Sunday, December 29, 2024
Trang chủBiển ĐôngViệt Nam có chiến lược gì bảo vệ biển

Việt Nam có chiến lược gì bảo vệ biển

Kế hoạch của Việt Nam nhằm phát triển năng lực tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) đang được định hình.

Trong nhiều năm, Việt Nam dần mua sắm thêm nhiều loại vũ khí để “làm mới” kho vũ khí vốn đã lạc hậu từ thời Chiến tranh Lạnh, phần lớn mua từ Nga nhưng từ các nguồn khác cũng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, hiệu quả về mặt quân sự rõ ràng không chỉ phụ thuộc vào các loại vũ khí nóng; mà năng lực phát hiện, theo dõi, và chỉ đường cho vũ khí tạo nên các yếu tố quan trọng khác. Nhận thức được điều này, bên cạnh việc tiếp tục mua thêm vũ khí, Hà Nội đã tiến hành những bước đi ban đầu, nhưng quan trọng, trong việc thiết lập một mạng ISR toàn diện.

Thông qua bối cảnh này, chúng ta có thể lý giải được tiềm năng quân sự to lớn của thỏa thuận giữa Việt Nam và Ấn Độ nhằm thành lập một trạm theo dõi vệ tinh ở Thành phố Hồ Chí Minh, và một báo cáo trước đó vào năm ngoái về thiết bị bay không người lái (UAV) mới của Việt Nam sẽ tuần tra trên Biển Đông.

Một kế hoạch tổng thể về ISR?

UAV và các chương trình vệ tinh viễn thám của Việt Nam thường được quan tâm đầu tư vì ưu thế của chúng trong nông nghiệp, quản lý thiên tai và quản lý nghề cá. Thoạt nhìn, bước đi này phù hợp với các khuôn mẫu chung thường thấy ở Đông Nam Á – như Indonesia (xem ở đây và ở đây) và Singapore, là những nước có chương trình UAV đã và đang được triển khai tích cực. Với các vệ tinh quan sát trái đất, Singapore đã triển khai TeLEOS-1, hợp tác thiết kế bởi ST Electronics, Đại học Công nghệ Nanyang và Các phòng nghiên cứu Khoa học Quốc phòng (Defence Science Organisation Laboratories) vào tháng 12 năm 2015. Philippines cũng sẵn sàng triển khai vệ tinh quan sát trái đất siêu nhỏ Diwata-1.

Thế nhưng rõ ràng công dụng của các vệ tinh vẫn có thể được sử dụng vào mục đích quốc phòng, vì chúng tạo ra hệ thống dữ liệu có thể được dùng cho nhiều mục đích khác nhau. Như vệ tinh dân sự chẳng hạn, dù có thể không sở hữu năng lực tương đương như các biến thể quân sự, chúng vẫn có thể hoàn thành một số nhiệm vụ quân sự cường độ thấp trong thời bình và cả trong thời chiến. Một số vệ tinh sử dụng cho mục đích dân sự nhưng cho thấy hiệu suất và năng lực tương đương một vệ tinh quân sự. Ví dụ như vệ tinh TeLEOS-1 có độ phân giải toàn sắc ở mức 1 mét (ở điểm thấp nhất), vì vậy rất hữu dụng về mặt quân sự. Ranh giới giữa ứng dụng quân sự và dân sự thường bị xóa mờ trong các dạng công nghệ lưỡng dụng như thế. Điều này đặc biệt đúng trong môi trường hàng hải.

Những năm gần đây, có dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang thực hiện chiến lược thiết lập cái gọi là “nhận thức biển” (maritime domain awareness) tại Biển Đông. Đáng chú ý, vào tháng 2 năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho biết họ sẽ dần hiện đại hóa các “trạm quan sát khí tượng thủy văn và môi trường biển” cũng như xây dựng các trạm quan trắc mới tại những vùng biển quan trọng như một phần của một kế hoạch tổng thể nhằm thiết lập một hệ thống gồm tổng cộng 35 trạm quan sát tài nguyên và môi trường biển trước năm 2020. Mạng lưới tích hợp này, một phần quan trọng của một dự án gồm 3 giai đoạn được lên kế hoạch bởi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI), sẽ giúp cải thiện năng lực quản lý quốc gia đối với biển và các đảo thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Trong đó, mạng lưới này cũng được thiết kế với mục đích an ninh quốc phòng, tạo ra một nền tảng rõ ràng cho các nỗ lực phát triển năng lực ISR của Việt Nam.

Do đó, rất có khả năng những cải thiện về năng lực ISR của Việt Nam phần nào nhằm đối phó với những diễn biến gần đây ở Biển Đông, nơi căng thẳng luôn tái diễn. Hà Nội dường như đang cố gắng theo đuổi những động thái tương tự của Bắc Kinh, bao gồm toan tính tạo ra một hệ thống các vệ tinh giám sát biển HY-3 mới vào năm 2019, mà theo Lin Mingsen – phó giám đốc Cục ứng dụng Vệ tinh Hải dương Quốc gia Trung Quốc, là có “một vai trò quan trọng trong việc củng cố và bảo vệ quyền lợi trên biển, giám sát và thực thi pháp luật trên biển, quản lý vùng nước gần bờ, cứu trợ và giảm thiểu thiên tai trên biển của Trung Quốc”. Cũng không thể bỏ qua sự phát triển nhanh chóng của công nghệ UAV do Trung Quốc tự mình phát triển, ví dụ như chiếc UAV Ứng Long I có trần bay trung bình nhưng có độ ổn định cao (MALE), được cho là đã được sản xuất đại trà trong năm 2015, trong cùng năm hậu bối của Ứng Long I là Ứng Long II đã được ra mắt.

Với đường bờ biển dài 3.444km (không tính các đảo) và vùng biển rộng lớn bao gồm các khu vực có đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, Việt Nam rõ ràng cần một chiến lược ISR toàn diện để tăng cường năng lực nhận thức biển cũng như năng lực định vị mục tiêu trên biển trong thời chiến cũng như thời bình. Không giống như việc mua sắm những vũ khí đắt tiền như máy bay chiến đấu phản lực Su-30MK2 hay tàu ngầm lớp Kilo, những dự án bí mật liên quan đến ISR hiện nay tránh né được hầu hết sự chú ý từ dư luận trong khi vẫn đang được âm thầm triển khai.

Vệ tinh quan sát trái đất cho mục đích dân sự?

Năng lực ISR liên quan đến các hệ thống được đặt trên không gian, thường được ẩn giấu dưới lớp vỏ nghe có vẻ dân sự là phát triển “vệ tinh quan sát trái đất”, cấu thành một khía cạnh quan trọng trong nỗ lực cải thiện năng lực ISR của Việt Nam. Điều đó bắt đầu với “Chiến lược Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Vũ trụ của Việt Nam đến năm 2020” được thông qua vào tháng 6 năm 2006 với vốn đầu tư 2 tỷ đôla. Chưa đầy một năm sau, Viện Công nghệ Vũ trụ (STI) đã được thành lập để đảm nhiệm việc nghiên cứu khoa học và công nghệ vũ trụ, dường như tập trung hơn vào các ứng dụng dân sự. Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) Nguyễn Đình Công cho biết chiến lược giúp phát triển những vệ tinh quan sát trái đất nhỏ nội địa.

Nhưng ở đây rõ ràng có một ý nghĩa quân sự nhất định. Trở lại tháng 12 năm 2008, Chủ tịch Chương trình Nghiên cứu Quốc gia về Khoa học và Công nghệ Vũ trụ Nguyễn Khoa Sơn nói rằng “Nếu chúng tôi có vệ tinh riêng, chúng tôi có thể ứng phó nhanh chóng hơn với thiên tai và chủ động hơn trong các hoạt động quốc phòng an ninh”. Ngoài ra, Ủy ban Vũ trụ Việt Nam, thành lập năm 2010 và có nhiệm vụ tư vấn cho thủ tướng về việc thực thi chiến lược vũ trụ, đã được tăng cường nhân sự vào tháng 1 năm 2013 bao gồm đại diện từ các cơ quan chính phủ khác, đặc biệt là bộ Quốc phòng.

Theo xu hướng vốn điển hình cho một quốc gia mới nổi muốn sở hữu vệ tinh, Việt Nam trước tiên khởi đầu với các vệ tinh liên lạc (communications satellites). Sau vài trì hoãn, Việt Nam đã phóng vệ tinh VINASAT-1 vào tháng 4 năm 2008, sau đó là VINASAT-2 vào tháng 5 năm 2012. Người Việt Nam đã cho thấy họ học hỏi nhanh như thế nào. Lockheed Martin, nhà thầu cho cả hai vệ tinh VINASAT, ca ngợi năng lực của các kỹ sư Việt Nam trong việc làm chủ kỹ năng điều khiển các vệ tinh. Lockheed Martin trao quyền điều khiển VINASAT-2 cho chính quyền Việt Nam vào tháng 7 năm 2012, hai tháng sau khi vệ tinh được phóng đi. Việc chuyển giao rút ngắn chỉ còn phân nửa thời gian giành cho VINASAT-1, được giao lại cho Hà Nội vào tháng 8 năm 2008 – chứng minh ở một mức độ nào đó khả năng chiếm lĩnh kỹ thuật của Việt Nam.

Nhưng Việt Nam phải đối mặt với khó khăn lớn hơn nhiều khi tiến vào lĩnh vực viễn thám (remote-sensing). Vào tháng 7 năm 2012, Việt Nam phóng vệ tinh quan sát trái đất nội địa đầu tiên, vệ tinh F-1, thiết kế bởi Phòng nghiên cứu không gian (FSpace) của Đại học Công nghệ FPT. Nó có kích thước 10 x 10 x 10 cm, chỉ nặng 1 kg và có khả năng chụp ảnh có độ phân giải thấp (640×480). Vũ Trọng Thư – Trưởng Phòng nghiên cứu không gian, nói rằng Việt Nam mong muốn làm chủ công nghệ không gian về nhiều mục đích khác nhau, bao gồm do thám trên Biển Đông – chứng minh vai trò ISR của F-1. Nhưng vệ tinh siêu nhỏ này đã không thể truyền tín hiệu về Trái đất, có thể do vấn đề về pin. Tham vọng của Việt Nam dần khiến quốc gia này từ bỏ sự phụ thuộc của mình vào dữ liệu viễn thám có nguồn gốc từ nước ngoài vốn được bán với “giá cắt cổ”, theo ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia Việt Nam (VNSC). Trong cuộc phỏng vấn vào tháng 3 năm 2015, ông Tuấn lý giải: “Hiện tại, để có một bức ảnh vệ tinh, Việt Nam phải đặt hàng trước, và sẽ chỉ nhận được ảnh sau hai ngày. Thực ra, trong vài trường hợp Việt Nam không thể có được hình ảnh mà chúng tôi cần kịp thời. Tuy nhiên, nếu chúng tôi có được vệ tinh và một trung tâm vũ trụ riêng, mọi thứ có thể được xử lý trong vòng 6-12 tiếng, bao gồm chụp ảnh và xử lý dữ liệu”.

Vì vậy vệ tinh nhỏ thứ hai của Việt Nam, VNREDSat-1, có kích thước 600 x 570 x 500 mm và nặng 120kg, đã được đưa vào quỹ đạo vào tháng 5 năm 2013 và truyền tải thành công những hình ảnh đầu tiên trở về Trái đất hai ngày sau khi phóng. VNREDSat-1 được thiết kế bởi Astrium SAS, một công ty con của Công ty Phòng không và Vũ trụ châu Âu (EADS), và chi phí dự án trị giá 70 triệu đôla do chính phủ Pháp và Việt Nam cung cấp. Khi công ty Astrium SAS trao quyền điều khiển VNREDSat-1 cho VAST bốn tháng sau đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã gọi đó là một cột mốc lịch sử trong sự phát triển công nghệ vũ trụ của Việt Nam, khẳng định sự làm chủ hoàn toàn “công nghệ vệ tinh nhỏ” và khả năng xử lý hình ảnh độc lập. Quan trọng nhất là, theo Chủ tịch Chương trình Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Quốc gia Nguyễn Khoa Sơn, VNREDSat-1 giúp giảm thiểu sự phụ thuộc của Việt Nam vào hình ảnh từ nguồn nước ngoài.

Chắc chắn rằng tầm quan trọng về quân sự của VNREDSat-1 không thể bị bỏ qua. Vào tháng 2 năm 2014, Nguyễn Xuân Lâm, Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết VNREDSat-1 sẽ được dùng để giám sát vùng biển và các đảo của Việt Nam vì mục đích phát triển kinh tế xã hội cũng như an ninh quốc phòng, theo dự án “Giám sát biển và các đảo trọng yếu ngoài khơi bằng công nghệ viễn thám”. Tại một hội nghị vào tháng 5 cùng năm, Phó Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai cho biết VNREDSat-1 sẽ là một công cụ hiệu quả trong việc quản lý tài nguyên môi trường và bảo vệ chủ quyền đối với đất liền, biển, đảo và vùng trời của Việt Nam.

Việt Nam rõ ràng cảm thấy phấn chấn hơn sau thành công của VNREDSat-1 và của Pico Dragon – vệ tinh có kích thước hầu như tương tự vệ tinh F-1 xấu số và đã được phóng đi không lâu sau đó, truyền được tín hiệu đầu tiên đến Trái đất. Trước năm 2016, theo ông Tuấn, Việt Nam dự định phóng vệ tinh NanoDragon nặng 10kg hoàn toàn do Việt Nam phát triển, sau đó là vệ tinh MicroDragon nặng 50kg vào năm 2018, và sau đó nữa là vệ tinh LOTUSat-2 nặng 500-600kg có khả năng chụp ảnh radar có khẩu độ tổng hợp băng X với độ phân giải từ 1-16m, trước năm 2020. Rõ ràng là Hà Nội đã chọn hướng tiếp cận tăng dần đều, đi từ vệ tinh nhỏ đến lớn hơn và có hiệu suất cao hơn.

Căn cứ vào thực tế thì VNREDSat-1 mang một camera chụp ảnh có độ phân giải 2.5 m, chắc chắn không đáp ứng được tiêu chuẩn độ phân giải cao (1 m hoặc ít hơn) vốn là đặc điểm quan trọng của các vệ tinh quân sự. Điều này ngăn cản Việt Nam xác định và quan sát với độ chính xác cao các hoạt động diễn ra ở Biển Đông. Hạn chế của VNREDSat-1 và tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng ở Biển Đông là chất xúc tác cho những kế hoạch tiếp theo. Vào tháng 10 năm 2014, Hà Nội ký thỏa thuận với Bỉ phát triển vệ tinh VNREDSAT-1B, dự kiến phóng lên quỹ đạo vào năm 2017. Tuy nhiên, không may là sau đó họ đã rút khỏi thỏa thuận này, theo sau sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán kéo dài liên quan tới một điều khoản của hợp đồng.

Thoả thuận với Ấn Độ nhằm xây dựng một trạm theo dõi vệ tinh ở Việt Nam, cho phép Hà Nội truy cập vào dữ liệu từ cụm vệ tinh viễn thám dân sự và quân sự của Ấn Độ. Phải đối mặt với lỗ hổng về năng lực viễn thám cho đến khi vệ tinh hiệu quả hơn LOTUSat-2 đi vào hoạt động, Việt Nam có thể xem đây là một biện pháp thay thế tạm thời trong ngắn hạn để có được các dữ liệu quân sự hữu dụng và có độ chính xác cao hơn từ các vệ tinh của Ấn Độ như vệ tinh chụp ảnh bằng radar RISAT-2. Cho dù các quan chức Ấn Độ luôn khẳng định rằng RISAT-2 chỉ được dùng để phòng chống thiên tai, vệ tinh này hoàn toàn có khả năng quan sát các vật thể với kích thước nhỏ chỉ vào khoảng 10cm. Trong dài hạn, Hà Nội có thể đã cho rằng việc hợp tác với New Delhi tạo điều kiện thuận lợi cho mục tiêu tối thượng của Việt Nam là giành được sự tự chủ về năng lực viễn thám vệ tinh.

Máy bay không người lái cho thấy tiến bộ ngày càng vững chắc hơn

So với vệ tinh, thiết bị bay không người lái (UAV) là lĩnh vực mà Việt Nam được cho là đã đạt được nhiều thành công, một phần không nhỏ bởi sự tiếp cận tương đối dễ dàng với những công nghệ lưỡng dụng thường thấy trong những thiết bị này. UAV đã trở thành một khía cạnh quan trọng trong kế hoạch phát triển năng lực ISR, và cũng rất chính đáng vì máy bay không người lái đã trở thành thứ vũ khí xuất hiện thường trực trong chiến tranh hiện đại. Thực tế là Việt Nam đã bắt đầu phát triển UAV từ khá lâu vào năm 1978 khi Viện Công nghệ không quân triển khai chương trình TL-1. HL-1, UAV quân sự chuyên dụng đầu tiên, được thiết kế dựa trên một nguyên mẫu của Pháp nhưng những hạn chế về tài chính khiến cho HL-1 chỉ mới hoàn thiện được một phần.

Trong những năm gần đây, Hà Nội đã có những bước đi nhằm hồi sinh chương trình UAV của mình. Từ năm 2010, họ đã hợp tác với tập đoàn hàng không vũ trụ Irkut của Nga để phát triển UAV. Hợp tác Nga-Việt về UAV được tăng cường vào tháng 3 năm 2012 với một thỏa thuận mới được ký giữa Hiệp hội Hàng không Vũ trụ Việt Nam (VASA) và Irkut để phát triển một UAV khối lượng nhỏ hơn 100kg với thời gian bay 16 giờ. Hợp đồng được cho là trị giá 10 triệu đôla và bao gồm chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Nhưng cũng rõ ràng rằng Hà Nội đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp công nghệ UAV. Đáng chú ý hơn, vào tháng 12 năm 2012, VASA ký một thỏa thuận UAV với một công ty Thụy Điển, giai đoạn đầu bao gồm sự hỗ trợ từ phía Thụy Điển để bước đầu chế tạo 2 máy bay UAV Magic Eye-1, mỗi chiếc nặng 40kg và có thể ở trên không trong 6 giờ. Các giai đoạn tiếp theo bao gồm hợp tác kỹ thuật trong các thiết bị điện tử tích hợp trong UAV (như cơ chế lái tự động, camera) và hợp tác xuất khẩu.

Hà Nội dường như đã chọn một chiến lược hai mũi nhọn là cố gắng có được những hệ thống ngoại nhập đồng thời vận hành chúng thông qua chuyển giao công nghệ. Ít nhất năm mẫu UAV đã được thử nghiệm cho đến nay, trang bị các loại thiết bị chuyên dụng đa dạng. Tuy nhiên, không phải mọi nỗ lực đều dẫn đến thành công. Chẳng hạn như, cũng vào tháng 2 năm 2014 hải quân Việt Nam được cho là đã thảo luận với công ty Schiebel của Áo để mua máy bay UAV trực thăng S-100 Camcopter, dường như là được dùng để triển khai trên những tàu hộ tống SIGMA của Hà Lan mà Hà Nội được cho là đã đặt mua trước đó. Nhưng thương vụ tàu hộ tống đã thất bại, dù thật ra không có gì khó hiểu nếu chiếc UAV tương tự sẽ cất cánh từ các loại tàu chiến khác nếu Việt Nam kiên trì trong vụ mua bán này. Không nản lòng, Hà Nội vẫn kiên trì với chiến lược phát triển UAV hai mũi nhọn này, bắt đầu với các hệ thống chiến thuật được tối ưu hóa cho hoạt động ISR tầm ngắn trên chiến trường.

Chuyến bay thử thành công của chiếc AV.UAV.S2 nguyên mẫu trên bầu trời tỉnh Lâm Đồng thuộc Tây Nguyên vào tháng 5 năm 2013, được đưa tin trên truyền thông quốc gia Việt Nam là đã mở đường cho sự phát triển tiếp theo của chương trình UAV nhằm giải quyết “các nhiệm vụ cấp bách khác”. Sau đó vào tháng 2 năm sau, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã ra mắt chiếc UAV chiến thuật Patrol VT được sản xuất trong nước, trang bị một bộ cảm biến hồng ngoại độ nét cao có khả năng chụp ảnh chất lượng cao trong phạm vi 600m. Khoảng bảy tháng sau, Việt Nam đưa vào trang bị UAV mini Orbiter-2 từ Israel. Nó ra mắt truyền thông Việt Nam vào tháng 12, yểm trợ cho buổi tập bắn đạn thật của lực lượng pháo binh phòng thủ bờ biển thuộc hải quân, trong đó nổi bật nhất là dàn rocket EXTRA do Israel sản xuất. Hà Nội có thể đã hài lòng với Orbiter-2 và do đó quyết định tiếp tục đặt mua thêm, đồng thời đặt hàng UAV Orbiter-3 lớn hơn có khả năng bay trong 7 giờ.

Nhưng những chiếc UAV chiến thuật như vậy thì có đặc thù khá bất lợi bởi thời gian bay và tải trọng hạn chế. Việt Nam rõ ràng đang tìm kiếm nhiều loại UAV mạnh mẽ hơn. Một cán bộ cấp cao chịu trách nhiệm về phát triển UAV tại Trung tâm khí cụ bay của Viettel tuyên bố vào tháng 6 năm 2013 rằng mục tiêu dài hạn của công ty là phát triển một chiếc UAV có khả năng bay trong 15-24 giờ đồng hồ. Về phía cạnh này, Việt Nam dường như đã hưởng lợi phần nhiều từ mối quan hệ kỹ thuật quân sự với Belarus, với một thương vụ mua UAV và một hiệp định phát triển chung được ký kết vào tháng 5 năm 2013. Rất có khả năng là HS-6L – một máy bay không người lái tầm bay cao, thời gian bay dài (HALE) được báo cáo vào tháng 12 năm 2015 – đã được phát triển với sự hỗ trợ của Belarus. Có phạm vi hoạt động 4000km và thời gian bay 35 giờ, chiếc UAV này sẵn sàng thực hiện các chuyến bay thử trên biển Đông trong quý 2 năm 2016.

Tuy lép vế so với Trung Quốc, Việt Nam vẫn kiên trì phát triển một hệ thống UAV có tầm hoạt động bao quát, tối ưu cho những nhiệm vụ chiến lược và chiến thuật quân sự đa dạng. Trong vòng không quá một thập niên, họ đã có những tiến bộ vượt bậc bởi một phần không nhỏ nhờ vào sự tiếp cận với công nghệ nước ngoài. Trong tương lai gần, Hà Nội sẽ có được một mức độ tự chủ nhất định về UAV để hoàn thiện một khía cạnh quan trọng tổng thể năng lực ISR.

Khoảng cách về sức mạnh ISR khó san lấp

Dù con đường mà Hà Nội chọn trong việc xây dựng khả năng ISR của mình cho đến nay là khá tốt và thực tế, nhưng rõ ràng là vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi một hệ thống ISR đa lớp hoàn thiện được được xây dựng cho hoạt động nhận thức biển (MDA) cũng như năng lực định vị ở Biển Đông. Có sự thiếu hụt lực lượng các thiết bị ISR bay có người lái, và đặc biệt là các loại máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không (AEW&C) và máy bay tuần tra trên biển.

Một chiếc máy bay AEW&C chủ yếu dành cho việc giám sát trên không và sở hữu chức năng thứ hai là giám sát biển nhưng những loại vũ khí như thế thường rất đắt. Máy bay tuần tra trên biển là sự thay thế tiếp theo, được tối ưu hóa cho nhiệm vụ giám sát trên biển. Hiện tại, các loại máy bay tuần tra và giám sát biển mà Việt Nam đang sở hữu như DHC-6 Guardian-400 của Canada và CASA-212 của Tây Ban Nha gặp bất lợi do các hạn chế về thời gian bay, trọng tải và tầm bay. Chỉ có các loại máy bay tuần thám biển lớn hơn mới có thể thực hiện các nhiệm vụ ISR phức tạp với độ chính xác về thời gian cao hơn, nếu xét tới vùng biển chủ quyền rộng lớn của Việt Nam.

Kể từ khi có tin Hà Nội thể hiện sự “quan tâm sâu sắc” với việc muốn mua các máy bay P-3C Orion từ Mỹ vào tháng 4 năm 2013, vẫn chưa có động thái kế tiếp nào được đưa ra dù rằng Washington đã nới lỏng phần nào cấm vận xuất khẩu vũ khí đối với Việt Nam vào tháng 9 năm 2010. Một chiến lược ít tốn kém hơn có thể là cải tiến máy bay vận chuyển tầm trung C-295 mới để thực hiện nhiệm vụ ISR. Nhưng những máy bay này dự định ban đầu là để thay thế các phi đội máy bay vận tải cánh cố định đã lỗi thời của Liên Xô, do đó không còn chiếc nào còn thừa ra cho quá trình chuyển đổi này.

Trong bất cứ trường hợp nào, việc Việt Nam chuyển trọng tâm từ việc hồi sinh vũ khí động năng trước đây sang hoạt động ISR hiện tại là một sự chuyển biến hợp lý. Đã đầu tư không ít vào máy bay phản lực, tên lửa, tàu chiến và tàu ngầm mới, Hà Nội rõ ràng nhận ra sự cần thiết phải chú ý hơn đến năng lực ISR. Những chương trình cải thiện năng lực ISR sắp tới của Việt Nam hướng đến xây dựng những thiết bị viễn thám từ vũ trụ và thiết bị bay không người lái vốn sẽ giúp củng cố thêm khả năng ISR “truyền thống” của Việt Nam hiện tại trên các loại vũ khí trên không, đất liền, dưới mặt nước và trên bờ biển.

Cuối cùng, việc phát triển một năng lực ISR toàn diện rốt cuộc sẽ cho phép Việt Nam tăng cường tiềm lực cho kho vũ khí của mình lên mức tối đa cho mục đích thực hiện các nhiệm vụ ngăn chặn và kiểm soát trên các vùng biển, thực tế là thực hiện chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD) của riêng mình ở Biển Đông. Suy cho cùng các loại vũ khí mà Hà Nội nắm trong tay vẫn khá nhỏ về số lượng nếu so với Trung Quốc, như vậy một hệ thống ISR toàn diện sẽ đóng vai trò như một nhân tố quý giá giúp gia tăng sức mạnh.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới