Tokyo và Bắc Kinh lại to tiếng. Vẫn câu chuyện nói tái nói hồi về quần đảo tranh chấp. Hai bên đều cố gắng làm mới những thông tin cũ, để khẳng định rằng mình đúng, bên kia sai. Và rồi kết cục vẫn là một đấu chấm lửng rõ dài…
Mới đây Đài truyền hình Nhật Bản NHK và Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản loan tin, lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã đối đầu với các nhà lập pháp Nhật Bản tại vùng Biển Hoa Đông vào ngày 28/4/2024. Họ đối đầu ở nơi mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền.
Thật ra thì quần đảo này có tới 2 nước và 1 vùng lãnh thổ cùng muốn ôm giữ. Đó là quần đảo Senkaku, hiện do Nhật Bản quản lý. Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Đài Loan goại là Điếu Ngư Đài. Ông chủ nào cũng đưa ra những chứng cứ lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định “nó” là của mình. Kẻ nào cố tình vơ vào là bất chấp pháp luật và đạo lý.
Senkaku là một nhóm đảo không có người ở. Người Nhật gọi là quần đảo. Senkaku bị Mỹ chiếm đóng gần 30 năm (1945-1972). Từ tháng 5/1972, Nhật Bản và Trung Quốc đề có công hàm bày tỏ quan điểm của mình về chủ quyền đối với quần đảo này, trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Nếu được sở hữu những nhóm đảo này sẽ mang lại những quyền lợi lớn về khai thác dầu khí, khoáng sản và đánh bắt hải sản ở các vùng biển chung quanh. Ngoài ra, các hòn đảo thuộc quần đảo đều có ý nghĩa đối với Hiệp ước An ninh Mỹ – Nhật và quân đội Mỹ, thể theo Hiệp ước sẽ bảo vệ những hòn đảo này nếu xảy ra chiến tranh xâm lược từ nước ngoài.
Quần đảo Senkaku nằm trong biển Hoa Đông giữa Nhật Bản – Trung Quốc và Đài Loan. Hiện tại quần đảo gồm có 5 đảo, không có người ở, và 3 bãi đá trơ giữa biển, có diện tích từ 800 m² đến 4,32 km².
Trở lại với vụ đối đầu căng thẳng giữa lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc và các chính trị gia Nhật Bản. Đây là tranh chấp mới nhất trong năm 2024 và loạt tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực.
Chính quyền Bắc Kinh khẳng định, các tầu lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã thực hiện cái gọi là “các biện pháp thực thi pháp luật”, tất nhiên, các biện pháp này do họ móc từ trong túi áo ra. Đại sứ quán Trung Quốc nói, họ đã gửi công hàm tới chính quyền Tokyo, cực lực phản đối hành vi “xâm phạm và khiêu khích” của Nhật Bản.
Cụ thể Nhật Bản đã khiêu khích những gì? Theo Đại sứ quán Trung Quốc, nhóm chính trị gia của Nhật Bản, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada, đã thực hiện một chuyến thị sát trên biển do thành phố Ishigaki (thuộc tỉnh Okinawa) tổ chức. Nhóm của ông Inada đã dành ba giờ khảo sát gần quần đảo vào thứ Bảy, sử dụng máy bay không người lái để quan sát khu vực, tàu tuần duyên Nhật Bản đã tìm cách ngăn chặn lực lượng tuần duyên Trung Quốc.
Chỉ là một ông “Cựu” tham gia thị sát, tại sao Bắc Kinh phải la toáng lên như thế. Ai cũng biết Nhật Bản và Trung Quốc đã nhiều năm đối đầu xung quanh quần đảo Senkaku. Cùng với quần đảo này và hòn đảo đặc biệt Đài Loan, thuộc vào chuỗi đảo Đông Á. Bắc Kinh coi đây như một “Vạn lý Trường thành” ngược (!). Nó vây hãm và cản trở Trung Quốc tiến vào Thái Bình Dương. Nguy hiểm hơn, phía bên kia Thái Bình Dương chính là bờ Tây nước Mỹ.
Các chuyên gia quân sự coi Trung Quốc như bị “đóng hộp” bởi chuỗi quần đảo này. Còn Bắc Kinh thì vẫn yên tâm rằng, họ đã “thò được chân cáo” vào quốc đảo Kiribati , phá tan lợi thế chiến lược của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Thời gian qua, ngoài khu vực này, Trung Quốc cũng làm cho leo thang căng thẳng khi đụng độ với hải quân Philippines tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Đây là khu vực các yêu sách hàng hải mở rộng của Bắc Kinh xung đột với luật pháp hàng hải quốc tế và chủ quyền của mọi quốc gia trên vùng biển này.
Không dễ dàng bị Trung Quốc nắn gân, Ông cựu Bộ trưởng Quốc phòng Inada tuyên bố: “Chính phủ và công chúng nhận thức được mức độ nghiêm trọng về tình hình an ninh trên Biển Hoa Đông. Chuỗi đảo Senkaku là lãnh thổ có chủ quyền của Nhật Bản. Chân lý đó là không thay đổi”.
Chuyến đi thị sát này là chuyến đầu tiên có sự tham gia của một thành viên Quốc hội Nhật Bản kể từ năm 2013. Các quan chức của Bộ Ngoại giao Nhật Bản chưa đưa ra bình luận.
Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc cho biết, Trung Quốc mạnh mẽ kêu gọi Nhật Bản tuân thủ những gì họ gọi là “sự đồng thuận đạt được giữa hai nước. Chấm dứt ngay các hành động khiêu khích chính trị, các sự cố thực địa và thổi phồng dư luận”.
Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản “quay lại con đường đúng đắn trong việc giải quyết những mâu thuẫn và khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn, để tránh tình hình leo thang căng thẳng hơn nữa”.
Vậy là tâm bão đang dịch chuyển từ Bãi Cỏ Mây (Philippines) sang quần đảo Senkaku (Nhật Bản). Dịch chuyển thôi chứ chưa hình thành những cơn bão biển kinh hoàng. Đủ thấy, những tranh chấp trên Biển Đông đang ngày càng phức tạp. Trung tâm của những tranh chấp ấy nhìn phía nào cũng thấy Trung Quốc.
H.Đ