Tuesday, April 30, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiĐức khốn khổ vì thiếu khí đốt Nga

Đức khốn khổ vì thiếu khí đốt Nga

Hậu quả từ việc phụ thuộc vào khí đốt Nga có thể sẽ gây thiệt hại vĩnh viễn cho ngành công nghiệp – xương sống của nền kinh tế Đức.

Một cơ sở của công ty RWE ở Đức.

Đức sẽ phải trả giá cho sự phụ thuộc vào khí đốt Nga – tờ Financial Times dẫn lời ông Markus Krebber, giám đốc công ty năng lượng tái tạo RWE hàng đầu của Đức.

Trước đây, ngành công nghiệp Đức trở nên giàu có, một phần nhờ vào mối quan hệ thương mại năng lượng chặt chẽ với Nga. Tuy nhiên, kể từ khi bùng phát xung đột Ukraina, Nga đã cắt nguồn khí đốt quan trọng, giá rẻ cho Đức.

Theo ông Krebber, việc phụ thuộc vào khí đốt Nga là một sai lầm mà Đức có thể hối tiếc mãi mãi, vì hậu quả từ cuộc khủng hoảng năng lượng nhiều khả năng sẽ gây thiệt hại vĩnh viễn cho ngành công nghiệp của nước này.

Ông chủ RWE cho biết, giá khí đốt ở Đức về mặt cơ cấu cao hơn so với các nơi khác ở châu Âu do nước này phụ thuộc vào nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng.

Đức đã nhập khẩu 55% nguồn cung khí đốt từ Nga trước xung đột Ukraina. Nga cũng là nguồn nhập khẩu dầu và than chính của Đức.

Sau xung đột Ukraina, Đức đã thoát khỏi phần lớn sự phụ thuộc vào khí đốt Nga. Đức đã cắt giảm 32,6% lượng khí đốt nhập khẩu vào năm 2023, chủ yếu là do cắt nguồn cung từ Nga.

Tuy nhiên, Đức vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng của các nước khác, với mức giá cao hơn đã khiến nền kinh tế gặp khó khăn. Những tác động đối với ngành công nghiệp Đức đã rõ rệt và theo giám đốc RWE, có thể sẽ kéo dài.

Ông Krebber nói với Financial Times, sẽ có suy giảm đáng kể về cơ cấu nhu cầu trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng.

Kể từ xung đột Nga – Ukraina, Đức trở thành nước tụt hậu lớn trong cỗ máy kinh tế đang trì trệ của châu Âu.

Đất nước này đang trên bờ vực suy thoái kỹ thuật sau khi nền kinh tế giảm 0,3% vào năm 2023. Triển vọng năm nay rất ảm đạm, chính phủ Đức cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP từ 1,3% xuống 0,2% trong năm 2024.

Ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng – động lực trước đây của Đức – hoạt động kém hiệu quả kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraina.

Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Đức trong lĩnh vực xây dựng đã giảm từ đầu năm 2022. Trong khi đó, ngành sản xuất suy giảm từ giữa năm 2023.

Cyrus de la Rubia – nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thương mại Hamburg – cho hay, lĩnh vực sản xuất của Đức đã sa lầy vào suy thoái kể từ khoảng giữa năm ngoái và số liệu PMI mới nhất báo hiệu một sự suy giảm khác trong quý 1 năm 2024.

Ông nói thêm, điều tồi tệ hơn là suy thoái có phạm vi rất rộng, bao gồm hàng hóa vốn cũng như hàng hóa trung gian và tiêu dùng.

Giám đốc điều hành Deutsche Bank Christian Stitch cảnh báo, Đức có thể trở thành “kẻ ốm yếu” của châu Âu. Chi phí năng lượng tăng vọt và tình trạng thiếu lao động lành nghề là hai trong những trở ngại mà nền kinh tế nước này phải đối mặt.

Ông chủ ngân hàng trung ương Đức đã buộc phải phản bác lại biệt danh đáng tiếc này, cho rằng châu Âu nói chung có nguy cơ “ốm yếu” chứ không phải riêng Đức.

RWE là một trong số các doanh nghiệp Đức đang tìm cách thoát khỏi ngành công nghiệp trì trệ của nước này. Phân tích của FDI Markets cho thấy các công ty Đức đã tăng gần gấp ba đầu tư vào Mỹ trong năm 2023, lên 15,7 tỉ USD.

Sự suy thoái của ngành công nghiệp Đức là nguyên nhân dẫn đến dòng vốn chảy sang Mỹ – nơi Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Tổng thống Joe Biden cung cấp các khoản trợ cấp mạnh mẽ cho các doanh nghiệp mới thành lập.

RWE đã công bố một chi nhánh mới ở Mỹ có tên là RWE Clean Energy, sau khi hoàn tất thương vụ mua lại Doanh nghiệp Năng lượng Sạch Con Edison. Tập đoàn đã dành 15 tỉ USD để đầu tư vào hoạt động kinh doanh tại Mỹ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới