Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSông MeKong - “củ cà rốt” dành cho các nước hạ nguồn

Sông MeKong – “củ cà rốt” dành cho các nước hạ nguồn

Sông MeKong có chiều dài 4.350 km, chảy qua 6 quốc gia lần lượt là Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Trong đó, có 2.139 km chảy qua Trung Quốc, gọi là sông Lan Thương. Đến khi chảy vào Đông Nam Á, nó được gọi là Sông MeKong, còn đoạn hạ nguồn ở Việt Nam được gọi là sông Cửu Long, với hai nhánh chính là sông Tiền và sông Hậu.

Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong – Lan Thương ngày 24/3.

Hiện nay, lưu vực sông MeKong đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng do tình hình tăng cường khai thác, sử dụng nước và hiện tượng biến đổi khí hậu, cùng với xu thế gia tăng hợp tác và phát triển của khu vực. Còn các siêu cường liên tục tăng cường ảnh hưởng tại khu vực địa chính trị quan trọng này. Cho nên, nhiều cơ chế hợp tác tiểu vùng sông MeKong liên quan tới tài nguyên nước đã được đề xuất, trong đó có hợp tác MeKong – Lan Thương giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á lục địa.

Các nước trong tiểu vùng sông MeKong

Lan Thương – MeKong là một trong 12 con sông lớn nhất thế giới là con sông quan trọng nhất ở Châu Á, bắt nguồn từ tỉnh Thanh Hải của Trung Quốc và chảy qua toàn bộ các nước ở Đông Nam Á lục địa là Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và đổ ra Biển Đông ở Việt Nam. Trung Quốc là quốc gia đầu nguồn của sông Lan Thương – MeKong, vì vậy thái độ hợp tác của nước này có vai trò quan trọng trong việc khai thác bền vững dòng sông. Tuy nhiên, các tổ chức đầu tiên về hợp tác tiểu vùng sông MeKong lại hoàn toàn vắng bóng sự xuất hiện của Trung Quốc.

Cụ thể, vào năm 1957, Ủy ban MeKong được thành lập với các thành viên là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam Cộng hòa. Lo ngại rằng tình trạng nghèo đói ở lưu vực này sẽ góp phần tạo nên sức mạnh của các phong trào cộng sản, cho nên Mỹ đã ủng hộ mạnh mẽ ủy ban này. Dù vậy, chỉ có một số dự án ngắn hạn được thực hiện do căng thẳng chính trị giữa các nước trong khu vực cũng là chiến tranh vẫn đang tiếp diễn. Duy chỉ có đập Nậm Ngừm ở Lào được hoàn thành vào năm 1971 với mục đích là bán điện cho Thái Lan.

Tới năm 1975, chiến tranh kết thúc ở Việt Nam và Lào. Tuy nhiên, lúc này Khmer Đỏ đã trỗi dậy ở Campuchia, vì vậy mà năm 1978 chỉ có ba quốc gia là Thái Lan, Lào và Việt Nam thành lập nên Ủy ban Lâm thời về Điều phối Nghiên cứu Hạ lưu Lưu vực Sông MeKong, nhưng do những bất đồng về chính trị mà ủy ban này chủ yếu chỉ thực hiện việc thu thập dữ liệu về dòng sông.

Năm 1979, khi Việt Nam tấn công Khmer Đỏ và hỗ trợ thành lập Cộng hòa Nhân dân Campuchia, căng thẳng giữa Thái Lan và ba nước Đông Dương đã trở nên cực kỳ gay gắt. Vào cuối thập niên 1980, giới lãnh đạo Thái Lan có ý tưởng về một kế hoạch chuyển dòng để lấy nước từ sông MeKong với tên gọi là “Công trình Chuyển dòng”, nhưng ngay lập tức nó đã vấp phải sự phản đối của ba nước Đông Dương.

Cũng trong thời gian này, Việt Nam và Lào đã thực hiện nhiều cải cách, Năm 1993, Vương Quốc Campuchia cũng được tái thành lập, vì vậy mà mâu thuẫn giữa ba nước Đông Dương và các quốc gia trong khu vực cũng giảm dần. Sau đó, năm 1995, cùng với việc Việt Nam gia nhập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ủy Hội sông MeKong cũng được thành lập với các thành viên là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, trong khi Myanmar và Trung Quốc là hai đối tác của Ủy hội.

Thế nhưng, phải tới 15 năm sau, tức năm 2010, hội nghị cấp cao đầu tiên mới được tổ chức tại Hua Hin, Thái Lan. Vì Trung Quốc là quốc gia đầu nguồn không tham gia vào Ủy Hội Sông MeKong, nên cho tới nay, tổ chức này hoạt động vẫn không hiệu quả, trong khi nước này cho xây dựng hàng loạt các siêu đập nằm trên sông MeKong. Trong đó có Đập Nọa Trát Độ với công suất là 5850 MW và Đập Tiểu Loan với công suất là 4200 MW. Tổng số đập thủy điện đang hoạt động trên dòng chính cùng với các dòng phụ của con sông này lên tới 55 đập, cùng với hàng chục con đập khác đã được quy hoạch hoặc đang được xây dựng. Vì vậy, cần một tổ chức mới để duy trì sự hợp tác giữa quốc gia thượng nguồn là Trung Quốc với các quốc gia hạ nguồn ở Đông Nam Á lục địa.

Hợp tác MeKong – Lan Thương là gì?

Vào năm 2012, Thái Lan đưa ra sáng kiến phát triển bền vững tiểu vùng sông Lan Thương – MeKong và Trung Quốc đã tích cực hưởng ứng. Tới tháng 11/2014, tại Hội nghị cấp cao Trung Quốc – ASEAN lần thứ 17, Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường đã đề xuất việc xây dựng cơ chế đối thoại hợp tác Lan Thương – MeKong và nhận được sự ủng hộ của 5 nước hạ nguồn.

Sau đó, ngày 23/3/2016, Hội nghị cấp cao hợp tác Lan Thương – MeKong lần thứ nhất đã được tổ chức thành công tại thành phố Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc, với sự tham gia của Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường. Thủ tướng Thái Lan, Prayut Chan-o-cha. Thủ tướng Campuchia, Hun Sen. Thủ tướng Lào, Thongsing Thammavong. Phó Thủ tướng Myanmar và Phó Thủ tướng Việt Nam là Phạm Bình Minh.

Hội nghị lấy chủ đề là “Chung một dòng sông, gắn bó chung vận mệnh” và chính thức thành lập cơ chế hợp tác Lan Thương – MeKong. Tổ chức này xác lập khung hợp tác là “3+5”, tức là ba trụ cột chính trị và an ninh, kinh tế và phát triển bền vững, xã hội văn hóa và giao lưu con người, đồng thời ưu tiên triển khai hợp tác trong lĩnh vực kết nối, năng lực sản xuất, kinh tế xuyên biên giới, tài nguyên nước, nông nghiệp và giảm nghèo. Kể từ khi thành lập đến nay, cơ chế hợp tác này đã tổ chức ba hội nghị cấp cao, tức là hai năm một lần và các hội nghị bộ trưởng ngoại giao hàng năm.

Đối với lĩnh vực hợp tác tài nguyên nước, Hội nghị Bộ trưởng hợp tác tài nguyên nước MeKong – Lan Thương lần thứ nhất đã được tổ chức vào tháng 12/2019 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Tại hội nghị này, Trung tâm hợp tác tài nguyên nước MeKong – Lan Thương đã ký thỏa thuận hợp tác với Ban Thư ký Ủy hội sông MeKong. Thỏa thuận này giúp trao đổi dữ liệu và thông tin giám sát toàn bộ lưu vực, cũng như đánh giá chung về tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan ở sông MeKong một cách hiệu quả hơn. Dù vậy, phải gần một năm sau, vào ngày 1/11/2020, Trung Quốc mới bắt đầu chia sẻ số liệu thủy văn cả năm cho các quốc gia hạ nguồn và Ban Thư ký Ủy hội sông MeKong, cũng như cung cấp số liệu mực nước và lượng mưa tại hai trạm thủy văn là Doãn Cảnh Hồng và Mãn An nằm ở phía tây nam của tỉnh Vân Nam, mỗi ngày hai lần vào buổi sáng và buổi tối.

Các cường quốc khác hợp tác với lưu vực sông MeKong

Bên cạnh Trung Quốc, các cường quốc khác trên thế giới cũng tìm cách hợp tác với các nước trong lưu vực sông MeKong. Một đối thủ khác của Bắc Kinh trong khu vực chính là Tokyo. Ba thập niên trước, khi Trung Quốc mới bắt đầu phát triển, Nhật Bản với Ngân hàng Phát triển Châu Á đã giúp thành lập Tiểu vùng MeKong mở rộng, đây là tổ chức bao gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc với hai tỉnh là Vân Nam và Quảng Tây.

Từ năm 1992, với sự giúp đỡ của Ngân hàng Phát triển Châu Á, các quốc gia trong khu vực đã cùng nhau tiến hành các chương trình hợp tác về kinh tế và bảo vệ môi trường, bởi vì khu vực này được xem là một điểm nóng về đa dạng sinh học của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên.

Tiếp đến là Mỹ, đối thủ lớn nhất của Trung Quốc tại Đông Nam Á và trên thế giới. Từ năm 2009, nước này đã đưa ra Sáng kiến Hạ nguồn Sông MeKong, bao gồm Mỹ và các quốc gia MeKong là Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan. Tới năm 2012, sau quá trình dân chủ hóa, Myanmar cũng đã tham gia vào tổ chức này.

Sáng kiến Hạ nguồn Sông MeKong được xây dựng trở thành một diễn đàn để các nước tham gia có thể cùng nhau đưa ra các giải pháp chung cho các thách thức ở khu vực. Cơ chế hợp tác đã nâng cấp thành Quan hệ Đối tác MeKong – Mỹ tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ nhất vào năm 2020, với các hoạt động hợp tác nổi bật như là kết nghĩa giữa Ủy Hội sông MeKong và Ủy Hội sông Mississippi nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm và hợp tác giữa hai bên, Chương trình Dự báo MeKong và các hợp tác môi trường nhằm xây dựng các trạm quan trắc tự động để theo dõi về biến đổi khí hậu tại tiểu vùng, xây dựng Sáng kiến Chia sẻ Số liệu Tài nguyên Nước MeKong, hỗ trợ trao đổi học thuật và chuyên gia đến lưu vực hàng năm.

Bên cạnh đó, các thành viên của Quan hệ Đối tác MeKong – Mỹ cũng đã thành lập cơ chế hợp tác với Những Người Bạn của Hạ lưu Sông MeKong, bao gồm Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu, Ngân hàng Phát triển Châu Á và Ngân hàng Thế Giới.

Một đồng minh của Mỹ cũng quan tâm đến tiểu vùng Sông MeKong, đó chính là Hàn Quốc. Vào tháng 11/2011, Hội nghị Bộ trưởng MeKong – Hàn Quốc đã được tổ chức lần đầu tiên. Quốc gia Đông Á này bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác và phát triển với các nước trong khu vực Sông MeKong. Hội nghị này đã thông qua Tuyên bố Sông Hàn vì thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa các nước Sông MeKong và Hàn Quốc vì thịnh vượng chung, theo đó xác định mục tiêu, nguyên tắc và định hướng cho các hợp tác tương lai giữa các nước MeKong và Hàn Quốc. Các lĩnh vực ưu tiên là kết nối ASEAN, phát triển bền vững và phát triển nguồn nhân lực.

Một cường quốc khác ở Châu Á tham gia hợp tác với các nước ở Sông MeKong là Ấn Độ. Từ năm 1989, nước này đã triển khai Chính sách Hướng Đông và tích cực tăng cường hợp tác với các nước ASEAN. Đến năm 2000, Hợp tác MeKong – Sông Hằng đã được thông qua tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao sáu nước là Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Mục tiêu của tổ chức này là củng cố tình hữu nghị và đoàn kết giữa các nước thuộc lưu vực sông MeKong và sông Hằng thông qua bốn lĩnh vực hợp tác chính: du lịch, văn hóa, giáo dục và kết nối giao thông. Đối với lĩnh vực hợp tác tài nguyên nước, Hợp tác MeKong – Sông Hằng đã tổ chức các hội thảo và trao đổi kỹ thuật.

Tại sao Trung Quốc lại tham gia hợp tác Lan Thương – MeKong?

Thực chất, Trung Quốc tham gia Hợp tác Lan Thương – MeKong nhằm phục vụ mục tiêu địa chiến lược của nước này. Các nước Đông Nam Á lục địa có thể giúp xứ tỷ dân có một con đường thông ra Ấn Độ Dương và không cần phải đi qua Eo biển Malacca. Đó là tuyến đường sắt kết nối Vân Nam với Lào và Thái Lan, hay Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Myanmar đi từ Côn Minh đến Kyaukphyu. Thậm chí, siêu cường số hai thế giới còn muốn xây dựng Kênh đào Kra ở Thái Lan, giúp cho hàng hóa của nước này có thể tới Ấn Độ Dương mà không cần phải đi qua Eo biển Malacca.

Ngoài ra, Đông Nam Á lục địa cũng là địa bàn mà Mỹ và các đồng minh lựa chọn để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, quốc gia có thể thách thức đến địa vị bá chủ của xứ sở Hoa. Tình hình thế giới thời gian gần đây cho thấy dấu hiệu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, theo đó là Mỹ và các đồng minh sẽ tìm mọi cách để kiềm chế sự khôi phục lại vị thế của nước Nga dưới thời Putin ở châu Âu và sự trỗi dậy của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình ở Châu Á. Vì vậy, mà sứ tỷ dân đã chủ động hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á lục địa nhằm kéo những nước này về phía mình.

Về chính trị, Trung Quốc mong muốn biến Đông Nam Á trở thành sân sau của mình. Trên đất liền, quốc gia này đang tìm cách chi phối và thao túng nguồn nước đến các quốc gia ở hạ lưu bằng cách xây dựng và vận hành hàng loạt các con đập, dẫn đến bất ổn nguồn nước và hạn hán thường kỳ ở các nước hạ MeKong. Từ đó, buộc các nước này phải phụ thuộc vào Trung Quốc. Còn ở trên biển, Bắc Kinh đã đơn phương xây dựng và quân sự hóa một loạt các đảo nhân tạo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Do phụ thuộc vào Trung Quốc, nên nhiều quốc gia Đông Nam Á không dám phản đối hành vi sai trái của siêu cường mới nổi này. Vào năm 2020, Việt Nam, trên cương vị Chủ tịch của ASEAN lúc đó, đã thành công đưa vấn đề MeKong trở thành một chủ đề thảo luận của các hiệp hội quốc gia Đông Nam Á. Trước đó, thì tất cả các nước thành viên ASEAN đều chỉ chú ý đến vấn đề Biển Đông và các nước hải đảo không đả động gì đến vấn đề Sông MeKong. Nhưng giờ đây, cả hai đều là vấn đề chủ đạo trong chương trình Nghị sự của ASEAN, với mẫu số chung là Trung Quốc.

Về kinh tế, Hợp tác Lan Thương – MeKong được ví như “củ cà rốt” mà Trung Quốc dành cho các nước trong tiểu vùng, với mục đích biến khu vực này trở thành nơi tiêu thụ hàng hóa cho mình. Các nước Đông Nam Á lục địa sở hữu thị trường gần 250 triệu dân và GDP gộp lại hơn 1000 tỷ đô la, đây chính là miếng mồi béo bở mà Trung Quốc phải giành lấy bằng được. Vì vậy mà đang có một làn sóng đầu tư của sứ tỷ dân vào khu vực này, đặc biệt là các dự án hàng tỷ đô la tại Lào và Campuchia.

Việc hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á cũng giúp cho Trung Quốc phát triển khu vực Tây Nam. Trong đó, thì hai tỉnh là Vân Nam và Quảng Tây chỉ xếp ở vị trí thứ 25 và 31 về GDP đầu người trong số tất cả 33 đơn vị hành chính của Trung Quốc. Việc kết nối với các quốc gia Đông Nam Á lục địa không chỉ giúp cho Vân Nam và Quảng Tây phát triển hơn nữa, mà còn giúp cả khu vực Tây Nam của Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng.

Bên cạnh những lợi ích mang lại, nhiều dự án mà Trung Quốc thực hiện đã vấp phải sự phản ứng của các nước trong khu vực. Ví dụ, đường sắt Trung-Lào bị cho là quá đắt đỏ, hay đường sắt Trung-Thái đã phải đàm phán lại số vốn đầu tư. Các dự án của Trung Quốc cũng thường bị lên án vì phá hoại môi trường và làm gia tăng tình trạng tham nhũng. Ngoài ra, sự trỗi dậy đầy tham vọng của Trung Quốc với đại chiến lược “Vành đai và Con đường”, mà Đông Nam Á là một trọng điểm chiến lược, đã thách thức địa vị bá quyền của Mỹ. Điều này đã khiến siêu cường số một thế giới và các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc phải cùng phối hợp để kiềm chế Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Ấn Độ trong thời gian qua cũng đã tích cực tham gia và hợp tác với các nước tiểu vùng Mê Kông, không chỉ vì lợi ích về kinh tế và chính trị mà còn nhằm mục đích cạnh tranh ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này.

Giải pháp nào cho các quốc gia Đông Nam Á lục địa?

Do vị trí chiến lược của Đông Nam Á lục địa, Trung Quốc đã đẩy mạnh hợp tác với các nước sông Mê Kông, đồng thời xem đây là một ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của nước này. Các quốc gia sông Mê Kông như Lào, Campuchia và Thái Lan cũng đã tận dụng cơ hội này để phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là địa bàn cạnh tranh chiến lược của các nước lớn. Trong khi Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng với khu vực, thì Mỹ và Nhật Bản cũng chọn khu vực này để cạnh tranh với Trung Quốc và kiềm chế sự trỗi dậy của nước này. Từ đó tạo nên cục diện các nước lớn vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, vừa kiềm chế lẫn nhau và tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định trong khu vực.

Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có cả đường biển và đường bộ về Trung Quốc, cụ thể là ba tỉnh Vân Nam, Quảng Tây và Quảng Đông. Do đó, từ năm 2004, Hà Nội đã tham gia sáng kiến “Hai Hành lang, Một Vành đai”. Cụ thể,Hành lang Kinh tế Kunming-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và Hành lang Kinh tế Nanning-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng, cũng như Vành đai Kinh tế Vùng Vịnh Bắc Bộ. Dù Việt Nam muốn nâng cấp cơ sở hạ tầng bằng việc hợp tác với Trung Quốc, nhưng vẫn phải luôn đề phòng người hàng xóm phương Bắc khi mà nước ta đang đối mặt với cả tranh chấp nguồn nước trên bộ lẫn tranh chấp hải đảo trên biển, Việt Nam đã tăng cường hợp tác với các quốc gia bên ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Một yếu tố quan trọng khác trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc chính là Lào và Campuchia. Hiện nay, Campuchia đang nghiêng hẳn về phía Trung Quốc với hàng loạt các dự án tỷ đô, trong đó có siêu dự án kênh đào Phù Nam nhằm kết nối Sông MeKong với Vịnh Thái Lan. Lào cũng đang cố gắng cân bằng giữa Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Năm 2021, Trung Quốc đã khánh thành tuyến đường sắt Côn Minh – Viêng Chăn, đồng thời tiếp tục xây dựng tuyến đường sắt nối Viêng Chăn với Bangkok, thủ đô của Thái Lan.

Để cạnh tranh với ảnh hưởng của Trung Quốc, Việt Nam đã triển khai các dự án trọng điểm như bến cảng Vũng Áng 1, 2, 3 cùng với các dự án kết nối giao thông đường bộ và đường sắt theo hướng Đông – Tây. Trong tháng 5/2023, sân bay Nong Khang cũng đã được đưa vào hoạt động với sự hợp tác của hai nước Việt Nam và Lào.

Trong bối cảnh xu thế hợp tác và cạnh tranh đan xen diễn ra ngày càng phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố khó xác định và khó lường, Việt Nam cần tận dụng vị thế địa chiến lược của mình để tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và các cường quốc bên ngoài khu vực. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng phải chủ động ứng phó với các tác động tiêu cực từ sự cạnh tranh giữa các nước lớn, bởi một khu vực Đông Nam Á lục địa hòa bình, ổn định và phát triển sẽ đảm bảo lợi ích quốc gia của Việt Nam.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới