Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChạm trán tình cờ (!)

Chạm trán tình cờ (!)

Có một cuộc “chạm trán tình cờ giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Đài Loan trên biển Thái Bình Dương. “Tình cờ” là cách nói của Đài Bắc thôi. Thật ra ai cũng biết tỏng rằng, lính thủy hai nước đã tổ chức tập trận.

Vì cuộc tập trận rất chi là bí mật, cho nên từ tháng 4 đến nay sự việc mới vỡ lở. Ngay cả cái địa điểm diễn ra cuộc tập trận lặng lẽ cũng rất chung chung: biển Thái Bình Dương – một vùng biển mênh mông, chỉ tính riêng Tây Thái Bình Dương đã có nhiều vùng biển cận biên lớn, bao gồm Biển Philippines, Biển Đông, Biển Hoa Đông, Biển Nhật Bản, Biển Okhotsk, Biển Bering…

Vì lẽ đó cho nên cả Washington và Bắc Kinh đều im lặng, không có phản ứng gì trước thông tin này. Đặc biệt là Trung Quốc, họ thừa hiểu đây là sự bắt tay ngầm, bất hợp pháp giữa hải quân Mỹ và hải quân Đài Loan. Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ nói: Họ kiên quyết phản đối “sự cấu kết quân sự” không đàng hoàng.

“Lặng lẽ tập trận hải quân chung trên Thái Bình Dương” là thông tin ngắn gọn mà các tờ báo, hãng tin phương Tây đưa tin hôm 14/5. Cuộc tập trận chung của hải quân Mỹ và Đài Loan diễn ra vào tháng 4 trên vùng biển Tây Thái Bình Dương. Tại đây, “nhiều khí tài quân sự” đã được sử dụng. Cuộc tập trận này không được chính thức loan báo và được gọi là “các cuộc chạm trán trên biển không lên kế hoạch trước”.

Cả hai bên đều tuyên bố rằng, các màn diễn tập đó chỉ đơn thuần là do “chạm trán tình cờ”. Một nhân vật giấu tên nói: “Nó giống như là tôi đang đi ăn tối trong quán ăn này và bạn cũng tình cờ có mặt ở đó. Sau đó, tình huống giống như là tôi chỉ là đang chia sẻ bàn ăn với ai đó”.

Theo một nguồn tin có nêu cụ thể thêm một chút, khoảng gần 10 tàu hải quân của cả Mỹ và Đài Loan tham gia diễn tập. Trong số này có các tàu khu trục nhỏ, các tàu tiếp tế và hỗ trợ, đã tham gia vào các màn diễn tập kéo dài trong nhiều ngày. Cuộc “chạm trán” đủ để thực hành các hoạt động “cơ bản” như trao đổi thông tin, tiếp nhiên liệu, và tái tiếp tế.

Về phía Hải quân Đài Loan, có thông tin cho hay, chúng tôi cùng nhau phối hợp xử lý các kịch bản bất ngờ trên biển và để giảm thiểu “xâm phạm” nhau. Chúng tôi “hành động phù hợp với Quy tắc Chạm trán Bất ngờ trên Biển (CUES)”. Hải quân Đài Loan thường xuyên liên lạc với các tàu của các quốc gia khác và tiến hành các màn diễn tập chạm trán khi cần thiết.

Xin nói rõ, CUES là Bộ quy tắc do Mỹ đề xuất cách đây 10 năm, nhằm giúp giảm căng thẳng giữa các quân đội trên biển, cung cấp những hướng dẫn chẳng hạn như về tốc độ và khoảng cách an toàn, ngôn ngữ liên lạc chung, và những hành động cần tiến hành nếu một tàu bị ngừng hoạt động.

Bộ Quy tắc CUES đã được 21 lực lượng hải quân thông qua tại Hội nghị chuyên đề Hải quân Tây Thái Bình Dương hồi tháng 4/2014, nhấn mạnh việc bảo đảm an toàn trong các vụ đối đầu trên biển.

Cuộc tập trận lặng lẽ của Hải quân Mỹ và Đài Loan là các màn diễn tập cơ bản, những cuộc tập dượt để bảo đảm chắc chắn lực lượng hải quân hai bên có thể phối hợp hoạt động hiệu quả trong các tình huống khẩn cấp, nguy hiểm. Trong số các màn diễn tập chiến thuật có hoạt động tìm kiếm các mục tiêu dưới nước.

Cho đến nay, sau nửa tháng, Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đều không có phản hồi với báo chí về cuộc tập trận này. Được biết tháng 4/2024, Lãnh đạo Hải quân Đài Loan đã đến thăm Mỹ, thảo luận về cách tăng cường hợp tác giữa Hải quân hai bên.

Im lặng là một cách phản ứng bình tĩnh và khôn ngoan của Trung Nam Hải trước một đối phương khổng lồ như Mỹ. Họ không muốn gia tăng căng thẳng thêm với Nhà Trắng vào lúc quan hệ hai nước đang ở mức tồi tệ sau rất nhiều cố gắng hóa giải.

Từ bỏ xích mích nhỏ, tranh cãi nhỏ để hướng tới mục tiêu lớn. Mục tiêu đó của Trung Quốc là hoạt động tiến ra biển, trước hết là nhắm vào Đài Loan -hòn đảo bướng bỉnh. Cố nhiên khi nhắm tới Đài Loan, Bắc Kinh chạm ngay Hải quân Mỹ – đồng minh của hòn đảo.

Từ thời Mao Trạch Đông, khi xảy ra đụng độ Kim Môn, Mã Tổ năm 1958, Mao Trạch Đông đã thấy rõ sức mạnh của Hải quân Mỹ. Ông Mao dặn dò con cháu tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ, nhất là trên biển sẽ bị nhấn chìm. Sau này khi đã thống trị các quốc gia khác nhưng Trung Quốc vẫn bị phương Tây tấn công, đáng sợ là bị tấn công từ phía biển. Đó là một nỗi đau, nỗi nhục của người Trung Quốc.

Bắc Kinh nhận rõ, muốn trở thành cường quốc thì phải phát triển về phía biển, cho nên họ nuôi tham vọng độc chiếm Biển Đông để làm cửa ngõ tiến ra ngoài.

Hiện nay, về thế trận quân sự trên Biển Đông, nhờ các căn cứ trên đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng, nếu xảy ra một cuộc đụng độ quân sự trong khu vực, Trung Quốc sẽ không khó để kiểm soát vùng biển và vùng trời. Điều này Mỹ chưa có được và sẽ gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém, nếu muốn vô hiệu hóa những tiền đồn của Trung Quốc trên Biển Đông.

Phải chăng vì những lý do đó mà Trung Quốc vẫn thản nhiên trước những cuộc tập trận bí mật ngoài khơi xa của Mỹ và đồng minh. Người Trung Quốc có câu “nước xa không cứu được lửa gần”. Gì chứ “tìm kiếm các mục tiêu dưới nước” thì còn… xa lắm.

Và vì thế họ im lặng, chẳng thèm đoái hoài đến công việc của hàng xóm.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới