Hầu như toàn bộ tàu đổ bộ mặt trăng đều bị hỏng sau một đêm lạnh giá trên chị Hằng, tương đương khoảng 2 tuần theo thời gian trái đất, nhưng đại diện của Nhật Bản thành công vượt qua đêm thứ ba.
Cơ quan Thám hiểm Không gian Nhật Bản (JAXA) thông báo tàu đổ bộ thông minh nghiên cứu mặt trăng (SLIM) đã lập được kỳ tích khi vượt qua 3 đêm dài đăng đẳng trên vệ tinh tự nhiên của trái đất, theo Space.com hôm 25.4.
Đây là điều vô cùng bất ngờ vì tàu SLIM không được thiết kế để có thể chịu đựng dủ chỉ một đêm mặt trăng, thường kéo dài 2 tuần. Trong thời gian này, nhiệt độ bề mặt có thể xuống thấp đến -170 độ C, dẫn đến các thiết bị điện tử, hệ thống pin của hầu hết tàu đổ bộ mặt trăng thường bị phá hủy.
Tàu SLIM không có thiết bị sưởi hoặc có thiết kế đặc biệt giúp giữ ấm các thiết bị điện tử và pin.
Theo kế hoạch ban đầu, JAXA dự kiến sau khi tàu SLIM đổ bộ xuống bề mặt mặt trăng hôm 19.1, con tàu sẽ chìm vào giấc ngủ thiên thu khi màn đêm buông xuống.
Vì thế, khi mặt trăng chuyển sang đêm tối vào ngày 31.1, không ai nghĩ rằng tàu SLIM có thể tiếp tục “sống sót”.
Thế nhưng, hôm 25.2, mặt trời mọc lên ở khu vực tàu SLIM “an nghỉ”, gần cực nam của mặt trăng, thiết bị pin mặt trời được kích hoạt và con tàu “thức tỉnh”. Vào cuối tháng 3, khi mặt trời lần nữa mọc, tàu đổ bộ Nhật Bản tiếp tục “hồi sinh” lần hai.
Tàu thăm dò Nhật Bản đổ bộ lên mặt trăng thành công, nhưng sợ “mất điện”
Đến ngày 24.4, JAXA thông báo tàu SLIM đã vượt qua đêm thứ ba trên mặt khi cơ quan này nhận được hình ảnh do thiết bị trên tàu chụp hôm 23.4 và truyền về trái đất.
JAXA cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát tình trạng của tàu SLIM trong thời gian tới.