Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSố phận Sa Bin?

Số phận Sa Bin?

Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã cử một tàu “để giám sát các hoạt động được cho là bất hợp pháp của Trung Quốc nhằm xây đảo nhân tạo”. Ngoài ra, thêm hai tàu khác đang được triển khai luân phiên trong khu vực này ở Biển Đông…

Bãi cạn Sa Bin

Đó là nội dung thông cáo được phát đi ngày 11-5 từ văn phòng Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. Thông tin còn nhấn mạnh thêm rằng: một tàu Philippines đã neo đậu tại bãi Sa Bin để “ghi lại việc đổ san hô bị nghiền nát trên các bãi cát”; tàu này đã phát hiện hàng chục tàu Trung Quốc, bao gồm cả tàu nghiên cứu và tàu hải quân, hiện diện một cách đáng ngờ trong khu vực bãi cạn…

Trong bối cảnh hiện nay, những gì liên quan chủ quyền biển đảo, với Manila không chỉ quan trọng mà còn là chuyện “nóng” bậc nhất. Tuy nhiên, trường hợp cần lên tiếng – đó là việc của cơ quan ngoại giao; bất đắc dĩ, văn phòng của ông Marcos mới thân ra tay. Thế nên một khi điều đó xảy ra đồng nghĩa rằng sự việc là nghiêm trọng.

Mà nghiêm trọng thật khi Trung Quốc đang lăm le làm cái việc “xây đảo nhân tạo” trong khu vực bãi cạn Sa Bin (Philippines gọi là Escoda). Tính nghiêm trọng thể hiện ít nhất ở hai khía cạnh sau đây mà những ai quan tâm vấn đề Biển Đông đều tường tỏ.

Thứ nhất, Sa Bin là một rạn san hô vòng có hình dạng vòng đai bao quanh một đầm nước lặng, còn gọi là vụng biển. Về mặt pháp lý, rạn san hô diện tích 115 km vuông này thuộc quần đảo Trường Sa nên đương nhiên, phải thuộc chủ quyền của Hà Nội, cũng như nhiều đảo, đá, rạn san hô khác trong quần đảo.

Cái lý đó đứng vững ngay cả khi Philippines căn cứ vào khoảng cách 200 km từ bãi cạn tới tỉnh Palawan của Philippines, để đòi Sa Bin là của mình. Bởi theo thông lệ quốc tế, khoảng cách địa lý cùng lắm cũng chỉ là một, không thể là tiêu chí hoặc điều kiện duy nhất để một bên nào đó dùng làm sở cứ khẳng định chủ quyền của một đảo, một đá, một bãi cạn trên biển.

Điều oái oăm là, cả Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines cùng tranh chấp, nhưng trong thực tế, chưa bên nào thực sự kiểm soát Sa Bin. Tình trạng đó khiến câu chuyện Sa Bin ngày một trở nên phức tạp, tiềm ẩn khả năng bùng phát thành một điểm nóng mới, tiếp theo nhiều điểm nóng lâu nay trên Biển Đông.

Nếu tất cả các bên điều thiện chí, nghiêm túc đối thoại trên nền tảng công pháp quốc tế, như Phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) trong vụ kiện Biển Đông của Philippines đối với Trung Quốc, ban hành năm 2016; Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), trong đó có quy định giữ nguyên hiện trạng…, hẳn câu chuyện Sa Bin hoàn toàn có thể giải quyết, hoặc chí ít, nó cũng không tới nỗi có có nguy cơ bùng thành điểm nóng như hiện nay.

Chết nỗi, cái điều kiện “nếu” nêu trên chỉ là mong muốn ngày một xa vời. Nguyên nhân, một số bên liên quan coi việc bãi cạn “vô chủ” như lúc này, là cơ hội cần chớp lấy để chiếm hữu. Vào tay mình rồi, sau đó, dầu có bị cộng đồng quốc tế la ó phản đối như một hành động cưỡng chiếm bất hợp pháp…, thì “sự cũng đã rồi”…

Tất nhiên, giải pháp đó không dành cho những quốc gia tôn trọng luật pháp như Việt Nam, hoặc yếu lực như Philippines. Nó chỉ phù hợp với một siêu cường hành xử theo cơ bắp, côn đồ như Trung Quốc.

Vài chục năm qua, bằng sức mạnh, Trung Quốc đã cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa cùng các đảo, đá, bãi cạn khác thuộc chủ quyền của Việt Nam, như Gạc Ma, Xu Bi, Tư Nghĩa, Chữ Thập…; bãi cạn Scaborough từ Philippines.

Thứ hai, nếu cộng đồng quốc tế không ngăn chặn được Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát Sa Bin, Trung Quốc sẽ không dừng lại ở việc cải tạo một cách sơ sài. Tình trạng sẽ diễn ra y như các đảo, đá họ đã chiếm được: tiếp theo việc cải tạo, là quân sự hóa, Sa Bin sẽ thành một cứ điểm quân sự kiên cố, hỏa lực mạnh. Cùng với các đảo, đá quân sự hóa trước đó như Đá Vành Khăn, Đá Subi và Đá Chữ Thập, sức mạnh của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ gia tăng đáng kể, giúp Trung Quốc khống chế Biển Đông, thách thức siêu cường Mỹ, từng bước hiện thực hóa âm mưu độc chiếm Biển Đông theo yêu sách “đường 9 đoạn” mà họ đơn phương đưa ra và đòi cộng đồng quốc tế công nhận.

Việc cả tin dẫn đến mất quyền kiểm soát bãi cạn Scaborough vào tay Trung Quốc năm 2012 hẳn là bài học tới nay vẫn còn đau đớn với Philippines. Thêm nữa, những hành vi ngỗ ngược gây hấn của Trung Quốc nhằm vào Philippines đang diễn ra ở khu vực bãi cạn Scaborough, Cỏ Mây vừa qua càng khiến Manila cay cú và cảnh giác tới mức không thể sao nhãng với những động thái của Trung Quốc tại khu vực bãi cạn Sabin. Phát hiện những “cải tạo nhỏ” bất hợp pháp, Philippines đã “đối ứng” bằng cách điều 3 tàu hải cảnh ra thực địa thực hiện việc “giám sát”.

“Giám sát” – giải pháp đó hiển nhiên cần cho tình huống này rồi. Trưng ra bằng chứng và tố cáo Trung Quốc trước cộng đồng quốc tế – tất nhiên cũng cần thiết…

Nhưng câu hỏi dư luận đặt ra về số phận Sa Bin là: tiếp theo giám sát, Manila sẽ hành xử thế nào, nếu Bắc Kinh không những không dừng lại việc cải tạo, xây dựng, tôn bãi cạn thành các đảo nổi nhân tạo…, mà còn làm việc này một cách quyết đoán, ráo riết hơn?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới