Tuesday, May 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nổi sóng

Biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nổi sóng

Những con sóng đó là dấu hiệu thay đổi chiến lược của các quốc gia, nhất là các siêu cường, nhằm vươn tới vị trí thống trị thế giới. Người ta ví khu vực Ấn Độ Dương-Thái Binh Dương như một “trung tâm” mới của thế giới.

Khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không chỉ là một quan điểm đơn thuần về địa lý. Vào năm 2017 lần đầu tiên khái niệm này được nhà nghiên cứu Ấn Độ Gurpreet Khurana đưa ra. Theo ông: Khu vực này là một không gian hàng hải, nối Ấn Độ Dương với Tây Thái Bình Dương, giáp với tất cả các quốc gia ở Châu Á và Đông Phi.

Trong mấy năm qua, chiến lược của các quốc gia, khu vực này chịu nhiều tác động rất lớn do sự thay đổi chiến lược của các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc. Thậm chí có nhà bình luận cho rằng, sau Chiến tranh thế giới thứ II (1945) đã hình bởi một trật tự lưỡng cực, với hai trung tâm có tiềm lực về chính trị và kinh tế hùng mạnh là Mỹ và Liên Xô. Nhưng sau năm 1991, khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ thì hai trung tâm ấy đã thay đổi, vị trí của Liên Xô (cũ) được thay bằng Trung Quốc.

Ngoài sự thay đổi “ông chủ” của trật tự lưỡng cực, là sự trỗi dậy của chủ nghĩa tiểu đa phương, hay còn gọi là những cơ chế hợp tác nhóm nhỏ, đang diễn ra ngày càng sâu rộng, tác động rất mạnh mẽ đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Các liên kết tiểu đa phương mới ở khu vực Ấn Độ Dương xuất hiện mạnh mẽ trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Sau khi Liên Xô tan vỡ, vai trò điều phối quan hệ quốc tế nhường cho Mỹ. Suốt ba thập niên qua, Mỹ bỗng dưng nhận một món quà khổng lồ và vô cùng béo bở – đảm nhận vai trò lãnh đạo quan hệ quốc tế toàn cầu.

Thế nhưng món quà Thượng đế trao cho thì Thượng đế cũng có thể đòi lại. Hiện nay, ngoại giao toàn cầu đang có sự thay đổi lớn trong mối quan hệ quốc tế truyền thống. Theo đó các cơ chế hợp tác đa phương dường như không còn có sự liên kết chặt chẽ như trước. Thay vào đó, đã xuất hiện xu hướng hình thành các cơ chế hợp tác mới – cơ chế hợp tác nhóm.

Đại dịch Covid-19 trong các năm 2019- 2021 vừa qua đã chỉ ra những “tử huyệt” của nhân loại; cũng như sự lửng lơ của chủ nghĩa đa phương trong việc giải quyết các mối lo ngại về an ninh phi truyền thống.

Chủ nghĩa đa phương vốn hoạt động dựa trên một bộ quy tắc nhất định, và giá trị chung. Còn chủ nghĩa tiểu liên kết lại rất linh hoạt. Nó chú trọng đến những lợi ích cục bộ. Nó không lấy hệ tư tưởng làm nền tảng của mối liên kết. Nhờ không bị ràng buộc bởi hệ tư tưởng, các quốc gia có thể hợp tác với nhau về nhiều lĩnh vực mà không cần phải chung một thế giới quan hay sự tương đồng về thể chế chính trị. Chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản đều có thể đi cùng nhau, miễn là tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau.

Chúng ta nhận rõ một điều, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, xu hướng tăng cường tiểu liên kết đa phương là lựa chọn tất yếu của nhiều quốc gia. “Hai mặt trận chiến lược” ở châu Âu – Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã có những thay đổi đáng kể. Điều đó đã thúc đẩy các nước theo đuổi việc hình thành các khối liên kết mới, lấy Mỹ và Trung Quốc làm trung tâm.

Nói cách khác, cục diện thế giới đang chuyển dần từ đa cực hỗn loạn sang lưỡng cực. Sức mạnh thế giới đang chuyển từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam. Từ tháng 10/2023 đến nay, cuộc xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel cũng làm cho bối cảnh thế giới trở nên căng thẳng và có nhiều diễn biến phức tạp, khó nắm bắt. Đáng lo ngại hơn là sự tấn công/ trả đũa giữa Iran và Israel vẫn nhùng nhằng, mặc cho Mỹ, Nga và các đồng minh của hai nước này đau đầu tìm kiếm giải pháp hòa bình.

Mô hình liên kết tiểu đa phương tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tuy hình thành chưa lâu nhưng cũng bị tác động mạnh mẽ từ chiến lược phát triển của các nước lớn. Chiến lược đó của Mỹ là: xoay trục sang Châu Á, tăng cường vai trò tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thông qua các tổ chức, và đồng minh tại khu vực này nhằm kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc.

Tương tự, Trung Quốc với chủ trương “Tiên hạ thủ vi cường” (ra tay trước để thành công) đã tấn công ngược lại Mỹ. Bắc Kinh coi Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là “cửa ngõ” để nước này hướng đến làm chủ đại dương, nhằm thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” vào năm 2049. Để thực hiện chiến lược này, Trung Quốc tăng cường thực hiện hình thành các “chuỗi liên kết” nhằm kết nối các vùng địa chiến lược quan trọng trong khu vực, đồng thời tìm cách mở rộng sức ảnh hưởng của mình trên nhiều lĩnh vực, hướng tới khả năng kiểm soát những địa bàn trọng yếu.

Bây giờ chúng ta cùng dự báo về những liên kết tiểu đa phương sẽ hình thành trong thời gian tới.

Với tiềm năng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, trong những năm gần đây, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương luôn trong tình trạng căng thẳng bởi quá trình gia tăng ảnh hưởng của các nước, đặc biệt là các tiểu liên kết do Mỹ đứng đầu. Xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong tương lai với nhiều liên kết nhỏ khác, đương nhiên nó không bất biến mà có thể hợp rồi tan theo thời tiết chính trị.

Chạy đua với Mỹ, Trung Quốc cũng có thể thúc đẩy quá trình hình thành các tiểu liên kết do nước này giữ vai trò chủ đạo. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) và yêu sách “Đường chín đoạn” tại khu vực biển Đông là những minh chứng sống động. Với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, Trung Quốc không ngừng liên kết với các quốc gia khu vực trên thế giới dọc theo tuyến đường phát triển này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn đưa ra “củ cà rốt” tìm mọi cách ủng hộ các nước kém phát triển. Ông nhấn mạnh sự cởi mở của Trung Quốc đối với việc mở cửa cho tất cả các đối tác châu Á-Thái Bình Dương hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Ông khẳng định sáng kiến “Vành đai và Con đường” mà Trung Quốc thực thi sẽ mở ra một kênh rộng mở năng động hơn trong hợp tác châu Á-Thái Bình Dương. Sự cản trở toàn cầu hóa kinh tế ngày nay chủ yếu do sự thiếu bao trùm phát triển.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác với các nước thông qua cơ chế đầu tư, xây dựng các “đặc khu”, hành lang kinh tế như: Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar-Bangladesh, và một số cơ chế hợp tác khác. Rồi đây, rất có thể Bắc Kinh sẽ hướng tới thành lập một số cơ chế tiểu liên kết để mở rộng và củng cố thêm vị thế của mình tại khu vực này.

Về tình hình trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ rất khó để thành lập một trục liên kết quân sự như Mỹ. Điều này là do “gậy ông” đã đập chính “lưng ông”. Chẳng là, trong yêu sách “Đường chín đoạn”, Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của nhiều quốc gia trong khu vực, vì thế mà mối quan hệ giữa chính quyền Bắc Kinh với các nước ASEAN ngày càng xấu đi, nhất là quan hệ với Philippines.

Chống lại Trung Quốc còn có thêm các đồng minh thân cận của Mỹ như Nhật Bản, Úc, Đài Loan, cho dù Mỹ vẫn tuyên bố công nhận chính sách “Một Trung Quốc”. Trong thời gian tới, ngoài liên minh chặt chẽ với Mỹ về các vấn đề quân sự, Nhật Bản cũng công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nhằm củng cố vị thế của mình với tư cách là một nước lớn tại khu vực.

Nhật Bản sẽ tập trung nâng cao “sức mạnh mềm”, thông qua các dự án hợp tác kinh tế, hỗ trợ tài chính cho các nước khu vực Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi. Chính quyền Tokyo cũng sẽ liên kết chặt chẽ với Ấn Độ nhằm thực hiện dự án “Hành lang tăng trưởng Á-Phi” để kết nối hạ tầng giữa hai châu lục.

Như vậy, việc hình thành các liên kết tiểu đa phương mới trong những năm tiếp theo sẽ phát triển nhanh chóng. Trước những tác động sâu rộng từ nhiều chủ thể, an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ luôn luôn trong tình trạng căng thẳng, nó bị chi phối bởi các “quan điểm” của các nước lớn.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới