Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ sẽ “ đại phá giá” hàng hóa dư thừa

TQ sẽ “ đại phá giá” hàng hóa dư thừa

Xe điện và các công nghệ xanh khác của Trung Quốc đã trở thành điểm nóng trong cuộc chiến tranh thương mại mới của Mỹ – Trung. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã nhấn mạnh vấn đề này trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua. Cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên chính cho cuộc bầu cử Mỹ năm 2024, cho biết sẽ đáp trả chính sách của Bắc Kinh nếu tái đắc cử. Tại một hội nghị ở Washington vào tuần này, Mỹ dự kiến ​​sẽ cùng nhiều nước khác nêu lên mối lo ngại về việc Trung Quốc bán phá giá hàng hóa.

Chính quyền Trung Quốc lại đang xuất khẩu hàng hóa giá rẻ ra thế giới, đây sẽ là một “cú sốc thương mại” khác gây tác động tới ngành sản xuất toàn cầu sau hơn 20 năm.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,1% trong năm 2024, chỉ bằng một nửa mức trung bình của 10 năm trước đại dịch Covid-19. Nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái dưới sức nặng của cuộc khủng hoảng bất động sản, giảm phát và niềm tin tiêu dùng sụt giảm. Khi nhu cầu trong nước yếu, Trung Quốc sẽ bán phá giá sản phẩm dư thừa ra nước ngoài.

Chính quyền Trung Quốc gây ra mối đe dọa gì?
Việc Trung Quốc gia tăng mạnh mẽ sản lượng xe điện, tấm pin mặt trời và pin giá rẻ khiến Hoa Kỳ, Châu Âu và Mexico ngày càng lo ngại. Phương Tây lo lắng rằng, việc Trung Quốc theo đuổi mục tiêu tăng cường xuất khẩu để thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn trong nước có thể sẽ gây tổn hại đến lợi ích của các công ty nước ngoài.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có trụ sở tại Paris cho biết, sau hơn một thập kỷ trợ cấp cho các nhà sản xuất ô tô, Trung Quốc đã xây dựng được một ngành công nghiệp ô tô khổng lồ, chiếm 60% doanh số bán xe điện toàn cầu.

Tuy nhiên, Liên minh Sản xuất Mỹ (AAM) cho biết họ ước tính rằng các công ty Trung Quốc đã sản xuất thêm 10 triệu xe điện mỗi năm so với số lượng họ có thể bán ở thị trường nội địa. Điều này đã thúc đẩy họ bán nhiều xe hơn ra nước ngoài. Động lực tương tự tồn tại trong các ngành công nghiệp khác, chẳng hạn như tấm pin mặt trời, pin và các lĩnh vực truyền thống hơn như thép.

Hãng tin AP dẫn lời nhà kinh tế học Eswar Prasad của Đại học Cornell, Mỹ cho biết: “Điều đáng lo ngại là, [chính quyền] Trung Quốc đang thiết lập rất nhiều năng lực sản xuất trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả những ngành công nghiệp công nghệ mới. Nếu nhu cầu trong nước [Trung Quốc] không phục hồi, họ sẽ tìm thị trường nước ngoài”.

AAM chỉ ra trong một báo cáo vào tháng 2 rằng, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD gần đây đã tung ra thị trường một chiếc SUV chạy điện với mức giá “thấp đáng kinh ngạc” là 14.000 USD (khoảng 352 triệu VND). Báo cáo này nêu rõ, ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc đặt ra “mối đe dọa sinh tồn” đối với các nhà sản xuất ô tô của Mỹ.

Hoa Kỳ hiện áp dụng mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng Mexico có hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ. Nếu ô tô được sản xuất ở Mexico và đưa vào thị trường Mỹ, các nhà sản xuất ô tô sẽ tránh được mức thuế nhập khẩu cao mà họ phải trả khi ô tô được nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc.

Tại một cuộc vận động tranh cử ở tiểu bang Ohio vào giữa tháng 3 năm nay, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích việc chính quyền Trung Quốc muốn xuất khẩu ô tô sang Mỹ thông qua Mexico. Ông Trump hứa sẽ ngăn chặn những hàng nhập khẩu như vậy bằng các mức thuế mới nếu tái đắc cử tổng thống.

Ông Trump nói: “Ngay bây giờ, các vị đang xây dựng những nhà máy ô tô khổng lồ ở Mexico và các vị nghĩ rằng sẽ đạt được mục tiêu của mình – đó là không thuê người Mỹ và sẽ bán ô tô cho chúng tôi. [Nhưng] không”. “Chúng tôi sẽ áp dụng mức thuế 100% đối với mỗi một chiếc ô tô trong bãi đậu xe [của các nhà máy sản xuất ô tô Trung Quốc ở Mexico]”.

Khi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen phát biểu tại Quảng Châu vào ngày 6/4 vừa qua, bà Yellen đã nhớ lại chuyến thăm nhà sản xuất pin mặt trời Suniva ở thành phố Norcross, tiểu bang Georgia của nước Mỹ trước chuyến thăm Trung Quốc lần này, và đã nhấn mạnh mối lo ngại của chính quyền Tổng thống Joe Biden trước việc chính quyền Trung Quốc bán tháo các sản phẩm giá rẻ.

Bà Yellen cho biết Suniva từng có thời điểm buộc phải đóng cửa, giống như nhiều công ty khác trong ngành, vì không thể cạnh tranh với lượng hàng xuất khẩu ồ ạt có mức giá thấp của Trung Quốc. Vấn đề dư thừa công suất của Trung Quốc là một vấn đề quan trọng đối với Hoa Kỳ.

“Điều quan trọng là, không thể để tình huống này tái diễn. Các đồng minh và đối tác của chúng tôi có chung mối lo ngại, chúng tôi đã nhìn thấy những rủi ro tiềm ẩn đối với người lao động và doanh nghiệp của chính nước mình. Tôi tin chắc rằng, việc thay đổi các chính sách liên quan đến tình trạng dư thừa công suất này sẽ có lợi cho Hoa Kỳ, Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu”, bà Yellen nói thêm.

Trung Quốc hiện là nước sản xuất pin mặt trời lớn nhất thế giới. Công ty Suniva đã đóng cửa vào năm 2017 nhưng đang khởi động lại sản xuất với sự trợ giúp từ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của chính quyền ông Biden.

Cuộc chiến thương mại lần này có gì khác so với trước đây?
Hãng tin AP nói rằng, chúng rất giống nhau. Các quan chức Mỹ cho biết họ đã từng xem “bộ phim” này trước đây.

Xu hướng mở rộng xuất khẩu hàng hóa giả rẻ gần đây của Trung Quốc đã làm gợi lại “cú sốc thương mại Trung Quốc” mà nền kinh tế Mỹ và toàn cầu đã phải trải qua vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Khi đó, thế giới đã ngập trong hàng hóa giá rẻ Trung Quốc.

Vì vậy, phương Tây gọi cú sốc sắp tới là “cú sốc thương mại Trung Quốc 2.0”. Ông David H. Autor và các nhà kinh tế khác ước tính vào năm 2016 rằng, từ ​​năm 1999 đến năm 2011 người Mỹ đã bị mất hơn 2 triệu việc làm do hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Song, “cú sốc thương mại Trung Quốc 2.0” lần này có một điểm khác biệt so với hơn 20 năm trước, đó là thế giới đang đáp trả lại Bắc Kinh.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump năm 2017, các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đã bị áp thuế. Sau khi lên nắm quyền, ông Biden vẫn giữ nguyên các mức thuế đó. Ông Brad Setser, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) có trụ sở ở Mỹ và là cựu quan chức Bộ Tài chính trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama, cho biết: “Tình hình mới là, mối lo ngại về tình trạng dư thừa năng lực trong một số ngành công nghiệp tiên tiến đã trở nên nghiêm trọng hơn”.

Chính quyền Trung Quốc chỉ trợ cấp sản xuất chứ không kích thích tiêu dùng
Hoa Kỳ cũng cung cấp trợ cấp cho một số ngành công nghiệp. Chính quyền của ông Biden đã thúc đẩy một số điều luật để cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất năng lượng sạch và chất bán dẫn của Mỹ.

Chính quyền Trung Quốc đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và cáo buộc ông Biden đã vi phạm các quy tắc thương mại khi trợ cấp một phần cho việc mua xe điện.

Nhưng một báo cáo vào năm 2022 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ cho thấy, khi tính bằng đồng đô-la Mỹ, mức trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc trong năm 2019 lớn gấp đôi mức của Hoa Kỳ.

Nhà kinh tế học Eswar Prasad tại Đại học Cornell và cựu quan chức trong Bộ Tài chính Hoa Kỳ Brad Setser cho biết, Trung Quốc trợ cấp cho sản xuất hàng hóa nhưng không có bất kỳ biện pháp nào để kích thích người dân trong nước tiêu dùng. Còn Hoa Kỳ đã thực hiện các biện pháp để kích thích tiêu dùng. Ví dụ, trong đại dịch Covid-19, Hoa Kỳ đã hỗ trợ mức tiêu dùng cao hơn thông qua nhiều đợt kích thích.

Có nhà phân tích cho rằng, các chính sách chỉ trợ cấp sản xuất mà không kích thích tiêu dùng trong nước của Trung Quốc sẽ chỉ làm cho tình trạng dư thừa công suất ở nước này trầm trọng thêm. Do chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho các công ty trong nước, nên những công ty Trung Quốc này có thể bán sản phẩm ra nước ngoài với mức giá thấp hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, điều này đã bị phương Tây lên án.

Chiến tranh thương mại sẽ lan rộng trên toàn cầu
Hiện tại, Trung – Mỹ chủ yếu đồng ý hội đàm về vấn đề dư thừa công suất của Trung Quốc. Trung Quốc chưa cam kết thực hiện bất kỳ biện pháp nào để giải quyết những lo ngại của Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh thừa nhận rằng dư thừa năng lực sản xuất và tiêu dùng yếu là những thách thức mà nước này phải đối mặt để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững.

Việc sản lượng xe điện tăng lên nhanh chóng đã gây ra một cuộc chiến giá cả khốc liệt, dự đoán có thể khiến một số nhà sản xuất phá sản. Hãng tin AP dẫn lời chuyên gia chính sách công nghiệp Huang Hanquan cho rằng, Trung Quốc cần phối hợp các chính sách một cách nhịp nhàng hơn thì mới có thể khuyến khích phát triển công nghệ mới, thay vì thúc ép các tỉnh phát triển cùng một ngành và thúc ép các công ty đầu tư quá mức.

Bà Yellen đã cảnh báo người lãnh đạo Trung Quốc rằng, tình trạng dư thừa công suất sẽ gây ra mối đe dọa cho sự ổn định kinh tế toàn cầu. Trong tuần này, Hội nghị mùa xuân năm 2024 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới sẽ diễn ra từ ngày 19-21/4 tại Washington D.C. Cuộc họp này sẽ có sự tham dự của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của các nước trên thế giới, bao gồm các quan chức kinh tế từ G7, G20 và các nền kinh tế lớn ở phía Nam bán cầu.

Nhân dịp này, Hoa Kỳ sẽ có cơ hội tranh thủ sự ủng hộ của nhiều quốc gia hơn về vấn đề kể trên. Với địa vị chủ đạo của mình trong những diễn đàn này, Mỹ dự kiến ​​sẽ cố gắng hợp lực với các nước khác ở Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ Latinh để cùng nêu lên mối quan ngại về sản lượng và xuất khẩu của Trung Quốc.

Bloomberg đưa tin vào tuần trước rằng, một quan chức Mỹ cho biết vấn đề dư thừa công suất là mối lo ngại của nhiều đối tác thương mại lớn của Trung Quốc và vấn đề này dự kiến ​​sẽ được thảo luận vào tuần này.

Bloomberg dẫn lời ông Josh Lipsky, Giám đốc cấp cao tại Trung tâm Địa kinh tế thuộc tổ chức tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), cho biết: “Ngay cả khi không nằm trong chương trình nghị sự chính thức, vấn đề dư thừa công suất này cũng sẽ được thảo luận tại cuộc họp vào tuần tới ở Washington”. “Hoa Kỳ muốn nói rõ rằng, đây không chỉ là mối lo ngại của Mỹ mà còn của cả Châu Âu, Nhật Bản và Brazil”.

Các đồng minh G7 của Mỹ như Canada, Pháp và Đức đã bày tỏ quan ngại về hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Tổng thống Brazil Lula da Silva đã bày tỏ mối lo lắng của mình và gần đây đã cho tiến hành một loạt cuộc điều tra về nghi vấn thép và các sản phẩm công nghiệp khác bị bán phá giá.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva cho biết hôm 11/4 rằng, bà vẫn đang tiếp xúc với chính quyền Trung Quốc về lộ trình phát triển kinh tế của nước này, bao gồm cả việc khuyến khích nhu cầu trong nước. Bà Georgieva nói rằng, điều quan trọng đối với các ngành nghề đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất là “chuyển nhiều [nguồn lực trong] nền kinh tế sang ngành dịch vụ hơn, như vậy vấn đề mới không còn tồn tại”.

Hoa Kỳ cho biết đang nghiên cứu áp đặt thuế quan đối với xe điện của Trung Quốc; Ủy ban Châu Âu vào tháng trước cũng cho biết chuẩn bị áp thuế bổ sung đối với những loại ô tô này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới