Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Bắc Kinh trong chuyến thăm Trung Quốc 3 ngày (24-26/4). Thông báo của Washington, ông Blinken sẽ gặp các quan chức cấp cao của Trung Quốc để thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có xung đột Nga – Ukraine, Đài Loan, và Biển Đông.
Trong các vấn đề ấy, cái nào mà chẳng quan trọng. Cuộc chiến Nga-Ukraine mà không quan trọng sao? Quan trọng quá đi, khi Washington thừa biết hiện nay, Kremlin thân thiết với Bắc Kinh như thế nào; và đằng sau mối quan hệ ngày một gắn bó có tính “nhóm lợi ích” đó, còn là cả hai cùng có đối thủ chung, là Mỹ. Ngoài việc giải cứu Nga tiêu thụ năng lượng, Mỹ canh cánh mối ngờ Trung Quốc hỗ trợ khí tài quân sự cho Nga. Nếu không thế, tại sao trong khi phương Tây mệt mỏi về việc cung cấp hậu cần, nhất là tên lửa, xe tăng, đạn pháo cho Ukraine, Nga lại gần như chẳng có dấu hiệu khó khăn, thiếu thốn vũ khí trên chiến trường?
Nghi ngờ củng cố thêm khi đận này năm ngoái có thông tin binh sĩ Ukraine phía bắc tỉnh Donetsk đã dùng súng AK hạ một UAV loại UAV Mugin-5, do công ty Mugin có trụ sở tại thành phố Hạ Môn, Trung Quốc chế tạo. Mới nhất, ngày 22/4 vừa qua, việc binh sĩ lữ đoàn thủy quân lục chiến số 35 của Ukraine công bố nhiều quả đạn súng cối bắn ra từ pháo binh Nga có thông điệp ủng hộ Nga, được viết bằng cả tiếng Trung Quốc và tiếng Anh, như “Qingshui” (huyện Thanh Thủy) và Ermao (làng Nhị Mao); thậm chí, một quả đạn có chữ “Love from Hangzhou, China” (Gửi yêu thương từ Hàng Châu, Trung Quốc), càng khiến sự việc có chiều hướng nóng thêm. Một số người còn cho rằng Trung Quốc chuyển vũ khí cho Nga là chuyện có thật, chứ không như những lời chối bai bải từ Bắc Kinh lâu nay…
Tuy nhiên, cứ cho câu chuyện Ukraine không thể là thứ yếu trong nội dung cuộc làm việc giữa hai người đồng cấp Blinken – Vương Nghị tại Bắc Kinh đi; cả vấn đề Đài Loan từng khiến quan hệ hai bên có lúc căng như dây đàn nữa, thì với các nước ASEAN, câu chuyện Biển Đông vẫn là điều đáng quan tâm nhất. Quan tâm với nhiều câu hỏi, trong đó, câu hỏi lớn nhất là: cuộc gặp có mang đến một thỏa hiệp nào trong câu chuyện Biển Đông giữa hai siêu cường hay không?
Biển Đông đang là miếng mồi Trung Quốc thèm muốn “chén” hết phần người khác. Trong khi đó, mươi lăm năm nay, khu vực này ngày một trở nên quan trọng với Washington trong chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ. Khi hai con sư tử cùng nhằm một miếng mồi, những tiếng gầm đe dọa nhắm vào nhau trước khi có thể xảy ra một cuộc tranh giành đổ máu, là điều tất yếu. May thay, say mồi, nhưng cả Trung Quốc và Mỹ còn đủ tỉnh táo để biết, nếu lao vào nhau lúc này, chưa biết ai sẽ là kẻ gục ngã, nên câu chuyện hiện chỉ dừng lại ở những cuộc tập trận, thử tên lửa đạn đạo, thực hiện tự do hàng hải…
Nhưng thế cũng đã đủ nguy hiểm rồi. Thậm chí, có người còn hoang mang có thể chiến tranh thế giới thứ 3 sẽ nảy sinh chẳng từ đâu khác, mà từ Biển Đông. Những cú va chạm trên không và trên biển giữa lực lượng quân sự hai nước, như những cú “cắt mặt, cắt mũi” máy bay, tàu khu trục Mỹ của chiến đấu cơ và tàu chiến Trung Quốc diễn ra hồi tháng 5 và tháng 6 năm 2022 chẳng hạn, nguy hiểm quá đi, có thể là nguyên nhân khiến “cái sảy nảy cái ung” bất kỳ khi nào.
Cứ tưởng thế thượng phong thuộc về Mỹ. Vậy mà éo le thay, chính Washington mới là “hổ giấy”, sợ phát rét trước những tình huống mà họ cố tình làm nhẹ đi bằng ngôn từ “tương tác không an toàn”. Những người không thuộc dạng nhớ lâu, vẫn chưa quên, non năm trước, tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore, nỉ non mãi, bộ trưởng quóc phòng Mỹ ông Lloyd Austin mới có thể có được cuộc gặp chính thức mươi phút với người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc, chỉ kịp nơi vài lời mang tính “cầu khiến” Trung Quốc hãy kiểm soát tốt những tình huống quân sự ở Biển Đông.
Trở lại chuyến công du đang diễn ra của ông Antony Blinken tại Trung Quốc, dư luận, chẳng ai là không mong có được kết quả. Không cầu cao tới một kết quả mỹ mãn. Nếu chuyện đại sự toàn cầu mà chỉ gặp, ngồi với nhau mươi lăm phút là xong, có mà thế giới đại đồng lâu rồi. Nhưng một kết quả khiêm tốn, thì có thể hy vọng, nếu hai bên cùng thực tâm thiện chí, nghĩ tới cái chung cho hòa bình thế giới.
Nhưng tiền đề, điều kiện cho thiện chí trên là gì, nếu không phải là hai bên phải gạt đi, từ bỏ nhưng yêu sách, đòi hỏi ngược với công pháp quốc tế. Tỷ như Bắc Kinh chẳng hạn, phải biết, cái gọi là “yêu sách đường 9 đoạn” là vô lý, trái với Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc là thành viên.
Chỉ có điều, cái “tiền đề, điều kiện” đó thì khó có được lắm. Chẳng lẽ, có người tin Trung Quốc rút lại yêu sách “đường 9 đoạn” chăng? Nên chẳng hy vọng gì chuyến công du của ông Blinken đạt một cái gì đó quá lớn lao. Việc tờ Hoàn cầu Thời báo cố tình loan tin Trung Quốc phô diễn phô diễn khả năng tấn công hạt nhân thứ hai, khả năng đánh trả trong trường hợp bị kẻ thù tấn công hạt nhân phủ đầu, qua đoạn video một tên lửa đạn đạo được phóng từ “tàu ngầm đã đến địa điểm phóng theo lịch trình… và được lệnh thực hiện một cuộc tấn công chí mạng”, ngày ngày 22/4 – nghĩa là trước thềm đón ngoại trưởng Mỹ, hẳn phải gắn với một ý đồ, thông điệp nào đó dành cho Mỹ. Chỉ bằng vào động thái đó, đã có thể thấy, một thỏa hiệp giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là chuyện xa xôi rồi.
Cũng vì thế, trong lúc ông Blinken đang thực thi với sứ mệnh của mình tại Bắc Kinh, nhiều người đã lường đến việc chuyến công du lần này của ông cũng chẳng thu được gì khá khẩm hơn chuyến công du của chính ông, hồi tháng 6 năm 2023. Nhìn kìa, gương mặt đăm chiêu của ông Blinken trước chuyến đi: u ám, nào có rạng rỡ gì đâu!
T.V