Saturday, July 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhù Nam Techo: thông tin bị bưng bít?

Phù Nam Techo: thông tin bị bưng bít?

Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp tục kêu gọi Campuchia phối hợp chặt chẽ trong chia sẻ thông tin về kênh đào Phù Nam Techo, bởi những gì Việt Nam hiện có là chưa đủ để đánh giá tác động của dự án.

Dự báo, đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam sẽ khô hạn nghiêm trọng khi kênh Phù Nam Techo hoạt động.

Lời “kêu gọi” mới nhất trên do phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đưa ra, trong cuộc họp báo quốc tế hằng tuần, diễn ra ngày 9/5/2024 tại Hà Nội. Cơ bản, bà Phạm Thu Hằng chỉ nhắc lại những gì mà cũng chính bà, đã nói trong cuộc họp báo trước đó, diễn ra ngày 5/5.

Đành là hồi lại câu hỏi của một nhà báo, nhưng đối đáp của Hà Nội cho thấy, họ vẫn kiềm chế, thậm chí, có thể coi như sự “cầu khẩn” trước sự thái độ bướng bỉnh đến khó chịu của Phnom Penh. Bình luận về điều này, Hà Nội được nhiều người khen, nhưng cũng có không ít người chê.

Người khen thì phân tích rằng: Hà Nội làm thể là tỉnh táo, biết lấy cái “đại cục” là quan hệ hữu nghị đặc biệt, và truyền thống đoàn kết, gắn bó với một quốc gia láng giềng, và cả sự đoàn kết của các thế hệ tương lai của hai nước…, làm quan trọng nhất. Nếu thiếu kiềm chế, nổi nóng trước lời lẽ xóc óc kiểu: “Tôi sẽ không để bất cứ ai đốt nhà của mình để nấu một quả trứng, cho dù đó là đồng minh hay là kẻ thù đi chăng nữa” của cựu Thủ tướng Hun Sen; hoặc: “Không gì có thể ngăn cản việc xây dựng dự án kênh đào Phù Nam…”, và “nếu Việt Nam không hài lòng với dự án này thì Campuchia có thể buộc phải cấm hàng hóa của họ đi qua Việt Nam theo đường sông Mekong” của đương kim Thủ tướng Campuchia Manet, biết đâu mọi thứ có thể thành “to chuyện” hơn.

Người chê tất nhiên cũng cái lý của họ. Cái lý trước hết là trách nhiệm của Campuchia – một quốc gia cùng với Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Việt Nam “chung một dòng sông” (Mekong) dài gần 5000 km, có hệ sinh thái cực kỳ đa dạng; là môi trường sống, nguồn cung cấp thực phẩm chủ lực cho khoảng 70 triệu người thuộc các cộng đồng sinh sống ven sông ở các nước Đông Nam Á, là nguồn thủy điện khổng lồ…, đối với việc bảo vệ dòng sông này.

Về mặt hình thức, Campuchia cho rằng, họ đã làm điều đó. Bằng chứng là, từ khi dấm dứ ý hiện thực hóa ý tưởng kênh đào Phù Nam Techo – một dự án được coi là khổng lồ, tiêu tốn 1,7 tỷ USD, mất 4 năm để hoàn thành…, cho tới nay, cùng với trấn an cộng đồng các quốc gia trong khu vực và quốc tế rằng: Kênh Phù Nam Techo, khi đi vào khai thác, vận hành chỉ rút đi “lượng nhỏ”; rằng: lưu lượng nước qua kênh đào dự kiến chỉ 5m3/s, tương đương 0,053% lưu lượng sông Mekong; rằng: các vấn đề đánh giá tác động môi trường đã được Campuchia xem xét kỹ, bởi một khi có sự cố, chính Campuchia cũng là bên gánh chịu; rằng, dự án hoàn toàn phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Campuchia; chẳng thể có chuyện Campuchia để cho Trung Quốc sử dụng kênh này như một cách tiến ra Biển Đông nhanh và tiện lợi hơn, khiến vùng biển này đã phức tạp càng thêm phức tạp – điều mà ngay cả Washington cũng quan tâm và đang lấy làm lo lắng…, Phnom Penh đã thực hiện trách nhiệm theo Hiệp định Mekong năm 1995 bằng việc thông báo dự án kênh đào Phù Nam Techo cho Ủy hội sông Mekong tháng 8 năm ngoái – như tuyên bố của Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol trong cuộc họp báo ngày 6/5 tại Phnom Penh.

Thực ra, về nguyên tắc, cứ cho là (Campuchia) không bắt buộc phải tham vấn trước hoặc phải có thỏa thuận cụ thể với các nước thành viên Ủy hội sông Mekong ((Mekong River Commission, viết tắt là MRC), mà chỉ làm việc với “một đầu mối” MRC, nhưng với điều kiện những gì ông Sun Chanthol thông tin là chân thực, và MRC phải làm hết trách nhiệm của mình.

Trớ trêu, cả hai điều kiện trên, tới thời điểm này, đều chưa xảy ra.

Thứ nhất, trong một thông tin mới đây phản hồi lại những ầm ĩ xung quan dự án Phù Nam Techo, chính MRC cho biết Campuchia đã không chia sẻ nghiên cứu khả thi của kênh đào mặc dù nhiều bên đề nghị, và MRC đã hai lần gửi thư đề nghị chính thức vào tháng 8 và tháng 10 năm ngoái.

Chẳng lẽ, một tổ chức quốc tế, có trách nhiệm lớn như MRC lại “nói điêu” cho một thành viên? Với dư luận, đó là điều không thể. Và như thế, có lý do để cho rằng, MRC đã “cáo buộc” Campuchia không chỉ thiếu trách nhiệm mà còn thiếu trung thực.

Thứ hai, khẳng định của MRC về việc tận tới nay cũng không được Campuchia chia sẻ nghiên cứu khả thi của kênh đào, vậy thì tổ chức quốc tế không chỉ có trách nhiệm nhất trong việc phối hợp quản lý và phát triển tài nguyên nước cũng như tài nguyên có liên quan một cách bền vững, mà còn cung cấp thông tin khoa học và cố vấn chính sách cho những dự án liên quan…, làm sao có căn cứ để xem xét theo trách nhiệm lớn lao của mình?

Nói cách khác, cho tới nay, các thông tin quan trọng nhất liên quan dự án kênh đào Phù Nam Techo vẫn chỉ từ một nguồn Campuchia. Trong hoàn cảnh dư luận eo xèo, Phnom Penh không “nói tốt về mình” mới là lạ.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới