Monday, May 13, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKho vũ khí chống tăng của Việt Nam đủ và mạnh

Kho vũ khí chống tăng của Việt Nam đủ và mạnh

Xe tăng, loại vũ khí từng một thời được coi là ‘vua chiến trường’ với khả năng bảo vệ tốt, hỏa lực mạnh, lại có sức cơ động cao, có thể di chuyển trên mọi địa hình.

Ngoài nhiệm vụ chống tăng, RPG-7 còn có nhiều biến thể đạn nhiệt áp và nổ phá mảnh để tiêu diệt sinh lực đối phương.

Kể từ sau Thế Chiến Hai, các loại vũ khí chống tăng liên tục đã ra đời, ngày càng cho thấy sự mỏng manh của chúng, từ những loại đơn giản như RPG-7 cho tới những loại phức tạp như B-72 hay TOW. Cho đến nay, vũ khí chống tăng bắt đầu được tự động hóa, như một sát thủ ẩn nấp, trực chờ hạ bệ xe tăng.

Việt Nam, với tư cách là một trong những quốc gia sử dụng vũ khí chống tăng thành công nhất trong lịch sử, lại luôn phải gánh trên vai một mối họa phương Bắc, với quân số và phương tiện chiến tranh đông hơn mình gấp cả chục lần. Chính vì vậy, vũ khí chống tăng được xem là một trong những biện pháp khắc chế chiến thuật ‘biển người, biển xe tăng’ của kẻ thù. Vậy, Việt Nam đã phát triển kho vũ khí chống tăng của mình tới đâu?

Chiến tranh Việt Nam, một trong những cuộc chiến quan trọng đã thay đổi lịch sử của toàn nhân loại cả về chính trị, xã hội lẫn quân sự. Có thể các bạn chưa biết, cuộc chiến tranh tại Việt Nam là cuộc chiến đầu tiên ghi nhận về sự xuất hiện của tên lửa chống tăng và cũng là nơi để lại nhiều bài học cho các siêu cường về phát triển và định hình nên loại vũ khí này.

Kể từ khi ra đời cho tới nay, đã có ba thế hệ tên lửa chống tăng được ra đời. Các tên lửa điều khiển hoàn toàn bằng tay là thế hệ đầu tiên, nó thường sử dụng cơ chế điều khiển đòi hỏi người điều khiển phải sử dụng một cần điều khiển hay một thiết bị tương tự nhằm lái tên lửa hướng về phía mục tiêu. Nhược điểm đó là người điều khiển cần phải được huấn luyện rất tốt, phải giữ bất động trong thời gian tên lửa bay và vì thế cũng sẽ trở thành một mục tiêu dễ dàng với hỏa lực của kẻ địch khi bị lộ vị trí. Đại diện nổi tiếng nhất chính là pháo lủi B72 hay AT-3 Sagger, loại vũ khí đã làm nên huyền thoại của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tên lửa chống tăng có điều khiển thế hệ thứ hai có cơ chế điều khiển bán tự động, dễ sử dụng hơn khi người điều khiển chỉ cần giữ tâm ngắm bắn vào mục tiêu cho tới khi tên lửa tiếp cận. Những lệnh điều khiển tự động sẽ được gửi tới tên lửa thông qua điện báo hay radio, hoặc tên lửa dựa vào chỉ thị mục tiêu bằng laser hoặc là hình ảnh từ camera tivi ở mũi. Các ví dụ về loại này có các tên lửa như TOW hay Hellfire 1 của Mỹ. Một lần nữa, người điều khiển vẫn phải giữ bất động trong thời gian tên lửa bay và thời chiến tranh Việt Nam, TOW đã được đem sang Việt Nam thử nghiệm và chúng đạt kết quả khá tốt.

Ngày 9/10/1972 tại chiến trường Bắc Tây Nguyên, đơn vị thử nghiệm đã dùng TOW gắn trên xe tiêu diệt được ba xe tăng PT-76 của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau, trước sức tấn công quá mạnh của quân giải phóng trên hướng Đà Nẵng, hàng chục quả tên lửa TOW cùng các thiết bị đã bị bỏ lại và lọt vào tay Quân đội Nhân dân Việt Nam. Điều này đã dẫn tới việc lộ bí mật công nghệ vào tay Liên Xô, buộc Hoa Kỳ phải cải tiến và tạo ra thế hệ tiếp theo. Các hệ thống tên lửa dẫn đường thế hệ thứ ba, hiện đại hơn, sử dụng đầu dò hồng ngoại, camera hay radar lắp trên tên lửa để tự động dẫn đường tới mục tiêu. Khi mục tiêu đã được khóa, tên lửa không cần được dẫn đường liên tục trên đường bay và người điều khiển hoàn toàn có thể rút lui. Những ví dụ về loại này gồm có tên lửa Javelin của Mỹ hay Spike NLOS của Israel.

Ngoài ra, thì còn có cả tên lửa chống tăng thế hệ thứ tư và thứ năm được cho là tích hợp AI và nhiều công nghệ vượt trội về tầm bắn. Tuy nhiên, những thông tin này vẫn đang nằm trên giấy và đang trong quá trình thử nghiệm, cho nên chúng ta sẽ không bàn tới.

Còn về các loại súng chống tăng, 3 năm nay vẫn một cơ chế, đó chỉ có thay đổi một chút về đầu đạn và sức công phá mà thôi. Theo quy luật mâu thuẫn của vũ khí, xuôi theo sự phát triển của các loại giáp chống tăng, đạn chống tăng cũng được phát triển theo thời gian. Ví dụ như RPG-7, loại súng chống tăng thành công và nguy hiểm nhất từng được con người tạo ra, đầu đạn hai đầu nổ PG-7VR để tiêu diệt xe tăng có giáp phản ứng nổ. Đầu đạn thứ nhất sẽ làm nổ tung mảnh giáp phản ứng nổ, sau đó đầu đạn thứ hai bắn vào những chỗ không còn giáp. Ngoài ra, còn nhiều loại đạn như đạn chống bộ binh, đạn nhiệt áp…

Về phần Việt Nam, với kinh nghiệm là một trong những quốc gia sử dụng những loại vũ khí này thành công nhất, Việt Nam luôn chú trọng tới kho vũ khí này của mình. Đặc biệt, chúng ta luôn xem chúng như một loại vũ khí hiệu quả chống lại chiến thuật “biển người”. Theo những gì đã được công bố, các loại vũ khí chống tăng của Việt Nam hiện nay thuộc hệ Liên Xô cũ và hệ Nga, bao gồm huyền thoại B-72, 9K-111 Fagot, 9M113 Konkurs. Ngoài B-72 thuộc thế hệ đầu tiên, hai loại kia thuộc thế hệ thứ hai. Súng chống tăng có RPG-7, RPG-29 và RPG-30. Các loại tên lửa chống tăng của Việt Nam thì có tầm bắn trải dài từ 70m- 5000m, phổ biến trên thế giới hiện nay.

Mỗi khi nhắc tới tên lửa hay vũ khí chống tăng, ngoài thông số ra, một yếu tố quan trọng cần phải nhắc tới đó là số lượng và khả năng chế tạo, bởi vì chiến trường sẽ vô cùng khắc nghiệt và có nhiều kịch bản nằm ngoài lý thuyết, và cũng không có chuyện cứ bắn là trúng như ở trên phim. Mà trúng chưa chắc đã cháy, cháy thì chưa chắc đã bị phá hủy. Nếu các bạn để ý, ta có thể thấy rằng báo chí thường nhắc nhiều tới số xe tăng mà các bên bị phá hủy, đó là Nga, Ukraine, phương Tây đã bị các loại súng chống tăng hay UAV phá hủy.

Vậy nhưng, có một điều mà mọi người không để ý đến, đó là số lượng đạn mà Ukraine được viện trợ, hay là số lượng đạn mà Nga chế tạo là bao nhiêu, nó đều lên tới con số hàng chục nghìn, thậm chí là cả trăm nghìn. Thế nhưng, số xe tăng bị phá hủy thì dường như chỉ dừng lại ở con số vài trăm, cùng lắm là vài nghìn. Điều này cho thấy rằng để phá hủy một chiếc xe tăng, nó không dễ như nhiều người vẫn nghĩ. Đó là cứ phóng một cái UAV tự sát hay một quả tên lửa là xong, vì nếu như vậy xe tăng của cả hai bên đã tuyệt chủng từ lâu rồi. Vì số lượng vũ khí chống tăng đều lên tới con số hàng chục nghìn. Ví dụ như Javelin của Mỹ viện trợ cho Ukraine chẳng hạn, theo số liệu của Hoa Kỳ, họ đã chuyển giao cho Ukraine tới 5.500 hệ thống Javelin với cơ số đạn tương đương, hoặc theo số liệu của Anh, họ cũng đã chuyển giao cho Ukraine 6.000 hệ thống NLAW. Vậy nếu cứ bắn là trúng, là cháy là bị tiêu diệt, thì có lẽ rằng xe tăng Nga đã hết từ lâu rồi. Đó là còn chưa kể tới hàng chục ngàn các hệ thống phóng tên lửa chống tăng thời Liên Xô nữa. Thế nên, đừng có nói rằng xe tăng lỗi thời. Các bạn hiểu tại sao, dù hai bên đều có vũ khí chống tăng hay UAV tự sát đầy đủ, thế nhưng Ukraine phản công hay Nga tấn công thì đều phải dùng xe tăng.

Quay trở lại với Việt Nam, với tên lửa chống tăng, hiện nay Việt Nam chỉ công bố sở hữu, chứ cũng không công bố số lượng. Còn về khả năng chế tạo trong nước, thì đây lại là một câu chuyện thú vị. Hiện nay, Việt Nam chưa công bố bất kỳ một dự án nào nội địa hóa hay mua thêm hệ thống tên lửa chống tăng. Vậy nhưng, một lần nữa, cuốn Biên niên sự kiện Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng xuất bản năm 2019 đã cho thấy rằng, từ lâu Việt Nam đã nhập khẩu cả dây chuyền sản xuất tên lửa chống tăng của Nga về nước, ít nhất là cách đây 25 năm.

Cũng giống như phi vụ nhập khẩu dây chuyền thuốc phóng và chế tạo HT-1 của Triều Tiên trước đây, sau khi Liên Xô tan rã, Việt Nam đã phải đi tìm nguồn cung cấp vũ khí từ khắp mọi nơi. Với khẩu tên lửa trong tăng, chúng ta đã tìm tới Nga và Slovakia. Theo cuốn sách này viết, từ ngày 29/3 – 21/4/1998, Đại tá Nguyễn Ngọc Du, Giám đốc Trung tâm B03, dẫn đầu đoàn cán bộ cao cấp của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế, đã đi Nga và Slovakia để khảo sát công nghệ sản xuất tên lửa chống tăng. Trong thời gian công tác, đoàn đã đến làm việc với một số tổ hợp khoa học công nghệ, công ty và nhà máy sản xuất tên lửa chống tăng của hai nước. Sau khi được giới thiệu và tham quan thực tế các cơ sở sản xuất tên lửa chống tăng, đoàn đã về nước và đề xuất một số kiến nghị với Bộ Quốc Phòng. Đến ngày 16/12 cùng năm, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế tiếp tục tổ chức hội thảo về nội dung các bước đầu tư của dự án tên lửa chống tăng 9M113 Konkurs. Tổng cục trưởng Thiếu tướng Trần Đức Việt đã kết luận về mục tiêu dự án: đầu tư nhập khẩu công nghệ chế tạo tổ hợp tên lửa chống tăng 9M113 Konkurs, từ lắp ráp đến sản xuất toàn bộ tên lửa.

Phần sau của đoạn thông tin là chi tiết về các cuộc đàm phán giữa Việt Nam, Nga, Slovakia và chuyển giao dây chuyền về nước. Quả là bí mật quốc phòng, đúng không? Nhập dây chuyền để sản xuất trong nước từ 25 năm trước mà phải đến tận năm 2019 mới có một tài liệu chính thức nhắc tới, tức là phải sau 20 năm mới công bố. Như vậy từ rất lâu, Việt Nam đã có thể sản xuất tên lửa chống tăng thế hệ thứ hai ở trong nước. Còn số lượng đã được chế tạo là bao nhiêu thì là bí mật, cả quyển sách dày cộp mà chỉ có vài trang thì các bạn biết độ bảo mật đến đâu rồi đấy. Phiên bản Konkurs-M là phiên bản cải tiến ra đời vào năm 1994, có khả năng xuyên 800mm giáp đồng nhất, có tầm bắn hiệu quả lên đến 4km vào ban ngày và 3,5km vào ban đêm. Còn cơ chế bắn như đã trình bày ở trên, do là thế hệ thứ hai nên chúng không có khả năng “bắn rồi quên” như bây giờ.

Về việc Konkurs-M có còn phù hợp với chiến tranh hiện đại hay không, câu trả lời là còn tốt chán. Chúng vẫn đang tung hoành khắp thế giới, từ Ukraine đến Trung Đông, Châu Phi và đều có chung một câu trả lời đó là “chấp hết” các loại xe tăng từ Nga đến Mỹ. Chúng vẫn được đánh giá là loại vũ khí chống tăng nguy hiểm, rẻ tiền và rất hiệu quả trong cuộc chiến tại dải Gaza đang diễn ra hiện nay. Ngay cả loại xe tăng chủ lực Merkava 4 của Israel cũng đã bị Hamas và cả Hezbollah từ Li Băng bắn hạ. Israel tuyên bố khi bước vào cuộc chiến cho tới nay họ mất ít nhất là 110 phương tiện bọc thép và nhiều phương tiện khác bị bắn cháy, trong đó Konkurs là nguyên nhân chủ yếu.

Trước đó, vào năm 2015, khi Houthi giao tranh với liên quân Ả Rập, rất nhiều xe tăng M1A1 và M1A2 của Mỹ do Ả Rập sử dụng cũng đã bị bắn hạ bởi Konkurs và Fagot. Ả Rập trước chiến tranh có khoảng 440 chiếc loại này, thế nhưng đến tháng 8/2016, Ả Rập Xê Út đã phải mua thêm 153 chiếc M1 Abrams để bù đắp cho tổn thất và nâng cao sức mạnh của liên quân. Tiếp tục trong cuộc nội chiến Yemen, Konkurs đã gieo rắc nỗi kinh hoàng cho cả những chiếc xe tăng của phương Tây.

Trong tháng 8/2015, đã có 3/15 chiếc AMX-56 Leclerc của Pháp bị hệ thống này bắn hạ. Điều đặc biệt đó là không cần phải chọn góc bắn đằng sau hay bên hông cho chắc ăn mà Konkurs có thể bắn xuyên giáp đằng trước, tức là nơi có giáp dày nhất. Hay tại Syri, Konkurs được cả phe chính quyền Assad và phiến quân SAA sử dụng và kết quả là kể cả từ T-72 cho tới Leopard 2 hoặc M1 Abrams, đều đã bị hệ thống này phá hủy. Trong 4 tháng đầu năm 2019, ít nhất đã có 30 xe tăng các loại của cả hai phe bị hệ thống này bắn hạ. Trong đó có 5 chiếc T-72. Số còn lại bao gồm Leopard, M1 Abrams và thậm chí cả loại T-62 ngày xưa.

Ngay cả ở hiện tại, trong chiến tranh giữa Nga và Ukraine, cả hai bên đều sử dụng hệ thống Konkurs trên chiến trường. Thật bất ngờ, dù đã ‘lên tuổi cụ’, nhưng nó vẫn đủ sức tung hoành trên chiến trường khi cả hai bên được cho là đã triển khai hàng ngàn hệ thống này ra chiến trường. Trong đó, có cả phiên bản tự hành 9P148. Nhìn chung, hầu hết các loại xe tăng được xem là hiện đại của các cường quốc hiện nay đều đã nếm mùi bị Konkurs bắn hạ. Điều này cho thấy rằng, dù đã cũ, nhưng nó vẫn còn vô cùng nguy hiểm trên chiến trường.

Tất nhiên, Việt Nam không chỉ phát triển duy nhất loại này. Như đã nói, Việt Nam vẫn còn B-72 và Fagot. Ngay từ những năm 90, Việt Nam đã tiến hành cải tiến các khí tài cũ với tham vọng phát triển thêm tên lửa nội địa, đặc biệt là với B-72. Việt Nam tập trung vào phát triển các đầu đạn và phương thức điều khiển giúp chúng đối phó với các giáp chống nổ. Với việc sản xuất 100% trong nước.

Năm 2019, B-72 thế hệ mới được trưng bày tại Hội chợ Việt Bắc, sau nâng cấp chúng có thể bắn theo hai phương thức: điều khiển bằng dây và bán tự động. Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng hai phiên bản B-72: một do Serbia sản xuất, một do Việt Nam tự nâng cấp. Còn việc Việt Nam có phát triển sản xuất trong nước hay không, cái này thì cũng không thể biết được. Thế nhưng, với việc Liên Xô viện trợ đến hàng ngàn hệ thống, thì mình nghĩ rằng việc chế tạo thêm là điều không cần thiết. Hơn nữa, đây còn là thế hệ một với nhiều khuyết điểm. Thay vào đó, Konkurs đã được chọn làm xương sống cho lực lượng tên lửa chống tăng.

Còn về hệ thống Fagot, đây cũng là một ‘con quái vật’ đang tung hoành trên khắp các chiến trường trên thế giới. Nói thật là không có nhiều thông tin về hệ thống này. Việt Nam thường gọi chúng là B-87, tức là lần đầu tiên được trang bị vào năm 1987. Về thông số kỹ thuật, chúng có tầm bắn từ 70 đến 2.500 m. Tuy tầm bắn ngắn hơn AT-3, nhưng rút ngắn được điểm chết.

Dành cho ai chưa biết, ‘điểm chết’ là khoảng cách tối thiểu mà đạn có thể bắt được mục tiêu. Mình đoán là số lượng Fagot mà Việt Nam có không nhiều, vì vào khi đó Liên Xô đang khủng hoảng nghiêm trọng và viện trợ cho Việt Nam cũng được đặt vào hàng thứ yếu. Đó là về tên lửa chống tăng mà Việt Nam đã công bố. Còn về súng chống tăng, hiện nay Việt Nam vẫn dùng ba loại: RPG-7, RPG-29 và RPG-30.

RPG-7, đã đi vào huyền thoại của quân đội Việt Nam. Còn RPG-29 và RPG-30, đây là hai loại mới được Việt Nam mua dây chuyền sản xuất trong nước từ Nga. RPG-29 và RPG-30 Việt Nam đang sử dụng gồm có hai phiên bản: nhập khẩu và nội địa. Trong đó, phiên bản nội địa được định danh là SCT-29, lần đầu tiên được công bố vào năm 2014. Còn RPG-30 được định danh là SCT-30, lần đầu được công bố vào năm 2022.

Tạm bỏ qua những thông số kỹ thuật, vì cả hai loại này đều đã quá nổi tiếng trên thế giới. Chỉ cần vài đường cơ bản search Google, các bạn sẽ thấy được hàng ngàn bài báo viết về chúng. Đặc điểm chung của nó: hầu hết các loại xe tăng chủ lực hiện nay từ M1 Abrams, Leopard, cho tới T-72, T-80, và Mav-4 đều đã từng bị hai loại này quật ngã vô số lần trên chiến trường. Còn mấy loại đời cũ như T-62 hay M60 chỉ còn biết cầu nguyện là đừng gặp phải chúng mà thôi.

Ngoài ba loại kể trên, lực lượng hải quân đánh bộ của Việt Nam còn được trang bị thêm một số lượng nhỏ súng chống tăng Matarto của Israel. Đến đây, sẽ có nhiều người bảo, ‘Còn UAV tự sát thì sao?’

Tuy nhiên, UAV cũng chỉ là một loại vũ khí hỗ trợ bộ binh. Chúng có thể sử dụng để làm tiêu hao sinh lực của địch, thế nhưng không thể đóng vai trò quyết định. Ngay tại Ukraina, nơi được xem là có hàng ngàn UAV đủ loại đang được sử dụng mỗi ngày, thì mỗi khi chiếm một thành phố hay là phòng thủ, xe tăng và các loại vũ khí chống tăng vẫn đóng vai trò chủ lực.

Ví dụ như Lancet hiện nay, được đánh giá là một UAV tự sát hiệu quả nhất thế giới, chúng nguy hiểm tới mức đã bị phương Tây và Mỹ cấm Nga xuất khẩu. Phía Nga thì cũng công bố là đã có ít nhất 507 mục tiêu bị Lancet phá hủy trong vòng 13 tháng, họ thì đang sản xuất Lancet như làm bánh mì. Thế nhưng, mỗi khi tấn công các thành phố lớn như Marinka, Bkhmut hay mới đây là Avdiivka đã bị quân Nga chiếm, hình ảnh mà ta thấy được nhiều nhất vẫn là các tổ hợp vũ khí chống tăng đóng những vai trò chủ lực. Không chỉ diệt phương tiện cơ giới mà còn dùng để phá hủy công trình quân sự như hầm hào, lô cốt. Hầu hết các UAV được sử dụng tấn công đó là khi hai bên đang tiến hành cấu rỉa sinh lực, tập kích phương tiện cơ giới đang đơn độc và tại các chiến trường phụ là chủ yếu.

Như vậy nhìn tổng thể, Việt Nam đang sở hữu kho vũ khí chống tăng thuộc vào hàng tương đối hiện đại và làm chủ khả năng sản xuất nội địa trong nước từ cách đây ít nhất 20 năm. Còn về số lượng và các dự án nâng cấp, rất tiếc, quốc phòng là bí mật. Tuy nhiên, nếu dựa vào những gì đã công bố, Việt Nam luôn chú trọng tới lực lượng này, đặc biệt là khả năng sản xuất với số lượng lớn trong nước. Đây là một phần quan trọng trong đối sách chống chiến thuật ‘biển người’ của Việt Nam, mà đối sách này nhắm vào ai thì tất cả đều biết.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới