Saturday, December 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBổn cũ soạn lại

Bổn cũ soạn lại

Lâu nay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được coi là tự tin quá mức về các chương trình nguyên tử và vũ khí đạn đạo của Triều Tiên. Theo các nhà phân tích thì ông Kim đang thách thức, khiêu khích chiến tranh. Nhưng cái cách mà ông làm không có gì mới, nó chỉ là “Bổn cũ soạn lại”.

Ông Kim soạn lại “Bổn” cũ là nhằm chiếm thế thượng phong trong quan hệ quốc tế hiện nay, nhất là khi ông được Moscow và Bắc Kinh ủng hộ.

Hôm 10/4 nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố: Tình hình địa chính trị hiện nay rất bất ổn, nó “vây quanh đất nước của chúng ta”. Triều Tiên cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc kích động căng thẳng quân sự bằng cách tiến hành diễn tập quân sự với cường độ và quy mô ngày càng lớn trong những tháng gần đây. Vì thế, bây giờ là lúc phải sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh hơn bao giờ hết. – Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin. Ông nói điều này tại Trường Quân sự và Chính trị Kim Jong-il, ngôi trường mang tên cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il. Đây là “Trung tâm giáo dục quân sự cấp cao nhất” của nước này.

“Bất ổn” và phải luôn “sẵn sàng chuẩn bị cho chiến tranh” là “Bổn cũ” của ông Kim. Cái gì bất ổn? Ai chuẩn bị tấn công Triều Tiên, hay chính nước này chủ động trước? Nỗi lo sợ chiến tranh của người đứng đầu Bình Nhưỡng cần được xem xét trong mô thức hành động của ông ta.

Nếu nhìn vào lịch sử Triều Tiên, quý bạn đọc có thể thấy, quan chức ở Bình Nhưỡng thường dùng những hành động khiêu khích quen thuộc như vậy để thăm dò thái độ và phản ứng của đối phương. Đồng thời, để thu hút sự chú ý của các nước khác khi muốn tranh thủ, hoặc đàm phán.

Năm 2024, Triều Tiên đang chịu áp lực lớn từ các lệnh trừng phạt kinh tế. Trong khi Mỹ và Hàn Quốc được coi là “kẻ thù của cách mạng Triều Tiên”, đang tập trung lo lắng cho cuộc bầu cử Tổng thống và bầu cử Quốc hội, thì dịp này là cơ hội tốt để Kim Jong Un rộng đường phán xét, quy chụp, khiêu khích.

Một điểm nữa, chế độ Bình Nhưỡng trong những năm gần đây đang dốc sức phát triển vũ khí và thúc đẩy các mối quan hệ quân sự, chính trị gần gũi hơn với Nga. Mỹ và phương Tây cáo buộc Triều Tiên đang xích lại gần Nga, tích cực giúp sức Nga trong cuộc chiến tranh Ukraine. Việc này Bình Nhưỡng đã tính toán kỹ và không lo lỗ vốn vì đã nhận được sự giúp đỡ về nhiều mặt từ Moscow, đặc biệt là các dự án quân sự chiến lược.

Ông Kim đã nói thẳng băng với thầy trò Trường quân sự: “Nếu kẻ thù lựa chọn đối đầu quân sự với Triều Tiên, thì chúng ta sẽ không ngần ngại giáng một đòn chí mạng vào chúng, thông qua huy động tất cả các phương tiện hiện có”. Trước đó, ông Kim đã trực tiếp giám sát vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung siêu thanh mới sử dụng nhiên liệu rắn. Loại tên lửa mới này sẽ tăng cường khả năng của Triều Tiên trong việc triển khai tên lửa hiệu quả hơn các biến thể tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng.

Kẻ thù mà Bình Nhưỡng nhắm tới chính là Mỹ và Hàn Quốc. Ông Kim cho rằng, Washington và Seoul đã kích động căng thẳng quân sự thông qua tiến hành “các màn tập dượt chiến tranh”. Hai nước này đã triển khai các cuộc tập trận quân sự với cường độ và quy mô ngày càng lớn trong thời gian qua.

Những tuyên bố kích động chiến tranh đã chứng tỏ sự khủng hoảng ở Triều Tiên đã nâng lên một ngưỡng mới, thậm chí chứa đựng những mầm mống của các cuộc đối đầu mới. Trước sau Bình Nhưỡng cao giọng khẳng định sẽ “không bao giờ từ bỏ vũ khí nguyên tử một khi phần còn lại của thế giới không giải trừ hạt nhân”. Kim Jong Un không còn tìm cách sử dụng kho vũ khí nguyên tử khiêm tốn của mình làm lá bài thương lượng để kiếm viện trợ, như cha mình đã làm.

Điều mà ông Kim muốn làm là, thế giới phải nhìn nhận Triều Tiên như một cường quốc nguyên tử, giống như Pakistan. Đương nhiên Mỹ và ngay cả Nga, Trung Quốc không thể chấp nhận điều này. Chính thái độ của Triều Tiên đã làm bế tắc hẳn quá trình “thương lượng sáu bên” (bao gồm Trung Quốc , Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Nga và Nhật Bản) – công cụ duy nhất của cộng đồng quốc tế để buộc Bình Nhưỡng đưa ra những cam kết.

Trước thái độ “ngoan cố” của Triều Tiên, các nhà chiến lược Lầu Năm Góc đã rất bất ngờ, nhất là khi họ nhận ra Triều Tiên đang tiến rất nhanh về mục tiêu sở hữu hỏa tiễn đầu đạn hạt nhân. Một ngày nào đó, một hỏa tiễn Triều Tiên đe dọa lãnh thổ Mỹ không còn là khoa học viễn tưởng.

Việc đàm phán sau nhiều năm vẫn rơi vào ngõ cụt. Những giải pháp đưa ra chỉ là sự hòa dịu tạm thời. Những hành động quá khích của Bình Nhưỡng ngày càng chứng tỏ sự tự tin quá mức vào khả năng lẫn vị trí địa chính trị của mình.

Trong tình hình đó, vì lợi ích trước mắt, Nga và Trung Quốc (ở mức độ thấp hơn) đang tìm cách hậu thuẫn. Hậu thuẫn để nâng cao năng lực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là phù hợp trong quan hệ quốc tế hiện nay. Tuyệt nhiên đó không phải là nguồn năng lực kích thích chiến tranh, mà nguy cơ dẫn tới Chiến tranh thế giới lần thứ ba là điều đáng báo động.

Khi đã sử dụng vũ khí hạt nhân thì không có bất kỳ thứ “thuốc hối hận” nào có thể dùng được!

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới