Monday, November 25, 2024
Trang chủQuân sự“Binh chủng xe thồ” ở chiến dịch Điện Biên Phủ

“Binh chủng xe thồ” ở chiến dịch Điện Biên Phủ

Do thiếu tầm nhìn và cố chấp, vào thập niên 1950, rất ít người Pháp chịu thừa nhận, đội quân đánh thuê lành nghề đang đối mặt với một dân tộc không có mục đích nào khác ngoài bảo vệ quê hương.

“TẠI SAO KHÔNG NÉM BOM XE ĐẠP THAY VÌ NHỮNG CÂY CẦU?”

Tờ London ngày 3/10/1967 đăng tải một bài báo của Arnold Blumberg cựu binh Mỹ từng tham gia Chiến tranh Việt Nam. Trong đó, Blumberg nhắc tới những gì phóng viên tờ The New York Times Harrison Salisbury tuyên bố trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.

“Tôi thực sự tin rằng nếu không có xe đạp thì họ [quân đội Việt Nam] sẽ phải rút lui khỏi cuộc chiến”, Salisbury, người mới trở về từ Hà Nội, kết luận sau khi trình bày chi tiết trong phiên điều trần về sự linh hoạt của lực lượng xe đạp trên chiến trường Việt Nam.

Thượng nghị sĩ William Fulbright khi đó đã vô cùng kinh ngạc. Ông ta gần như bật dậy khỏi ghế, hỏi ngược Salisbury: “Tại sao chúng ta không tập trung ném bom xe đạp của họ thay vì ném bom các cây cầu? Lầu Năm Góc có biết chuyện này không?”.

Hầu hết các thành viên ủy ban và những người có mặt ở hội trường đều cho rằng thượng nghị sĩ chỉ đang châm biếm. Có tiếng cười bật ra khi tưởng tượng đến việc vô số máy bay tối tân của Mỹ săn lùng xe đạp trong rừng rậm Việt Nam.

Trái ngược với những nụ cười khẩy hay khúc khích, các thành viên mặc đồng phục quân đội Mỹ tham dự phiên điều trần lại im lặng lạ lùng. Bởi họ, cùng với các cấp trên ở Lầu Năm Góc và ở Việt Nam, biết rằng việc quân đội Việt Nam sử dụng xe đạp trong cuộc chiến có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đó không phải là chuyện đáng cười.

Cũng bởi trong số các phương tiện công nghệ thấp thường bị đối phương chế nhạo, chiếc xe đạp đã sống sót trước hệ thống vũ khí hiện đại nhất trong kho vũ khí của quân đội Mỹ. Đặc biệt trước đó, nó đã trở thành huyền thoại, ghi dấn ấn huy hoàng trong chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu năm 1954.

CẢ DÂN TỘC RA TRẬN NỐI LIỀN TUYẾN ĐƯỜNG HUYẾT MẠCH
Theo chuyên trang lịch sử History.net, trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, đến năm 1953, quân Pháp chính thức sa lầy. Với hy vọng tìm kiếm một lối thoát danh dự, Tướng Henri Navarre, tư lệnh quân sự tối cao của Pháp ở Đông Dương, đã nghĩ ra kế hoạch lôi kéo quân đội Việt Nam (tức lực lượng Việt Minh) vào một trận đánh quyết định.

Địa điểm mà Navarre chọn cho trận chiến đỉnh cao này là Điện Biên Phủ, một đầu mối giao thông quan trọng trong thung lũng ở cực Tây Việt Nam, cách Hà Nội 354km, cách xa hậu phương của cả Pháp lẫn Việt Minh.

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng, trong trận chiến quyết định này, lực lượng Pháp chiếm ưu thế hơn hẳn lực lượng Việt Nam.

Lực lượng quân Pháp có khoảng 16.200 quân, được tổ chức thành 3 phân khu có công sự, trận địa kiên cố, vững chắc, liên hoàn với 49 cứ điểm, 8 trung tâm đề kháng.

Cụ thể, Pháp có 12 tiểu đoàn, 7 đại đội bộ binh (trong quá trình chiến dịch được tăng viện 4 tiểu đoàn và 2 đại đội lính nhảy dù), 2 tiểu đoàn pháo binh 105mm (24 khẩu – sau đợt 1 được tăng thêm 4 khẩu nguyên vẹn và cho đến ngày cuối cùng được thả xuống rất nhiều bộ phận thay thế khác), 1 đại đội pháo 155mm (4 khẩu), 2 đại đội súng cối 120mm (20 khẩu), 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng 18 tấn (10 chiếc M24 Chaffee của Mỹ), 1 đại đội xe vận tải 200 chiếc, 1 phi đội máy bay gồm 14 chiếc (7 máy bay khu trục, 6 máy bay liên lạc trinh sát, 1 máy bay lên thẳng).

Ngoài ra Pháp còn có lực lượng không quân mạnh của Mỹ hỗ trợ thường xuyên và hệ thống sân bay tối tân ở pháo đài “bất khả xâm phạm” Điện Biên Phủ.

Lực lượng Việt Minh có khoảng 55.000 người (bộ đội chủ lực khoảng 40.000 chiến sĩ) với 24 khẩu sơn pháo 7mm, 24 khẩu lựu pháo 105mm, 76 khẩu pháo cao xạ 37mm, 12 khẩu pháo hỏa tiễn H6 và 715 xe ô tô; còn lại là các loại hình phương tiện thô sơ như: 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền.

Nếu so sánh đơn thuần về quân số, lực lượng Việt Minh đông hơn quân Pháp nhưng về phương tiện chiến tranh, quân Pháp lại vượt trội hơn, với tỷ lệ súng pháo: 3,1/ 1. Riêng lực lượng không quân, Pháp có 1 phi đội máy bay 14 chiếc. Việt Minh: 0.

Trước ưu thế này, Navarre tự tin rằng đối thủ của mình không có đủ phương tiện vận chuyển lương thực và vũ khí cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc đối đầu lớn ở khu vực biệt lập này.

“Người ta khẳng định với Navarre và Navarre cũng tin rằng Việt Minh không thể tiếp tế được tới Điện Biên Phủ. Rằng bọn cu ly muốn tới được đó thì sẽ ăn hết 4/5 những gánh thực phẩm của họ, rằng việc cung cấp đạn dược sẽ không cho phép địch lợi dụng số lượng quân nhiều hơn quân Pháp mà chúng có thể tập hợp được”, theo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Tuy nhiên, Pháp đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi đánh giá thấp khả năng tiếp tế của Việt Minh.

Trong trận đánh này, để đảm bảo công tác hậu cần, lần đầu tiên trong lịch sử, cả dân tộc đã ra trận, người dân từ khắp các địa phương, không phân biệt già trẻ gái trai rầm rập mở đường tiếp tế lên Điện Biên Phủ.

Trong suốt chiến dịch, các tuyến đường tiếp tế của Việt Minh được duy trì bởi lực lượng nòng cốt: Xe đạp thồ. Đây cũng là lực lượng xe đạp vận tải quân sự lớn nhất trong lịch sử.

Mặc dù Pháp biết về các tuyến đường tiếp tế và liên tục giội bom nhưng tuyến đường huyết mạch này chưa bao giờ bị cắt đứt.

Đơn giản là Pháp không có đủ máy bay để làm gián đoạn dòng tiếp tế ngày đêm của Việt Minh. Hơn nữa, những tán rừng rậm khiến việc nhắm mục tiêu chính xác vào dòng xe đạp thồ càng trở nên rất khó khăn.

“THAN ÔI, MÁY BAY CỦA TA LẠI THUA ĐÔI BỒ DÂN CÔNG CỦA VIỆT MINH”
Theo Bảo tàng chứng tích chiến tranh, người Pháp không thể ngờ rằng họ bị đánh bại trong trận đụng độ lịch sử bởi chính những chiếc xe mà họ sản xuất ra và mang sang Việt Nam.

Trong cuốn Trận Điện Biên Phủ, cựu đại tá không quân Pháp Jules Joy đã thừa nhận: “Tướng Navarre đã bị đánh bại bởi chính những chiếc xe đạp nhãn hiệu Peugeot [của Pháp] thồ được từ 200-300kg hàng, được điều khiển bới những người ăn không đủ no, ngủ ngay trên những mảnh nilong trải trên đất…”.

Thời điểm khi đó, một chiếc xe đạp có giá trị rất lớn, để sở hữu được nó phải là những gia đình có điều kiện, hơn thế muốn đi được còn phải đăng ký, được cấp biển số xe.

Dù đáng giá bằng cả gia tài nhưng người Việt Nam yêu nước vẫn sẵn sàng tự nguyện đóng góp xe đạp cho cách mạng để phục vụ tiền tuyến.

Với khả năng cơ động, xe đạp đặc biệt phát huy tác dụng trên những con đường đồi núi dốc hiểm trở miền Tây Bắc.

Chiếc xe đạp bình thường đã được lực lượng dân công Việt Minh biến thành xe thồ có thể chở được 200 kg trở lên. Chúng được gia cố tất cả các bộ phận khung, vành, tay lái v.v…

Theo Báo Quân đội Nhân dân, một trong những người đầu tiên có sáng kiến cải tiến xe đạp đó là kiện tướng xe thồ Cao Văn Tỵ – dân công từ tỉnh Thanh Hóa đã chở tới 320kg/chuyến.

Các dân công đã đặt một thanh ngang có thể đỡ được 200kg gạo dọc thân xe. Các nan hoa được nẹp thêm để tăng độ chịu lực, xăm xe được lót thêm vải để tăng độ bền. Ở phần trước của xe được gắn thêm một khúc tre dài làm tay lái, một khúc tre ngắn hơn dùng giữ thăng bằng và làm tay phanh. Sự sáng tạo đó đã tăng được sức tải của xe, gấp từ 10 đến 20 lần so với người gánh.

Ngoài việc vận chuyển vật tư, xe đạp thồ còn phục vụ chở người. Khi đó, hai chiếc xe đạp sẽ được nối với nhau bằng những cọc tre dài để làm cáng, chở những người bị thương trên chiến trường.

Tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy, bên cạnh các phương tiện vận tải khác, gần 21.000 chiếc xe đạp thồ đã góp công rất lớn trong việc tiếp tế hậu cần, chung sức đưa 25 nghìn tấn vũ khí, lương thực thực phẩm ra tiền tuyến.

Đội quân xe đạp thồ, còn được mệnh danh là đội quân “ngựa thép” xuất hiện ở Điện Biên Phủ cũng được đánh giá là một điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, không chỉ ở Việt Nam mà cả lịch sử chiến tranh thế giới.

Mà theo lời đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết trong hồi ký Điện Biên – Điểm hẹn lịch sử: “Vận tải xe thồ đã trở thành binh chủng vận tải quan trọng thứ hai, đứng sau xe cơ giới”.

Chính điều này cũng khiến người Pháp ngỡ ngàng. Trong cuốn “Mắt thấy ở Việt Nam”, học giả Pháp Ivon Panhinét đã ghi lại lời than thở của một sĩ quan Pháp rằng: “Than ôi! Máy bay của ta lại thua đôi bồ dân công của Việt Minh”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới