Hơn 94% sản lượng được Trung Quốc bao mua, một loại củ thế mạnh của Việt Nam nhắm tới mục tiêu thu về 1,8-2 tỷ USD vào năm 2030.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 3 vừa qua, Việt Nam xuất khẩu 314.900 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, thu về 142,1 triệu USD, tăng mạnh 45,1% về lượng và tăng 47,6% về giá trị so với tháng trước đó. Còn so với tháng 3 năm ngoái, xuất khẩu sắn tăng 14,7% về lượng và tăng 35,5% về giá trị.
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 944.930 tấn, giá trị lên tới 430,44 triệu USD, tuy giảm 3,3% về lượng nhưng tăng 15,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 3, giá xuất khẩu bình quân ở mức 451,3 USD/tấn, tăng 1,7% so với tháng 2/2024 và tăng 18,2% so với tháng 3/2023. Tính chung 3 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu bình quân của nhóm hàng này đạt 455,5 USD/tấn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, Trung Quốc vẫn bao mua sản phẩm này của nước ta với tỷ lệ áp đảo 94,2% về lượng và 92% về giá trị trong tổng kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của nước ta trong quý I vừa qua.
Cụ thể, tháng 3/2024, lượng sắn xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 299.600 tấn, thu về 133,56 triệu USD. So với tháng 3 năm ngoái tăng 33,2% về lượng và tăng mạnh 59,6% về giá trị.
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 890.550 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, với giá trị đạt trên 400 triệu USD, chỉ tăng nhẹ 0,7% về lượng nhưng giá trị lại tăng mạnh 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện sắn là loại củ tỷ USD đầu tiên của Việt Nam. Năm 2023, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đem về 1,3 tỷ USD.
Mới đây, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Theo Bộ NN-PTNT, mục tiêu là phát triển ngành hàng sắn ổn định, hiệu quả, bền vững; xây dựng liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống dân cư khu vực nông thôn; nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu và bảo vệ môi trường.
Cụ thể, đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5-12,5 triệu tấn. Diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%. Diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%. Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8-2 tỷ USD.
Tầm nhìn đến năm 2050, ngành hàng sắn của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, 70-80% diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính…) chiếm trên 90%, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 2,3-2,5 tỷ USD.
T.P