Trung Quốc đã phát tín hiệu sẽ trả đũa các rào cản thương mại do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra khi nước này tiến hành cuộc điều tra chống bán phá giá đối với hóa chất nhập khẩu.
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 20/5 thông báo rằng họ đang điều tra việc nhập khẩu copolyme POM từ EU, Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan. POM là một loại nhựa nhiệt dẻo có thể thay thế một phần các kim loại như đồng và kẽm và có nhiều ứng dụng khác nhau, được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp điện tử, sản xuất phụ tùng ô tô và thiết bị y tế.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết cuộc điều tra của Bắc Kinh về việc nhập khẩu hóa chất sẽ mất một năm nhưng có thể kéo dài thêm sáu tháng.
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan giám sát chính sách thương mại của EU, cho biết họ sẽ nghiên cứu kỹ nội dung cuộc điều tra trước khi “quyết định các bước tiếp theo”.
“Chúng tôi hy vọng Trung Quốc đảm bảo rằng cuộc điều tra này hoàn toàn tuân thủ tất cả các quy tắc và nghĩa vụ liên quan của WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới)”, đại diện của EC cho hay.
Ở động thái liên quan, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 20/5 cho biết họ sẽ cấm một số công ty Mỹ thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu liên quan đến Trung Quốc và cấm họ đầu tư mới vào Trung Quốc, bao gồm một công ty bán vũ khí cho Đài Loan.
Theo một tuyên bố, bộ này đã đưa General Atomics Aeronautical Systems vào danh sách các tổ chức không đáng tin cậy và cho biết họ đã bán vũ khí cho Đài Loan.
Theo truyền thông nhà nước, Boeing Defense, Space & Security và General Dynamics Land Systems cũng bị đưa vào danh sách.
Theo Tân Hoa Xã, các giám đốc điều hành cấp cao của cả ba công ty đều bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc, trong khi giấy phép lao động, tư cách lưu trú hoặc cư trú của họ sẽ không được phê duyệt hoặc bị tước bỏ.
Ăn miếng trả miếng
Động thái của Bắc Kinh cho thấy họ sẽ có hành động ăn miếng trả miếng chống lại các rào cản thương mại nước ngoài, nhưng cuộc điều tra hẹp về hóa chất cũng làm nổi bật những hạn chế về khả năng ứng phó của nước này, do thặng dư thương mại khổng lồ mà nước này có với Mỹ và EU.
Hành động của Trung Quốc được đưa ra sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước công bố một loạt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, bao gồm công nghệ năng lượng sạch và chip máy tính. Nổi bật nhất là việc tăng gấp 4 lần thuế đối với xe điện lên 100%, nhằm ngăn cản những công ty sản xuất xe điện lớn của Trung Quốc như BYD và Nio giành được chỗ đứng trong ngành công nghiệp ô tô Mỹ.
Nhà Trắng cho biết 18 tỷ USD hàng hóa trong “các lĩnh vực chiến lược” sẽ bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế, đồng thời khẳng định chúng sẽ giúp các công ty Mỹ có thời gian bắt kịp các đối thủ Trung Quốc về công nghệ năng lượng sạch.
Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện “các biện pháp kiên quyết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình”. Hành động ăn miếng trả miếng diễn ra theo mô hình được thiết lập dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi Washington áp dụng thuế quan đối với nhiều loại hàng nhập khẩu của Trung Quốc và Bắc Kinh đáp trả bằng hành động có mục tiêu đối với một phạm vi hàng hóa hẹp hơn.
Cuộc điều tra diễn ra sau một số cuộc điều tra của EU về trợ cấp của chính phủ Trung Quốc cho hoạt động sản xuất.
Brussels đã bắt đầu cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái, trong bối cảnh có cáo buộc rằng Bắc Kinh đang hỗ trợ ngành này bằng các khoản trợ cấp khổng lồ của nhà nước và tràn ngập thị trường châu Âu với xe điện giá rẻ. Cuộc điều tra sẽ xác định liệu các chính sách của Bắc Kinh có “gây thiệt hại kinh tế” cho các nhà sản xuất châu Âu hay không.
Theo phân tích từ nhóm chính sách Giao thông & Môi trường, xe điện do Trung Quốc sản xuất được dự báo sẽ chiếm 1/4 tổng doanh số bán ô tô chạy pin tại EU trong năm nay, tăng từ mức 19,5% vào năm ngoái.
Thông báo của Bắc Kinh được đưa ra trước thời hạn ngày 4/7 để Ủy ban châu Âu quyết định liệu họ có áp dụng thuế quan hoặc hạn ngạch tạm thời đối với xe điện Trung Quốc hay không.
Vào tháng 4, EU đã bắt đầu điều tra hai nhà sản xuất tấm pin mặt trời của Trung Quốc bị cáo buộc hưởng lợi từ các khoản trợ cấp gây bóp méo thị trường. Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời châu Âu đổ lỗi cho các đối thủ Trung Quốc đã khiến sản phẩm của họ mất giá, dẫn đến thua lỗ lớn và một số nhà máy phải đóng cửa trên khắp lục địa.
T.P