Wednesday, October 9, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNghệ thuật né bẫy nợ của Việt Nam trước TQ vi diệu...

Nghệ thuật né bẫy nợ của Việt Nam trước TQ vi diệu như nào?

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đang dần trở thành tâm điểm của thế giới với sự phát triển thần kỳ về kinh tế, và quân sự. Họ đang dần trở thành một mối lo ngại lớn đối với Hoa Kỳ và phương Tây trong việc tranh giành tầm ảnh hưởng.

Ảnh minh họa

Dường như không chỉ có các cường quốc là lo ngại Trung Quốc. Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất hành tinh. Hiện đang có hơn 150 quốc gia trên thế giới đang vay tiền của Trung Quốc và tổng số tiền mà các quốc gia khác đang nợ Trung Quốc thì sẽ còn khiến bạn phải bất ngờ hơn nữa. Chính quyền Tập Cận Bình đã bỏ ra hơn 1100 tỷ đô chỉ để cho vay. Đây là một con số khổng lồ, nó gấp hơn hai lần tổng GDP của cả Việt Nam.

Đằng sau những con số khổng lồ đó ẩn chứa những toan tính và tham vọng gì? Những khoản vay này rõ ràng đang hỗ trợ rất nhiều cho các quốc gia vay nợ để phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng. Vậy nhưng, liệu Trung Quốc có giúp đỡ họ một cách vô tư mà không đòi hỏi gì không?

“Không có bữa trưa nào miễn phí”, “Miếng phomat free” thì chỉ có trên cái bẫy chuột. Chưa cần nhìn đâu xa, nhìn ngay vào thực tế của những quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á thôi. Lào đang gánh khoản nợ khổng lồ 6 tỷ đô, tương đương với 10% GDP, phải trả bằng nhượng lại cho Trung Quốc quyền kiểm soát mạng lưới điện quốc gia trong 25 năm. Điều này còn mang về cho Trung Quốc quyền được phép mặc cả với Thái Lan, vì Thái Lan là nước nhập khẩu điện từ Lào. Hay là ‘anh bạn hàng xóm’ Campuchia của chúng ta cũng chẳng khá hơn là mấy, khi đã phải gán 20% tổng chiều dài bờ biển cho Trung Quốc trong vòng 99 năm, như là một khoản thế chấp cho món nợ 3 tỷ đô mà trước đó Trung Quốc đã gạ vay để giải quyết vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng.

Dường như luôn có những cái bẫy được giăng ra đằng sau những khoản vay. Rốt cuộc Trung Quốc đang có những tham vọng gì, và có quốc gia nào thoát khỏi ‘chiếc nanh cọp’ này chưa?

Một quốc gia tích cực đầu tư

Rất nhiều những dự án lớn của các quốc gia đang phát triển, đều có vốn vay của Trung Quốc. Trung Quốc đã mở ra hàng trăm khoản vay khác nhau liên quan tới dự án ‘Vành đai và Con đường’ được triển khai từ năm 2013, giúp Trung Quốc trở thành chủ nợ của 157 quốc gia và số tiền cho vay lên tới hơn 1.100 tỷ đô. Hẳn là ai cũng biết Trung Quốc đang muốn viết lại lịch sử của ngành thương mại thế giới với dự án này.

Trong quá khứ, họ đã từng là điểm xuất phát và cũng như kiểm soát được một phần quan trọng của con đường tơ lụa nổi tiếng, tuyến đường thương mại huyết mạch số 1 của thế giới. Một con đường mà Trung Quốc luôn tâm đắc và chờ đợi mỗi ngày để xây dựng lại nó. Con đường này bắt nguồn từ Trung Quốc và từng đi qua hơn 60 quốc gia hiện nay trên thế giới. Nó cũng từng là nơi giao thoa giữa văn hóa Phương Đông và Phương Tây nhộn nhịp. Những thương nhân buôn bán đá quý, ngà voi, lụa, gia vị … hàng ngàn năm qua đã đi theo con đường này rồi vận chuyển từ Trung Quốc sang các nước châu Âu.

Con đường này đã thúc đẩy ngoại thương, ngoại giao của tất cả các quốc gia trên thế giới với Trung Quốc. Nó là bước đệm to lớn giúp Trung Quốc trở thành một đế chế trong lịch sử. Vì thế, hiện nay Trung Quốc luôn muốn khôi phục lại con đường tơ lụa và hứa hẹn với những quốc gia tham gia vào khoản vốn BRI một tương lai tươi đẹp khi hoàn thiện những con đường thương mại này. Thế nhưng, tất nhiên không có lợi ích thì sẽ không phải là những gì mà người Trung Quốc muốn làm.

Khi bạn cho họ lợi ích một, bạn phải trả lại gấp 10 lần, đó mới là phong cách làm việc của người Trung Quốc. Điều này cũng không ngoại lệ với những khoản vốn vay từ BRI. Các quốc gia khi vay loại vốn này đều phải cam kết thực hiện một số yêu cầu, mới có thể dễ dàng nhận gói đầu tư vài tỷ đô từ Trung Quốc. Chính sách cho vay của BRI không chỉ có những bản hợp đồng tín dụng bí mật, mù mờ với lãi suất cao “cắt cổ”, cùng với cả thời hạn vay ngắn, tiền vay từ Trung Quốc lại luôn đi kèm với những nhượng bộ về chủ quyền của nước đi vay. Tức là, khi đã cầm khoản vốn hỗ trợ này, quốc gia đó phải nghe lời Trung Quốc, sử dụng nhân công cùng nguyên liệu đến từ Trung Quốc, chấp nhận một số yêu cầu về chính trị, giống như là trở thành phe cánh của Trung Quốc vậy. Nếu vì một lý do nào đó mà quốc gia vay vốn không thể trả tiền vay, sẽ phải nhượng cho Trung Quốc quyền kiểm soát những tài sản chiến lược của đất nước, như là các hầm mỏ khoáng sản và cả những hải cảng.

Cái bẫy khổng lồ đằng sau những sự hỗ trợ

Một kịch bản đẹp với những viễn cảnh về sự phát triển và thịnh vượng được người Trung Quốc mang tới các quốc gia khắp nơi trên thế giới để đàm phán. Đó là một sự thịnh vượng chung, sự phát triển về kinh tế với những bến cảng nhộn nhịp, những tuyến đường giao thương trù phú, những đô thị giàu có và những cơ sở hạ tầng hiện đại. Dự án tham vọng này sẽ giúp kết nối hàng chục quốc gia Á – Âu – Mỹ La tinh cùng với nhau và giúp đẩy mạnh việc giao thương, buôn bán thông qua một mạng lớn đường bộ, đường sắt, cảng biển và thông tin liên lạc. Thế nhưng sau 10 năm thực hiện, BRI khi này đã dần lộ ra mục tiêu thực sự của nó. Thực chất, nó chỉ là một cái bẫy nợ dành cho những vùng đất mà Trung Quốc muốn nhắm tới.

Để cho chúng ta có một cái nhìn cụ thể hơn, có thể nhìn ngay sang anh bạn Lào, người anh em sát sườn, từng vay vốn BRI của Trung Quốc để xây dựng đập thủy điện trên Sông Mây Kông, cùng với con đường sắt to nhất của Lào kéo dài từ thủ đô Viêng Chăn tới tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Đổi lại, thì Lào phải đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc trong dự án này, đó là phải ủng hộ chính sách của Trung Quốc đối với các vấn đề như Đài Loan và Tây Tạng. Các công ty của Trung Quốc thì có thể khai thác tài nguyên của Lào và cho phép đường dây liên lạc của Trung Quốc chạy xuyên suốt qua Lào đến Thái Lan.

Không những vậy, con đường sắt to nhất của Lào được xây dựng bởi những kỹ sư và nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, vì thế Lào đã phải bỏ chính số tiền mình vay vốn để trả cho người Trung Quốc và lại còn nợ thêm 6 tỷ đô nữa, tương đương với 10% GDP một năm của quốc gia này. Điều này khiến cho Lào tiếp tục phải trao cho Trung Quốc quyền kiểm soát mạng lưới điện quốc gia trong vòng 25 năm để gán nợ.

Tiếp tục hãy nhìn vào dự án cảng trị giá 1,5 tỷ đô của Sri Lanka mang tên Hambantota. Ban đầu, khi quyết định đầu tư hải cảng này, chính quyền của Sri Lanka có lẽ đã mơ về một siêu hải cảng nhộn nhịp ở khu vực Ấn Độ Dương, sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế vốn đang trì trệ của nước này. Thế nhưng, sau khi đầu tư xây dựng xong, người Sri Lanka đã vỡ mộng khi cảng Hambantota không mang lại những lợi nhuận mong đợi. Vì thế, họ đã phải vô cùng chật vật trong việc trả nợ cho Trung Quốc. Để rồi đến năm 2017, khi đã cùng đường, gia tộc Rajapaksa cầm quyền đã phải cho Trung Quốc thuê hải cảng Hambantota trong vòng 99 năm như một cách để gán nợ. Thế nhưng, vấn đề ở đây đó là Trung Quốc cần gì ở một hải cảng vốn không mang lại lợi ích về kinh tế?

Sự thực là 80% dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc đều phải đi qua đây. Hambantota sẽ là một căn cứ tuyệt vời để Trung Quốc có thể đảm bảo an ninh hàng hải cho chính họ. Bỏ 1,5 tỷ đô và thuê được hải cảng trong vòng 99 năm phục vụ cho mục tiêu an ninh và kinh tế.Khoản đầu tư này quả thực rất có lợi cho Trung Quốc.

Zambia tiếp tục là nạn nhân tiếp theo với khoản vay từ Trung Quốc trị giá 1,5 tỷ đô để xây dựng một con đập thủy điện. Và như một lẽ thường tình, dự án này sẽ phải do những kỹ sư và nhân công của Trung Quốc xây dựng. Kết quả là nó liên tục bị trì hoãn và năm lần bảy lượt bị báo cáo vượt ngân sách. Chính phủ Trung Quốc liên tục bơm tiếp tiền và chỉ ngừng cấp vốn cho dự án khi cảm thấy Zambia đã đủ khổ và đang phải vật lộn để trả nợ. Cho nước khác vay nợ đổi lại giải quyết được vấn đề việc làm và nguồn tiền cho các doanh nghiệp trong nước. Một nước cờ nhưng đạt được vài cái lợi ích. Hoặc như một dự án khác ở cảng trung chuyển Djibouti có chi phí khoảng 1 tỷ đô, nó đã khiến cho Djibouti Trở thành quốc gia phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc.

Trung Quốc đã sử dụng ảnh hưởng của mình ở Djibouti để thiết lập một căn cứ quân sự ở nước này. Các hải cảng khác như Kyaukpyu trên bờ biển Benga của Miến Điện, cảng nước sâu Owadar của Pakistan cũng trở thành những hạt ngọc trai đầu tiên trong chuỗi hải cảng mà Trung Quốc đầu tư và kiểm soát con đường vận tải dầu khí từ Trung Đông về đại lục. Những dự án này đều có một điểm chung đó là sau khi vay vốn từ Trung Quốc, kinh tế đẩy mạnh ở đâu thì chẳng thấy, chỉ thấy dự án bị đội vốn, thời gian thi công kéo dài. Đã nợ lại thêm chồng chất nợ và kết cục là phải nhượng bộ, phải gán cơ sở hạ tầng, lãnh thổ, tài nguyên cho Trung Quốc mà thôi..

Việt Nam và nghệ thuật “né bẫy” từ Trung Quốc

Nước ta cũng là một quốc gia đang phát triển, phải dựa rất nhiều vào vốn vay của nước ngoài. Trung tâm Cơ sở Hạ tầng Toàn cầu nói rằng, ước tính nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam. trong giai đoạn từ 2016 -2040 phải cần khoảng 605 tỷ đô la để có thể phát triển hết những hạ tầng cần thiết. Hiện tại, GDP của nước ta ở mức 403 tỷ đô và đang dường như trong tình trạng kiệt quệ vốn khi phải vừa lo phát triển giáo dục, xã hội và các cơ sở hạ tầng.

Với nhu cầu về vốn này, Việt Nam phải huy động từ các nguồn tài trợ nước ngoài. Trong bối cảnh các dự án quan hệ đối tác công tư (BOT) đang ngày càng gặp nhiều khó khăn và ngân sách của nhà nước đang ngày càng hạn hẹp. Dù rất cần tiền, thế nhưng Việt Nam đã không lựa chọn Trung Quốc là nguồn vốn vay hữu ích. Không giống với các nước trên thế giới, Việt Nam rất thận trọng với nguồn vốn đến từ Trung Quốc, thậm chí còn luôn coi chừng với những dự án mà Trung Quốc vẽ ra. Trong đó, có thể kể tới nguồn vốn mà Trung Quốc đang đặt tâm huyết rất lớn và luôn muốn tạo điều kiện tốt nhất để có thể cho Việt Nam tham gia vào, có tên là BRI. Nguồn vốn trong sáng kiến vành đai và con đường.

Thế nhưng không, chúng ta thực sự đã nghiên cứu và nhận thức một cái bẫy được giăng sẵn và chắc chắn là bằng mọi cách, chúng ta không giẫm chân vào. Mặc dù vậy, trong ngoại giao, việc từ chối trực tiếp sẽ khiến Trung Quốc cảm thấy không vui, thậm chí nó còn có thể sinh ra sự cảnh giác với ta. Vì thế, nên Việt Nam cũng đã mắt nhắm mắt mở mà thực hiện một dự án khá lớn, chính là con đường sắt trên cao huyền thoại tuyến Cát Linh – Hà Đông để xoa dịu Trung Quốc. Vì đôi khi, việc vay vốn cũng là một cách ngoại giao với người bạn láng giềng gian xảo này.

Thế nhưng, sau khi dự án này hoàn thành, nó đã cho ta thấy rõ được bộ mặt của Trung Quốc. Một dự án khi dự trù về kinh phí là khoảng 8.770 tỷ đồng, tương đương với gần 553 triệu đô, được thực hiện trong vòng 5 năm. Nhưng sau đó, dự án này đã đội vốn lên tới 18.002 tỷ đồng, tương đương với 868 triệu đô, và phải mất tới 10 năm thì những con tàu này mới có thể hoạt động. Trong số vốn này, thì vốn vay của Trung Quốc là khoảng 400 triệu đô, sau đó thì đã lên tới mức 669 triệu đô, tương đương với khoảng 13.867 tỷ đồng.

Sau khi nhận thấy những lợi ích từ Việt Nam, cũng như vị trí quan trọng của Việt Nam trong việc hoàn thiện Con đường Tơ lụa thời kỳ 4.0 được hoàn thiện, Trung Quốc đã tích cực mời Việt Nam vay vốn cho một số dự án trọng điểm khác. Tuy nhiên, Việt Nam đã từ chối, với quan điểm ‘Một lần đã là quá đủ’, và vẫn rất tỉnh táo để có thể nhận ra âm mưu từ Trung Quốc. Sau đó, có nhiều dự án quan trọng khác của Việt Nam mà Trung Quốc luôn muốn hỗ trợ, như tuyến đường sắt Metro Nhổn – Hà Nội, cao tốc Hà Nội – Lào Cai – Hải Phòng. Thế nhưng, Việt Nam luôn thể hiện mạnh mẽ quan điểm của mình khi từ chối thẳng thừng việc cho Trung Quốc hợp tác đầu tư vào những con đường này.

Cùng với đó, Việt Nam cũng từ chối không tham gia, cũng như không chấp nhận để dự án 5G của Huawei được phát triển và nhân rộng tại Việt Nam, để không phải quá dựa dẫm và ngăn chặn việc Trung Quốc chiếm thế độc quyền. Việt Nam còn thực hiện sự đa dạng hóa trong thúc đẩy hợp tác với những quốc gia mạnh khác trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. Thậm chí, Việt Nam còn ngầm khẳng định những mối quan hệ này mang tính bền bỉ cho Trung Quốc thấy bằng cách chào đón mô hình đầu tư hạ tầng chất lượng cao của Nhật Bản và nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ.

Việt Nam hiện tại vẫn có thể tự tin ngẩng cao đầu tự hào khi không vướng phải những bẫy nợ mà Trung Quốc đặt ra. Những gì mà chúng ta đã và đang thực hiện cũng giống như một tấm gương sáng để các nước trong cộng đồng ASEAN noi theo và không vấp phải chịu những bẫy nợ từ Trung Quốc. Lợi ích lớn nhất mà Trung Quốc muốn Việt Nam nhượng bộ có lẽ vẫn là Biển Đông, nơi luôn nằm trong sự nhòm ngó của Trung Quốc suốt nhiều thập kỷ qua.

Biển Đông là cửa ngõ của ASEAN, là một vùng biển vô cùng quan trọng đối với kinh tế, chính trị của toàn Châu Á, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế của Việt Nam. Cùng với đó, sự bành trướng của Trung Quốc sẽ ngày càng đi xa hơn nếu họ nắm trọn Biển Đông. Nó có thể sẽ ngăn chặn lại con đường biển của 8 quốc gia trong vùng biển tiếp giáp với Biển Đông, mà Việt Nam trước giờ luôn là ‘cái đinh’ trong mắt của Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc rất chú trọng tới Việt Nam và luôn tìm cách ‘nuốt chửng’ Việt Nam bằng mọi giá.

Vậy nên, nước ta luôn trong trạng thái đề phòng và thận trọng trước bất kỳ một cơ hội nào mà Trung Quốc mang tới. Điều này có lẽ cũng cho thấy được sự lãnh đạo sáng suốt cũng như tầm nhìn vĩ mô trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước của Đảng và Chính phủ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới