Trung Quốc có ngoại giao gấu trúc, Úc đưa gấu koala vào các hội nghị thượng đỉnh toàn cầu, và giờ Malaysia muốn tham gia xu hướng này bằng việc tặng đười ươi cho các đối tác mua dầu cọ.
Tuy nhiên, ý tưởng này đang bị các chuyên gia bảo tồn chỉ trích nặng nề. Họ nhấn mạnh rằng dầu cọ là một trong những nhân tố quan trọng nhất làm suy giảm số lượng đười ươi.
Dầu cọ là loại dầu thực vật được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, được đưa vào mọi thứ, từ dầu gội đầu đến xà phòng và kem. Phát quang đất để trồng cây cọ là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng phá rừng, đe dọa sự sống còn của loài đười ươi.
Malaysia là nước xuất khẩu dầu cọ lớn thứ hai thế giới, sau Indonesia.
Ngành dầu cọ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Malaysia . Trong những năm gần đây, các quan chức Chính phủ Malaysia nỗ lực tìm cách bảo vệ và thay đổi hình ảnh ngành này bằng những sáng kiến bảo đảm bền vững, như thay đổi tập quán nông nghiệp và cấp giấy chứng nhận xanh cho những công ty đáp ứng được tiêu chuẩn bền vững.
Tại một hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học diễn ra ở thủ đô Kuala Lumpur tuần trước, Bộ trưởng phụ trách trồng trọt và hàng hóa của Malaysia Johari Abdul Ghani thông báo kế hoạch “ ngoại giao đười ươi ”.
Hy vọng sẽ tạo được hiệu ứng tốt như ngoại giao gấu trúc của Trung Quốc, Chính phủ Malaysia sẵn sàng tặng một số con đười ươi cho các đối tác thương mại lớn nhất.
“Đây là một chiến lược ngoại giao để tạo nên lợi thế về thương mại và ngoại giao, đặc biệt là các đối tác nhập khẩu lớn như Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc”, Bộ trưởng Johari Abdul Ghani cho biết.
Bộ trưởng Ghani không nói cụ thể về thời gian hay cách thức tặng đười ươi, nhưng hoan nghênh các công ty dầu cọ lớn hợp tác với những nhóm môi trường để bảo vệ loài linh trưởng đang bị đe dọa.
“Điều này thể hiện cách Malaysia bảo tồn những loài động vật hoang dã và duy trì sự bền vững của các cánh rừng, nhất là trong ngành trồng cọ lấy dầu”, ông Ghani nói.
Thông báo này ngay lập tức vấp phải phản ứng từ các nhóm môi trường và bảo tồn. Họ kêu gọi Chính phủ Malaysia nỗ lực giảm tỷ lệ phá rừng mà họ cho rằng nguyên nhân là dầu cọ.
Từ năm 2001-2019, Malaysia mất hơn 8 triệu ha rừng, theo báo cáo năm 2022 của WWF.
Đười ươi là loài động vật sống trên cây lớn nhất. Chúng dành phần lớn cuộc đời để đu mình trong những tán rừng nhiệt đới.
Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận trí thông minh đáng kinh ngạc và khả năng thể hiện kỹ năng của loài này, như điều trị vết thương bằng dược liệu hoặc sử dụng cành cây, gậy và đá làm công cụ để đập vỡ vật cứng như quả hạt.
Theo báo cáo của WWF, loài linh trưởng hiền lành từng được tìm thấy với số lượng lớn hơn trên khắp Đông Nam Á nay đang suy giảm số lượng mạnh mẽ, đặc biệt là ở Borneo, hòn đảo lớn nằm giữa Malaysia, Indonesia và Brunei.
T.P