Saturday, December 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giới"Chiến tranh Lạnh" dưới đáy biển: Các dự án cáp ngầm đang...

“Chiến tranh Lạnh” dưới đáy biển: Các dự án cáp ngầm đang vòng tránh TQ

Nhiều tuyến cáp quang biển mới đang vòng tránh Trung Quốc, trung tâm dữ liệu của các doanh nghiệp công nghệ thông tin toàn cầu đang gia tăng “phi Trung Quốc hóa”.

Nhiều dự án cáp ngầm dưới đáy biển đang vòng tránh Trung Quốc

Trước đây có ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ là nút kết nối của mạng lưới cáp ngầm đáy biển. Tuy nhiên, nhiều dự án cáp ngầm được lên kế hoạch hiện đang bắt đầu vòng qua Trung Quốc và kết nối trực tiếp với Đông Nam Á. Việc thiếu kế hoạch triển khai cáp quang dưới đáy biển sẽ cản trở việc xây dựng các trung tâm dữ liệu của Trung Quốc.

Tờ Nikkei Asia của Nhật Bản đã phân tích dữ liệu từ công ty nghiên cứu TeleGeography của Mỹ, chỉ ra rằng sau năm 2026, Trung Quốc không có kế hoạch lắp đặt bất kỳ tuyến cáp ngầm mới nào và 3 tuyến cáp ngầm cuối cùng nối Trung Quốc đại lục với Hong Kong sẽ được hoàn thành vào năm 2025.

Để so sánh, vào năm tới sẽ có thêm 7 tuyến cáp ngầm được nối tới Singapore, nhiều hơn gấp đôi so với Trung Quốc. Sau đó, Singapore sẽ bổ sung thêm 9 tuyến cáp ngầm tới Guam và 4 tuyến cáp ngầm tới Nhật Bản.

Cáp ngầm là “xương sống” của Internet, vận chuyển 99% lưu lượng dữ liệu của thế giới. Theo dữ liệu từ TeleGeography, khoảng 140.000 km cáp ngầm sẽ được lắp đặt dưới đáy đại dương trên thế giới trong năm 2024, gấp ba lần so với 5 năm trước. Sự tăng trưởng này phản ánh sự gia tăng nhu cầu lưu lượng truy cập do sự phổ biến của dịch vụ video trực tuyến và đám mây.

Ngày 10/4 vừa qua, Google đã công bố một dự án trị giá 1 tỉ USD để xây dựng 2 tuyến cáp ngầm dưới biển nối Nhật Bản – Guam – Hawaii. Khi Google thông báo tin này, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có hội nghị thượng đỉnh ở Washington. Hai nhà lãnh đạo cho biết trong một tuyên bố chung rằng họ hoan nghênh khoản đầu tư này và thêm rằng nó sẽ “cải thiện cơ sở hạ tầng truyền thông kỹ thuật số giữa Mỹ, Nhật Bản và các quốc đảo Thái Bình Dương”.

Các nhà phân tích cho rằng trong khi mức tiêu thụ dữ liệu của Trung Quốc ngày càng tăng thì các dự án cáp ngầm mới của họ lại đang giảm dần, điều này phản ánh sự đối kháng giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ.

Ông Alan Mauldin, Giám đốc nghiên cứu của TeleGeography, nói với Nikkei Asia rằng, đằng sau hành động tưởng chừng như có sự phối hợp nhất trí này là “the subsea cold war” (cuộc chiến tranh lạnh dưới đáy biển) giữa Mỹ và Trung Quốc.

Xu hướng bị đảo ngược
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc hiện đang tiêu thụ lượng dữ liệu khổng lồ. Kể từ năm 1994, 15 tuyến cáp ngầm dưới biển với tổng chiều dài hơn 1.000 km đã được đưa vào vận hành toàn bộ, kết nối Trung Quốc với thế giới. Công ty China Mobile và các doanh nghiệp nhà nước khác của Trung Quốc đã chủ đạo các dự án xuyên Thái Bình Dương này, đôi khi còn hợp tác với các công ty Mỹ hùn vốn.

Tuy nhiên, xu hướng này đã thay đổi vào năm 2020, khi chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua sáng kiến ​​”The Clean Network” (còn gọi là Mạng sạch) nhằm loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi các dự án cơ sở hạ tầng viễn thông. Kể từ đó, Mỹ đã duy trì lập trường cứng rắn này với lý do cần phải đảm bảo an ninh dữ liệu.

Năm 2020, Bộ Tư pháp Mỹ đã đốc thúc Google và Meta xem lại kế hoạch lắp đặt 13.000 km cáp ngầm dưới đáy biển giữa Los Angeles và Hong Kong. Khi đó, dự án này đang ở giai đoạn cuối nhưng hai gã khổng lồ công nghệ vẫn quyết định loại trừ Trung Quốc và hạn chế các điểm đến là Đài Loan (Trung Quốc) và Philippines.

Dự án cáp ngầm dưới biển do Ngân hàng Thế giới (WB) chủ trì ở các quốc đảo Nam Thái Bình Dương cũng đã loại bỏ các công ty Trung Quốc, phù hợp với chính sách của Mỹ.

Những hành động phối hợp nhất trí này đã nhanh chóng làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc trong mạng lưới cáp ngầm đáy biển. Những người trong ngành cho biết các công ty Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc lắp đặt các tuyến cáp đi vòng qua Trung Quốc. Một một quan chức của một công ty quản lý cáp nói với Nikkei Asia: “Những nỗ lực này do một số công ty như Google chủ đạo”.

Từ năm 2021 đến năm 2025, tổng chiều dài các dự án cáp biển quốc tế do các ông lớn công nghệ Mỹ tham gia đạt 220.000 km, chiếm 48% tổng số dự án cáp ngầm biển mới trên toàn cầu, tăng 15 điểm phần trăm so với giai đoạn trước.

Việc lắp đặt cáp ngầm cũng sẽ ảnh hưởng đến vị trí của các trung tâm dữ liệu. Công ty tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield của Mỹ dự đoán tỷ trọng doanh thu của Trung Quốc trong trung tâm dữ liệu toàn cầu sẽ giảm từ 9% năm 2023 xuống còn 7% vào năm 2028 và tỷ trọng của Mỹ cũng sẽ giảm từ 49% xuống 38%; trong khi thị phần của các nước ASEAN có khả năng tăng từ 9% lên 11% nhờ một loạt kế hoạch lắp đặt cáp ngầm dưới biển.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới