Friday, January 10, 2025
Trang chủQuân sựUkraine "hụt hẫng" khi phương Tây giúp Israel bắn hạ 99% hỏa...

Ukraine “hụt hẫng” khi phương Tây giúp Israel bắn hạ 99% hỏa lực Iran

Ukraine cảm thấy hụt hẫng khi chứng kiến Mỹ cùng các đồng minh phương Tây hiệp đồng giúp Israel bắn rơi 99% tên lửa, UAV Iran cuối tuần qua.

Ukraine đổ nát vì cuộc chiến hơn 2 năm với Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ sự thất vọng sau khi Mỹ và các đồng minh dồn lực bảo vệ Israel trước cuộc tấn công lớn của Iran vào cuối tuần qua, nêu bật những giới hạn trong sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Kiev.

Quân đội Mỹ, Anh, Pháp và các nước khác đã vào cuộc để giúp Israel phòng thủ trước cuộc tấn công của hơn 300 UAV và tên lửa của Iran. Israel tuyên bố gần như tất cả hỏa lực đều bị đánh chặn.

Trong khi đó, phía Kiev cho biết, Nga cũng bắn ra số vũ khí tương tự vào Ukraine hàng tuần với dòng UAV mà phương Tây nghi là Shahed do Iran sản xuất.

Theo đại diện thường trực của Ukraine tại Liên Hợp Quốc, Sergiy Kyslytsya, kể từ đầu năm nay, Nga đã phóng 1.000 tên lửa, 2.800 máy bay không người lái và 7.000 quả bom dẫn đường vào Ukraine.

Trong khi Washington và các đồng minh khác đã cung cấp cho Kiev một số vũ khí phòng không mạnh mẽ, họ chưa bao giờ trực tiếp bắn hạ hỏa lực Nga. Ngoài ra, các quan chức Ukraine từ lâu đã lập luận rằng số vũ khí được viện trợ không đủ để chống lại tiềm lực của Moscow.

Theo Wall Street Journal, giới chức Ukraine dường như cảm nhận thấy một nghịch lý. Trong khi phương Tây bắn hạ hàng loạt hỏa lực của Iran ngay trước khi chúng bay vào vùng trời Israel, thì Kiev vẫn đang tiếp tục kêu gọi mỗi ngày để nhận được sự bảo vệ mạnh mẽ hơn trước “mưa” hỏa lực mà Nga trút xuống.

“Giờ đây, cả thế giới đã thấy qua hành động của các đồng minh của Israel rằng sự đoàn kết có thể có hiệu quả như thế nào”, Tổng thống Zelensky nhận định, kêu gọi phương Tây cũng nên có sự ủng hộ quyết liệt với Ukraine tương tự như Israel.

Các quan chức Ukraine đã kiềm chế không chỉ trích trực tiếp chính sách của Mỹ một cách công khai, vì lo ngại điều này bị coi là hành động “không biết ơn” trước sự giúp đỡ của Phương Tây trong hơn 2 năm qua.

Tuy nhiên, giới chuyên gia phương Tây cho rằng, vì đối thủ của Israel và Ukraine là 2 nước khác nhau, nên phản ứng của Mỹ và đồng minh trong 2 trường hợp là điều có thể dễ hiểu.

Nga là cường quốc năng lượng, sở hữu 5.000 đầu đạn hạt nhân, nên phương Tây sẽ có cách tiếp cận kìm chế hơn với Nga. Trong khi đó, dù Mỹ cho rằng Iran có khả năng chế tạo bom hạt nhân nhưng chưa sở hữu vũ khí nguyên tử.

John Herbst, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, cho biết sự kiềm chế của phương Tây nhằm ngăn xung đột vượt ngoài tầm kiểm soát là lý do Washington và đồng minh quyết định không giúp Kiev trực tiếp bắn rơi hỏa lực Nga.

Ông Herbst lưu ý rằng các lực lượng Mỹ, Anh và Pháp bảo vệ Israel cuối tuần qua chỉ đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái của Iran, tránh bất kỳ cuộc giao tranh nào với lực lượng Tehran có thể dẫn đến xung đột quân sự trực tiếp.

Các quan chức phương Tây cho biết cách tiếp cận của họ với cuộc chiến Nga – Ukraine là phù hợp trong bối cảnh nguy cơ leo thang căng thẳng một cách nguy hiểm có thể xảy ra.

Mỹ và các đồng minh NATO trong những ngày đầu của cuộc chiến đã khước từ lời kêu gọi của Kiev về việc lập vùng cấm bay ở Ukraine, với lo ngại xảy ra xung đột trực tiếp với quân đội Nga.

Kể từ đó, chính mối lo ngại này cũng đã khiến Mỹ và các đồng minh kiềm chế trong việc viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Đề xuất viện trợ 60 tỷ USD vẫn kẹt ở quốc hội Mỹ vì bất đồng nội bộ, dẫn tới Ukraine sụt giảm năng lực phòng vệ và tấn công trên tiền tuyến. Mỹ cũng công khai phản đối việc Ukraine dùng UAV tầm xa nội địa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga vì lo ngại giá dầu thế giới tăng vọt.

Thay vì giúp Ukraine tạo ra mạng lưới phòng không như Israel có, phương Tây lại cung cấp cho Kiev một loạt thiết bị chắp vá để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga trong nhiều tháng. Tuy nhiên, kho dự trữ tên lửa đánh chặn của Ukraine đang cạn kiệt và viện trợ vẫn trong tình trạng “nhỏ giọt”.

Giới chức Ukraine hiểu về điều này, nhưng việc họ cảm thấy “hụt hẫng” trước phản ứng đồng loạt của phương Tây với Israel cũng không phải là chuyện lạ.

Thị trưởng Kharkov Ihor Terekhov nói: “Tất nhiên tôi muốn có một cơ hội như vậy để bảo vệ thành phố của chúng tôi trước những cuộc tấn công kiểu này”. Ông nhấn mạnh rằng phương Tây cần phải bảo vệ cả 2 nước Israel và Ukraine.

Volodymyr Dubovyk, phó giáo sư tại đại học quốc gia Odesa I.I. Mechnikov cho biết: “Mọi người (Ukraine) đang bắt đầu tỏ ra hụt hẫng trước Mỹ. Mỹ là nhân tố quyết định đối với Ukraine trong 2 năm đầu của cuộc chiến, nhưng sự hỗ trợ này đang trở nên chậm lại”.

Quan hệ an ninh đặc biệt

Ngoài ra, dù cả Ukraine và Israel đều đối mặt với “mưa” hỏa lực từ đối thủ, nhưng 2 nước này về cơ bản có quan hệ an ninh với Mỹ hoàn toàn khác biệt.

Rất ít quốc gia có quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Mỹ hơn Israel. Cả hai chia sẻ thông tin tình báo được bảo mật và hợp tác rộng rãi về các chính sách khu vực. Dù 2 bên có những bất đồng về cách Israel thực hiện chiến dịch quân sự ở Gaza, nhưng về bản chất, Tel Aviv vẫn là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ.

Mỹ không có hiệp ước phòng thủ với Israel nhưng Tel Aviv trong hàng chục năm qua đã có mối quan hệ đặc biệt với Mỹ với tư cách là đối tác thân cận nhất của Washington ở Trung Đông. Israel là một trong những nước nhận được viện trợ nước ngoài tích lũy lớn nhất của Mỹ kể từ Thế chiến II.

Theo thỏa thuận 10 năm được ký kết vào năm 2019, Washington cam kết cung cấp cho Israel 38 tỷ USD viện trợ quân sự cho đến năm 2028. Hai bên hợp tác chặt chẽ về các hệ thống quân sự tiên tiến, bao gồm mạng lưới phòng không Vòm Sắt nổi tiếng.

Đó là lý do vì sao phản ứng của Mỹ với Israel khác với Ukraine. Người Ukraine hiểu được điều này nhưng Kiev vẫn mong muốn được đối xử như Israel khi Nga đang ngày càng chiếm ưu thế hơn trên tiền tuyến.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới