Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKênh đào Phù Nam - Techo có thể 'rút' mất 30% lượng...

Kênh đào Phù Nam – Techo có thể ‘rút’ mất 30% lượng nước về sông Hậu

Kênh đào Phù Nam – Techo (Campuchia) có thể “rút” mất khoảng 30% lưu lượng nước về sông Hậu, tác động nghiêm trọng đến tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn của ĐBSCL.

Sông Hậu đoạn qua TP.Cần Thơ khi thủy triều rút vào mùa


Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất Dự án kênh đào Phù Nam – Techo của Campuchia nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy ban sông Mê Kông quốc tế…

Theo báo cáo đưa ra, mặc dù dự án thuộc diện “thông báo” nhưng do kênh đào sử dụng trực tiếp nguồn nước của sông Bassac (sông Hậu tại Việt Nam, là phân lưu chính của sông Mê Kông) nên đã gây ra nhiều mối quan ngại của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học và cộng đồng địa phương về tác động xuyên biên giới của dự án này.

Dự án giao thông thủy Phù Nam – Techo là một dự án xây dựng kênh đào nối sông Mê Kông với biển ở Campuchia. Dự án này được chính phủ Campuchia khởi xướng vào năm 2022 với mục tiêu giảm sự phụ thuộc của Campuchia vào tuyến sông Cửu Long đi qua lãnh thổ Việt Nam (hiện 1 năm tổng lượng hàng hóa qua các tuyến giao thông thủy của Campuchia và Việt Nam khoảng 20 triệu tấn/năm).

Tuyến giao thông thủy dự kiến ở Campuchia có tổng chiều dài khoảng 180 km, được chia làm ba đoạn: Đoạn 1 kênh nối sông Mê Kông và Bassac dài khoảng 10 km, đoạn 2 là sông Bassac dài khoảng 55 km, đoạn 3 kênh nối sông Bassac ra biển dài khoảng 125 km. Trên tuyến có 3 cống âu.

Dự án Phù Nam – Techo dự kiến triển khai xây dựng là 2024 và hoàn thành vào năm 2027, đưa vào vận hành hoạt động từ năm 2028. Kinh phí đầu tư 1,7 tỉ đô (USD).

Theo mô tả của phía Campuchia, dự án giao thông thủy Phù Nam – Techo có thể mang lại một số lợi ích cho Campuchia, bao gồm: Giảm sự phụ thuộc của Campuchia vào tuyến sông Cửu Long đi qua lãnh thổ Việt Nam. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa Campuchia và các quốc gia khác. Thúc đẩy phát triển kinh tế của các tỉnh ven biển Campuchia. Cải thiện giao thông và vận tải đường thủy nội địa địa phương và khu vực kết nối cho cộng đồng địa phương ở miền nam Campuchia. Giảm nguy cơ lũ lụt cho một số vùng bị ngập ở tỉnh Kandal và Takeo. Tăng cường du lịch và sinh kế cho người dân địa phương bằng cách cung cấp hệ thống logistic tốt hơn và kết nối hơn…

Ngoài ra, các tỉnh Kandal và Kampot là 1 trong những tỉnh trọng điểm về lúa của Campuchia, không loại trừ dự án sẽ có tính chất chuyển nước để tưới cho nông nghiệp với diện tích khu hưởng lợi có thể lên đến 300.000 ha.

Trước đó, theo báo cáo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam gửi Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), đánh giá ban đầu cho thấy, nếu vận hành đơn thuần là mục tiêu giao thông thủy và các cống âu được vận hành thì nguy cơ tác động đến diễn biến dòng chảy về ĐBSCL là không lớn. Tuy nhiên, trong trường hợp bất lợi nếu các cống âu được mở tự do thì khả năng mất nước trong mùa kiệt chiếm khoảng trên dưới 2% lưu lượng về ĐBSCL.

Một số quan ngại về mặt môi trường của dự án được đánh giá như ảnh hưởng đến hệ sinh thái của châu thổ Mê Kông khi kênh đào Phù Nam – Techo sẽ đi qua khu vực có hệ sinh thái đa dạng và phong phú của châu thổ Mê Kông.

Đặc biệt, trường hợp Campuchia không chỉ sử dụng kênh đào cho mục đích giao thông thủy mà còn đa mục tiêu phát triển nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ và thương mại thì ước tính sơ bộ lưu lượng khai thác có thể lên đến 150m3/s chiếm khoảng 30% lưu lượng về sông Hậu trong mùa kiệt. Điều này có thể tác động nghiêm trọng đến tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn của ĐBSCL.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới