Saturday, December 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ-Trung trong cuộc chạy đua “chiến tranh nhận thức”

Mỹ-Trung trong cuộc chạy đua “chiến tranh nhận thức”

Khái niệm này còn khá mới mẻ, đang còn có nhiều tranh luận, nhưng đã manh nha một cuộc chạy đua giữa hai cường quốc Mỹ- Trung Quốc.

Không phải là cuộc đua chinh phục mặt trăng, cuộc đua về vũ khí hạt nhân, cuộc đua về tranh giành Biển Đông để soán ngôi bá chủ thế giới. Cuộc đua “chiến tranh nhận thức” xuất hiện thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Nó hình thành ngày càng rõ rệt trong thời kỳ thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, khi những tranh chấp địa chính trị nổi lên mạnh mẽ, với âm mưu “vẽ lại bản đồ thế giới”, những cuộc xung đột vũ trang nổi lên ở nhiều khu vực thì hình thức chiến tranh mới này được xem là trang mới trong lịch sử nhân loại, cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu.

Chiến tranh nhận thức có “món ăn đặc biệt” là thông tin. Hơn 30 năm của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thông tin giữ vai trò quan trọng, nhất là các thông tin tình báo, nó được coi là “nhánh quyền lực thứ tư”, tức là chỉ xếp sau lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh, thông tin trở nên một loại siêu vũ khí. Nó không dừng lại ở chỗ một nhánh quyền lực mà còn trở thành vũ khí của một loại hình chiến tranh mới – chiến tranh nhận thức. Cuộc chiến này có tác động làm thay đổi nhận thức của con người về thế giới.

Cuộc chiến tranh đặc biệt này không có tiếng bom gầm đạn xé. Nó có khả năng buộc đối phương thất bại mà không cần đến việc đàm phán, ký kết hòa bình, cũng như không bên nào phải tuyên bố đầu hàng; không gây ra tàn phá cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, thiệt hại về vật chất.

Hiện nay Mỹ đang là cường quốc chiếm ưu thế trong chiến tranh nhận thức. Vì sao vậy? Vì nước này sở hữu các hãng truyền thông lớn chiếm tới 90% khối lượng thông tin toàn cầu. Theo các nghiên cứu của các nhà khoa học quân sự Mỹ, cùng với sự ra đời và phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), chiến tranh nhận thức có khả năng “hủy diệt hàng loạt”, hiệu quả hơn rất nhiều vũ khí hạt nhân, không gây ra tàn phá vật chất.

Không chịu đi sau Mỹ trong cuộc “chiến tranh nhận thức”, Trung Quốc đang ráo riết tiến hành cuộc chiến vô hình chống lại Mỹ và phương Tây. Trong một bài viết công phu đăng trên trang mạng Nghiên cứu châu Á Asialyst ngày 06/01/2024, một nhà khoa học cho biết, những “vũ khí mới” được phát triển một cách bí mật ở Trung Quốc rất đáng sợ.

Một báo cáo gần nhất của Nhóm nghiên cứu các nhà khoa học Mỹ đã công bố báo cáo “Chiến tranh trong thời đại nhận thức: tấn công thần kinh và vũ khí tâm lý tiên tiến của quân đội Trung Quốc”. Các tác giả gióng hồi chuông báo động: Các mối nguy hiểm đã trở nên cực đại bởi vì các nhà nghiên cứu quân đội Trung Quốc đã đạt được bước tiến vượt bậc về lĩnh vực khoa học quân sự mới mẻ này.

Theo đó, những vũ khí mới của Trung Quốc được phát triển bí mật nhằm đạt ba mục tiêu nhắm vào sức khỏe thể chất và tinh thần của đối phương: Một là, gây ra những sự cố sức khỏe bất thường; hai là, những tổn thương não bất thường; ba là, các vụ tấn công thần kinh.

Không thể đánh giá thấp những nghiên cứu của Trung Quốc trong lĩnh vực này, bởi các nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng và có động cơ mang tính chiến lược. Điều đáng lo lắng là, các công nghệ được cho là gây rối loạn tâm thần, gây chấn thương sọ não, cũng như gây tổn thương nhận thức mang mục tiêu kép, cả về dân sự và quân sự.

Từ mục đích ban đầu là chăm sóc, chữa trị bệnh nhân, những nghiên cứu này của Trung Quốc đã chuyển hướng, trở thành các loại vũ khí gây tổn thương nghiêm trọng về nhận thức và não bộ đối với các nạn nhân. Từ đây hình thành một “chiến trường” mới: cơ thể con người, não bộ con người. Thật là kinh khủng!

Cuộc chạy đua chiến tranh nhận thức trong hiện tại vô cùng nguy hiểm. Nó đòi hỏi các quốc gia phải có chiến lược, giải pháp ngăn chặn. Cần có những nghiên cứu toàn diện, kỹ càng để thay đổi trong việc chuẩn bị chiến lược đấu tranh nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng, cũng như sự an toàn của con người. Đó chính là chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa.

Nếu bị động, chủ quan thì khi chúng ta nhận ra tác động của chiến tranh nhận thức, tất cả đã quá muộn.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới