Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Công lý chuyển đổi” của Đài Loan

“Công lý chuyển đổi” của Đài Loan

Hôm 20/5, ngày làm việc cuối cùng của bà Thái Anh Văn tại Phủ Tổng thống Đài Loan; ngày ông Lại Thanh Đức nhâm chức Tổng thống. Đây cũng là ngày Đài Bắc và Bắc Kinh tiếng bấc tiếng chì qua lại.

Có sự bất đồng quan điểm là lẽ đương nhiên, bởi Trung Quốc đại lục và Hòn đảo đều có lý riêng của mình. Bắc Kinh cho rằng, Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc. Mọi âm mưu đòi độc lập, tách khỏi đại lục đều là hành động li khai hết sức nguy hiểm.

Trong khi đó Đài Bắc thì công khai tuyên bố, Đài Loan trên thực tế đã là một nhà nước độc lập, với tư cách Trung Hoa Dân Quốc. Không ai có quyền tước đoạt quyền tự do, độc lập ấy. Chính sách mập mờ “một nước hai chế độ” là nước nào, nước hay Nhà nước?

Tại lễ nhậm chức của Tân Tổng thống Lại Thanh Đức, có sự tham dự của 8 nguyên thủ quốc gia và 51 phái đoàn khách quốc tế, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và Canada. Ông Lại đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt “các đe dọa về chính trị và quân sự”, đồng thời cảm ơn người dân Đài Loan đã đồng lòng kháng cự lại “ảnh hưởng của các thế lực bên ngoài” và “kiên quyết bảo vệ nền dân chủ”.

Với thái độ khá mạnh mẽ, nhà lãnh đạo Đài Loan kêu gọi Trung Quốc “chia sẻ với Đài Loan trách nhiệm với thế giới trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại Eo biển Đài Loan, cũng như toàn bộ khu vực, và nỗ lực để thế giới được giải thoát khỏi nỗi lo chiến tranh”. Ông cũng cam kết “sẽ duy trì nguyên trạng”- một diễn đạt uyển chuyển để chỉ chính sách bảo vệ nền độc lập trên thực tế, để tránh dùng cụm từ “Tuyên bố độc lập”.

So với người tiền nhiệm, ông Lại Thanh Đức đã dấn thêm một chút. Cụ thể, ông đưa ra một diễn đạt ngắn kiểu “Đài Loan và Trung Quốc là hai nước khác nhau”, thay vì “hai Nhà nước”. Bởi “Nước” là quốc gia, chủ quyền đất nước. Còn “Nhà nước” là bộ máy điều hành. Vì vậy không thể có chuyện nhập nhằng một nước mà hai chế độ.

Phản hồi gần như tức thì, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích Đài Bắc. Người phát ngôn Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Chính phủ Trung Quốc – ông Trần Bân Hoa- nói rằng: Lại Thanh Đức đã gửi “tín hiệu nguy hiểm” về việc tìm kiếm độc lập của Đài Loan. Đó là hành động khiêu khích nhằm phá hoại hòa bình và ổn định xuyên Eo biển Đài Loan. Ông Trần nói: “Lại Thanh Đức đã phớt lờ dư luận của nhân dân trên Hòn đảo, bộc lộ bản chất “người công nhân tìm kiếm độc lập của Đài Loan” (!). Và: “Cả hai bên eo biển Đai Loan đều thuộc về một Trung Quốc”.

Cũng trong ngày làm việc cuối cùng, bà Thái Anh Văn đã viết những lời đanh thép trên Facebook: “Hôm nay là ngày cuối cùng tôi làm việc tại Phủ Tổng thống. Gần đây tôi có rất nhiều lịch trình, đều là lần cuối cùng, và tôi cũng đã gặp gỡ rất nhiều bạn bè, họ tranh thủ cơ hội để chụp ảnh cùng tôi. Sau khi chụp ảnh, họ thường nói một câu “Cảm ơn Tổng thống”, nhưng thực ra, người nên nói “cảm ơn” nhất, chính là tôi.

Cảm ơn nhân dân Đài Loan, tám năm trước đã cho tôi cơ hội và chính họ đã gửi gắm những mong muốn và kỳ vọng thay đổi Đài Loan cho tôi. Tôi đã đặt trọn niềm tin vào công cuộc cải cách khi bước vào Phủ Tổng thống. Tôi vẫn nhớ, trong buổi lễ nhậm chức tám năm trước, tôi đã nói rằng tôi sẽ khiến cho mọi người thấy được sự thay đổi của đất nước này.

Vì vậy, chúng tôi đã thành lập Ủy ban công lý lịch sử các tộc người nguyên trú, thành lập Ủy ban xúc tiến công lý chuyển đổi (“Công lý chuyển đổi” là những việc mà các quốc gia tự do dân chủ thực hiện để khắc phục những hành vi vi phạm pháp luật và bất công do chế độ chuyên chế độc tài trước đây đã thực hiện – ND). Chúng ta đã nỗ lực thực thi công lý lịch sử và công lý chuyển đổi của Đài Loan, thể hiện giá trị dân chủ của Đài Loan.

Chúng tôi cũng thúc đẩy nâng cấp nền công nghiệp, ổn định nền kinh tế, góp phần xây dựng đất nước Đài Loan, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, giúp Đài Loan đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và sự thịnh vượng toàn cầu, đồng thời đặt nền móng vững chắc cho các thế hệ sau của chúng ta…

Cảm ơn mọi người, đã cùng tôi tạo ra nhiều lần đầu tiên cho Đài Loan, để tự do dân chủ, công bằng chính nghĩa, tôn trọng bao dung, được sinh sôi nảy nở trên mảnh đất này, viết nên trang sử mới cho Đài Loan, cũng như thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quốc gia.

Tôi từng nói rằng nhiệm kỳ của tôi sẽ kết thúc vào ngày 20 tháng 5, nhưng đất nước của chúng ta luôn tiếp tục tiến về phía trước. Nếu được hỏi muốn để lại câu nói nào cho Đài Loan, tôi sẽ nói, tôi hy vọng Đài Loan là một Đài Loan đoàn kết”.

Một lần nữa, cảm ơn mọi người dân Đài Loan, trong tương lai, dù ở trên cương vị nào đi chăng nữa, tôi vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bạn, cùng Đài Loan tiến bước về phía trước. “Công lý chuyển đổi” là những việc mà các quốc gia tự do dân chủ thực hiện để khắc phục những hành vi vi phạm pháp luật và bất công do chế độ chuyên chế độc tài trước đây đã thực hiện”.

Như vậy là có sự tiếp nối, sự thống nhất cao độ giữa cựu và tân Tổng thống. Họ cùng là người của Đảng Dân chủ Tiến bộ (TPP). Và như vậy, cuộc tái hợp Đại lục với Hòn đảo lại bước vào giai đoạn khó khăn mới. Chỉ nhìn vào sự tham dự Lễ nhậm chức Tổng thống Đài Loan đã thấy, số quốc gia công nhận Đài Loan như một quốc đảo riêng biệt ngày càng nhiều hơn. Đương nhiên, họ vẫn đang thực hiện chính sách “mập mờ chiến lược” – gặp thời thế thế thời phải thế.

Trước đây,theo các nhà bình luận quốc tế, có thể Trung Quốc sẽ thu hồi Đài Loan vào khoảng năm 2030. Theo đó, Bắc Kinh sẽ không tấn công thu hồi Đài Loan, ít ra là trong vài năm tới, vì mong muốn chung của Đại lục là thống nhất Đài Loan bằng biện pháp hòa bình (khả năng muộn nhất là vào năm 2049). Và Bắc Kinh hiểu rằng, thu hồi Đài Loan bằng vũ lực dù có thành công cũng mất mát nhiều về nhân lực, vật lực và uy tín.

Câu chuyện trong Lễ nhậm chức Tổng thống xứ Đài càng chưng minh rõ hơn điều này.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới