lớn trong việc lan truyền tin tức giả trên khắp Đông Nam Á. Trong các cuộc bầu cử khu vực, các nền tảng như Facebook, X và TikTok đã trở thành công cụ quan trọng trong các chiến dịch chính trị ở các quốc gia này.

Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn do trí tuệ nhân tạo, vì báo cáo cho thấy các công cụ trí tuệ nhân tạo cơ bản trực tuyến miễn phí ngày càng trở phổ biến, ví dụ gần đây trí tuệ nhân tạo đã tạo ra một video siêu thực về Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo nói tiếng Trung trôi chảy hay một đoạn video do AI tạo ra về việc ứng cử viên Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto phát biểu bằng tiếng A-rập gây sốt trên mạng xã hội.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia, mặc dù các thông tin sai lệch trong bầu cử giảm trong năm nay nhưng các hình thức thông tin sai lệch ngày càng đa dạng, khiến việc xác định trở nên khó khăn hơn, chưa kể đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo gần đây.

Singapore cũng đã trải qua một sự cố AI tương tự vào năm ngoái khi một đoạn video giả mạo Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ủng hộ kế hoạch tiền điện tử được lan truyền rộng rãi.

Bất chấp những nỗ lực từ chính phủ các quốc gia Đông Nam Á nhằm giải quyết thông tin sai lệch, nghiên cứu vẫn kết luận rằng cần có “cách tiếp cận đa diện” để giải quyết vấn nạn này. Nghiên cứu đề xuất các chính sách dành cho chính phủ dựa trên cuộc họp Bộ trưởng ASEAN về thông tin (AMRI) vào tháng 9/2023, trong đó bao gồm việc nâng cao hiểu biết về truyền thông cũng như thực hiện các biện pháp pháp lý và quy định. Các nền tảng kỹ thuật số nên tăng cường khả năng kiểm tra thực tế và cộng tác với các bên để giám sát nội dung trên nền tảng của họ.

Báo cáo cho rằng, trình độ hiểu biết về truyền thông cần được cải thiện, đặc biệt tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình do trình độ học vấn và khả năng đọc viết tương đối thấp hơn. Những vấn đề như vậy đòi hỏi nỗ lực hợp tác giữa các quốc gia Đông Nam Á và đã đến lúc các nước Đông Nam Á phải hợp tác cùng nhau, củng cố niềm tin của người dân trong khu vực.

Một số quốc gia, như Malaysia, đã tăng cường các biện pháp giám sát và xác thực các nội dung cho các trang web, các chương trình xóa mù chữ kỹ thuật số với sự trợ giúp của Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia. Chính phủ Philippines cũng bắt đầu tích hợp kiến thức thông tin và truyền thông trong những môn học của chương trình giảng dạy tại các trường tiểu học và trung học vào năm 2023.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới