Tuesday, April 30, 2024
Trang chủQuân sựCán cân sức mạnh quân sự Iran - Israel

Cán cân sức mạnh quân sự Iran – Israel

Một bảng so sánh sức mạnh quân sự do chuyên trang Global Firepower lập ra có thể phần nào cho thấy tương quan lực lượng giữa Iran và Israel.

Tên lửa được trưng bày ở Iran

Theo bảng so sánh sức mạnh quân sự giữa Iran và Israel năm 2024 do Global Firepower công bố gần đây, Iran đứng thứ 14, còn Israel chiếm vị trí thứ 17, trong Bảng xếp hạng sức mạnh quân sự toàn cầu năm 2024 của chuyên trang này. Bảng so sánh chỉ ra ngân sách quốc phòng của Iran và Israel lần lượt là 9,95 tỉ USD và 24,4 tỉ USD. Nhân lực tại ngũ và dự bị của Iran lần lượt 610.000 và 350.000 người, trong khi những con số tương ứng của Israel là 147.000 và 465.000.

Về khí tài quân sự, Iran có 551 máy bay, trong đó có 186 tiêm kích và 23 cường kích, trong khi Israel có tới 612 máy bay, trong đó có 241 tiêm kích và 39 cường kích. Cũng theo bảng so sánh nói trên, Iran có 1.996 xe tăng, 775 hệ thống tên lửa di động, 580 pháo tự hành, 2.050 pháo kéo, 101 tàu quân sự, trong khi Israel có 1.378 xe tăng, 450 hệ thống tên lửa di động, 650 pháo tự hành, 300 pháo kéo và 67 tàu quân sự.

Tờ The New York Times dẫn lời giới chuyên gia nhận định quân đội Iran được đánh giá là một trong những quân đội mạnh nhất khu vực về trang thiết bị, kinh nghiệm và chất lượng nhân sự nhưng lại thua xa sức mạnh và độ tinh nhuệ của các lực lượng vũ trang Mỹ và Israel.

Reuters hôm qua dẫn đánh giá từ Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ cho hay Iran trang bị số lượng tên lửa đạn đạo lớn nhất trong khu vực. Tên lửa đạn đạo là một phần quan trọng trong kho vũ khí của Tehran.

Trong tuần trước, Hãng tin ISNA đã công bố một biểu đồ cho thấy 9 tên lửa của Iran mà nước này cho rằng có thể vươn tới Israel. Trong đó có tên lửa đạn đạo Sejil, có khả năng bay với tốc độ hơn 17.000 km/giờ và có tầm bắn 2.500 km; Kheibar có tầm bắn 2.000 km, và Haj Qasem có tầm bắn 1.400 km.

Iran còn sở hữu những tên lửa hành trình như Kh-55, loại có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tầm bắn lên tới 3.000 km, và tên lửa chống hạm tiên tiến Khalid Farzh, với tầm bắn khoảng 300 km.

Ngoài tên lửa, trong những năm gần đây, Tehran còn phát triển một lượng lớn máy bay không người lái (UAV) với tầm hoạt động từ 1.930 – 2.490 km và khả năng bay ở tầm thấp để tránh radar, theo The New York Times dẫn lời các chuyên gia.

Trong khi Iran tăng cường trang bị tên lửa đạn đạo, Israel không ngừng nâng cấp năng lực phòng không bằng cách bổ sung những hệ thống mới có thể ngăn chặn tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 2.400 km, theo Bloomberg. Hệ thống phòng không hoạt động nhiều nhất và nổi tiếng nhất của Israel là Iron Dome (Vòm Sắt). Hệ thống này được thiết kế để ngăn chặn tên lửa và UAV ở tầm ngắn, từ 4 – 70 km. Quân đội Israel tuyên bố Iron Dome có tỷ lệ đánh chặn thành công lên đến 90%.

Israel còn có hệ thống phòng thủ tên lửa David’s Sling và Arrow, theo AFP. Trong đó, David’s Sling có tầm hoạt động từ 241 – 321 km, còn Arrow được dùng để chống lại các tên lửa đạn đạo. Nhà phát triển cho rằng hệ thống Arrow tiên tiến có thể ngăn chặn tên lửa ở khoảng cách lên đến 2.400 km và có thể diệt mục tiêu ngoài khí quyển.

Ngoài ra, quân đội Israel gần đây còn thông báo đã sử dụng phiên bản C-Dome của Iron Dome để ngăn chặn một chiếc UAV do lực lượng Houthi ở Yemen phóng. C-Dome là hệ thống được triển khai trên tàu chiến.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới