Ông Đường Nhất Quân, cựu Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc, mới đây đã bị cách chức Chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Giang Tây và đang bị điều tra. Cho đến nay, Trung Quốc đã có 3 cựu Bộ trưởng Tư pháp bị rớt đài. Hậu đài của ông Đường Nhất Quân cũng thu hút sự chú ý vì có liên quan đến ông Tập Cận Bình. Có nhà phân tích cho rằng, các nhà tù do Bộ Tư pháp Trung Quốc điều hành là nơi đen tối nhất trong cuộc đàn áp nhân quyền, việc những quan chức cấp cao này ngã ngựa là một quả báo.
Vào ngày 2/4, trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ủy ban Giám sát Quốc gia đưa tin, ông Đường Nhất Quân (Tang Yijun), Bí thư tổ đảng kiêm Chủ tịch Chính Hiệp (Hội nghị Hiệp thương Chính trị, tương đương với Mặt trận tổ quốc) tỉnh Giang Tây, “bị nghi ngờ vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng, hiện đang bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia xem xét kỷ luật và giám sát điều tra”.
Lại một thân tín của ông Tập Cận Bình ngã ngựa?
Ông Đường Nhất Quân, năm nay 63 tuổi, luôn được coi là một thành viên của “Đội quân Chi Giang mới” (hay còn được gọi là “phe Tập Cận Bình”).
Ông Đường đã công tác ở tỉnh Chiết Giang 40 năm. Khi ông Tập Cận Bình còn nắm quyền ở Chiết Giang, ông Đường đã lần lượt giữ các chức vụ Ủy viên Thường vụ kiêm Tổng Thư ký của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh Chiết Giang, Phó Bí thư Thành ủy Ninh Ba, và Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thành phố Ninh Ba; tuy nhiên, cả hai không có mối quan hệ trực tiếp với nhau.
Tới tháng 2/2011, ông Đường Nhất Quân được bổ nhiệm làm Chủ tịch Chính Hiệp thành phố Ninh Ba, ngang với cấp thứ trưởng.
Năm 2016, 4 năm sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền ĐCSTQ, ông Đường Nhất Quân bắt đầu được trọng dụng, và lần lượt được giữ chức quyền Thị trưởng Ninh Ba, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Chiết Giang, Bí thư Thành ủy Ninh Ba, Phó Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khóa 19.
Sau tháng 10/2017, ông Đường Nhất Quân được điều động làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh và Tỉnh trưởng Liêu Ninh, ngang với cấp bộ trưởng. Tháng 4/2020, ông này giữ chức Bí thư tổ đảng kiêm Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc, và là ủy viên Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương.
Nhưng tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ vào năm 2022, ông Đường Nhất Quân đã không được chọn làm Ủy viên Trung ương. Vào tháng 1/2023, ông này bị giáng chức làm Bí thư tổ đảng kiêm Chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Giang Tây. Dư luận lúc đó cho rằng, việc ông Đường Nhất Quân bị chuyển từ thành viên của chính phủ sang làm chủ tịch Chính Hiệp ở địa phương là điều khá hiếm thấy.
Bình luận: Làm quan dưới thời ĐCSTQ giống như đi trên tàu cướp biển
Ông Dương Sơn (Yang Shan), một người làm truyền thông ở Bắc Kinh, nói với The Epoch Times vào ngày 2/4 rằng, từ việc ông Đường Nhất Quân bắt đầu sự nghiệp ở Chiết Giang khi ông Tập Cận Bình đang nắm quyền ở tỉnh này, có thể hiểu rằng ông Đường là một thân tín của ông Tập. Việc ông này bị chuyển từ Bộ Tư pháp về chính quyền địa phương “chỉ là một bước hòa hoãn của ông Tập Cận Bình”.
Luật sư Trung Quốc Hoàng Thiên (Huang Tian) cũng nói với The Epoch Times vào ngày 2/4 rằng, những gì xảy ra với ông Đường Nhất Quân sau khi rời chức Bộ trưởng Tư pháp chỉ là để che mắt, bởi vì cấp bộ trưởng nhạy cảm hơn nên ông này bị chuyển về cấp địa phương trước rồi mới bị xử lý.
Cả ông Dương Sơn và ông Hoàng Thiên đều dùng bí danh để bình luận, do lo ngại về an toàn của cá nhân.
Ông Dương Sơn cho rằng, kết cục của ông Đường Nhất Quân đã minh họa rõ một điểm: làm quan dưới thời ĐCSTQ sẽ chỉ mang lại họa diệt thân, vì vậy nếu có thể thì đừng làm. “Những ai đã làm quan dưới thời ĐCSTQ có lẽ đều cảm thấy như mình đang ở trên một con tàu cướp biển”.
Ông Hoàng Thiên chỉ ra, trong 2 năm qua ông Tập Cận Bình đã bắt giữ không ít người của mình, những người do đích thân ông này để bạt; có lẽ sau khi ông Tập thiết lập chế độ độc tài của riêng mình, những người không vâng lời hoặc không tích cực hưởng ứng đều sẽ bị thanh trừng.
“Chỉ cần ông ta cảm thấy rằng [ai đó] là người không an toàn, không đáng tin thì sẽ bắt giữ [họ] theo chiến dịch chống tham nhũng có chọn lọc. Điều này cho thấy ông Tập giống với [Hoàng đế cuối cùng của nhà Minh] Sùng Trinh hồi đó, cứng đầu, ngoan cố, thích làm những điều đao to búa lớn, và cũng không tin tưởng vào những người do chính mình đề bạt”, ông Hoàng Thiên nói.
3 cựu Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc rớt đài, ai cũng bị tố cáo vì đàn áp nhân quyền
Cho đến nay, Trung Quốc đã có 3 Bộ trưởng Tư pháp bị rớt đài. Ngoài ông Đường Nhất Quân, còn có bà Ngô Ái Anh (Wu Aiying) và ông Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua).
Năm 2003, bà Ngô Ái Anh được cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đề bạt làm Bộ trưởng Tư pháp, và giữ chức này trong gần 12 năm từ 2005 – 2017. Năm 2015, vụ bắt giữ “709” (một cuộc đàn áp trên toàn Trung Quốc đối với các luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền ở nước này xảy ra vào ngày 09/7/2015) đã gây chấn động cả Trung Quốc và thế giới.
Vào ngày 14/10/2017, bà Ngô Ái Anh đã bị khai trừ khỏi Đảng tại Phiên họp toàn thể lần thứ bảy của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Đây là lần đầu tiên ĐCSTQ công khai tin tức về sự rớt đài của bà Ngô Ái Anh.
Sau đó, ông Trương Quân (Zhang Jun) tạm giữ chức Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc trong khoảng thời gian 1 năm. Năm 2018, ông Phó Chính Hoa, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, đảm nhiệm chức Bộ trưởng Tư pháp cho tới năm 2020.
Tháng 10/2021, ông Phó Chính Hoa đã bị điều tra khi đang là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp chế và Xã hội thuộc Ủy ban Chính Hiệp toàn quốc Trung Quốc.
Tới ngày 22/9/2022, ông Phó Chính Hoa bị kết án tử hình treo và tù chung thân.
Bộ trưởng Tư pháp hiện tại của Trung Quốc là bà Hạ Vinh (He Rong), đã nhậm chức vào tháng 2 năm ngoái.
Người làm truyền thông ở Bắc Kinh – ông Dương Sơn nói rằng, hiện ở Trung Quốc thi hành chế độ độc đảng và chỉ mình ông Tập Cận Bình là người có tiếng nói cuối cùng. Trong hệ thống này, Bộ Tư pháp bề ngoài là thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ), nhưng thực chất lại nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương ĐCSTQ; Bộ Tư pháp Trung Quốc chỉ là một bình hoa.
Còn luật sư Hoàng Thiên nói rằng, các cơ quan công an, viện kiểm sát và tòa án ở Trung Quốc là “con dao” được ĐCSTQ dùng để đàn áp nhân quyền. Bộ Tư pháp Trung Quốc chủ yếu quản lý các nhà tù, sở tư pháp ở mỗi một tỉnh, thành sẽ quản lý các trại tù tại các tỉnh, thành đó. Các trại tù của ĐCSTQ là nơi đen tối nhất và không có nhân quyền nhất, cũng là nơi mà người dân thuộc mọi tôn giáo, tín ngưỡng và những người bảo vệ nhân quyền bị bức hại nghiêm trọng nhất.
Luật sư này nói: “Nơi đen tối nhất mà mọi người không thể nhìn thấy thực ra chính là trại tù. Công an, viện kiểm sát và tòa án đều đen tối, nhưng các trại tù do Bộ Tư pháp [Trung Quốc] điều hành mới là đen tối nhất. Họ tẩy não, tra tấn và chuyển hóa người ta. Trên thực tế, nơi ác độc nhất, không có nhân quyền nhất chính là ở trong tù [của ĐCSTQ]”.
Ông Dương Sơn cũng đề cập rằng, nơi tham nhũng, hủ bại nhất trong ĐCSTQ cũng chính là trại tù, rất nhiều người đi cửa sau để được giảm án. “Nếu nhìn riêng vào những vấn đề ở nhánh tư pháp [của Trung Quốc] thì sẽ thấy vấn đề chủ yếu nằm ở trại tù”.
Bộ Tư pháp Trung Quốc còn kiểm soát luật sư, và chứng chỉ hành nghề luật sư đã trở thành công cụ được chính quyền này sử dụng để đàn áp các luật sư nhân quyền trong nhiều năm qua. Một lượng lớn luật sư ở Trung Quốc – do có liên quan đến các vụ án Pháp Luân Công, bảo vệ quyền lợi cho các công dân và những vụ án được gọi là nhạy cảm khác – mà đã bị thu hồi giấy phép hành nghề, điều kiện sống của họ cũng rất khó khăn.
Giấy phép hành nghề của luật sư Hoàng Thiên đã bị thu hồi vào năm 2021, trong thời gian ông Đường Nhất Quân nhậm chức Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc từ năm 2020 – 2023. Ông Hoàng Thiên cho rằng, ông Đường Nhất Quân không có quá nhiều mối quan hệ thâm sâu trong bộ tư pháp, nhưng ông này được ông Tập Cận Bình đề bạt khi đang công tác ở tỉnh Liêu Ninh, mà bản thân Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia ở Liêu Ninh và Nhà tù nữ tỉnh Liêu Ninh đều là những nơi đặc biệt đen tối.
“Vì vậy, điều này (sự rớt đài) cũng là một loại báo ứng [đối với Đường Nhất Quân], cũng là tích tụ từ sự tham nhũng, hủ bại trước đó”, ông Hoàng Thiên nói.
Trong thời gian ông Đường Nhất Quân giữ chức Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc từ ngày 29/4/2020 đến tháng 2/2023, chính quyền này đã sửa đổi “Quy định về đánh giá điểm tù đối với tội phạm”. Giới quan sát và luật sư cho rằng, đây là hành động nhằm thúc đẩy các nhà tù tăng cường đàn áp các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Vào tháng 7/2022, ông Đường Nhất Quân và rất nhiều quan chức khác trong ĐCSTQ đã bị các học viên Pháp Luân Công ở 38 nước trên thế giới bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Úc… tố cáo hành vi bức hại nhân quyền. Các học viên đề nghị chính phủ nước sở tại cấm những người trong danh sách bức hại này và người thân trực hệ của họ nhập cảnh, cũng như đóng băng tài sản của họ.
Gần 12 năm bà Ngô Ái Anh nắm quyền điều hành Bộ Tư pháp cũng là giai đoạn mà hệ thống nhà tù và hệ thống trại lao động cưỡng bức – do Bộ Tư pháp Trung Quốc quản lý – bức hại các học viên Pháp Luân Công vô cùng nghiêm trọng. Vào ngày 20/7/2021, các học viên Pháp Luân Công ở 37 nước cũng đã tố cáo bà Ngô Ái Anh lên chính phủ nước họ và đề nghị trừng phạt bà này.
Ông Phó Chính Hoa bị người dân Trung Quốc gọi là “ác quan”. Ông này cũng bị các học viên Pháp Luân Công ở 29 nước tố cáo vì thúc đẩy cuộc đàn áp đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Luật sư Hoàng Thiên cho biết, khi ông Phó Chính Hoa còn đương chức, mọi người đã đoán trước rằng ông ta sẽ xảy ra chuyện, bởi vì xưa nay những quan chức độc ác đều không có kết cục tốt đẹp.
T.P