Thursday, January 23, 2025

Hỏa mù?

“Đầu năm nay, hai bên đã đồng ý về một “mô hình mới” để quản lý căng thẳng ở bãi Cỏ Mây” – Đó là thông tin vừa đưa ra của người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila.

Cụm từ “mô hình mới” nêu trên không khỏi khiến dư luận Philippines dậy sóng. Hóa ra, ngoài thì đấu khẩu, nhưng bên trong, chính quyền của ông Ferdinand Marcos lại “mật đàm” với Bắc Kinh cơ đấy. Từ nhận định này, những người lâu nay vốn hoài nghi sự cứng rắn của chính quyền đối với Trung Quốc không thể không đặt ra những câu hỏi củng cố thêm định kiến của mình: Không có lửa sao có khói? Ngồi với nhau lén lút trong rèm, liệu Manila có thỏa hiệp, nhân nhượng gì lợi ích trên Biển Đông của Philippines cho Trung Quốc? Ông Marcos nào khá khẩm gì hơn người tiền nhiệm Duterte?

Nghi ngờ càng tăng lên khi sứ quán Trung Quốc tại Manila chỉ úp mở cái gọi là “mô hình mới” mà chẳng đề cập thêm nội dung cụ thể là gì.

Chính trị là thế, phải cắn răng mà chịu thôi, dầu có oan khuất trước sự suy diễn, đồn đoán, thậm chí là quy kết của dư luận. Dư luận, bản thân nó là khái niệm có phần tù mù, mơ hồ, thiếu cụ thể, khó định lượng chính xác. Liên quan câu chuyện Biển Đông, Manila chẳng đã bao nhiêu lần bị dư luận chỉ trích, phê phán đó thôi. Công bằng mà nói, nhiều trường hợp chẳng sai. Như vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Philippines tại khu vực bãi Cỏ Rong năm 2019 chẳng hạn, tang chứng, nhân chứng rành rành, vậy mà ông Duterte cùng thuộc cấp của ông cứ cố tính làm “nhẹ” đi bằng một “sự cố hàng hải” (!). Nhưng cũng có lần, cái gọi là “dư luận” kia chưa hẳn đúng khi nó nhanh nhảu đi trước, chẳng/hoặc cố tình không cập nhật kịp phản ứng kiên quyết của Manila, nhằm luận tội chính quyền. Như vụ bãi cạn Scaborough bị Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát năm 2012, nguyên nhân của nó sao có thể cho là Manila nhượng bộ hay sợ Bắc Kinh? Cái chính, Bắc Kinh quá thủ đoạn và thâm hiểm.

Có lẽ, bài học và sự trả giá đã khiến Manila lần này quyết đi trước dư luận ít nhất một nhịp. Hay đúng hơn, chính quyền của ông Marcos đặt mục tiêu dập tắt dư luận bất lợi cho mình ngay từ trong trứng nước. Bằng cách nào? Bằng cách phản ứng ngay tức thì tuyên bố của đại sứ quán Trung Quốc tại Manila.

Chẳng thế mà, ngày 27/4, bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Gilberto Teodoro, đã khẳng định: Cơ quan quốc phòng Philippines “không biết hoặc không tham gia bất kỳ thỏa thuận nội bộ nào với Trung Quốc” kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr nhậm chức năm 2022. Các quan chức của Bộ Quốc phòng không trao đổi với bất kỳ quan chức Trung Quốc nào, kể từ năm ngoái. Thậm chí, nặng lời hơn, ông còn nói: “Câu chuyện mà các quan chức Trung Quốc đang tuyên truyền là một nỗ lực thô bạo khác nhằm thúc đẩy sự giả dối”.

Kịp thời – đương nhiên rồi. Còn về hình thức ngôn từ, quan điểm người đứng đầu quốc phòng Philippines là mạnh mẽ, cứng rắn, rõ ràng, sòng phẳng. Nhưng các chuyên gia quốc tế vẫn không loại trừ khả năng sự tính toán đến chi li của Manila.

Thứ nhất, xét về chức vị, so với bộ trưởng quốc phòng, người phát ngôn đại sứ quán Trung Quốc chỉ…bé như con kiến. Nghĩa là, nếu nghĩ tới đối đẳng, thì chẳng cần ông Teodoro phải lên tiếng cãi cọ với một nhân vật không tương xứng vị trí, vị thế. Làm thế, không chừng quốc tế người ta cười cho. Ngay cả khi phải ra mặt để ra vẻ cho thiên hạ thấy: đến ta (bậc thượng thư) còn chưa biết gì, thì chuyện sao thể là sự thật, cũng vẫn là vụng, là “mang dao mổ trâu giết gà”. Cùng lắm, chỉ cần người phát ngôn bộ quốc phòng là cùng. Còn thì tốt nhất, đấy là việc của ngoại giao, cứ để cơ quan ngoại giao làm.

Giả như trường hợp này là nói đến thỏa thuận thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa Bộ Ngoại giao hai nước ở các cấp khác nhau nhằm “tránh tính toán sai lầm và thông tin sai lệch ở Biển Đông, thì vẫn là sai. Sai bởi đó là câu chuyện cuối năm 2023, chứ đâu phải cái của đầu năm 2024 này – như phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đề cập?

Thứ hai, trong cái mạnh mẽ ngôn từ của ông Teodoro, nhiều người còn “đọc’ thấy cái thận trọng đến “rụt rè”. Thì đấy, ông Teodoro cũng chỉ giới hạn cơ quan quốc phòng Philippines “không biết hoặc không tham gia bất kỳ thỏa thuận nội bộ nào với Trung Quốc…”, chứ không loại trừ hoàn toàn các cơ quan khác. Lỡ bộ ngoại giao tham gia vụ này thì sao? Cũng có thể đây là cái “khôn” để phòng “đường lùi” cho phát ngôn của mình chẳng, nếu như về sau, vỡ ra thật chuyện ông Marcos cho quân “đi đêm” với Bắc Kinh, chẳng thèm thông báo cho ông Teodoro cũng như các thành viên chính phủ?

Dù vậy, cũng không tránh khỏi việc cái “thận trọng”, kín kẽ của ngài bộ trưởng quốc phòng Philippines thành tiền đề để dư luận suy diễn. Suy theo hướng nào? Theo hướng củng cố thêm điều Trung Quốc úp mở: có thật những cuộc đàm phán kiểu “họp kín” giữa Bắc Kinh và Manila về số phận của bãi Cỏ Mây; có thật một cái gọi là “mô hình mới” để quản lý căng thẳng nơi này…Và dám lắm, Philippines là bên chịu thiệt, trước sức ép của Trung Quốc…

Với Trung Quốc, chỉ cần “gây nhiễu” được như vậy là thành công rồi. Thành công ở chỗ, làm rối thêm chính trường Philippines vốn có nhiều bất đồng về đối ngoại với các nước lớn, trong đó có Trung Quốc. Thành công ở chỗ, chỉ một câu lấp lửng, úp mở của một nhân viên tầm thấp, vậy mà làm phân tán, tứ tán được cả “bộ sậu” của Manila.

Mới thấy, đòn “hỏa mù” của Bắc Kinh, thâm thật.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới