Ngày 10/5, Trung Quốc tuyên bố đã giám sát và “đuổi” tàu khu trục USS Halsey của Mỹ khi tàu này tiến vào “vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa” (thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông).
Tuyên bố trên của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), tuy nhiên, phát ra bởi Chiến khu miền Nam, chứ không từ cơ quan Bộ Quốc phòng.
Dù vẫn là quân đội, nhưng động thái có tính “phân cấp” này cho thấy, bên trong thì hậm hực, cay cú theo sát di chuyển và động thái của tàu khu trục USS Halsey thuộc biên chế quân đội Mỹ, nhưng bên ngoài, Bắc Kinh dường như muốn tỏ cho thiên hạ thấy, các cấp chóp bu của Trung Quốc còn nhiều việc phải làm hơn là để ý vào mấy trò vặt mà hải quân Mỹ thi thoảng lại giở giói để khiêu khích Trung Quốc trên Biển Đông.
Soi kỹ hơn, cùng trong phát ngôn trên, đại diện của Chiến khu miền Nam còn cáo buộc rằng: “động thái trên của Mỹ “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”; “là bằng chứng thép cho thấy sự kiểm soát việc đi lại và quân sự hóa Biển Đông của Mỹ”. Chỉ có điều, chính sự cáo buộc này cho thấy, Trung Quốc đang tự mâu thuẫn với chính mình bởi một sự việc tày trời liên quan tới chủ quyền, an ninh quốc gia, lẽ ra, để thể hiện sự cứng rắn cũng như cảnh báo một vi phạm nghiêm trọng của Washington, chí ít, phản ứng lại cũng phải do người có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đứng ra kia?
Ngay cả khi người của Chiến khu miền Nam của PLA nói: lực lượng của họ đã giám sát và “xua đuổi” tàu chiến Mỹ USS Halsey, thì trong con mắt của dư luận, Trung Quốc, trong trường hợp này, cố tình dụng phép “thắng lợi tinh thần” của AQ – nhân vật chính trong tác phẩm nổi tiếng từ cách đây hơn trăm năm của văn hào Lỗ Tấn mà thôi.
Chẳng biết có phải “đọc” thấy cái ẩn ý tinh tế, tinh quái mà vẫn không che nổi sự yếm thế của Trung Quốc hay không, mà Mỹ cứ nhơn nhơn như cố tình trêu người Bắc Kinh thêm lần nữa, bằng tuyên bố rằng: quyền tự do hàng hải và tự do hoạt động ở Biển Đông “phù hợp với luật quốc tế”.
Nhấn mạnh rằng: như cổ tình cho thiên hạ nhận thấy sự “đối đẳng”, Lầu Năm Góc cũng chẳng thèm ra mặt, giao phát ngôn trên cho Hải quân Mỹ.
Liên quan trực tiếp tới cái gọi là “giám sát” và “xua đuổi” tàu chiến Mỹ USS Halsey” mà Trung Quốc loan ra một cách kẻ cả, thì Hải quân Mỹ chỉ “nhũn nhặn” mà rằng: “ tàu USS Halsey rời khỏi khu vực này sau khi hoàn thành nhiệm vụ và tiếp tục hoạt động ở Biển Đông…”
Có lẽ, với Bắc Kinh, chẳng thà Washington tung ra những lời lẽ đao to búa lớn còn dễ chịu hơn kiểu “nhũn nhặn” giả tạo, hợm hĩnh trên. Ngoài hàm ý coi thường, không thèm đếm xỉa tới cảnh báo của đối thủ, với phản ứng đó, Lầu Năm Góc hẳn đang cố ý làm cho thiên hạ thấy rằng: họ thách thức Trung Quốc; rằng: Mỹ đã, đang và sẽ còn tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải và tự do hoạt động ở Biển Đông “phù hợp với luật quốc tế” bất kỳ khi nào cảm thấy cần thiết.
Liên quan điều này, chẳng cần Mỹ đề cập, dư luận quốc tế cũng có thể dẫn ra bằng chứng chứng minh cho quyết tâm của Mỹ qua hải trình của chính khu trục hạm USS Halsey.
Thì đấy, không kể các lần lâu lâu trước đó, gần đây, trước thời điểm nhà lãnh đạo đắc cử Đài Loan (Trung Quốc) Lại Thanh Đức sắp tuyên thệ nhậm chức nhõn hai tuần, vào ngày 9/5, chiến hạm USS Halsey đã nghênh ngang đi qua eo biển Đài Loan – một khu vực nóng và nhạy cảm bậc nhất trong trong mối quan hệ tam giác Trung Quốc – Đài Loan – Mỹ, đó thôi.
Ngoài thông báo chẳng khác hơn mọi khi: “Việc tàu Halsey quá cảnh qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ trong việc duy trì nguyên tắc tự do hàng hải cho tất cả quốc gia. Không một thành viên nào của cộng đồng quốc tế bị đe dọa hoặc bị ép buộc phải từ bỏ các quyền và tự do của mình”, Hải quân Mỹ chẳng “phí thời gian” để thêm một lời trần tình hay thanh minh, thanh nga nào khác.
Hành động đó chẳng lẽ lại không thể hiện một quan điểm, một thái độ, hay nói khái quát hơn, một thông điệp gì của Washington?
Vậy mà phản ứng của Bắc Kinh trong trường hợp này thậm chí còn “nhẹ” hơn rất nhiều. Qua thông tin của người phát ngôn Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Đông của PLA, Trung Quốc chỉ nói: “quân đội Trung Quốc đã triển khai lực lượng theo dõi, giám sát và đối phó tàu USS Halsey theo luật pháp và quy định”.
Suy cho cùng, Trung Quốc phản ứng chỉ ở tầm mức đó, là khôn, bảo tồn được cái sĩ diện của “hổ giấy”.
Nếu cứ căng thẳng, mang cái “lằn ranh đỏ” ra như bao nhiêu lần từng to tiếng mà không làm gì cụ thể để chứng tỏ sự cứng rắn, Trung Quốc chỉ mất mặt thêm chứ phỏng thu được lợi ích gì?
T.V