Với vị trí quan trọng cả về địa lý, kinh tế và chính trị, Đông Bắc Á luôn là tâm điểm của các cuộc cạnh tranh của các cường quốc Mỹ – Trung – Nga. Tình hình địa chính trị tại khu vực này luôn bị tác động và ảnh hưởng sâu sắc bởi sự điều chỉnh chiến lược vì lợi ích quốc gia của các cường quốc trên.
Cuộc xung đột tại Ukraine và dải Gaza ngày càng diễn biến khốc liệt, xu thế chạy đua vũ trang mạnh mẽ trên toàn cầu, thêm vào đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ – NATO với Trung Quốc – Nga đã tác động tiêu cực và đang rung lên hồi chuông cảnh báo về tình hình an ninh tại Đông Bắc Á, đặc biệt tại khu vực bán đảo Triều Tiên.
Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, bán đảo Triều Tiên luôn luôn là tâm điểm của các cuộc tranh chấp thường trực giữa Bắc Triều Tiên với Hàn Quốc và giữa cả hai quốc gia trên với các nước lân cận.
Tình hình ở khu vực này đang thực sự trở thành một điểm nóng, được ví như một khối thuốc nổ mà chỉ cần một va chạm nhỏ là bùng phát kể từ khi tại đây hình thành “hai khối liên minh” Triều Tiên – Nga (+ Trung Quốc) và Hàn Quốc – Mỹ (+ Nhật ). Cả hai khối liên minh đều ra sức chạy đua vũ trang và hợp tác quân sự, đẩy căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên lên một cấp độ mới rất đáng lo ngại và buộc thế giới phải lưu tâm.
Căng thẳng tiếp nối căng thẳng
Kể từ tháng 9/2023, tiếp sau cuộc gặp Thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Triều Tiên, thế giới đã chứng kiến sự xoay chuyển mang tính quyết định trong chính sách của Triều Tiên đối với Hàn Quốc khi ông Kim Jong Un coi Hàn Quốc là “kẻ thù chính” và “quan hệ Bắc – Nam đã chuyển từ tình đồng bào sang tình trạng chiến tranh thù địch giữa hai nước”. Triều Tiên sẵn sàng sử dụng chiến tranh hạt nhân chống Hàn Quốc nếu cần thiết.
Cùng với những tuyên bố cứng rắn trên, ngay trong những ngày đầu năm 2024, Triều Tiên đã liên tục có những hoạt động quân sự như pháo kích, tấn công, có những ngày phóng hơn hai trăm quả đạn pháo vào vùng biển đệm gần Hàn Quốc. Mặt khác, tiến hành một loạt các cuộc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và liên tục diễn tập quân sự gây rối loạn và căng thẳng gần vùng biên giới.
Triều Tiên mở rộng hợp tác quân sự toàn diện với Nga để chống lại “kẻ thù chung” của hai bên là Mỹ thông qua việc ký kết và nâng cấp quan hệ chiến lược toàn diện hai bên.
Với những hành động trên, Triều Tiên cho thấy quốc gia này đang muốn xóa bỏ hoặc trước mắt là vô hiệu hóa những thỏa thuận được coi như nền tảng của việc bảo vệ và giữ gìn cho an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Đó là những hiệp định đình chiến và các hiệp định quân sự khác. Riêng về kinh tế, Triều Tiên đã quyết định xóa bỏ mọi thỏa thuận đã ký với Hàn Quốc để thúc đẩy hợp tác hai miền.
Với Hàn Quốc, Triều Tiên đang được coi là “thách thức an ninh cấp bách nhất”. Chiến lược an ninh mới, công bố cuối năm 2023 cũng không đề cập đến Thỏa thuận hòa bình liên Triều, cũng như việc tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên. Hàn Quốc thể hiện thái độ cứng rắn chưa từng có, “đáp trả mạnh mẽ” và dọa sẽ “trừng phạt trên quy mô lớn gấp bội những hoạt động khiêu khích của Triều Tiên”. Cùng ngày khi Triều Tiên bắn hai trăm quả đạn pháo thì Hàn Quốc cũng đáp lại bằng bốn trăm quả đạn pháo!
Để đối phó hiệu quả với những hành động thách thức từ phía Triều Tiên, Hàn Quốc chủ trương thúc đẩy và tăng cường hợp tác, ký kết nhiều thỏa thuận quân sự với Mỹ và Nhật Bản. Hàn Quốc quyết định vượt lên những tranh chấp lãnh thổ và quá khứ lịch sử để bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản. Từ đó thiết lập nên tam giác an ninh Mỹ – Hàn – Nhật, củng cố đồng minh để tăng thêm sức mạnh. Ngân sách quốc phòng được tăng lên đáng kể, trung bình là khoảng 7% năm, dự định chi gần 350.000 tỷ won (266 tỷ USD) trong 5 năm tới. Mục tiêu là tăng cường năng lực phòng thủ, trang bị vũ khí hiện đại như vệ tinh trinh sát, triển khai thêm tàu ngầm, hệ thống đánh chặn tên lửa tiên tiến, đối phó với nguy cơ vũ khí hạt nhân.
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang nóng lên từng ngày
Nguy cơ đụng độ và xung đột gia tăng nhanh chóng khi trạng thái đình chiến đang bị đe dọa nghiêm trọng. Một bầu không khí bất ổn đang bao trùm khu vực này.
Nhiều nhà nghiên cứu nhận xét rằng những diễn biến hiện nay trên bán đảo Triều Tiên làm chúng ta nhớ đến và liên tưởng đến thời kỳ năm 1950, khi cuộc Chiến tranh Triều Tiên xảy ra, cũng là một kịch bản tương tự. Không khó để nhận ra rằng Triều Tiên đang sử dụng những chiến thuật mang tính khiêu khích để kéo Hàn Quốc vào môt cuộc phiêu lưu quân sự và gây bất ổn trên bán đảo.
Tuy nhiên nếu so sánh với tình hình cách đây 50 năm chúng ta có thể thấy xuất hiện những yếu tố mới. Trước đây cuộc chiến hai miền Nam – Bắc Triều Tiên chỉ có sự dính liu của Mỹ và Trung Quốc. Nay cần phải tính thêm nhiều yếu tố khác nữa, có thể là NATO và Nga. Thế giới không còn chỉ có hai phe rõ rệt như thời kỳ Chiến tranh lạnh, đang biến chuyển và đầy bất ổn; sự phát triển vượt bậc của các loại vũ khí, công nghệ AI. Hơn nữa, các “bên có liên quan”… sẽ có ảnh hưởng đến Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Những câu hỏi đặt ra
Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu có phải cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều đang thay đổi chiến lược và dàn trận để thực sự chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh trong tương lai gần hay không khi tất cả những hành động thù địch đang được đẩy lên ở mức cao nhất? Hay đây chỉ là một sự hù dọa để buộc đối phương phải thay đổi chính sách và chiến lược? Liệu có nguy cơ một cuộc chiến tranh hạt nhân xảy ra hay không?
Đây có phải là một trận đấu mới, một cuộc đụng độ mới của các cường quốc liên quan và các thế lực quốc tế khi cố gắng thúc đẩy căng thẳng để gây ra một cuộc chiến tranh mới tại khu vực hay không? Họ có lợi ích gì nếu căng thẳng biến thành xung đột vũ trang tại đây? Hàn Quốc và Triều Tiên có đang “bị sử dụng” như một đội quân ủy nhiệm phục vụ cho các âm mưu và ý đồ của các cường quốc?
Trước nguy cơ căng thẳng như vậy, các bên liên quan và thế giới cần có thái độ và cách ứng xử như thế nào để trước hết giảm căng thẳng, và đạt mục tiêu là ngăn chặn không cho một cuộc chiến tranh nữa xảy ra.
Đây là những câu hỏi không dễ để trả lời.Tuy nhiên, trước mắt chúng ta có thể đặt ra mấy khả năng, phân tích, lý giải cho những khả năng đó để có thể có một cái nhìn toàn cảnh và đầy đủ hơn về một điểm nóng đang có nguy cơ bùng nổ.
Một là, theo báo cáo của Tổ chức phân tích quốc phòng Global Firepower, về sức mạnh quân sự thế giới năm 2023 của 145 quốc gia, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản đều xếp trong top 10. Mỹ xếp thứ nhất, Trung Quốc xếp thứ hai, Nga xếp thứ ba, Hàn Quốc xếp thứ sáu và Nhật Bản xếp thứ tám. Những quốc gia này đều có quy mô quân số lớn, trang thiết bị, phương tiện quân sự hiện đại, có trình độ tác chiến và mức chi ngân sách cho quốc phòng rất lớn.
Triều Tiên là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Xét theo năng lực chiến tranh quy ước, Triều Tiên có quy mô quân số lớn thứ 4 trên thế giới, với gần 1,3 triệu quân nhân thường trực, chiếm khoảng 5% tổng dân số và hơn 600.000 quân dự bị. Sức mạnh quân sự quốc gia thể hiện rõ nhất là năng lực lớn mạnh đáng kể của lực lượng tên lửa chiến lược.
Đây là một trong những yếu tố lý giải cho sự quan ngại và lo lắng của dư luận về khả năng bùng nổ một cuộc xung đột vũ trang mới, bởi xét về tiềm lực quân sự thì các quốc gia có liên quan đều ở thứ hạng cao nhất trên thế giới.
Hai là, trong trường hợp Triều Tiên có tham vọng tiến hành một cuộc chiến tranh thực sự chống lại Hàn Quốc, thì liệu họ có đủ khả năng để thực hiện không nếu không có sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc? Triều Tiên cho dù có vũ khí hạt nhân và có thể tiếp tục gây ra các vụ khiêu khích, gây bất ổn; Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về kinh tế, nội bộ. “Năng lực chiến đấu thực tế” của Triều Tiên, ngoài tên lửa, thì tất cả vẫn còn đang bị đặt ra nhiều nghi vấn! Triều Tiên khó trụ vững nếu tiến hành chiến tranh lâu dài.
Theo nhiều nhà quan sát, trong lịch sử, khi tình hình nội bộ càng khó khăn, cùng cực thì các chính quyền đương nhiệm sẽ càng cố gắng tạo ra sự đe dọa của những “bóng ma chiến tranh”, càng có những tuyên bố hung hăng và đặc biệt đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.
Cũng theo các nhà quan sát, thực chất những hành động và tuyên bố gây căng thẳng vừa qua của Triều Tiên chỉ nhằm mục đích “dương đông, kích tây”, tạo ra sự bất ổn thường trực trên bán đảo Triều Tiên để đạt mục tiêu lôi kéo sự quan tâm hơn nữa của Nga và đặc biệt là của Trung Quốc.
Ba là, xét theo những tuyên bố và hành động của Hàn Quốc thì cho thấy, quốc gia này có những phản ứng mạnh mẽ, kiên quyết với những hành động khiêu khích của Triều Tiên. Tuy nhiên họ cũng rất cảnh giác, không để sự việc bị đẩy đi quá xa, dẫn đến xung đột vũ trang. Tham vọng của Hàn Quốc là tiến tới là một quốc gia có vị trí lớn trên toàn cầu. Họ cần có ổn định để không làm đổ vỡ mọi thành quả mà rất khó khăn đất nước này mới xây dựng được như ngày nay.
Bốn là, chúng ta cần chú ý đó là mục tiêu, ý đồ, thái độ thực chất và các bước đi cụ thể của Mỹ, Nga và Trung Quốc tại khu vực để tiên lượng về khả năng tiến hành chiến tranh trong tương lai gần.
Trước hết đối với Mỹ, Đông Bắc Á nói chung và đặc biệt bán đảo Triều Tiên là nơi chứa đựng nhiều nguy cơ thách thức về an ninh và lợi ích trực tiếp tại Biển Đông. Do đó chiến lược và mức độ can dự vào những tranh chấp tại khu vực sẽ được Mỹ điều chỉnh phục vụ cho những mục tiêu: Tăng cường thúc đẩy ảnh hưởng và vai trò, vị trí của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt ở Đông Bắc Á; cạnh tranh chiến lược và kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga; bảo vệ quyền lợi của Mỹ ở Biển Đông; giữ vững uy tín cũng như cam kết với các đồng minh khu vực, đặc biệt hai đồng minh chí cốt là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nhiều nhà quan sát nhận xét chính quyền Tổng thống Biden đang có tham vọng “NATO hóa” khu vực thông qua thiết lập các liên minh quân sự mới, tăng cường thế trận phòng thủ của Mỹ, bổ sung cho các liên minh đã có như Bộ Tứ kim cương (QUAD) và AUKUS, tiến tới hiện thực hóa Chiến lược an ninh, quốc phòng mới “Răn đe kết hợp”.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, tuy ủng hộ chiến lược của Mỹ ở khu vực nhưng mỗi quốc gia trong liên minh đều có lợi ích riêng. Do đó các quốc gia này chưa phải đã sẵn sàng để bị ràng buộc hoàn toàn vào những cam kết pháp lý, thỏa thuận quân sự với Mỹ. Mỹ cũng không ép được các đồng minh theo những tính toán của Mỹ.
Thời điểm hiện tại, Mỹ đã can dự quân sự ở nhiều khu vực, tiềm lực bị phân tán ở châu Âu và Trung Đông cùng một số điểm nóng khác. Mặt khác chính quyền của ông Biden đang chạy đua vào Nhà Trắng, phát sinh nhiều mâu thuẫn giữa đảng Cộng Hòa và Dân chủ trong nhiều vấn đề quốc tế, trong đó có khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Với nước Nga, hợp tác Nga – Triều cũng vì lợi ích của hai bên, bởi vì Mỹ là “kẻ thù chung”. Càng hợp tác quân sự chặt chẽ với Triều Tiên, Nga càng có điều kiện để gây ảnh hưởng tại khu vực. Qua đó Nga càng có cơ hội kéo Mỹ phân tán lực lượng tại Ukraine. Trước mắt, việc hỗ trợ quân sự cho Triều Tiên có ý nghĩa quyết định với Nga. Mặt khác chính Triều Tiên cũng nhân cơ hội này để chuyển giao vũ khí cho Nga đánh Ukraine, cũng là cơ hội để thử vũ khí trên chiến trường. Tuy nhiên liệu Nga có đủ sức để đảm đương một cuộc chiến tranh mới nữa hay không? Rất khó trong tình trạng hiện nay.
Tam giác chiến lược Nga – Trung – Triều có thể nói là đồng sàng, dị mộng. Trung Quốc không ủng hộ quá mạnh mẽ với Triều Tiên khi Trung Quốc đang muốn hạ nhiệt với Mỹ và phương Tây. Do đó họ không muốn bị coi là can dự vào một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Hơn nữa, việc Triều Tiên thời gian qua đi hẳn với Nga, xa lánh Trung Quốc đã làm quan hệ hai bên xuống cấp nghiêm trọng.
Tóm lại, bán đảo Triều Tiên đang nổi lên như một điểm nóng, đặc biệt khi cuộc chạy đua vũ trang, đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân từ Mỹ – Nga – Trung Quốc – Triều Tiên đang được đẩy lên mức độ nguy hiểm. Chỉ một tính toán và hành động sai lầm giữa Triều Tiên hoặc Hàn Quốc thì sẽ có một Ukraine mới ở bán đảo Triều Tiên.
Nhận xét của các nhà quan sát tình hình cho rằng chiến tranh chiến tranh có nổ ra hay không hoàn toàn tùy thuộc vào chính sách và lợi ích của các cường quốc. Điều quan trọng vào lúc này là phải hạ nhiệt xung đột ở bán đảo Triều Tiên, trong đó Nga – Trung Quốc – Mỹ đóng vai trò rất quan trọng. Các nước này phải giảm đối đầu nhau, không gây chiến tranh để phục vụ cho lợi ích của mình, ngăn chặn mọi hành động xung đột, kích động chiến tranh của tất cả các bên. Có như vậy,cuộc chiến ở bán đảo Triều Tiên sẽ không xảy ra.
T.P