Tuesday, May 7, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThù hận và dền dứ chiến tranh

Thù hận và dền dứ chiến tranh

Có một cuộc tấn công “trả đũa lại sự trả đũa…” dường như đã xảy ra. Nhưng không bên nào thừa nhận, cả bên tấn công và bên bị tấn công. Và cuộc tấn công/đáp trả này cũng xảy ra chóng vánh, trong vài giờ đồng hồ, buổi sáng hôm 19/4.

Đó là sự đáp trả của Israel. Hành động này như một lời đe dọa: hãy đợi đấy, đừng có giở trò tiếp, ta sẽ không để mi yên! Lại cũng là cách bẩm báo với Liên hợp quốc, với Mỹ – đồng minh thân cận nhất, rằng chúng tôi đã tuân chỉ mệnh lệnh của các ngài, chỉ ra tay “ở mức giới hạn”, không muốn leo thang căng thẳng, châm ngòi chiến tranh ở Trung Đông.

Thôi, được thế cũng là mừng. Mong sao cả hai con gấu nằm ngủ đông cho, để người dân lành thoát cảnh đầu rơi máu chảy; để giá dầu, giá vàng khỏi tăng đột biến như ngựa phi, chỉ béo mấy tên lái súng và mấy gã khổng lồ xuất khẩu dầu mỏ.

Cuộc trả đũa mang tính răn đe này là những vụ nổ tại thành phố Isfahan của Iran. Theo truyền thông của nước sở tại, đã có “một vài vụ nổ”, và đó là do “hệ thống phòng không của Iran đã bắn trúng 3 máy bay không người lái” (drone) trên bầu trời Isfahan. Nói thế tức là phủ nhận Iran “bị đánh”. Chính quyền Iran cũng chỉ gọi vụ việc này là cuộc thăm dò của “những kẻ xâm nhập”, mà không nêu đích danh Israel.

Thế cũng là mừng còn bởi lẽ, do quy mô hạn chế của cuộc tấn công và những lời “êm ái” của Teheran đã nói lên một điều, những nỗ lực các nhà ngoại giao để ngăn chặn chiến tranh bùng phát, đã thành công bước đầu. Tuy nhiên, chớ bên nào được xem nhẹ, bởi cái nhọt bọc vẫn còn mưng mủ.

Vì sao Israel bỗng trở nên hiền lành thế? Rõ ràng là áp lực của dư luận quốc tế và các đồng minh đã có hiệu quả. Tuyên bố chung của nhóm G7 do Ý, nước chủ tịch luân phiên của khối, đưa ra hôm 14/4 cũng cảnh báo: “Cần phải tránh gây leo thang không thể kiểm soát ở khu vực”!

Sự phản ứng của Israel đã bị giới hạn bởi vì họ đang hành động trong một liên minh không chính thức. Theo như những gì ông Tamir Hayman – cựu giám đốc tình báo quân sự của Israel – viết trên X: Không chỉ mình Israel đánh chặn các tên lửa Iran mà họ còn có sự trợ giúp đỡ của nhiều nước như Mỹ, Anh, Pháp và cả Jordan.

Khi tấn công có người hỗ trợ, vậy thì theo lôgic thông thường sẽ bị hạn chế sự đáp trả. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden và đội ngũ an ninh quốc gia cũng đã “dặn” nội các chiến tranh Jerusalem rằng. Mỹ sẽ không tham gia bất kỳ hành động tấn công nào chống Iran.

Vừa ngầm ra lệnh nhưng cũng là lời khuyên, rằng thành tích đánh chặn là chiến thắng lớn cho nên Israel không cần phải phản ứng nữa, mà nên biết dừng lại, dùng giải pháp ngoại giao sẽ có lợi cho lâu dài. Đúng là, không phải lúc nào đòn đánh dập đầu cũng là thượng sách.

Trên đây là chuyện “bên ngoài”. Còn “bên trong” Israel và Iran lúc này cũng có bao nhiêu vấn đề nóng. Muốn giữ cho nội bộ khỏi lung lay, chính phủ không sụp đổ thì phải dung hòa các phe phái, phải xoa dịu những người theo chủ trương cứng rắn. Riêng đối với Israel, đâu chỉ có việc đánh Iran. Họ không muốn mở thêm một mặt trận nữa khi mà quân đội Israel vẫn đang căng mình chiến đấu với Tổ chức Hồi giáo Hamas ở Gaza.

Về kinh nghiệm và tổ chức chiến tranh, Israel chưa bao giờ tiến hành tấn công quân sự trực tiếp vào lãnh thổ Iran. Điều này Teheran hiểu hơn ai hết. Cho nên, những hành động thiếu bình tĩnh, làm tổn hại lợi ích của đất nước sẽ hứng chịu phản ứng nghiêm trọng từ phía đối phương.

Mặc dù vậy, nếu như việc đáp trả của Israel diễn ra ở quy mô lớn và gây tổn thất nặng nề thì Iran chắc chắn sẽ không khoan nhượng, sẽ đáp trả mạnh mẽ hơn những lần trước. Khi ấy cuộc chiến sẽ có nguy cơ lan rộng ra toàn khu vực và thu hút sự can dự của các nước bên ngoài.

Đối với các cường quốc, những ông chủ đứng sau giật dây thì sao? Điều hiển nhiên là trong lúc này Mỹ và các nước phương Tây không muốn xung đột Iran-Israel leo thang. Họ cũng đang phải tính toán vì cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra chưa có hồi kết. Washington cũng đang bận tâm về tình hình khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Giả sử căng thẳng Iran-Israel lan rộng thành cuộc chiến toàn Trung Đông thì sẽ tác động tiêu cực đến chiến dịch tái tranh cử của Joe Biden. Nếu thành công trong việc giữ cho lò lửa chiến tranh Trung Đông không lan rộng thì tên tuổi ông Biden sẽ sáng hơn về mặt đối ngoại. Biết đâu đó Ngài chẳng được nhận Nobel Hòa bình (!).

Vốn coi thường Israel, nhưng lần này thì Iran tỏ ra thận trọng hơn. Vì thế nên nước này tuyên bố chỉ “tấn công có giới hạn” để giữ thể diện cả ở trong nước lẫn đối ngoại. Tehran nắm chắc khả năng phòng thủ tên lửa của Israel được sự hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh, bởi thế đã tính toán rất kỹ khi tấn công. Và mục đích tấn công là để cảnh báo nhiều hơn là tiêu diệt, bắt đối phương phải khuất phục. Nếu đi quá xa, gây thiệt hại lớn cho Israel thì khả năng can dự của Mỹ là rất lớn.

Trả đũa một cách chủ động, Tehran đã báo trước cho chính quyền các nước trong khu vực, kể cả Mỹ, 72 giờ trước khi tấn công xảy ra. (Mặc dù Mỹ bác bỏ điều này). Thực hư ra sao, chưa thấy những nguồn tin tin cậy được đưa ra. Tuy nhiên sự dền dứ của cả hai phía vào lúc này là dấu hiệu tích cực báo hiệu căng thẳng Trung Đông đã giảm nhiệt, chấm dứt vòng xoáy “tấn công và đáp trả”.

Vai trò quốc tế trong việc duy trì hòa bình đã được thể hiện rõ.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới