Theo nghiên cứu vừa được Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (GEM) công bố, công suất điện than trên thế giới đã tăng 2% trong năm 2023, ghi nhận mức cao nhất từ năm 2016. Trong đó, chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm khoảng 2/3 công suất điện than tăng thêm toàn cầu.
Cụ thể, trong cuộc khảo sát hàng năm, GEM cho biết mặc dù bổ sung năng lượng tái tạo đạt mức kỷ lục, nhưng gần 70 GW công suất điện than mới được đưa vào vận hành trên thế giới trong năm ngoái, bao gồm 47,4 GW ở Trung Quốc.
Trong báo cáo của GEM, các nhà phân tích khuyến nghị các quốc gia cần cam kết đóng cửa các nhà máy điện than với tốc độ nhanh hơn và các quốc gia như Trung Quốc nên áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc phát triển và đưa vào vận hành các nhà máy mới.
Thỏa thuận khí hậu Paris, được hầu hết các chính phủ toàn cầu ký kết vào năm 2015, đặt ra các mục tiêu dài hạn nhằm giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính do nhiên liệu hóa thạch như than đá gây ra. Tuy nhiên, công suất điện than vẫn tăng đều đặn qua các năm.
Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu riêng là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết vào năm 2021 rằng Trung Quốc sẽ “kiểm soát nghiêm ngặt việc tiêu thụ than” cho đến năm 2025 và “giảm dần mức tiêu thụ than” sau đó, theo CNBC.
Tuy nhiên, theo dữ liệu của GEM, Trung Quốc đã khởi công xây dựng công suất điện than mới 70,2 GW trong năm 2023, gấp gần 20 lần so với mức 3,7 GW của phần còn lại trên thế giới. Năm ngoái, Trung Quốc đã ngừng sản xuất khoảng 3,7 GW công suất điện than.
Mặc dù vậy, GEM cho rằng, với “hành động ngay lập tức và quyết tâm”, Trung Quốc vẫn có thể đạt được các mục tiêu về khí hậu, bao gồm cả mục tiêu do Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc đặt ra vào năm 2022 là ngừng sản xuất 30 GW điện than vào năm 2025.
Bổ sung năng lượng xanh, không phải chuyển đổi?
Dù Trung Quốc là nước sử dụng một lượng lớn than, chiếm hơn một nửa lượng tiêu thụ toàn cầu kể từ năm 2011, nhưng nước này cũng giúp mở rộng công suất năng lượng tái tạo toàn cầu.
Theo báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), công suất năng lượng tái tạo bổ sung trên toàn cầu đã tăng gần 50% lên gần 510 GW vào năm 2023, ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong hai thập kỷ.
“Trong khi mức tăng công suất tái tạo ở châu Âu, Mỹ và Brazil đạt mức cao nhất mọi thời đại, thì tốc độ tăng tốc của Trung Quốc là phi thường”, báo cáo của IEA nêu rõ.
Theo IEA, Trung Quốc đã vận hành công suất năng lượng mặt trời nhiều bằng phần còn lại của thế giới thực hiện năm 2022, trong khi bổ sung năng lượng gió cũng tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc, kết hợp với tính chất không liên tục của các nguồn năng lượng tái tạo đã khiến than trở thành một lựa chọn dự phòng quan trọng cho một nền kinh tế tập trung vào sản xuất chế tạo như Trung Quốc.
Theo ông Rob Thummel, giám đốc điều hành công ty đầu tư năng lượng Tortoise (Mỹ), Trung Quốc cũng nằm trong số 5 quốc gia hàng đầu về trữ lượng than toàn cầu.
“Tại Trung Quốc, than là nguồn năng lượng nội địa lớn nhất nên nước này tiếp tục khai thác nó để duy trì an ninh năng lượng”, giám đốc điều hành Tortoise cho biết.
IEA ước tính rằng thế giới cần dừng toàn bộ hoạt động sản xuất than vào năm 2040 để kìm mức tăng nhiệt độ trái đất trong ngưỡng 1,5 độ C.
Thực tế là thế giới vừa trải qua tháng 3 ấm áp nhất trong lịch sử, đánh dấu tháng thứ 10 liên tiếp lập kỷ lục mức nhiệt độ mới, theo Cơ quan giám sát biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU).
GEM khuyến nghị rằng để đạt được mục tiêu loại bỏ dần điện than vào năm 2040, sẽ phải ngừng hoạt động trung bình 126 GW công suất điện than mỗi năm trong 17 năm tới, đồng nghĩa với việc ngừng hoạt động khoảng hai nhà máy điện than mỗi tuần.
Cũng theo GEM, mức cắt giảm công suất điện than bắt buộc thậm chí còn phải lớn hơn nữa, khi tính đến 578 GW công suất điện than đang được xây dựng và chuẩn bị xây dựng. Bởi lẽ, việc ngừng công suất điện than toàn cầu vẫn chưa bao giờ vượt mức công suất thêm mới.
T.P