Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được người Pháp với sự viện trợ của Mỹ đầu tư kỹ lưỡng, là “canh bạc” cuối cùng mà họ quyết định tất tay để bình định Đông Dương. Các tướng lĩnh Pháp tin tưởng lòng chảo Điện Biên trở thành một cái bẫy khổng lồ với 49 cứ điểm chia làm 3 phân khu trong mối liên hoàn hỗ trợ nhau cùng chiến đấu. Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương coi Điện Biên Phủ là một “pháo đài không thể công phá”.
Nhiều quan chức Pháp, Mỹ khi đến thăm cứ điểm Điện Biên Phủ đã ca ngợi đây là một “Verdun ở châu Á”. Verdun là trận đánh diễn ra tại Đông Bắc nước Pháp diễn ra năm 1916, khi quân Pháp chiến thắng quân Đức sau một trận chiến kéo dài nhất trong chiến tranh thế giới I (trận Verdun trở thành một giá trị biểu tượng to lớn đối với nước Pháp.
Còn De castries, chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ làm truyền đơn rải khắp nơi thách thức: “Gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp”: “Nghe tin người mang nhiều đại đoàn lên đây để giao chiến và đem quân vào ăn tết trong Điện Biên Phủ. Chúng tôi sẵn sàng đón tiếp ngài”.
Nhưng chỉ 5 thắng sau, ngày 7/5/1954, hơn 16.200 binh lính Pháp đồn trú ở Điện Biên Phủ, bao gồm cả những đơn vị thiện chiến nhất, nhiều lần giành thắng lợi trong chiến tranh thế giới II lại không mang về cho nước Pháp chiến thắng có tính quyết định mà đều bị tiêu diệt, bị bắt. De castries và bộ chỉ huy của ông ta cùng hơn 10.000 lính Pháp phải giơ tay đầu hàng.
Cách Điện Biên Phủ nửa vòng trái đất, tin thất trận lan đến nước Pháp như một trận cuồng phong. Nhiều tờ báo đưa tin với tít rất ngắn “Điện Biên Phủ thất thủ”. Còn Thủ tướng Lanien đăng đàn trước Quốc hội Pháp trong bộ đồ đen, với bộ mặt ảm đạm, nghẹn ngào nói: “Chính phủ vừa được tin khu trung tâm Điện Biên Phủ đã thất thủ sau 20 giờ kịch chiến liên tục”.
Thất bại ê chề tại Điện Biên Phủ làm cho người Pháp trắng tay khi ngồi vào bàn thương lượng tại Hội nghị Genève về vấn đề Đông Dương, chấm dứt sự hiện diện của quân Pháp tại Đông Dương sau 96 năm.
Chiến thắng của Việt Nam đã mở đầu, tác động mạnh mẽ để các nước thuộc địa đứng lên đấu tranh giành độc lập. Chỉ trong năm 1960, 17 nước châu Phi đã giành độc lập, thoát khỏi ách đô hộ của Pháp, Anh, Bỉ. Còn các nước Mỹ Latinh đã ví Điện Biên Phủ như “ánh đèn pha chiếu rọi”. Việt Nam trở thành nước mở đầu xóa bỏ chế độ thực dân cũ trên toàn thế giới.
Năm 2024, tròn 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 51 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Pháp (1973-2024), 11 năm hai nước nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược (2013-2024).
Vượt qua mọi biến động lịch sử mối quan hệ Việt Nam – Pháp đã được nhiều thế hệ lãnh đạo hai nước xây dựng ngày càng đi vào chiều sâu và đạt nhiều kết quả tốt đẹp.
Năm 1993, François Mitterrand là Tổng thống Pháp đầu tiên sang thăm Việt Nam và ông đã đến Điện Biên Phủ. Sau 39 năm lại có một chiếc máy bay mang cờ Pháp hạ cánh ở sân bay Điện Biên. Năm 2018, Thủ tướng Pháp Édouard Philippe trong chuyến thăm Việt Nam cũng đã đi đến Điện Biên Phủ.
“Canh bạc” Điện Biên Phủ 70 năm trước đã khép lại sự hiện diện của quân đội viễn chinh Pháp ở Việt Nam. Nhưng, 70 năm qua đã dần ở ra cánh cửa hòa bình để người Pháp đến Việt Nam hợp tác hữu nghị.
H.L