Monday, November 25, 2024
Trang chủQuân sựNhững quyết định cân não làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

Những quyết định cân não làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

Trong khi tập trung vào mặt trận Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các chiến trường đẩy mạnh tiến công địch để phối hợp với Điện Biên Phủ với những quyết sách kịp thời, sáng tạo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên phải) và các đồng chí trong Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngày 6/12/1953, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã họp bàn, nghe Tổng Quân ủy báo cáo quyết tâm phương án tác chiến mùa xuân năm 1954, trọng tâm là mặt trận Điện Biên Phủ.

Với bản lĩnh, trí tuệ và phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, Bộ Chính trị đánh giá Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng lại bị cô lập, ở rất xa hậu phương địch, mọi tiếp tế vận chuyển đều phải dựa vào đường không.

Đối với ta, Điện Biên Phủ cũng là nơi xa hậu phương, khó khăn về tiếp tế hậu cần, nhưng với ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cả tiền tuyến và hậu phương, ta có khả năng khắc phục được và quân dân ta chắc chắn đánh thắng quân địch ở Điện Biên Phủ.

Trên cơ sở phân tích khoa học tương quan lực lượng giữa ta và địch, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến và thống nhất đi đến quyết định: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đại tá Nguyễn Văn Trường, Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng phân tích: “Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta phải nhắc đến vai trò của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị giữ vai trò lãnh đạo và nghiên cứu, đánh giá về ta- địch; bám sát thực tiễn chiến trường; dựa chắc vào đường lối kháng chiến mà Đảng xác định để đưa ra những quyết định rất quan trọng, có tính chất quyết định trực tiếp đến thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Trong bối cảnh tương quan lực lượng giữa ta và địch hết sức khó khăn, với ý chí “dám đánh” và làm cho cả dân tộc “quyết đánh”, cùng với tinh thần “thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh” và làm cho đường lối ấy thấm sâu vào suy nghĩ, hành động của toàn thể nhân dân.

Trong suốt quá trình cuộc kháng chiến, Người đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để từng bước thay đổi tương quan lực lượng theo chiều hướng có lợi cho ta. Khi thời cơ đến, Người đã kêu gọi nhân dân đứng dậy tiến hành đợt tổng phản công để kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp.

GS.TS Trần Thị Minh Tuyết, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: “Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Người thể hiện rõ vai trò chỉ đạo tối cao trong chiến dịch này. Người đưa ra những kế hoạch tác chiến để làm hoàn toàn đẩy đối phương vào sự thất bại. Nava muốn tập trung binh lực thì Hồ Chí Minh xé nhỏ binh lực. Nava muốn xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thành một cái nhọt hút độc, để nghiền nát quân Việt Minh thì Hồ Chủ tịch quyết định đánh thẳng vào đó. Không phải như ngày trước là đánh chỗ yếu, tránh chỗ mạnh thì lần này đánh thẳng vào chỗ mạnh nhất, chuyển từ vận động chiến sang trận địa chiến”.

Quyết định rất quan trọng trong chiến dịch Điện Biên Phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là chọn người chỉ huy cao nhất – Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam- Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tháng 1/1954, Bác đã căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước ngày ra mặt trận. Đó là “Phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.

Đại tướng hiểu rằng chỉ có đánh bại được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mới mở đường cho cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Mọi công việc chuẩn bị cho trận đánh được triển khai theo phương án “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” đã hoàn tất. Tuy nhiên, sau nhiều ngày khảo sát thực địa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thấy những khó khăn cho quân ta. Bởi vậy, mặc dù quân đã dàn trận, đạn đã lên nòng, sẵn sàng khai hỏa vào 17h ngày 25/1/1954 nhưng Đại tướng quyết định dừng lại, cho lui quân về vị trí tập kết. Pháo đã kéo vào nay lại kéo ra để chuẩn bị trận địa đánh theo phương án mới.

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng cho rằng: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh của quân đội đã thể hiện một tư duy chiến lược, rất sắc sảo trong chỉ đạo tác chiến trên chiến trường chiến dịch Điện Biên Phủ. Sự tài tình ấy được thể hiện trong thay đổi về chiến lược từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Đấy là một sự thay đổi chiến lược rất đúng đắn, sáng tạo và mang lại hiệu quả cao, đã mang lại chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Là trợ lý tác chiến của cơ quan đầu não thuộc Bộ Tổng tham mưu mặt trận Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Công Dinh là một trong số ít người giúp việc, tổng hợp tin tức hàng ngày từ các đơn vị ngoài mặt trận để báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại sở chỉ huy đóng tại Mường Phăng, Điện Biên Phủ.

Ông Dinh kể lại, đêm trước ngày nổ súng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thức trắng và sáng sớm 26/1, ông triệu tập cuộc họp Đảng ủy mặt trận cùng các tư lệnh, chính ủy đại đoàn và các cục trưởng. Kết luận cuộc họp lịch sử và cân não ấy bằng chỉ thị chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Ngay sau đó, ông được lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển lá thư tới Bác Hồ về thay đổi phương châm tác chiến.

“Sau khi có quyết định từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có viết 1 bức thư để báo các Bác Hồ và Bộ Chính trị. Ngày 27/1/1954, tôi được gọi lên gặp trực tiếp Đại tướng và Đại tướng đã giao cho tôi bức thư dán kỹ và dặn tôi: “Cậu có trách nhiệm mang bức thư này về an toàn khu đưa đến tận tay Bác Hồ và dặn đây là bức thư quan trọng, phải đi đến nơi về đến chốn”, ông Nguyễn Công Dinh nhớ lại. Thực tế đã minh chứng hùng hồn cho quyết định lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong khi tập trung vào mặt trận Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các chiến trường đẩy mạnh tiến công địch để phối hợp với Điện Biên Phủ với những quyết sách kịp thời, sáng tạo.

Với 5 đòn tiến công chiến lược ở Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào – Đông Bắc Campuchia, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào, ta đã làm cho Kế hoạch Nava không thực hiện theo dự kiến. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành chiến tranh tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh và tài thao lược của Tổng tư lệnh – Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chiều 13/3/1954 quân ta mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng gian khổ, hi sinh với tinh thần “quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh”, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Tướng De Castries và Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm bị bắt sống. Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kết tinh trí tuệ, bản lĩnh, với sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó còn là sự chiến đấu anh dũng của cán bộ, đảng viên, bộ đội trên toàn Mặt trận; sự chi viện to lớn của hậu phương và phối hợp giữa các chiến trường. Sau 56 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới