Tuesday, December 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiFPT xuất khẩu 70 triệu chip bán dẫn sang Nhật Bản và...

FPT xuất khẩu 70 triệu chip bán dẫn sang Nhật Bản và Hàn Quốc

Đó là chia sẻ của ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, tại tọa đàm “Thiết kế chip bán dẫn: Cơ hội mới, tương lai mới” do FPT Jetking phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tổ chức

Các khách mời tham gia tọa đàm

Việc FPT sẽ xuất khẩu tới 70 triệu chip bán dẫn có thể là một thông tin khá bất ngờ với nhiều người, khi mà thời gian gần đây chúng ta đang nhắc nhiều đến ước mơ Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Chia sẻ với VietTimes bên lề tọa đàm, ông Hoàng Nam Tiến cho biết 70 triệu chip xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản là các chip dành cho thiết bị y tế và các ứng dụng điện tử. Được biết, đây là hợp đồng FPT sẽ giao cho các khách hàng vào năm 2024 và 2025. Các mẫu chip này do FPT Semiconductor thiết kế, sau đó đưa sang Hàn Quốc để sản xuất và sang Đài Loan để đóng gói.

Hiện nay, FPT Semiconductor và Viettel High Tech là 2 công ty Việt Nam duy nhất có khả năng thiết kế chip bán dẫn. 2 công ty này cũng đang hướng tới việc tự chủ sản xuất và đóng gói chip trong tương lai.

“Sẽ phải nhắc đến Việt Nam như là nơi cần phải đến nếu muốn nói về chip và bán dẫn”
Nói chuyện với các sinh viên đang có ước mơ tham gia vào ngành thiết kế chip, ông Hoàng Nam Tiến nhắc lại thời điểm cách đây 25 năm, khi đó FPT có tham vọng “bơi ra biển lớn” với chiến lược Go Global – xuất khẩu và gia công phần mềm. Lúc đó, ít người tin tưởng vào thành công của FPT, nhưng giờ đây sau 25 năm, FPT đã thu được 1 tỉ USD từ xuất khẩu phần mềm.

Đối với lĩnh vực chip bán dẫn, ông Tiến tin rằng không cần đến 25 năm, chỉ cần 5 năm nữa là “người ta sẽ phải nhắc đến Việt Nam như là nơi cần phải đến, nếu muốn nói về chip và bán dẫn”.

Lý do cho nhận định này, theo ông Tiến, người Việt vốn có tính kiên trì, kiên nhẫn trong làm việc học tập. Giới trẻ Việt Nam có khả năng tự học những kiến thức mới và học rất nhanh. Việc đưa giáo dục STEM (các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) vào các chương trình học từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ là nền tảng cho các kỹ sư thiết kế chip trong tương lai.

Ông Tiến cho rằng, với chương trình đào tạo về thiết kế bán dẫn của FPT Jetking, thì các sinh viên chỉ sau 4 học kỳ (14-16 tháng) là có thể làm việc tại các cơ sở về bán dẫn.

Là một người đã có 31 năm làm việc tại FPT trong đó có 8 năm làm Chủ tịch FPT Software, ông Hoàng Minh Tiến khuyên các sinh viên nên bớt vào mạng xã hội, bớt hóng bình luận, tắt điện thoại và tập trung vào công việc của mình.

“Hiện nay trung bình mỗi người một ngày dùng 6h20 phút điện thoại. Hãy đặt điện thoại xuống, tập trung làm việc của mình, học chip và bán dẫn để thực sự tỏa sáng, nuôi sống bản thân mình, gia đình mình, góp phần vào sự tỏa sáng của đất nước”, ông Tiến nhấn mạnh.

Sau một chuyến công tác tìm hiểu ngành bán dẫn Đài Loan, ước mơ của ông Hoàng Nam Tiến là Chính phủ thành lập 3 phòng thí nghiệm chip bán dẫn đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Được biết, mức giá cho mỗi phòng thí nghiệm sẽ khoảng 100 triệu USD.

Thành lập 4 trung tâm bán dẫn dùng chung quốc gia
Đây là mục tiêu nằm trong “Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến 2045” do Bộ Kế hoạch Đầu tư soạn thảo theo chỉ đạo của Chính phủ. Thông tin trên đã được ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm NIC, chia sẻ tại tọa đàm.

Cụ thể, trong số 4 trung tâm bán dẫn quốc gia, sẽ có 2 trung tâm đặt tại Hà Nội, 1 tại Đà Nẵng và 1 tại TP.HCM. 18-20 trung tâm đào tạo tiêu chuẩn đặt tại các trường Đại học do ngân sách nhà nước đầu tư. Ngoài ra, chính phủ Hoa Kỳ cũng đang tài trợ xây dựng 2 phòng thí nghiệm đo kiểm và thiết kế chip tại khu NIC Hòa Lạc và TP.HCM.

Nói về cơ hội Việt Nam trở thành cường quốc bán dẫn, ông Võ Xuân Hoài nói rằng thời điểm này Việt Nam đã được đối tác lựa chọn. Nếu như cách đây hơn 40 năm, vào năm 1979, Việt Nam đã có nhà máy Z181 sản xuất thiết bị bán dẫn sang châu Âu rồi ngừng hoạt động. Cách đây 10 năm Việt Nam cũng muốn phát triển công nghiệp chip nhưng thất bại, thì giờ đây cơ hội đã mở ra khá lớn.

Theo ông Hoài, Việt Nam có địa chính trị ổn định, chính phủ có quyết tâm cao phát triển công nghiệp bán dẫn, nguồn nhân lực dồi dào có khả năng học STEM.

Việt Nam có quan hệ chiến lược với nhiều quốc gia có nền công nghiệp bán dẫn phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đài Loan gần đây cũng có nhu cầu chuyển dịch chuỗi cung ứng và họ cũng rất cần Việt Nam.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp từ các quốc gia và nền kinh tế phát triển đã đến làm việc với NIC về vi mạch bán dẫn. Họ mong muốn Việt Nam có thể cung cấp nguồn nhân lực cho họ. Đây là cơ hội rất lớn để xuất khẩu nguồn nhân lực bán dẫn, ông Hoài nói.

Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp bán dẫn cũng sẽ gặp phải những khó khăn. Ngành này cần đầu tư rất lớn, đột phá. Ví dụ như Ấn Độ muốn thu hút một tập đoàn sản xuất chip lớn về thì họ phải đầu tư một nửa số tiền, ví dụ 20 tỉ phải bỏ vào 10 tỉ USD (không lấy cổ phần). Việt Nam khó có thể bỏ ra một số tiền lớn như vậy.

Ngoài ra, các sản phẩm bán dẫn cũng cần một cơ chế, chính sách đặc thù, có những thứ chưa có tiền lệ.

Phát triển công nghiệp bán dẫn cũng phải đầu tư vào hạ tầng. Hạ tầng về công nghệ của Việt Nam được đánh giá khá là tốt. Để tham gia vào lĩnh vực sản xuất thì chúng ta cần có thêm điện, nước thì chính phủ tập trung đầu tư cho hệ thống giao thông, logistic từ cảng biển, sân bay, cao tốc từ Bắc đến Nam. Đã có thách thức nhưng chúng ta đang cải thiện nó, ông Hoài nhận xét.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới