Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhản ứng và lý lẽ của người Mỹ sau sự sụp đổ...

Phản ứng và lý lẽ của người Mỹ sau sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn tháng 4/1975

Tháng 5/1975, tin tức và bình luận về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn tràn ngập khắp các mặt báo ở Mỹ. Với tờ bìa đỏ nổi bật mang hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tạp chí TIME số ra ngày 12/5/1975 đã dành phần lớn trang viết cho sự kiện này. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc một vài bài viết trong số báo này. Các ngôn từ trong bản gốc thể hiện quan điểm của phía Mỹ thời kỳ đó, chúng tôi dịch nguyên văn để đảm bảo tính khách quan và để bạn đọc dễ dàng nghiên cứu, tham khảo.

Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson trong một chuyến thăm tới Nam Việt Nam tháng 10/1966, cùng Tướng William Westmoreland, Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ (từ trái sang).

Sau khi Sài Gòn (chính quyền Việt Nam Cộng hòa) đầu hàng, Tạp chí TIME đã hỏi một số người Mỹ có liên quan chặt chẽ đến cuộc chiến ở Việt Nam, với tư cách là người lập kế hoạch hoặc người tham gia trực tiếp, là nhà phê bình hay người chịu thương vong, về phản ứng của họ trước chiến thắng của phe Cộng sản, cũng như suy nghĩ của họ về ý nghĩa của cuộc xung đột kéo dài suốt một thế hệ.

Tướng William Westmoreland, 61 tuổi, cựu chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam, hiện đã nghỉ hưu ở South Carolina: “Thật đau lòng, nhưng không có gì đáng ngạc nhiên. Tôi đã trải qua nỗi đau đớn khi thấy tình hình Việt Nam ngày càng xấu đi. Tôi phải nói rằng quá trình này diễn ra nhanh hơn tôi tưởng. Đó là một ngày buồn trong lịch sử huy hoàng của đất nước chúng ta. Nhưng các phần tử ở đất nước này đã luôn nỗ lực vì mục đích này. Chúng ta đã thất bại. Chúng ta đã khiến một đồng minh thất vọng. Nhưng điều đó là không thể tránh khỏi sau khi Quốc hội đột ngột dừng sự hậu thuẫn dành cho Tổng thống với Đạo luật Quyền lực Chiến tranh[1]. Khi đó Hà Nội rất yên tâm vì con át chủ bài duy nhất của chúng ta đã không còn. Các nước Đông Nam Á khác chắc hẳn đang cô đơn và sợ hãi. Những người từ bỏ Thuyết domino đang hoàn toàn sai lầm”.

Hubert Humphrey, 63 tuổi, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ bang Minnesota và là Phó Tổng thống của Lyndon Johnson: “Thật đau buồn khi bạn chứng kiến sự sụp đổ của một phần đất nước, khi bạn chứng kiến sự đau khổ, hỗn loạn và hoảng sợ đến khó tin đang bao trùm lên rất nhiều người. Tuy nhiên, chúng ta không nên cảm thấy rằng chúng ta đã làm bất cứ ai thất vọng. Không thế lực bên ngoài nào có thể cứu được một đất nước thiếu ý chí hoặc sự lãnh đạo chính trị. Điều chúng ta học được là không có câu trả lời của người Mỹ cho mọi vấn đề trên thế giới. Chúng ta đã đánh giá về nơi đó dựa trên kinh nghiệm của chúng ta ở châu Âu. Chúng ta là một cường quốc của thế giới với hiểu biết nửa vời về thế giới. Rõ ràng là tất cả chúng ta đều có lỗi. Bao gồm cả bản thân tôi”.

Dean Rusk, 65 tuổi, Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Kennedy và Johnson, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Georgia: “Điều chúng ta phải làm là xem xét kỹ lại chúng ta muốn nói đến điều gì khi nói về an ninh tập thể. Nếu đó có nghĩa là chúng ta phải trả giá bằng 50.000 mạng sống trong mỗi thập kỷ, thì chúng ta không được an toàn cho lắm và an ninh của chúng ta không mang tính tập thể. Một lời cảnh báo dành cho những người trẻ tuổi: nếu họ bác bỏ những sai lầm của cha mình – và tôi là một trong số đó – thì cũng không nên tán thành những sai lầm của ông mình (tức là thái độ theo chủ nghĩa biệt lập). Tôi nghĩ cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ nên đình chỉ hoạt động chính trị trong thời gian còn lại của năm nay. Chúng ta phải cùng nhau suy nghĩ và lặng lẽ tranh luận về hướng đi mà chúng ta mong muốn tiếp theo, như chúng ta đã từng làm ngay sau Thế chiến thứ hai”.

William Bundy, 57 tuổi, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Kennedy và Johnson, biên tập viên Tạp chí Đối ngoại: “Xét mọi khía cạnh, cuộc chiến tranh này chắc chắn phải được đánh giá là một thảm kịch với những hậu quả tàn khốc đối với cả người dân Việt Nam và Hoa Kỳ. Nhưng tôi nghĩ dường như các lựa chọn vẫn rất khó khăn. Cho một quốc gia một cơ hội thì đáng giá bao nhiêu? Bởi vì chúng ta đã thua, chúng ta không nên tỏ ra giận dữ. Đó là một lựa chọn khó khăn với các yếu tố đạo đức ở cả hai phía. Nhìn rộng hơn, “câu giờ” để có thêm thời gian cho các quốc gia Đông Nam Á ổn định chính phủ của họ là lý do chính cho hành động của chúng ta. Vì vậy, vẫn có một sự an ủi đâu đó khi các quốc gia như Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia không ở trong tình trạng tồi tệ đến vậy”.

Clark Clifford, 68 tuổi, Bộ trưởng Quốc phòng của Lyndon Johnson, một luật sư ở Washington: “Đó là kết quả tốt nhất đối với người dân miền Nam Việt Nam. Sự sụp đổ của Sài Gòn có nghĩa là một cuộc nội chiến đã kết thúc. Tôi hy vọng điều đó sẽ mang lại một cuộc phân tích khôn ngoan ở Mỹ – không phải buộc tội, mà là một cuộc tranh luận mang tính quốc gia. Đặt ra những câu hỏi cơ bản như “Tại sao chúng ta lại vướng vào vấn đề này?’ sẽ khiến Việt Nam in sâu vào tâm thức chúng ta để chúng ta không bao giờ phạm phải sai lầm như vậy nữa”.

William Fulbright, 70 tuổi, nguyên Thượng nghị sĩ tiểu bang Arkansas và nguyên Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện: “Chúng ta nên rút kinh nghiệm từ việc này, và từ giờ trở đi chúng ta nên trưởng thành hơn, thận trọng hơn và có trách nhiệm hơn trong cách tiếp cận đối với những vấn đề này. Người Mỹ đã có một sự tin kính nhất định, một cảm giác nhất định rằng mọi thứ chúng ta làm đều tuyệt vời trong khi những gì người khác làm đều xấu hoặc đáng nghi ngờ. Một trong những lỗi lầm lớn nhất của chúng ta là thái độ khinh thường, kiêu ngạo – gọi phía bên bằng những từ miệt thị như ‘gook’ hay ‘Charlie’ [Việt Cộng]. Tôi nghĩ sau tất cả những gì đã xảy ra, chúng ta nên có một khoảng thời gian tự soi lại mình”.

George Ball, 65 tuổi, Thứ trưởng Ngoại giao trong chính quyền Kennedy và Johnson và hiện là chủ ngân hàng đầu tư ở Thành phố New York, người phản đối cam kết của lực lượng Hoa Kỳ ở Đông Nam Á: “Có vẻ như đây sẽ luôn là kết cục. Ngay khi Hiệp định Paris được ký kết thì đã rõ là cả hai bên sẽ đều vi phạm – và đúng là như vậy. Bây giờ chúng ta phải cẩn thận để rút ra được những bài học đúng đắn cho tương lai. Đầu tiên, chúng ta phải phê phán và thận trọng trong việc cam kết sức mạnh của Mỹ ở đâu và như thế nào. Miền Nam Việt Nam không có một cơ cấu chính trị đủ vững chắc để gánh sức nặng quyền lực của chúng ta. Thứ hai, chúng ta phải chắc chắn rằng khi các lực lượng được cam kết vì lợi ích của Mỹ, thì lợi ích đó của chúng ta không được là những lợi ích thứ yếu, không phải như ở Việt Nam”.

Daniel Ellsberg, 44 tuổi, cựu Cố vấn của Tập đoàn Rand, người đã công khai Hồ sơ Lầu Năm góc: “Tất cả các nhà bình luận dường như chỉ nhấn mạnh đến bi kịch, sự hổ thẹn và nỗi buồn của sự kiện này. Tôi nghĩ sẽ hơi sai lầm nếu chỉ phản ứng với khía cạnh đó của sự kiện vào thời điểm mà cuộc chiến cuối cùng đã kết thúc một cách vẻ vang. Chính ý chí của người dân Mỹ, được bày tỏ trước Quốc hội, đã kết thúc cuộc chiến này. Đây là hoạt động kỷ niệm 200 năm Cách mạng Mỹ tuyệt vời nhất mà tôi có thể tưởng tượng ra”.

Harold Harmon, 57 tuổi, trung tá quân đội về hưu, một trong 17 cố vấn đầu tiên của Mỹ sang Việt Nam năm 1954: “Nếu chúng ta rút quân cách đây 10 năm thì Việt Nam đã thất thủ từ lúc đó. Nếu chúng ta ở lại thêm 10 năm nữa, bọn họ vẫn sẽ sụp đổ khi chúng ta rút lui. Đây là trận chiến mà chúng ta đã thua. Bạn không thể thắng tất cả các trận được”.

Sam Brown, 31 tuổi, một nhà tổ chức chủ chốt trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 1968 của Thượng nghị sĩ Eugene McCarthy và phong trào phản chiến năm 1969, Giám đốc Sở Tài chính bang Colorado: “Phản ứng đầu tiên của tôi là một sự trống rỗng. Tôi cho rằng đó là vì tôi không thấy sự sụp đổ của Sài Gòn mang đến sự tái sinh cho bất kỳ điều gì mà chiến tranh đã giết chết, cho bất kỳ hy vọng, lý tưởng hay tầm nhìn mới nào. Nó không xóa bỏ được sự chia rẽ thù địch trong 15 năm qua trên đất nước này. Nhóm người đặt ra chính sách đối ngoại của chúng ta cũng chính là những người đã đưa ra các quyết định trong 20 năm qua – và đã đưa ra những quyết định thật tệ”.

Jane Fonda, 37 tuổi, diễn viên và là nhà hoạt động phản chiến: “Những gì đã xảy ra chính là chuyện đã xảy ra với chúng ta cách đây 200 năm: một cuộc cách mạng giành độc lập, diễn ra ở Việt Nam. Nói Sài Gòn đã ‘thất thủ’ cũng giống như nói rằng 13 thuộc địa ‘đã thất thủ’ hai thế kỷ trước”.

Tom Hayden, 35 tuổi, chồng của Fonda, người sáng lập Tổ chức Sinh viên vì Xã hội Dân chủ và là nhà lãnh đạo phong trào hòa bình lâu năm: “Có đôi lần tôi suýt rơi nước mắt khi nghĩ đến khuôn mặt của những người tôi từng gặp ở Việt Nam trong 10 năm qua, chắc hẳn họ phải hạnh phúc lắm. Đây là lần đầu tiên trong hơn 100 năm qua đất nước đó không bị quân đội Pháp hay Mỹ chiếm đóng dưới hình thức này hay hình thức khác. Bây giờ họ có thể thử và giải quyết các vấn đề của mình. Nhưng kết thúc chiến tranh chỉ là một nửa mục tiêu. Nửa còn lại là rút ra bài học từ chiến tranh để nó không xảy ra nữa”.

John Fermin, 32 tuổi, cựu binh nhất, bị mất một chân trong 5 tháng ở Việt Nam. Anh ấy hiện đang hồi phục sau ca phẫu thuật gan tại Bệnh viện cựu chiến binh ở Manhattan: “Tôi không nghĩ chúng ta có bất kỳ quyền gì ở đó. Tôi không ngại giúp đỡ mọi người, nhưng lẽ ra họ phải tự mình chiến đấu trong cuộc chiến đó. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta đã ở đó để chiến đấu, chúng ta nên chiến đấu để giành chiến thắng. Chúng ta đã đi nửa vời và tôi trở về nhà với nửa cái chân. Nước Mỹ là một đất nước hùng mạnh. Nước Mỹ đại diện cho nhân quyền. Giờ đây nước Mỹ cảm thấy hổ thẹn. Nên như vậy”.

Thomas Hyland, 30 tuổi, bị thương nặng do đạn súng cối khi đang làm cố vấn quân sự tại Việt Nam vào tháng 12/1968. Anh là cố vấn đặc biệt của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch khu vực New York. “Tôi đã phải trả giá gần hai năm cuộc đời cho một điều mà tôi không có câu trả lời. Chính phủ nợ chúng tôi một khoản nợ được ký bằng máu để giải thích tại sao Tom Hyland và những người khác như anh ấy lại đến đó.

Khi nghe ông Ford nói hãy quên đi quá khứ, tôi càng tức giận hơn. Thật vớ vẩn. Anh rể tôi mỗi ngày thức dậy đều không có đôi chân. Làm sao anh ấy có thể quên được? Tôi đã phải chịu đựng rất nhiều. Tôi vẫn nhớ những ngày tôi phải tiêm hết mũi morphine này đến mũi morphine khác. Thực sự đó chỉ là một sự lãng phí thôi sao?”.

Dean Kahler, 25 tuổi, sinh viên Đại học Kent State bị thương do viên đạn của Vệ binh Quốc gia vào tháng 5/1970 và bị liệt suốt đời: “Tất cả những gì tôi có thể nghĩ là cuối cùng chúng ta đã ra khỏi đó. Nếu chuyện đó xảy ra cách đây 5 năm, hôm nay tôi đã không phải ngồi đây như thế này. Sự bất đồng quan điểm của sinh viên và ý kiến của sinh viên cuối cùng đã đến được với những người lớn tuổi hơn, những người điều hành đất nước này”.

Tư lệnh Richard Stratton, 43 tuổi, người đã bị giam 6 năm 2 tháng trong một nhà tù ở Bắc Việt: “Việc Mỹ rút khỏi Việt Nam là điều không thể tránh khỏi, nhưng cách chúng ta làm điều đó thật đáng xấu hổ. Tôi chắc chắn rằng chúng ta nợ người Việt Nam một cách thể hiện đẳng cấp hơn thế. Chúng ta dẫn họ đi theo con đường hưởng lạc và để họ treo lơ lửng ở đầu cành. Sau đó, chúng ta cưa cành đi. Vậy tại sao chúng ta lại ngạc nhiên khi thấy họ ngã xuống? Còn tôi, tôi đã làm mọi thứ có thể. Tôi có thể đối mặt với chính mình trong gương. Tôi không biết có bao nhiêu người Mỹ khác như Jane Fonda có thể nói điều tương tự”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới