Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBăn khoăn quanh dự án kênh đào Funan Techo

Băn khoăn quanh dự án kênh đào Funan Techo

Sau khi nhậm chức vào tháng 8/2023, Thủ tướng Campuchia Hun Manet bắt tay vào dự án đường thủy đầy tham vọng trị giá 1,7 tỷ USD, được gọi là Kênh đào Funan (Phù Nam) Techo.

Dự án Kênh đào Funan Techo dự kiến được khởi công cuối năm nay

Thủ tướng Hun Manet nói rằng, kênh đào này sẽ giúp người Campuchia “thở bằng mũi của mình”. Trong phát biểu ngày 12/4, Thủ tướng Hun Manet khẳng định kênh đào Funan Techo sẽ giúp Campuchia khai thác các lợi ích kinh tế, giảm chi phí vận chuyển và cải thiện sinh kế của người dân mà không gây tổn hại đến môi trường sông Mekong.

Funan Techo sẽ là kênh đường thủy đầu tiên nối cảng tự trị Phnom Penh với tỉnh ven biển Kep, sau khi đi qua các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot. Tuyến đường thủy rộng 100m và sâu 5,4m có thể phục vụ tàu chở hàng có trọng tải lên tới 3.000 tấn (DWT) trong mùa khô và 5.000 tấn trong mùa mưa. Các quan chức chính phủ và nhà phân tích Campuchia tin rằng dự án có thể giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước, bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa giữa cảng tự trị Phnom Penh và cảng biển nước sâu ở tỉnh Sihanoukville.

Tập đoàn Hợp tác Cầu đường Trung Quốc (CBRC) ký được thỏa thuận thực hiện dự án nhân diễn đàn hợp tác quốc tế Vành đai-Con đường vào tháng 10 năm ngoái; dự kiến khởi công vào cuối năm nay. Công trình sẽ được thực hiện theo hình thức BOT, cho phép bên thực hiện dự án quản lý và khai thác kênh đào trong khoảng 50 năm để thu hồi vốn đầu tư và có lãi, sau đó chuyển giao cho Chính phủ Campuchia.

Bên cạnh những lợi ích về giao thông và hậu cần mà kênh Funan Techo sẽ mang lại cho Campuchia, nhiều chuyên gia và người dân bày tỏ băn khoăn về những tác động của dự án này đối với dòng chảy sông Mekong xuống hạ nguồn, nơi Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt nhiều thách thức về môi trường.

Qua nhiều thế hệ, nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cá và phù sa dồi dào của dòng sông để kiếm sống. Mạch máu cho sự tồn tại của họ gắn chặt với dòng chảy liên tục của sông Mekong. Các chuyên gia cảnh báo rằng mạng lưới phức tạp của hệ thống sông Mekong đang đối mặt mối đe dọa nghiêm trọng, trong đó có sự thay đổi dòng chảy vì hàng loạt đập thủy điện.

Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Stimson (Mỹ), lo rằng kênh đào mới của Campuchia sẽ tác động nhiều đến cộng đồng ở hạ du. Ông nói rằng kênh đào này sẽ cần 80 triệu m3 nước để phục vụ hoạt động thương mại, khiến mực nước trên sông Mekong và sông Hậu xuống thấp hơn nữa.

Năm 2020, tại một hội nghị chuyên đề trực tuyến do Diễn đàn Môi trường Mekong tổ chức, hai nhà nghiên cứu Philip Minderhoud và Sepher Eslami Arab đến từ ĐH Utrecht (Hà Lan) và là thành viên Dự án Rise and Fall, chia sẻ kết quả cuộc điều tra kéo dài sáu năm của họ. Nghiên cứu của họ xác định rằng chưa đến 5% lượng nước mặn xâm nhập Đồng bằng sông Cửu Long là do biến đổi khí hậu, còn nguyên nhân chủ yếu là sự phát triển của các đập thủy điện. Hai nhà nghiên cứu khẳng định rằng các con đập ở thượng nguồn là nguyên nhân chính khiến nguồn cung cấp phù sa sông ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm hơn 90%. Kể từ năm 2010, Đồng bằng sông Cửu Long hứng chịu những đợt hạn hán tái diễn và kỷ lục với chu kỳ bốn năm một lần.

Vì thế, GS James Borton, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Stimson, cho rằng bất kỳ dự án mới nào ở thượng nguồn, dù là đập thủy điện hay kênh đào lấy nước từ sông Mekong, cũng cần có những nghiên cứu độc lập. TS Vũ Thanh Ca, giảng viên cao cấp Khoa Môi trường thuộc Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chia sẻ quan điểm này. Ông cho rằng sau khi kênh Funan Techo hoạt động, tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông cửu Long sẽ càng gia tăng.

Cam kết của lãnh đạo
Kênh Funan Techo dự kiến sẽ mất khoảng 4 năm để hoàn thành và sẽ có tổng chiều dài chỉ ngắn hơn 15km so với kênh đào Suez. Theo tài liệu được Campuchia gửi tới Ủy hội sông Mekong tháng 8/2023, kênh Funan Techo dự kiến bắt đầu vận hành vào năm 2028.

Các chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng kênh đào này sẽ đủ sâu để tàu quân sự có thể tiến vào từ Vịnh Thái Lan, hoặc từ quân cảng Ream. Wesley Holzer, cán bộ ngoại giao công chúng của Đại sứ quán Mỹ ở Phnom Penh, vừa nói với Bloomberg về dự án: “Người dân Campuchia, cũng như người dân ở các nước láng giềng và khu vực rộng lớn hơn, sẽ được hưởng lợi từ sự minh bạch trong bất kỳ cam kết quan trọng nào có tác động tiềm tàng đối với việc quản lý nước, sự bền vững nông nghiệp và an ninh trong khu vực”.

Thủ tướng Hun Manet phủ nhận thông tin cho rằng dự án này liên quan đến quân đội Trung Quốc. “Trước tiên và quan trọng nhất, Hiến pháp Campuchia nghiêm cấm việc thành lập các căn cứ quân sự nước ngoài trên đất của Campuchia và Campuchia không có tham vọng, tư tưởng hay can đảm vi phạm hiến pháp của chính mình. Chúng tôi kiên quyết từ chối bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của nước ngoài trong biên giới của chúng tôi. Thứ hai, chúng tôi kiên quyết phản đối mọi hành vi lợi dụng đất nước của chúng tôi làm bệ phóng cho hành vi gây hấn chống lại bất kỳ quốc gia nào khác”, báo Khmer Times dẫn phát biểu của Thủ tướng Hun Manet ngày 12/4.

Trước đó, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen cũng bác bỏ những ý kiến cho rằng kênh đào này sẽ tạo điều kiện cho các tàu hải quân Trung Quốc đi vào sông Mekong. “Tại sao Campuchia lại đưa quân Trung Quốc vào nước mình, vi phạm hiến pháp? Và tại sao Trung Quốc lại đưa quân sang Campuchia, điều này trái với nguyên tắc tôn trọng nền độc lập của Campuchia”, ông Hun Sen viết trên mạng xã hội X.

Đầu tư BOT của Trung Quốc ở Campuchia
CBRC, một trong những doanh nghiệp nhà nước khổng lồ của Trung Quốc, đã ký thỏa thuận với Chính phủ Campuchia để đầu tư vào dự án kênh đào Funan Techo thông qua hợp đồng Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao (BOT).

Các khoản đầu tư BOT trước đây của Trung Quốc vào Campuchia cho thấy các công ty Trung Quốc sẽ tài trợ và chấp nhận rủi ro cho dự án, nhà nghiên cứu Sokvy Rim của Campuchia ngày 11 nói với báo Trung Quốc Liên hợp Tảo báo. Ví dụ, mô hình phát triển BOT của CBRC là Đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville dài 187 km, trong đó Trung Quốc được phép thu phí và quản lý dự án trong 50 năm. Lái xe sẽ phải trả từ 12 USD cho một chiếc ô tô nhỏ và lên tới 60 USD cho một chiếc xe tải chở hàng khi di chuyển một chiều trên đường cao tốc.

Dựa trên hợp đồng xây dựng kênh đào Funan Techo, công ty Trung Quốc sẽ quản lý kênh đào, bao gồm cả việc bảo trì và kiếm lợi nhuận từ việc thu phí đi qua kênh. Công ty Trung Quốc sẽ chuyển giao quyền quản lý kênh đào cho Chính phủ Campuchia sau một thời gian, khoảng 40-50 năm. Kênh đào Funan Techo là một trong nhiều dự án cơ sở hạ tầng quan trọng khác của Trung Quốc tại Campuchia, thuộc sáng kiến Vành đai-Con đường.

Những khoản đầu tư này đã làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế bất cân xứng của Campuchia với Trung Quốc; Campuchia cần Trung Quốc để duy trì tăng trưởng kinh tế, ông Rim nhận định. Điều này được thấy rõ trong đại dịch COVID-19, khi dòng chảy thương mại giữa các quốc gia bị hạn chế. Ngành may mặc Campuchia hứng đòn chí mạng do Trung Quốc không thể cung cấp nguyên liệu thô cho Campuchia. Tương tự, đại dịch đã khiến một số nhà đầu tư Trung Quốc rút khỏi các dự án phát triển của họ ở Campuchia, như trường hợp sân bay rộng 300 ha ở tỉnh Mondulkiri, nơi việc xây dựng vẫn bị đình trệ cho đến ngày nay do Campuchia vẫn chưa tìm được nhà đầu tư mới. Sự phụ thuộc kinh tế của Campuchia vào Trung Quốc có thể được chuyển thành ảnh hưởng chính trị thuyết phục Campuchia hỗ trợ Trung Quốc trong một số vấn đề, chuyên gia Rim nhận định.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới